Nghệ sĩ ưu tú Phó Anh Nghiêm: Những cung bậc cuộc đời

Thứ Sáu, 05/07/2019, 15:29
Căn phòng của một nghệ sĩ múa giản dị hơn bao giờ hết, bởi gia tài của ông chẳng có gì nhiều nhặn để "khoe" ngoài bằng khen và những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đẹp của thời tuổi trẻ trên sân khấu với bạn diễn. Đó là giây phút thăng hoa của người nghệ sĩ. Ông bảo, một thời đã xa nhưng còn mãi những kỷ niệm đi cùng năm tháng đời người.


Người đến từ "Đoàn quân trung dũng"

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phó Anh Nghiêm sinh ra ở một vùng quê giàu truyền thống văn hóa (Văn Giang - Hưng Yên).

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), khi quê hương bị quân Pháp trở lại chiếm đóng, mới 17 tuổi ông đã được người anh giới thiệu vào bộ đội, đoàn Văn công Liên khu III (1953 - 1955) do nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hà Nhân lãnh đạo - một đơn vị ngay từ ngày đầu kháng chiến đã được mệnh danh là “Đoàn quân trung dũng".

Ông cho biết, khi ấy, ông vừa làm văn thư, vừa làm văn nghệ. Do có năng khiếu nghệ thuật, ông trở thành “nòng cốt” của phong trào, cùng một số anh em sáng tác múa hát “tự biên tự diễn”, động viên bộ đội và nhân dân trong các khu vực bị địch chiếm đóng.

Vợ chồng nghệ sĩ ưu tú Phó Anh Nghiêm.

Dần dần hình thành đội văn nghệ tổng hợp, được điều đi phục vụ nhiều chiến dịch ở đồng bằng - trung du Bắc Bộ và được tăng cường phục vụ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954).

Nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ, ông hào hứng hẳn lên. Cùng đội ngũ với ông có các nghệ sĩ múa Nguyễn Kì Thanh, Hoàng Túc, Nghiêm Chí, Hồ Ngọc Cẩn, Lê Anh Hợp... Đoàn được thành lập với nhiệm vụ chính là phục vụ bộ đội, dân quân, du kích vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ (các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang...), thậm chí lên cả Tây Bắc, sang cả Thượng Lào, vào cả Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Cứ có lệnh là đi, chủ yếu hành quân ban đêm, balô trên lưng, cuốc bộ trên đường mòn xuyên rừng, vượt dốc, may lắm mới có cái xe bò kéo. Nơi dừng chân là các binh trạm đón tiếp, nhận lương thực thực phẩm, rồi tự nấu ăn...

Ông Nghiêm hồi đó vừa chơi đàn Accordion vừa hát các bài "Hành quân xa", "Lên đàng", "Đường lên Tây Bắc", đệm đàn cho tốp ca "Gánh thóc khao quân", "Bộ đội về làng"; về múa có các tiết mục "Đây liềm búa công nông", "Múa nón", "Ươm tơ", "Tây Bắc tươi vui". Ngày ấy, bộ đội, dân công, du kích và nhân dân vùng giải phóng gặp được văn công là cứ vui như tết.

Chương trình kết thúc rồi, khán giả cứ yêu cầu phải hát nữa, múa nữa. Sau khi biểu diễn, cả văn công lẫn bộ đội, dân công cùng tham gia các điệu nhảy phổ biến thời đó, như "Xoè vòng", "Lăm vông", "Tìm bạn","Vui hát trên đồng hoa". Các điệu nhảy rất đơn giản, chỉ một vài động tác vừa múa vừa hát, như "Tìm bạn", "Vui hát trên đồng hoa"... Những tiết mục múa hát ấy, là một dấu ấn trong cuộc đời người làm nghề đầy hân hoan mà đến nay, mỗi lần nhắc lại ông không bao giờ quên được.

Chiến công đặc biệt trên "Con đường lửa"

Đoàn văn công Liên khu III sau chiến dịch Thượng Lào đang ở Sầm Nưa thì được lệnh cấp tốc hành quân về Tây Bắc phục vụ bộ đội dân công vùng trung tuyến. Máy bay địch ngày đêm quần thảo, ném bom đánh phá đội hình hành quân, những điểm tập kết của bộ đội ta và dân công hỏa tuyến. Đoàn văn công Liên khu III phải di chuyển thường xuyên để phục vụ các đơn vị dân công và bộ đội trên tuyến đường vào chiến dịch trên "con đường lửa" ấy.

Nghệ sĩ ưu tú Phó Anh Nghiêm và bạn diễn Phùng Nhạn trong vở "Tấm Cám".

Có một lần, trên đường hành quân trên đèo gần ngã ba Tuần Giáo thì gặp một đoàn dân công đang thồ hàng lên Điện Biên Phủ. Đột nhiên giữa đường chình ình một quả bom nổ chậm to tướng. Cả dân công lẫn văn công đều hoảng, không dám vượt qua.

