Nghệ sĩ và câu chuyện về thế giới động vật: Có một tình yêu như thế

Thứ Hai, 26/08/2013, 20:30

Trong tác phẩm “Không gia đình” của Hector Malot, cậu bé Rêmi đáng thương đã phải vật vã những tháng ngày kéo lê khắp nơi từ nước Pháp tới các nước khác để kiếm sống với gánh xiếc của ông già Vitali. Ở xã hội lúc bấy giờ, sau khi ông Vitali người đỡ đầu của cậu bé qua đời trong khung cảnh đen tối, cậu bé đã phải nương tựa vào những con vật thân quen mà ngày ngày bầu bạn, đó là chú chó Capi, con Decbinô, con khỉ Giôlicơ… để chống chọi với cái độc ác, tàn nhẫn của xã hội chà đạp lên thân phận của con người. Chỉ có những con thú cưng là hiểu được tiếng người và là con vật trung thành khi không bao giờ rời bỏ bạn.

Thậm chí, khi tất cả mọi người quay lưng với bạn thì thú cưng sẽ ở bên bạn, và trung thành cho đến lúc chết. Chính vì vậy, cho đến giờ, chuyện giữa người và thế giới động vật vẫn luôn thấu hiểu được “tiếng lòng” của nhau. Nghệ sĩ vốn mong manh, nhạy cảm, giàu cảm xúc. Người nghệ sĩ tìm được sự an toàn và tình thương yêu sâu sắc với thế giới động vật, nơi trú ngụ bình yên nhất của tâm hồn.

Câu chuyện thứ nhất

Từ lâu, nhạc sĩ tài hoa Phú Quang đã sớm dự cảm: “…Một sớm mai nào. Thấy mình trong gương. Tóc mờ như sương. Một sớm mai nào. Chợt tỉnh cơn say. Không còn bạn bè. Không lời hẹn thề…" (Chuyện bình thường cuối cùng). Trong tâm hồn luôn day dứt, có vẻ sầu muộn ấy là một cảm xúc rất đỗi bay bổng, phiêu bồng. Con người đấy ngoài thanh âm vang lên của các nốt nhạc trên phím đàn, ngoài giai điệu luyến láy trầm bổng trong các tác phẩm âm nhạc của mình, ông còn là người đặc biệt rất thích nghe chim hót. Trong một lúc cao hứng, người nhạc sĩ đã hồn nhiên tâm sự rất thật: "Giờ chơi với chim, với chó mèo còn thích hơn chơi với người…".

Ông yêu thiên nhiên và thế giới động vật.  Những con chim xuất hiện trong tác phẩm âm nhạc của người nhạc sĩ khá nhiều: “Vẫn nghe quanh đời. Những bầy chim đêm. Vỗ đôi cánh đen. Ngậm một mặt trời. Bay vào mịt mù…” (Nỗi khát khao mặt trời). “Giường chiếu thênh thang tiếng chim gì chẳng rõ thưa thớt trong mưa…” (Buổi sáng), “Tháng sáu trời buồn, tháng sáu riêng anh bầy chim sẻ hiên nhà bay mất như em như em…” (Khúc mưa).

Đến nhà nhạc sĩ, ngồi ở tầng hai ngó ra khu vườn là cây bưởi trĩu quả đung đưa trước gió, bắt gặp những đóa hoa mai hoàng yến vàng rực nở rộ trước sân nhà, thi thoảng lại nghe râm ran tiếng chim hót. Thì ra, trên tầng ba của ngôi nhà là những chú chim cưng của người nhạc sĩ. Ông kể trước đây, có con sáo ông rất thương. Hằng ngày ông nói chuyện là con sáo lại bắt chước. Thậm chí, nó nói được cả tiếng người. Cứ mỗi lần ông ngồi vào chiếc dương cầm, khi những giai điệu vang lên là con yểng lại véo von hát hò ầm ĩ cả lên khiến người nhạc sĩ rất phấn khích.

Một hôm, cháu mình cho chim ăn quên không đóng cửa lồng, chẳng may con yểng nhảy ra ngã xuống bể cá chết đuối. Sáng hôm sau, nhìn xuống bể cá thấy xác chim, mình rất thương. Buồn mất mấy ngày. Từ ngày con yểng mất đi, nhạc sĩ nuôi mấy chú chim cu. Mấy chú chim cu này vẫn líu lo hót suốt ngày nhưng hình ảnh con yểng ngày nào vẫn sâu đậm trong ông.

