Nghịch lý thời suy giảm kinh tế(!?)

Thứ Hai, 14/09/2009, 08:45
Dù suy giảm kinh tế, người dân vẫn đua nhau mua xe bốn bánh, vẫn nườm nượp dắt díu gia đình đi du lịch, và những quán nhậu từ bình dân đến sang trọng vẫn nườm nượp người. Trái với những gì đã được dự báo trước đó, phải chăng người dân Việt Nam “phớt tỉnh Ăng-lê” trước cuộc suy giảm kinh tế?

Thực hư chuyện ôtô “cháy” hàng

Câu chuyện ôtô "cháy" hàng đang là tâm điểm của nhiều người, nhất là với những đối tượng có nhu cầu sở hữu "xế hộp" cho riêng mình. Với nhà sản xuất, tình trạng ôtô hút hàng nằm ngoài dự đoán. Nếu như trong thời điểm tháng 7, việc mua xe đối với giới thương gia, người dân còn khá dễ dàng, thì sang tháng 8, thị trường xe ôtô đã trở nên khá căng thẳng.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về nguyên nhân khiến mặt hàng ôtô trở nên "nóng bỏng" và thậm chí nhiều hãng sản xuất trong nước không còn hàng để bán đến ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng trưởng phòng, bộ phận Marketing Công ty Ôtô Toyota thì được biết: "Do nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu hồi phục sau suy giảm và do ảnh hưởng của tâm lý khách hàng tranh thủ mua xe trong năm 2009 để được hưởng gói kích cầu của Chính phủ: 4% hỗ trợ lãi suất, 50% giảm thuế GTGT và thuế trước bạ, thị trường ôtô Việt Nam những tháng gần đây đã nóng lên".

Theo thống kê, ước tính trong tháng 8/2009 nhập khẩu khoảng 8.000 ôtô, kim ngạch đạt 115 triệu USD.  Tuy số liệu thực về lượng ôtô nhập vào tháng 8 chưa có những số liệu cụ thể, nhưng nếu như tháng 7, mức ước tính nhập khẩu ôtô vào Việt Nam chỉ ở mức 7.000 chiếc, song con số thống kê cụ thể đạt mức 8.700 chiếc.

Nếu như trước đó, các hãng ôtô đồng loạt hạn chế sản xuất để tránh tình trạng tồn hàng khi nền kinh tế trong nước bị tác động bởi cuộc khủng hoảng thì nay, một khi dấu hiệu hồi phục kinh tế đã rõ nét thì ôtô lại không kịp sản xuất để tung ra thị trường.

Theo chân anh Nguyễn Minh Trí, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận 7, TP HCM đi "tậu" ôtô trong những ngày gần đây. Khi vừa đến các cửa hàng, đại lý xe ôtô trên các con đường như 3/2, An Dương Vương, Nguyễn Văn Cừ... đều nhận được cái lắc đầu và câu trả lời: "Hết hàng".

Khi chúng tôi hỏi anh Trí về phép tính lợi nhuận giữa việc sắm xe năm nay so với việc để đến sang năm mới mua xe thì khác nhau như thế nào, anh Trí đã đưa ra một kết quả khá chuẩn xác: Nếu như có 500 triệu đồng trong tay để mua xe, do tình hình kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát hẳn bởi sự tác động của suy thoái toàn cầu thì việc đầu tư kinh doanh đến cuối năm cùng lắm sinh lời từ 5 - 7%.

Trường hợp xấu hơn, nếu rủi ro thì có thể bị lỗ hoặc giam vốn cầm hòa. Nhưng, khi dùng số tiền ấy để mua xe vào thời điểm trước năm 2010 thì lời hơn nhiều. Việc giảm 50% thuế trước bạ xuống còn 6% là đã chắc chắn có lời. Riêng về thuế VAT, giảm từ 10% xuống còn 5% khiến người mua xe trước thời điểm này tổng cộng đã lời 11% chỉ trong 3 tháng từ đây đến cuối năm.

Chưa hết, anh Nguyễn Minh Trí còn cho biết thêm: "Do gia đình anh có 2 chiếc 7 chỗ, hàng tháng, người thân, bạn bè thường hỏi để thuê mướn, nên nhiều khả năng, việc mua xe cho thuê còn khiến anh có khả năng thu hồi vốn sớm hơn đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác trong tình hình kinh tế hiện nay”.

Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ xe sẽ còn tiếp tục tăng cao, một số đại lý xe đã tìm cách “găm” hàng trên thị trường để làm tiền đối với khách hàng. Theo hướng dẫn của người bạn tên Sơn, để mua được xe nhanh và thời gian nhận xe chỉ sau một tháng thì nên liên hệ với anh Hòa, đại lý của một hãng ôtô lớn.

Chúng tôi liên hệ theo số điện thoại 0937354xxx với sự "khát khao" mong có được xe sớm vào năm sau, anh Hòa cho biết: "Nếu là bạn anh Sơn thì bên em sẽ cố gắng tìm cách nhường lại cho anh những hợp đồng mà khách trước đó đã đặt cọc và không nhận xe như đúng hẹn (?)".

Và, anh Hòa, đại lý của hãng ôtô nọ cũng không quên nhắn nhủ chúng tôi, là do nhu cầu của người mua ôtô tăng cao, để có được suất mua, phải trả thêm 5% giá trị mỗi chiếc xe nếu muốn nhận xe sớm.

Sở hữu xe du lịch không còn là chuyện lạ đối với người dân, dù tình hình tài chính khó khăn, người dân hay chủ sở hữu doanh nghiệp mua xe để phục vụ công việc và hơn hết là nhu cầu bảo vệ sức khỏe. So với nhiều nước trên thế giới thì mật độ xe còn thấp so với khu vực, nhất là Thái Lan.

