Nghệ sĩ và thú chơi hoa ngày Tết

Chủ Nhật, 29/01/2017, 08:50
Nói đến Tết là nói đến mùa xuân về, nói đến mùa xuân về là nói đến đất trời vạn vật âm dương giao hòa, cây cối đâm chồi non lộc biếc, không gian bát ngát bao la và lòng người trở nên sâu lắng, dạt dào, chộn rộn, bâng khuâng cảm giác kì lạ. Chơi hoa, thưởng hoa, ngắm hoa là một thú chơi tao nhã thanh nhàn của khách văn nhân, tài tử.

1. Với NSND Hoàng Cúc, chị luôn cho rằng cái giàu không nuôi sống được tâm hồn con người. Nhà cao cửa rộng, tiền bạc nhiều chỉ là vật chất, mà vật chất có cân có lạng, nhưng tâm hồn con người không có cân, có lạng, chính vì thế mình không thể để mất được.

Chị bảo, ngày còn bé chị không hiểu nhiều lắm. Chỉ biết cứ đến Tết trong mỗi gia đình miền Bắc có hoa đào, miền Nam lại phải có hoa mai. Miền Bắc thì đặc trưng chơi hoa đào, trồng cây quất, quýt và cắm các loại hoa thược dược, lay ơn, violet… Đến khi trưởng thành qua tìm hiểu đọc sách mới biết tại sao Tết lại có những loại cây đó vì nói theo tâm linh vạn vật, như ở miền Bắc mùa đông giá lạnh nhưng vào đúng đêm 30 Tết, giờ khắc giao thừa linh thiêng từ trường của trái đất giao thoa làm khí hậu ấm lên, quan âm lên trên trần đi như trẩy hội, còn các vị thần xuống hạ giới đi du xuân, rồi họ chấm điểm từng nhà. Nếu như nhà nào năm đó có chuyện buồn thì gia đình đó chẳng muốn sắm gì. Nhà nào không buồn thì dù nghèo mấy, người ta cũng sắm cây cảnh trong nhà.

Khi trưởng thành có nhà riêng, dù nhà bé đến mấy nhưng đến Tết trong nhà vẫn phải có một cành đào và một cây quất. Cách đây đã lâu, hồi ở trên phố Nguyễn Quyền, tổng diện tích căn nhà chỉ có 8 mét vuông, bất luận kê góc nào không cần biết nhưng dứt khoát phải có một cây quất và một cành đào thì trong nhà mới có đấy là khái niệm về Tết. Sau khi ngắm đào, quất rồi mới đi mua hoa về cắm cho không khí gia đình thêm xuân.

Sau này có nhà rộng rãi hơn, khang trang hơn, có điều kiện để trang hoàng nhà cửa hơn. Có năm, Đêm 30, hai mẹ con đi ngoài đường bắt gặp người bán quất bị ế, họ cần phải về nhà đoàn tụ gia đình để đón giao thừa, hai mẹ con liền mua hết chỗ quất của người ta rồi hì hụi khuân chở về những cây quất bé tí mà rẻ lắm, bầy đầy nhà. Những cây quất con lá xanh mướt mát, hoa trắng muốt thơm dịu, quả xanh quả vàng chi chít giăng khắp từ ngoài cổng vào hết cả hành lang. Thấy thích lắm, không khí nhà tưng bừng. Và năm đấy nhà gặp toàn chuyện vui.

Mà cũng đúng lắm. Năm con trai lấy vợ, chị cùng con dâu cất công hai ngày trời đi từ sáng đến tối để chọn một cây đào thế rất đẹp đặt ở dưới tầng 1, nụ đào to lắm, nhưng sau đó đợi mãi mà không nở bông nào. Chị bảo với con: “Con ơi, hoa không nở chắc phải có vấn đề gì?”. Năm ấy, trong một lần đến bệnh viện khám sức khỏe tổng thể, chị bất ngờ được tin mình mắc bệnh ung thư. Cả năm đấy đi chữa ung thư. Đấy! người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Đúng là một cái điềm. Điềm lạ lắm.

