Nghị trường – chuyện về những “cây chất vấn”

Thứ Tư, 01/11/2017, 11:33
Ngày trước, giới báo chí Quốc hội truyền tai câu “nhất Thước, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc”. Giờ đây, một trong bốn người trên vẫn tiếp tục tại vị nhưng dù có thêm nhiều “cây chất vấn” mới thì câu “châm ngôn” nói trên vẫn khuyết ba.

15 năm trước, tôi bắt đầu vào Hội trường Ba Đình tuyên truyền kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XI. Đó cũng là khóa Quốc hội thực hiện theo chủ trương mới với 25% đại biểu hoạt động chuyên trách. Sau mấy kỳ theo dõi, đưa tin về diễn đàn chất vấn, tôi cũng không biết từ đâu có câu được truyền miệng nên quen ở chốn nghị trường “nhất Thước, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc” (Trung tướng, đại biểu Nguyễn Quốc Thước; GS, đại biểu Nguyễn Lân Dũng; GS, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân; đại biểu Dương Trung Quốc).

Trong đó, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X thì từ Khóa XI, ông không còn hoạt động tại Quốc hội nữa và người “thay ngôi” đầu trong câu trên là đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang), khi đó là Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam. Từ đó, nói đến chất vấn hay những phiên thảo luận sống động tại nghị trường, đại biểu, báo chí và cử tri nhắc đến nhóm tứ đại biểu “Nhất Ngoạn, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc”.

Một lần, khi đến nói chuyện với lớp đào tạo kỹ năng viết báo cho phóng viên tuyên truyền về Quốc hội, TS Nguyễn Sĩ Dũng, khi đó là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiết lộ về câu “châm ngôn” trên. Ông đánh giá, chất vấn đòi hỏi bản lĩnh và kỹ năng, các vị đại biểu nói trên đã thể hiện rất rõ điều đó và góp phần quan trọng làm nên “thương hiệu” chất vấn.

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển để lại ấn tượng là những hình ảnh sống động khi hoạt động tại Quốc hội.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, chức năng, vai trò, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội đã được quy định rõ trong luật, còn khi các vị đại biểu Quốc hội đến nghị trường, có ba việc quan trọng là nghe, nói và biểu quyết. Việc nghe rất khó kiểm tra bởi không thể biết ai nghe tốt, ai không. Việc biểu quyết cũng khó xác định (vì Quốc hội chỉ tính theo tỷ lệ phần trăm khi biểu quyết chứ không nêu danh cụ thể). Như vậy, quan trọng nhất vẫn là phát biểu.

“Phát biểu vì vậy trở thành kỹ năng quan trọng nhất của việc làm đại biểu. Kỹ năng này của 4 vị đại biểu Quốc hội nói trên phải nói là lão luyện và đây cũng là một ưu thế rất lớn trong hoạt động nghị trường” - TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.

Chẳng hạn như đại biểu Nguyễn Quốc Thước, dù ông đã rời nghị trường 15 năm nay nhưng tên tuổi và những dấu ấn của ông trong suốt 3 nhiệm kỳ Quốc hội vẫn lưu giữ trong ký ức của nhiều người. Ông nổi tiếng với những phát biểu, chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm, nhiều khi đó là sự đụng chạm mà nhiều đại biểu khác biết nhưng không nói.

Về điều này, khi chia sẻ với báo chí, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, là đại biểu của dân thì phải nói được ý dân và dù nói theo góc độ nào thì cũng trên tinh thần xây dựng, vì sự phát triển chứ không có nghĩa nói đụng chạm là “chọc phá”, là khích bác ai đó. Để những ý kiến của mình có sức thuyết phục thì việc chuẩn bị tài liệu chỉ là một phần.

Theo ông, đã là tranh luận trên hội trường thì phải có sự tiếp thu những ý kiến mới. Ví dụ, ngày hôm qua, anh đã định trình bày về một vấn đề nào đó với sự chuẩn bị sẵn nhưng đến hội trường thảo luận lại nảy ra những ý mới, đặc biệt là những ý kiến ngược chiều thì cần phải tiếp thu và tư duy để có thể đưa ra được những ý kiến có giá trị chứ không phải cứ việc xách bài đã chuẩn bị sẵn ra rồi cứ vậy đọc cho xong.