Văn công còn có thể chờ công binh đến phá bom. Dân công thì không, họ phải mang hàng đến điểm tập kết đúng thời hạn, không được chậm trễ. Đoàn trưởng đoàn dân công cứ vò đầu bứt tai lo lắng. Quả bom cứ chình ình ra đấy, không biết nó nổ lúc nào. Tình hình căng quá.

Nghe nói hàng dân công thồ "rất quan trọng, phải giao kịp thời, không thì ảnh hưởng đến chiến dịch". Chị Hà Nhân lúc đó đắn đo mãi rồi nói: "Chúng ta phải hành động thôi, vì chiến thắng các bạn ạ. Bom có thể chưa nổ ngay đâu, cần có người ra hát bên cạnh nó, để dân công yên tâm đi qua".

Đoàn trưởng nói, tức là lệnh rồi. Thời đó lãnh đạo ra lệnh, mà quân không thực hiện là không được. Cả đoàn nhìn nhau, nín lặng. Lúc ấy Phó Anh Nghiêm đang đeo cây phong cầm trước bụng. Không hiểu sao anh em nhìn ông như thúc giục.

Ông nhớ lại: "Nói thật, lúc đó tôi run lắm! Biết đâu, ra hát cạnh, nó "uỳnh" một cái là toi đời. Nhìn thấy chị Hà Nhân đang bàn bạc với đoàn trưởng đoàn dân công, tôi biết chị ấy đã quyết tâm "trấn an dân công" bằng được. Bà nghệ sĩ chính trị viên ấy vốn có tính quyết đoán chẳng kém gì các ông tướng quân đội. "Phải dấn thân thôi, không xanh cỏ thỉ đỏ ngực".

Tôi hít một hơi rồi rảo bước đến bên quả bom, mang đàn ra vừa chơi vừa hát to bài "Lên đàng". Hết "Lên đàng" sang "Hành quân xa", rồi "Đường lên Tây Bắc". Tâm trí tôi trôi theo các bài hành khúc, chẳng còn để ý tới quả bom và xung quanh. Sau bài hát đầu thì anh An Viết Đàm (tác giả các tiết mục chèo) chạy đến đứng cạnh mình cùng hát. Dường như cả đoàn cùng hát vang núi rừng.

"Noi gương văn công anh dũng", đoàn dân công hối hả vượt qua đoạn đường có trái bom nổ chậm. Đoàn trưởng đoàn dân công chạy đến cứ nắm tay tôi cám ơn: "Đồng chí cừ quá. Xin cám ơn đồng chí, cám ơn các anh chị em văn công! Tôi sẽ báo lại việc này lên cấp trên".

Dân công đi được đoạn xa rồi, chị Hà Ngân mới hét lên "chạy nhanh lên các bạn". Tôi chẳng kịp khoá đàn, cứ thế co giò chạy thục mạng theo mọi người. Tôi chẳng biết chạy xa được bao nhiêu, chỉ nghe sau lưng tiếng bom nổ rầm trời. Thật hú vía".

Người nghệ sĩ mang nghệ thuật múa Việt Nam đi khắp thế giới

Một bước ngoặt lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của Phó Anh Nghiêm, là ngay sau đó ông được điều về Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam), chính thức bước vào cuộc đời là một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đây cũng là cái nôi đã nuôi dưỡng ông trong nhiều năm trở thành nghệ sĩ tài năng, trở thành một trong những “con chim đầu đàn” của nghệ thuật múa Việt Nam.

Nghệ sĩ Phùng Nhạn, Phó Anh Nghiêm, Bích Ngọc và Nhạc sĩ Trần Hiếu.

Trong hơn 50 năm làm nghề múa, NSƯT Phó Anh Nghiêm đã hàng trăm lần biểu diễn với các thể loại múa khác nhau, mang những tính cách khác nhau từ múa đơn, múa đôi, múa ba, đến các hình thức múa lớn như kịch múa, thơ múa, tổ khúc múa, soliste trong các tác phẩm tập thể...

Từ sân khấu là trận địa chiến trường, sân khấu là nhà hát chính quy trong nước, và đến sân khấu lớn hiện đại ở nhiều nước phát triển trên thế giới... Ở đâu ông cũng qua tài nghệ biểu diễn của mình, để lại những hình ảnh nghệ thuật chân thực, giàu cảm xúc, giàu bản sắc, thuyết phục lòng người.

Ông đã nhiều lần cùng đồng đội “đem chuông đi đánh xứ người” trong các cuộc thi múa quốc tế, giành được nhiều giải thưởng lớn như Huy chương vàng quốc tế về múa đôi “Tuần Đuốc” (cùng NSND Đặng Hùng); 3 huy chương vàng quốc tế tham gia trong 3 điệu múa tập thể: “Rông Chiêng”, “Xà Dăm”; Chàm Rông”...

NSƯT Phó Anh Nghiêm cùng NSND Phùng Nhạn, NSND Chu Thúy Quỳnh được ghi tên trong “Từ điển bách khoa toàn thư” của Liên Xô (trước đây), dành cho “cánh chim đầu đàn” của nghệ thuật các nước. Ngoài ra ông còn được tặng nhiều bằng khen, kỉ niệm chương trong các cuộc thi quốc tế khác và các huy chương vàng bạc trong các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ở trong nước...