Tại "vương quốc âm nhạc" đấy, ngoài tổ chim còn có con mèo sở hữu cặp mắt xanh biếc tròn vo tuyệt đẹp, và bộ lông trắng muốt mềm mượt như tơ. Người nhạc sĩ bồi hồi nhớ lại lần nuôi con mèo thứ nhất đẹp lắm nên bị kẻ trộm rình rập bắt mất. Đến con thứ hai cũng rất đẹp thì lần này người nhạc sĩ rút kinh nghiệm lần trước, cẩn thận hơn đã phải xích con mèo lại.  Hoặc nếu có thả thì phải đóng kín cổng, để nó không chui ra ngoài được.

Tết vừa qua, mọi người kéo đến nhà nhạc sĩ để chúc tết. Nhà đông khách, người ra người vào tấp nập, con mèo Tây hiền lành chưa nhìn thấy cảnh nhộn nhịp trong nhà như thế bao giờ. Nó có vẻ hoảng sợ, lẳng lặng chui qua gầm ôtô, len lén bỏ đi ra cổng rồi đi mất. Đến chiều tối, nhạc sĩ không thấy mèo đâu, cả nhà đổ đi tìm nhưng con vật vẫn bặt vô âm tín. Suốt nửa tháng ròng rã, nhạc sĩ cũng chả thiết ăn uống gì, nhớ thương con mèo vì lo lắng nó là mèo Tây bản tính vốn hiền lành chứ không khôn lanh như mèo ta. Sẽ kiếm mồi ra sao? Trời gió rét mướt thế này. Càng thương càng nóng ruột, xót xa.

Khi đã chẳng còn hy vọng gì thì một hôm cậu lái xe của nhạc sĩ trông thấy cái đuôi quen quen bèn đi theo. Đến một nhà nọ, do con mèo đói quá liền ăn vụng thức ăn của con chó. Con chó bị mất khẩu phần ăn mới xông ra cắn, con mèo sợ quá chui vào khe rất bé. Cái khe bé quá, con mèo chui vào thì được, chui ra lại không lọt, loay hoay mãi không ra được nên cậu lái xe xuống xe bắt về. Sau khi bắt con mèo về. Chủ tớ gặp nhau mừng mừng, tủi tủi.  Còn mèo biệt tăm tích hai tuần lễ, lông lá xác xơ, dáng điệu bơ phờ mệt mỏi, lại có phần còn hoảng sợ. Người nhạc sĩ sau khi pha sữa cho mèo uống, bế ẵm cưng nựng hồi lâu liền phải nhốt lại mấy ngày cho hoàn hồn.

Câu chuyện thứ hai

Danh hài, NSƯT Minh Vượng hào hứng kể: "Trẻ con phải tập cho biết yêu cành cây, thiên nhiên, hoa lá. Yêu thế giới động vật. Một đứa trẻ ngay từ bé đã bẻ cành cây, ngắt hoa, đá con chó thì lớn lên nó sẽ chẳng ngại mà không cầm dao giết người". Danh hài tung tăng với sân khấu thiếu nhi mỗi ngày nhiều xuất diễn vai con cún. Chị vừa viết kịch bản, vừa hóa thân. Chị đóng chú chó nhỏ say sưa đầy sáng tạo. Chẳng là, trong cuộc sống của NSƯT Minh Vượng gắn liền với giai thoại và kỷ niệm sâu đậm với chó. Chị nuôi hai đời chó, chó mẹ và chó con.

Chị kể: "Nó khôn lắm. Cái con Tô Ni ý. Giờ thì nó đã mất rồi". Từ ngày Tô Ni mất đi đến giờ đã hai năm. Tình thương của chị với Tô Ni lớn đến độ chị chẳng thể san sẻ tình cảm đấy cho một con chó nào nữa cả. Để trung thành và tưởng nhớ đến Tô Ni, chị quyết định không nuôi thêm một con vật nào nữa. Bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu thương nhớ, Tô Ni khi mất đã mang theo cả về thế giới bên kia. Một chiều Hà Nội mưa như trút, ký ức khi xưa vọng về hình ảnh chú chó thân yêu.