Với dân số 86 triệu người, lượng xe bán ra thị trường chưa thấm vào đâu. Để cạnh tranh về giá cả và đưa những dòng xe giá rẻ đến với người dân, các công ty lắp ráp xe trong nước một phần nội địa hóa máy móc thiết bị, phù hợp với túi tiền người dân. Nhu cầu về các dòng xe ôtô tăng đột biến.

Trước cuộc suy giảm kinh tế, giới lắp ráp xe trong nước đã dự báo rằng nền kinh tế trong nước gặp không ít những khó khăn, trong đó có cả ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam. Thực tế tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ôtô vẫn giảm so với năm 2008. Ông Phạm Anh Tuấn, cho biết thêm: "So với 7 tháng đầu năm 2009, số liệu bán hàng của Hiệp hội Ôtô Việt Nam vẫn giảm 25% so với cùng kỳ năm 2008".

Nhận định chung của giới kinh doanh ôtô, việc "cháy" hàng chỉ là vấn đề ngắn hạn của năm 2009, sang năm 2010 khi các gói kích cầu kết thúc thì thị trường ôtô sẽ trở lại bình thường". Theo đánh giá chung của giới kinh doanh ôtô thì những dòng xe dưới 9 chỗ tự ắt cắt "cơn sốt" của mình vào thời điểm đầu năm 2010.

Ông Nguyễn Dương Anh Dũng, Giám đốc kinh doanh của Đại lý Toyota Phú Mỹ Hưng, quận 7 nhận định: "Có thể thị trường ôtô lại rơi vào trầm lắng trong những tháng đầu năm 2010. Một khi tổng chi phí mua xe của khách hàng có thể sẽ tăng thêm 10% do không còn được giảm 50% thuế GTGT và thuế trước bạ".

“Ăn chơi” vẫn không chùn bước

Chuyện mua xe, sở hữu xe riêng đã kích thích ngành du lịch trong nước tăng mạnh. Không vì suy giảm kinh tế mà người dân lại giảm đi nhu cầu "ăn chơi" vốn có của mình. Theo thống kê 7 tháng đầu năm 2009, lượng khách du lịch nội địa tăng khoảng 13%, đạt 13,72 triệu lượt người.

Tuy nhiên, tác động từ suy giảm kinh tế không loại trừ bất kỳ ngành kinh tế nào. Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh, chi tiêu của người nước ngoài giảm sút đáng kể, kèm theo dịch cúm A/H1N1 có xu hướng tăng nên lượng khách nước ngoài vào Việt Nam lại càng bị hạn chế.

Trong 7 tháng đầu năm 2009, lượng khách quốc tế vào Việt Nam đạt khoảng 2,2 triệu lượt người, giảm 18,7% so với năm 2008. Tính chung tổng thu nhập xã hội từ du lịch trên cả nước 7 tháng của năm 2009 đạt 32.400 tỉ đồng, tăng 8,7%.

Ông Lý Việt Cường, Giám đốc Công ty Du lịch Nam Phương chia sẻ: "Mặc dù cuộc suy giảm kinh tế tác động đến nhiều ngành nghề, tuy nhiên doanh thu về du lịch trong nước đi tour quốc tế và nội địa vẫn tăng mạnh hơn so với năm ngoái".

Suy giảm kinh tế khiến người dân có thu nhập thấp thắt chặt chi tiêu và hạn chế mua sắm. Trong khi người có thu nhập cao, không bị tác động nhiều từ ảnh hưởng của cuộc suy giảm. Nếu như khủng hoảng kinh tế trên thế giới khiến cho người dân tiết kiệm, hạn chế chi tiêu thì tại Việt Nam, "chỉ số ăn nhậu" hay một phần của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,47% so với năm 2008.

Việc tăng giá xăng dầu đã góp phần không nhỏ cho chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng đầu năm tăng 8,31% so với cùng kỳ. Ngược với xu hướng CPI của 9 nhóm hàng hóa dịch vụ khác, lực kìm hãm đà tăng của CPI tháng 9 lại đến từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 0,11%. Theo đó, CPI của nhóm này giảm 0,08% với chỉ số giá mặt hàng lương thực giảm 0,42%; thực phẩm giảm 0,09%. Riêng "chỉ số ăn nhậu" lại tăng 0,35%.

Trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm (chỉ có một số mặt hàng như chè, sắn, gạo... xuất khẩu vẫn tăng trưởng dương), nhập khẩu lại tăng (một số mặt hàng thiết yếu như máy móc thiết bị, ôtô, sữa...) mà việc mua sắm ôtô, ăn nhậu, du lịch tăng đó là một nghịch lý.

Thạc sĩ Cao Minh Nghĩa, Phó trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM đưa ra nhận định: "Thời gian để kinh tế TP HCM nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung tăng trưởng cao trở lại như thời điểm trước khi xảy ra suy giảm thì chậm nhất phải mất từ 2 đến 3 năm nữa".

Rất có thể, phải đến năm 2012 tốc độ kinh tế mới có thể trở lại đúng thời điểm vừa gia nhập WTO do nền kinh tế Việt Nam xu hướng hồi phục chậm hơn so với các quốc gia khác. Một công cụ để thấy rõ sự dần bình phục của nền kinh tế là phản ứng từ thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu khởi sắc và trên đà tăng điểm, mang lại dấu hiệu lạc quan.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Hải Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Chứng khoán TP HCM nhận xét: "Với đà tăng trưởng của nền kinh tế trong nước, nhiều khả năng đến cuối năm, VN-Index không khó để vượt ngưỡng 700 điểm thành công". Thế nên, nhiều khả năng đến cuối năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước chỉ đạt 5% và riêng TP HCM có tốc độ tăng trưởng đạt 7%

Đỗ Hưng
.
.