Các nhà nghiên cứu lí luận - phê bình múa, cũng như báo chí thường đánh giá cao Phó Anh Nghiêm trong sáng tạo nghệ thuật biểu diễn và người xem cũng thấy ông không chỉ có sức truyền cảm về kĩ xảo biểu diễn mà thông qua kĩ xảo đã khắc họa lên cái “hồn” của tác phẩm, những tính cách khác nhau trong từng điệu múa (nhất là trong các điệu múa đôi); những tính cách nhân vật (múa trữ tình - múa hành động) trong mỗi tác phẩm kịch múa, dù đó là kịch múa nhỏ hay kịch múa lớn như các nhân vật Trừ Văn Thố trong kịch múa Trừ Văn Thố, được giải thưởng Nhà nước - 2001 (NSND Nguyễn Thị Hiển); Sĩ quan Mĩ trong kịch múa “Bà  má miền Nam” (NSND Thái Ly); Thạch Sanh - kịch múa “Thạch Sanh” (NSƯT Thanh Hùng - NSND Nguyễn Thị Hiển) và một tác phẩm thành công hơn cả của ông là vai hoàng tử trong kịch múa lớn “Tấm Cám” (sáng tác tập thể biên đạo, Đoàn Ca Múa nhân dân Trung ương (1960) - tác phẩm đã được giải thưởng Hồ Chí Minh).

Ông chia sẻ, “múa đơn được phát huy cao độ kĩ xảo biểu diễn cá nhân, thông qua đó mà thể hiện tính cách, nội dung tác phẩm. Cái “ma lực” thu hút khán giả là ở đó. Còn múa đôi, chỉ phô trương tài năng cá nhân là hỏng! Nó đòi hỏi phải hài hòa với người cùng diễn, phải biết phối hợp nâng nhau lên, tạo cho nhau sự thể hiện tính cách hoàn chỉnh của hình tượng nghệ thuât đã được định hình trong tác phẩm.

Ông thành công nhiều trong thể loại biểu diễn này (hơn 20 điệu múa đôi) là nhờ sự ăn ý cùng sáng tạo với bạn diễn như NSND Phùng Nhạn, NSND Chu Thúy Quỳnh, NSƯT Hoàng Điệp, NSƯT Vân Quyên, NSƯT Nguyệt Ánh và nhiều nghệ sĩ khác... Ông cũng đã may mắn được nhiều lần biểu diễn cho Bác Hồ xem. Điều đó khiến cho ông cảm thấy vinh dự và may mắn khi được theo đuổi nghệ thuật múa.

Nhưng rồi, khi tài năng đang nở rộ, thì nghệ sĩ Phó Anh Nghiêm bị bệnh hiểm nghèo. Ông phải tháo một số đốt ngón tay do bị viêm tắc động mạch... Ông dừng lại sự nghiệp biểu diễn nhưng lại chuyển sang biên đạo múa cho các đơn vị. Ông đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, và khởi xướng, ứng dụng nghệ thuật “nhẩy dậm chân” (dance Tap) còn gọi là Claquettes dance, một hình thức nghệ thuật nhảy nổi tiếng của thế giới mà trong nước chưa ai đề cập đến.

Claquettes là một loại hình nghệ thuật xuất xứ từ điệu nhảy dân gian đặc sắc của người da màu Nam Mĩ, được phổ biến rất rộng ở châu Phi, châu Úc và lan sang châu Âu. Nhiều dân tộc ở nhiều nước coi như của mình, vì thế đã trở thành một hình thức nghệ thuật nhảy quốc tế. Loại nhảy này thường đi một loại giày mũi nhọn và gót đóng thêm đinh.

Người nhảy theo nhịp điệu nện gót, mũi giầy xuống sàn, tạo ra một tiếng vang với những tiết tấu phong phú. (khác với loại nhảy dậm chân của dân tộc Nga là rất ít sử dụng thân người trên). Ông đã thành công ngoài mong đợi trong xu thế này, ông không chỉ đi dạy trong nước mà còn ra cả nước ngoài.

Ông bảo, đối với ông, hạnh phúc trọn vẹn nhất là được theo đuổi nghệ thuật múa và may mắn hơn cả ông có người vợ hiền thục, tảo tần luôn hiểu và đồng hành cùng ông trong chặng đường cuộc sống. Bà Ngô Bích Ngọc, vợ ông cũng là một diễn viên múa cùng Đoàn Ca múa nhưng sau này, bà chuyển sang Cục Nghệ thuật biểu diễn làm hành chính để chăm sóc người con gái duy nhất của ông bà, để ông yên tâm với con đường nghệ thuật.

Ở tuổi 83, ông bà vẫn luôn bên cạnh yêu thương chăm sóc và kể về những kỷ niệm gắn bó một thời với nghệ thuật múa như chưa bao giờ phải rời xa...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.