Nhà chị có ba cái ghế. Một cái ghế của người chị gái, một ghế của chị, một ghế của chó. Chị về thấy Tô Ni ngồi ghế của chị. Chị nghiêm sắc mặt bảo: "Này, Tô Ni, ghế mày đâu sao  ngồi ghế tao, tao ngồi vào đâu?". Tô Ni cun cút sang ghế nó ngồi. Nhà có khách, chị mải nói chuyện quá giờ ăn. Nó chạy ra nhìn chị. Chị bảo: "Mày nhìn cái gì? Vào mâm cơm lấy quả dưa chuột, hôm nay tao bận". Nó lại lũn cũn vào mâm cơm lấy đúng quả dưa chuột, hai tay kẹp ăn như người. Còn nhốt nó trong một tuần với một mâm cơm, không bảo nó ăn thì kể cả chết đói nó cũng không bao giờ ăn. Còn nếu ăn, Tô Ni phải ăn ở trong bát đẹp.

Khi cho Tô Ni ăn, chị phải vừa ăn, vừa dỗ: "Mẹ yêu con" thì chú chó mới chịu ăn. Còn nếu đặt bát xuống, buông chỏng lỏn một câu: "Ăn đi". Nó ngước mắt nhìn, như muốn hỏi: "Sao lại đối xử với tôi phũ phàng như thế?!"

Khi con chó nhỏ gần một tuổi nó kéo cái vạt áo của chị, 10 năm sau nghệ sĩ hỏi con chó: "Tô Ni, đứa nào cắn cái áo của mẹ?". Nó lấy tay che mặt như muốn nói: "Tôi không biết". Chị bảo: Nó không biết nói, nhưng mình nói cái gì nó cũng dịch ra được. 17 năm chị nuôi chó. Mà 7 năm của chó bằng 1 năm của người.

Trước Tô Ni là mẹ nó. Mẹ nó tên là Ben. Một con chó đáng yêu vô cùng. Con Ben sinh một lúc  được 3 “cô chị” và một thằng “con trai” duy nhất. Trong lúc cấp bách vì làm bà đỡ, chị chẳng nề hà gì, hà hơi thổi ngạt, mút mũi nó. Chị bảo: "Lúc đấy chẳng còn nghĩ gì nữa, chỉ thấy cuống lên lo lắng cho mấy mẹ con nó. Chỉ nghĩ là làm sao cứu được lũ chó đáng yêu, sinh linh nhỏ xíu đó...".

Khi nó gần 1 tháng thì mẹ nó và 3 chị gái bị đi ngoài chết. Chỉ còn lại mỗi mình nó. Chị vẫn mắng yêu nó: "Mày mồ côi mẹ từ sớm nên không ai dạy". Nó nhảy lên người mình vuốt, cào, mà để móng vuốt xước cả người mình ra. Khi con Ben bị ốm, chị thấy trong lòng bồn chồn ghê gớm. Lúc đó chị vẫn đang mở cửa hàng giày. Chị bảo cô bé bán giày: "Cháu trông hàng, cô về nhà, chắc con Ben có vấn đề". Vừa đặt chân về đến nhà, chị gái nhìn thấy chị bảo: "Thôi, Vượng đi ra ngoài đi. Nó đang hấp hối giãy chết đấy, Vượng xót nó, vào sẽ đau lòng lắm…".

Thế mà con Ben đau đớn vật vã hai tiếng đồng hồ không chết được. Chị bảo: "Thôi, cho tôi vào đi, chứ cứ đứng ngoài này lòng dạ tôi cứ như trên đống lửa". Chị vào, nó nhìn chị, tứa nước mắt ra. Chị cũng tứa nước mắt. Chị vuốt ve nó bảo: "Thôi, con hóa kiếp đi. Mình chỉ có duyên đến đây thôi. Thôi, mẹ về đến đây rồi. Con yên tâm mà nhắm mắt đi…". Thế là con Ben nhắm mắt duỗi đơ ra chết.

Khi con Ben chết, ba con con cũng lần lượt đi theo vì bệnh tiêu chảy. Chị tắm xong cho mấy con chó, lấy tấm vải trắng cuốn con mẹ và 3 con con vào, xức nước hoa xong mang tới nghĩa trang Quảng Bá chôn. Chị nhớ mãi ngày chở chó ra chôn ở nghĩa trang, hôm đấy là chiều thu, còn lất phất mưa nữa. Trong người hôm đấy sao buồn nôn nao, hai hàng nước mắt cứ trào ra nơi khóe mắt. Suốt cả đoạn đường đi, chị vừa đi vừa khóc. Trong lòng thấy hụt hẫng và trống vắng vô cùng. Một mất mát lớn lao. Một điểm tựa tinh thần vừa bị tước bỏ. Sau này, chị dành hết yêu thương cho Tô Ni. Đến khi Tô Ni già yếu sinh bệnh mà chết, chị đã thề nhất quyết một lòng một dạ theo Tô Ni, không nuôi thêm một con vật nào nữa cả.