NSND Hoàng Cúc.

Có một năm nhà trồng cây mai vàng, Tết đến chưa thấy nở hoa, nên không để ý đến cây nữa. Qua tháng giêng, hôm ấy vừa đi về đến cổng, ngay trước mắt là cả một rừng hoa mai vàng nở bừng, tất cả các bông hoa. Năm đấy kinh doanh đất trúng lắm. Trúng kinh khủng. Đến lần thứ hai, gần Tết chị mua một cây mai vàng, chơi Tết xong rồi còn ít nụ, mang ra sân nhiều đất trồng bẵng đi đến tháng 12 năm đấy hoa nở tưng bừng, chị bảo con dâu: “Này, hoa nở tưng bừng thế này mà con không chửa thì phí nhỉ?”.

Vài ngày sau thì có tin con dâu có bầu đứa cháu trai. Thật là chơi cây dưỡng thần. Chị bảo mình chăm sóc cây, mình vun vén cho cây tức là lòng mình vui, làm việc gì cũng thuận. Còn lòng mình buồn, mình có bệnh, mình không thiết tha gì, cây cối cũng chả tươi lên được.

Cứ mỗi độ tháng 12 Âm lịch vào những ngày giáp Tết, NSND Hoàng Cúc lại tự tay đi chọn hoa, chọn cây cho nhà mình. Có người bảo: “Bận rộn vất vả thế, sao không nhờ ai đi mua?”. Thật ra, họ không biết,  được tự tay sắm cây, sắm hoa là một thú rất vui mà cả năm chị chỉ đợi, mong chờ mãi thôi đấy!

2. Còn với NSND Lan Hương, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhà gần làng hoa Ngọc Hà, nên ngay từ nhỏ chị đã yêu thích tất cả các loài hoa, loài hoa nào có mùi thơm thì đều rất thích. Ngày còn bé cứ mong đến Tết là được đốt pháo. Sớm mồng 1 xác pháo nhuộm hồng khắp ngõ, phố, lại cùng bọn trẻ trong xóm sang nhà nhau chơi, thỏa thuê ngắm đào vì nhà ai cũng có một cành đào. Rồi còn đọ xem cành đào của nhà ai to hơn, nhiều bông, nhiều nụ hơn. Những bông hoa đào tròn xoe, hồng tươi chúm chím báo hiệu mùa xuân đã về.

Mà cũng lạ, hoa đào luôn nở vào đúng dịp Tết và trước giao thừa năm nào cũng vậy, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng xanh trong ánh lửa bập bùng, bọn trẻ con trong xóm cũng ríu rít cùng với người lớn phấn chấn để đợi đến giờ vớt bánh chưng. Ở đó những câu chuyện được kể, cả những câu chuyện ma làm trẻ sợ hãi nhưng lại rất tò mò, háo hức được nghe.

Tiếng pháo từ lâu đã không còn nữa, ánh lửa vàng bên nồi bánh chưng giờ cũng chẳng phải dễ mà bắt gặp. Chỉ còn lại có hoa đào là cho đến bây giờ nhà ai ở miền Bắc cũng vẫn duy trì. Tết đến, trong nhà không có đào là cảm thấy như chưa có không khí Tết. Cây đào không chỉ đẹp, có giá trị rất lớn về tinh thần. Ngắm hoa đào người ta thấy bâng khuâng xao xuyến nhớ về kỷ niệm một thời tuổi thơ, tuổi trẻ, của không khí gia đình vào những ngày đầu xuân năm mới, nhớ đến nguồn cội tổ tiên, ông bà, cha mẹ, rồi lại thấy lòng mình rộn ràng niềm vui, hy vọng bước sang năm mới với một sự tốt đẹp tràn đầy sinh khí.