Với 3 nhiệm kỳ là đại biểu của dân, lại với đặc tính làm công tác đối ngoại, GS Nguyễn Ngọc Trân vừa chất vấn thẳng, rõ trách nhiệm nhưng trong cách dùng từ ngữ của ông cũng luôn phù hợp bối cảnh, sâu sắc, trực diện mà không khiến người bị chất vấn mất lòng. Giờ nhìn lại thấy rất nhiều dự án đầu tư công lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp, ông bảo: “Tôi đã lưu ý Quốc hội và Chính phủ về vấn đề này ngay từ các khóa X, XI khi mà tốc độ phát triển GDP còn trên 7%/ năm. Với những ai hiểu rành thì các dự án đầu tư bị thất thoát, lãng phí ghê gớm mà không ngăn lại được, đau lớn lắm” - ông phân trần.

Ông quan niệm, để làm tốt trọng trách đại biểu phải có tâm và tầm. Tâm thể hiện ở chỗ đứng về phía cái đúng và dám bảo vệ nó, dám tranh luận, chất vấn. Còn về tầm, đại biểu phải khẳng định được vị thế theo chức năng, nhiệm vụ.

Bộ tứ câu “châm ngôn” nay chỉ còn duy nhất ông Dương Trung Quốc tiếp tục tại vị, làm đại biểu Khóa XIV, còn lại “về với bầu rượu, túi thơ” từ lâu. Quốc hội giờ có thêm nhiều “cây chất vấn” mới, cũng nổi danh nghị trường, ấy thế nhưng không hiểu có phải vì họ chưa thể sánh cái bóng người xưa hay vì lý do gì mà câu “châm ngôn” tới giờ vẫn khuyết ba.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nổi tiếng với những chất vấn thẳng thắn, không ngại va chạm.

“Tư lệnh” là khái niệm mà nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dành cho các vị Bộ trưởng và các trưởng ngành (thành viên Chính phủ). Nếu như các đại biểu thể hiện bản lĩnh, thẳng thắn trong chất vấn, hỏi và truy rõ trách nhiệm thì ở chiều ngược lại, nhiều “tư lệnh” trực diện với chất vấn, thẳng thắn nhận trách nhiệm và khuyết điểm trước tồn tại, bức xúc thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý. Họ cũng hiện thực hóa lời hứa trước Quốc hội, cử tri và chính điều đó đã tăng tính hiệu quả của chất vấn, trả lời chất vấn.

Quốc hội khóa XI, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển từng được cử tri gọi là “ông thẳng tính, ông trực tính”. Quả thực, ngay trước diễn đàn chất vấn, sự thẳng tính, bộc trực của ông khiến những phiên trả lời chất vấn thực sự sống động. Phiên chất vấn Quốc hội khóa XI cuối năm 2004, nghị trường nóng sau vụ án xin - cho quota bị phanh phui xảy ra tại Bộ Thương mại. Khi đó, một thứ trưởng của Bộ này bị khởi tố, điều tra. Là người “cầm trịch” Bộ Thương mại, đương nhiên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển phải chịu trách nhiệm về những vấn đề xảy ra tại Bộ mình nhưng điều quan trọng hơn là đại biểu Quốc hội muốn làm rõ cơ chế nào sinh ra tiêu cực để loại trừ chứ không chỉ là chuyện xử lý cá nhân phạm pháp.

Ông nói, doanh nghiệp khi ra Bộ xem vì nóng ruột cũng có, đưa phong bì phong bao cũng có. Nay thì doanh nghiệp chỉ cần gửi công văn ra Bộ. Bộ xử lý xong sẽ thông báo lên mạng, sau đó chuyển phát nhanh về cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải ra Bộ nữa bởi cứ ra là thế nào cũng phong bì, phong bao. “Tôi không thể gặm nhấm mãi nỗi buồn, nỗi đau xót đó. Phải tìm ra phương pháp xử lý, tôi và anh em phải cố gắng. Là Bộ trưởng, tôi phải chịu trách nhiệm trước sự việc tiêu cực xảy ra trong cơ quan của mình và xin nhận khuyết điểm trước Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ”.

Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho hay, trong giờ nghỉ giải lao, các vị đại biểu Quốc hội có trao đổi với ông và đều khen Bộ trưởng Trương Đình Tuyển dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trả lời chất vấn rất thẳng thắn.

Rời diễn đàn chất vấn, người đàn ông xứ Nghệ Trương Đình Tuyển lại vui thú điền viên và thi ca thành người bạn hữu. Ít ai biết, ông thương mại, “ông WTO” lại có chất trữ tình thế này:

“Vụng về và chậm muộn

Sao cứ nhiều đam mê

Thu có còn đủ nắng

Cho xôn xao mùa về...”. 

Nhưng nghị trường và báo chí, Bộ trưởng không chỉ có những chuyện làm vui lòng người kể. Còn đó những tâm tư, những trắc ẩn trong mỗi người chốn quan trường.

Giờ tòa nhà Quốc hội mới đã mọc lên, rất khang trang. Nhưng tiền thân của nó, Hội trường Ba Đình cũ cũng có gần nửa thế kỷ án ngữ đất này. Nhẩm lại, hơn 10 năm, có 2 sự kiện Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm đối với chức vụ Bộ trưởng khi họ để xảy ra sai phạm và phải chịu trách nhiệm về hành vi đó. Và cũng chừng đó thời gian, câu chuyện về phiếu tín nhiệm, phiếu miễn nhiệm trở thành đề tài bàn luận khá nóng tại nghị trường.

Một buổi chất vấn tại Quốc hội.

Mùng 1 tháng 6 năm 2004. Nắng tháng 6 đến độ “cáu gắt”, còn các vị đại biểu đến nghị trường trong nhiều tâm tư khi thực hiện bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đối với ông Lê Huy Ngọ. Cuối cùng, với hơn 70% đại biểu tán thành, Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng. 3 giờ chiều, ông Lê Huy Ngọ xách chiếc ca-táp từ hội trường đi thẳng ra đường hồng, đoạn mấy cây bằng lăng chỉ quá tầm người.

Mấy anh em báo chí chúng tôi đứng cạnh ông, nhưng lúc bấy giờ cũng chẳng biết nên hỏi gì, nói gì, rồi một người rút túi lấy ra chiếc quẹt lửa châm thuốc cho ông. Mấy phút trầm tư thả khói mỏng tang, ông nói: “Mình thấy đây cũng là việc bình thường, là nét văn minh trong đời sống chính trị”...        

Câu chuyện của ông “Bộ trưởng nông dân” rồi cũng dịu đi, cũng như cái nắng tháng 6 năm nào. 

2 năm sau, Quốc hội lại sôi động với một kịch bản tương tự: bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông Vận tải đối với ông Đào Đình Bình. Được tiếng cởi mở với báo chí, nhưng ông Bình dạo đó cũng không thể nói điều gì, ông quay mặt đi khi phóng viên bật máy ghi âm.

Trong tờ trình, Thủ tướng nêu rõ việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bình vì có trách nhiệm của người đứng đầu trong vụ án xảy ra tại PMU18 và một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Lại thêm một buổi chiều lắng đọng với báo chí chốn nghị trường...

Giờ trong tòa nhà Quốc hội mới, cánh báo chí có phòng riêng dưới tầng hầm. Ở trong tòa nhà đó, phòng họp lớn nhất mang tên “Phòng Diên Hồng”, nơi gần 500 vị đại biểu Quốc hội ngồi thành hình cánh quạt - một phong cách thiết kế mới xem ra hiện đại hơn kiểu chữ nhật truyền thống. Cái tên Diên Hồng hẳn ngụ ý lấy cái hào khí Đông A năm xưa của cha ông để truyền cho các thế hệ đại biểu dân cử ngày nay tiếp lấy truyền thống, để đánh giá, phát biểu, để biểu quyết lập pháp cũng như những vấn đề hệ trọng của dân tộc. Và những vị Bộ trưởng, những đại biểu có dũng khí Diên Hồng hẳn thời nào cũng vậy, đều được cử tri, báo chí, nhân dân ngưỡng vọng.

Đăng Trường
.
.