Nghệ thuật nơi công cộng: Liệu có lường được những “tai nạn”?

Thứ Hai, 02/04/2018, 11:16
Nhân câu chuyện “thời sự” nóng trên nhiều mặt báo chí lẫn mạng xã hội về tính thẩm mỹ và dung tục của tượng đá 12 ông giáp thỗn thện không mặc gì trong quần thể du lịch đảo Hòn Dáu, Hải Phòng.

Trước nay người ta vẫn nói rằng nói có 3 vấn đề rất khó tranh luận, đó là thẩm mỹ, tôn giáo và tình yêu. Bởi trong đó, hệ quy chiếu tiêu chuẩn, nhận thức và cả tình cảm của mỗi cá nhân là tuyệt đối khác nhau. Tôi thích, anh ghét và tại sao cô gái xinh đẹp kia lại có thể yêu một chàng trai kém sắc đến vậy? Nếu tiếp tục tranh luận chắc chắn không bao giờ có hồi kết.

Cũng như nhiều lần khác, người dân, cụ thể hơn là cư dân mạng ồn ào chê bai các tác phẩm, sản phẩm nghệ thuật trưng bày trang trí nơi công cộng như chú rồng “Pikalong” ở Hải Phòng, những bông hoa rau muống (hoa ăn thịt người) tại phố đi bộ Hồ Gươm... đều không nhận được sự phản biện cần thiết của chính tác giả. Lần này, tác giả bộ tượng đá 12 ông giáp ở truồng đã lên tiếng bảo vệ cho tác phẩm nhưng thật tiếc không đủ để tiếp cận được đám đông bức xúc kém vui đã cất công ồn ào vài ngày trên mạng xã hội.

Trích lời nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn, cha đẻ của 12 bức tượng tại Hải Phòng: "Tất cả chúng ta dù là ai, con giáp gì, đều được tạo hóa ban tặng cho một thân hình da thịt hoàn mỹ, đẹp đẽ, là một kiệt tác của thiên nhiên, còn cái riêng, cái tôi, cái khác là ở phần linh hồn, phần tướng tinh, nó ứng với mỗi con giáp của mình, do vậy, tôi đã tạo ra các tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp đầy đủ, nguyên lành của chính con người chúng ta, chỉ thay đổi cách điệu khuôn mặt mang tướng tinh đại diện cho con giáp của từng linh vật.

Còn trong pho tượng có diễn tả bộ phận sinh dục trần tục thì cũng là lẽ đương nhiên của một tác phẩm nghệ thuật thuần khiết không thể thiếu trên cơ thể chứ không mang tính dung tục. Vậy nên, qua trao đổi này, tôi mong các bạn trong cộng đồng đã có nhã ý quan tâm đến nghệ thuật trước hết phải coi vườn tượng này là những tác phẩm nghệ thuật để nhìn nhận nó với con mắt nghệ thuật”.

Đây là hành động cần thiết và đáng suy nghĩ, mặc dù nhóm tượng được cho là nghệ thuật này sau cùng thì cũng phải chịu cách “sửa sai” có chút phản nghệ thuật là mặc quần rồi che đậy bằng trái cây. Điều đó nằm ngoài mong chờ của tác giả, các pho tượng bộc lộ rõ tính phản cảm bởi chúng vô tình làm khó hiểu những bàn tay thò xuống khu vực đũng quần.

Xin nhắc lại nhóm quần thể tượng này được trưng bày trong khu vực riêng biệt dành cho khách du lịch ghé thăm đảo Hòn Dáu. Đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm trang trí đường phố khi đưa ra công chúng chiêm ngưỡng trong những dịp đặc biệt bị phản đối gay gắt, bởi tính kém thẩm mỹ hoặc quá thô kệch như vài ví dụ nêu trên.

Quy trình sáng tạo, kiểm duyệt, sản xuất ra chúng như thế nào không ai hay, người viết bài đã cố gắng liên lạc với một số cơ quan chức năng liên quan trực tiếp nhưng không nhận được sự phản hồi. Chỉ thấy rằng nếu tiếp tục giữ nguyên cái quy trình đó, gặp “tai nạn” và lặng lẽ giấu biến chúng đi thay vì đối thoại hoặc có phương án đáng làm, thì là một sự lãng phí khủng khiếp tiền bạc và cả lòng tự trọng của tác giả cũng như người dân.

Hoặc giả trong một phút tưởng tượng, để an toàn và không ồn ào thị phi, cách tốt nhất là chả việc quái gì phải làm ra, trưng bày công cộng những sản phẩm như vậy trong các dịp lễ, đó là phương án toàn nhất. Trang trí đường phố bằng đèn màu cũng còn bị “chửi” thì quả thật thiên nan vạn nan khó quá.

Quần thể tượng 12 con giáp bị dư luận cho là phản cảm trên đảo Hòn Dáu, Hải Phòng.

Tại ngay xứ sở lấp lánh hoa đèn Paris, nước Pháp có tòa tháp Eiffel danh tiếng, nó đã được xây dựng trong hơn hai năm vào những năm cuối 1880. Nó chính thức hoàn thành vào tháng 3-1889. Nó cũng đã gây ra một cuộc tranh cãi của người dân Paris.

Kỹ sư tài năng Gustave Eiffel đã xây dựng tháp Eiffel để kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp, ông cũng đồng thời là tác giả thiết kế cây cầu Long Biên của chúng ta. Khi khởi công xây dựng, các nhà quản lý người Pháp đã chỉ cho phép tháp tồn tại trong 20 năm.

Nhiều người trong giới nghệ thuật thời ấy gồm nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư từng tỏ rõ sự ghét bỏ đối với ngọn tháp Eiffel. Một nhóm trong số họ còn viết một lá thư trên báo Le Temps nêu thái độ phản đối tháp Eiffel vì cho rằng nó đang phá hủy vẻ đẹp của nước Pháp. Họ gọi tháp là "vô dụng" và "quái vật" và cho rằng nó sẽ làm “mất danh giá” của thành phố Paris.

Không có tài liệu nào sau đó ghi chép về những đối thoại của chính quyền thành phố, tác giả tòa tháp với những người phản đối. Chỉ biết rằng nó đã được giữ nguyên và đến nay tháp Eiffel chào đón khoảng 7 triệu lượng du khách mỗi năm. Đó là tượng đài du lịch mất phí được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới và là biểu tượng của Paris, nước Pháp.

Nếu như ngày ấy có Facebook và truyền thông như hôm nay, liệu ngọn tháp này có được “mặc quần” hoặc đen đủi hơn trở thành phế phẩm sắt vụn hay không?

Nếu như những nhen nhóm cống hiến, sáng tạo nghệ thuật công cộng bị bóp nghẹt bằng ngôn ngữ nặng nề, có lẽ đường phố, các công trình công cộng sẽ mãi trơ khấc cùng lừng lững nhà cao tầng bao quanh. Nhìn thẳng hình như là trung thực, nhất là những cái nhìn đấy là từ mặt phẳng lỳ của chiếc điện thoại.

Nhưng phải thừa nhận khi nhận thức về thẩm mỹ tốt hơn và cơ hội được lên tiếng của người dân rộng rãi hơn, cũng nên dừng lại một chút để nghĩ thêm, thưa các nhà quản lý. Bày biện ra đường những thứ phản cảm là kém tôn trọng người xem, phí tiền và hình như còn phí phạm cả lời góp ý.

Minh Trí
.
.