Nhiều năm trở lại đây, đời sống đã khá hơn người ta không chỉ cắm cành đào mà chuyển sang chơi đào thế. Rồi có nhiều loại đào, đào Nhật Tân ở quận Tây Hồ, Hà Nội hay đào rừng ở những vùng miền núi phía bắc như Mộc Châu, Sa Pa, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn… được chuyển về Hà Nội với những thân xù xì rêu mốc, bông hoa chỉ có 5 cánh hồng tươi, hoặc phơn phớt hồng tùy vào địa lý của từng vùng cho những dáng đào, bông hoa đào khác nhau.

NSND Lan Hương bảo, chị cũng rất thích đào rừng với những bông hoa 5 cánh màu hồng nhạt, thân vươn dài chắc khỏe. Sức sống của đào rừng thật kì lạ, vừa mới hôm qua cả thân cây như một cành củi khô, chỉ lác đác một vài bông hé nở; vậy mà chỉ vài ngày sau, những nụ li ti tí xíu ấy bừng nở, tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ của con người và mảnh đất Việt Nam. Của cả một dân tộc Việt Nam trước đây trong cuộc chiến tranh ác liệt thì chưa từng bị khuất phục.

NSND Lan Hương.

Năm nào cũng vậy, trong nhà chị phải có một cành đào rừng, uốn cây chạy quanh nhà và thích nhất là khi ngồi ở bộ ghế xa lông xem chương trình truyền hình ngày Tết và ngắm đào, bên cạnh là ly rượu vang và một ít bánh mứt Tết. Như thế thật là tuyệt!

3. Tết đến, xuân về người Bắc có hoa đào, người miền Trung và miền Nam có hoa mai. Do khí hậu ở miền Bắc lạnh thích hợp với việc trồng đào, miền Trung và miền Nam khí hậu thích hợp với cây hoa mai. Trong nhà NSND Doãn Hoàng Giang mỗi dịp Tết đến mọi người tặng nhiều chậu hoa lan, hay cây quất, thậm chí là cây quýt. “Tùng, cúc, trúc, mai”  (biểu trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông) là bốn loại cây – xuất hiện trong bộ tranh tứ quý bốn mùa, trong nhà ông năm nào cũng có nhị quy,á tức là hai loại cây, mai và cúc trong tứ quý.

Theo văn hóa Nho giáo, bộ tranh  “Tùng, cúc, trúc, mai” biểu trưng cho người quân tử. Hoa cúc được dịch nghĩa: “Diệp  bất ly chi, hoa vô lạc địa” (Lá không rời cành, hoa không rụng xuống đất), hàm ý tượng trưng cho khí tiết kiên trung của người quân tử. Trong phong thủy, hoa cúc vàng là biểu tượng của sức sống, tăng thêm phúc lộc và niềm vui, mọi sự cát tường như ý. Chính vì vậy mà hằng năm đến ngày Tết, ông vẫn thường cắm 100 bông cúc vào bình sứ trước cửa nhà tạo cho mình cảm giác yên ổn, an tâm, lạc quan, phấn chấn.

NSND Doãn Hoàng Giang.

Hoa đào không được liệt vào trong bốn loại cây tứ quý nhưng trong tâm khảm người dân Việt thì cây đào tượng trưng cho Tết. Nhắc đến đào là nhắc đến Tết. Chưa đến Tết nhưng đi đường nhìn thấy người ta thồ xe đạp, xe máy chở đào trên các con phố, là trong lòng lại reo lên: “A, mùa xuân đã về, và Tết đã tới”.

Ngay cả giờ đây, kỹ thuật giống cây trồng cao, thì giống hoa khó trồng người ta cũng ép giống để các loài cây khác ra hoa quanh năm suốt tháng, nhưng riêng với hoa đào và mai thì đặc biệt chỉ có vào dịp Tết. Chính vì chỉ xuất hiện vào dịp đặc biệt đầu năm mới nên hai loại cây này có thể được coi là vua chúa của các loài hoa.

Chơi hoa là một thú chơi tao nhã, thể hiện lối sống phong lưu của người Hà Thành.

Trần Mỹ Hiền
.
.