Câu chuyện thứ ba

Trong giới nghệ thuật, không ai không biết NSND Lê Hùng, yêu động vật ở mức độ không tưởng. Ông say mê các con vật một cách kỳ lạ. Tại đại bản doanh đấy là một trang trại bao gồm những con vật nuôi: chó, mèo, gà, lợn, chim, rùa… Nếu không có người gàn thì Lê Hùng đã vác cả ngựa về nuôi ở thành phố. Ông là người lên tiếng đòi quyền bình đẳng cho động vật.

Ông vô cùng bất bình vì những câu ác miệng của người đời khi ghét nhau cứ bảo: “Mày là thằng chó” hay “Chó thật”, “Đồ chó”. Ông giận dữ phân bua: "Con chó có tội tình gì nếu không muốn nói nó là con vật rất tín nghĩa, trung thành hết mực với chủ. Khi con người quay sang phản chủ, chơi xấu, hành tội, đâm lén… thì con chó là động vật trung thành cho tới chết. Chơi với chó an toàn, yên tâm. Nó là bạn đồng hành tri kỷ của con người". Ông yêu chó cũng vì lẽ đó.

Nhà Lê Hùng luôn có một ôsin chỉ chuyên lo công việc vệ sinh và nấu ăn cho các loài vật nuôi. Nhà có hai nồi cơm điện loại to. Ngày nào cũng nấu hết công suất cho chó và mèo. Ngoài ra, nhà vị đạo diễn nuôi toàn mèo Tây, khi dựng vở ở trên Thái Nguyên, làm xong đến 1 giờ đêm, vị đạo diễn hớt hải lao về Hà Nội vì biết rằng 4 giờ sáng con mèo chuyển dạ. Ông về đỡ đẻ cho con mèo xong xuôi, vừa kịp rửa tay chả kịp nghỉ lại hối hả lao đi Thái Nguyên lúc mờ sáng.

NSND Lê Hùng.

Câu chuyện thứ tư

NSND Lan Hương (Em bé Hà Nội) có một chú chó nhỏ khiến chị cực kỳ yêu thích. Chị bảo, biết bao phiền muộn trên đời, biết bao khúc mắc, chỉ cần ở bên chó nhỏ là chị quên hết. Chị thấy mình lại tràn trề sinh lực. Thấy yêu và được yêu. Chú chó nhỏ đấy đáng yêu đến độ chị có thể ở bên vuốt ve chăm bẵm, ngắm nghía, cưng nựng đến hàng giờ mà không biết mệt mỏi. NSND Lan Hương là một người hăng say và luôn cháy trong lòng một ngọn lửa đam mê cuồng nhiệt. Người nghệ sĩ này yêu ai yêu như rút ruột, ghét ai cũng dữ dội hệt như vậy. Chị lao động một cách hăng say, sáng sớm tới nhà hát, đến trưa chị thấy nhớ cồn cào chú chó nhỏ. Cơn nhớ mỗi lúc một quay quắt hơn. Chị lại phóng xe cả chục cây số đội cái nắng như thiêu như đốt để về nhà chỉ cốt "nhìn một tí cho đỡ nhớ" rồi lại đi.

Để giải quyết cái khâu nhớ nhung mãnh liệt này, chị quyết định đưa chú chó cưng đến nơi làm việc để nó quanh quẩn ở bên mình. Nhưng ở nhà hát thì lịch tập thông tầm, chó không có cái ăn sẽ bị đói. Rồi hôm chị đưa nó đến nhà hát, cả đoạn đường dài dưới cái nắng hè chị sợ làm nó mệt, nên sau một hôm đưa chó đến nhà hát chị thôi không đưa đi nữa mà lúc nào nhớ quá chị lại tranh thủ về nhà, bất chấp trời có đổ mưa tầm tã hay nắng cháy da  để về chơi một tí với chú cún nhỏ đáng yêu của mình

Trần Mỹ Hiền
.
.