Nghiện.. chim cảnh

Thứ Sáu, 21/06/2013, 20:45

Mấy năm trở lại đây từ Bắc chí Nam rộ lên thú chơi chim, chim khuyên, chào mào, họa mi, cu gáy, chích chòe…thi thoảng lại tổ chức một cuộc thi chim phạm vi nhỏ trong quận, huyện, thành phố, cuộc thi lớn thì cả nước. Cuộc thi nhỏ vài trăm lồng, cuộc thi lớn có cả nghìn lồng. Rồi cứ thế loại dần và người ta chọn ra một chú chim "đỉnh" nhất. Xung quanh chuyện về những chú chim cũng gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi, hào hứng và những chuyện dở khóc dở cười, kể cả có không ít câu chuyện nhân văn.

Nuôi chim, chăm chim, say chim người ta bảo đấy là nét đẹp văn hóa, thú vui tao nhã, người thì nói là hủy hoại thiên nhiên, phá hoại môi trường. Cuộc tranh luận này cho đến giờ vẫn không có hồi kết thì hằng ngày hai phe vẫn phản đối, ném đá tả tơi nhau trên các diễn đàn "chim". Tò mò, lạ lẫm, cả tháng trời theo chân những người say chim để tìm hiểu vì lẽ gì họ lại yêu chim đến thế?

Nghệ sĩ và… chim

Cách đây chưa lâu, trong một quán cà phê, nhạc sĩ Lê Minh Sơn nói với tôi, anh rất dị ứng với những con chim bị nhốt trong lồng, chim là phải được bay, thế giới của nó là bầu trời mênh mông và hàng cây xanh mướt mát. Có lẽ với một người nổi tiếng cực đoan như anh thì nếu ai có nhã ý tặng anh một chú chim, anh sẽ thả ra ngay lập tức để nó có thể tự do tung hoành với khoảng trời xanh bao la vô tận.

Sau đấy ít bữa tôi đến nhà nghệ sĩ hài Vượng “râu”. Đó là ngôi nhà nhỏ trên phố Nguyễn Thượng Hiền, thật kỳ lạ, danh hài này có thể nói là say chim còn hơn là say hài. Căn phòng vỏn vẹn 20m2 nhưng dễ có đến gần 20 lồng chim khuyên, đóng đinh treo khắp trên tường. Chúng nhảy nhót, hót véo von, âm thanh rả rích khiến cho ta có cảm giác như đang lạc vào miền rừng xanh thẳm nào đấy. Danh hài quần đùi, may ô, lom khom bận bịu với mấy lồng chim nhỏ. Vượng kỳ cạch cho chim sang lồng tắm, rồi tranh thủ cái lồng treo chim đang bỏ trống, cẩn thận, tỉ mẩn lau dọn bộ cóng cám, lót lồng. Đây là công việc hằng ngày quen thuộc của anh.

Mấy cậu em trong nhà bảo: "Anh Vượng râu quý chim còn hơn quý người. Mê chim còn hơn mê gái". Đấy, cứ xem cái cách anh ấy chăm chim và ngắm nghía nâng niu từng chú chim khuyên mới thấy anh ấy "si mê điên đảo vì tình" đến thế nào. Một con chim bị rụng lông, có biểu hiện bất thường, bỏ ăn hay ít líu là Vượng lại dớn dác, đứng ngồi không yên.

Có một hôm vợ Vượng về nhà thấy chồng mặt mày ủ rũ, hỏi ra mới biết cậu em ở nhà mở cửa lồng cho chim ăn thế nào mà quên đóng cửa lồng để chim bay đi mất. Vượng về thấy mất con chim quý buồn bực, dậm chân la hét một hồi rồi thừ người ra nuối tiếc, xót xa.

Nhà Vượng ở gần hồ Hale, nơi mà câu lạc bộ chim khuyên hay tụ tập vào mỗi sáng, thi thoảng người ta lại thấy anh tung tăng xách lồng chim đi chơi.  Cũng là mấy người cùng sở thích nhâm nhi bên tách cà phê và mơ màng lắng nghe chim hót. Người ta bảo Vượng đã đưa chim đi chơi như thế thì không phải chim thường đâu, chắc hẳn con khuyên đấy phải là giống quý, hót và líu ghê lắm.

Nhà Vượng không phải rộng rãi gì lại có hai cô con gái nhỏ xíu. Kinh nghiệm của những người đi trước là nhà có trẻ nhỏ không nên nuôi chim vì lông chim dễ làm cho trẻ con viêm họng hay sổ mũi. Mặc kệ, ai nói mặc ai, Vượng vẫn cứ chăm chim, say chim như bao năm vẫn vậy. Đồ gì thì cũng có thể được mang đi, cất đi, cho đi chứ nhất quyết chim thì không. Chỉ thêm chứ không bớt. Cũng may, hai đứa trẻ chẳng hề gì. 

Một lần, đang ngồi trong căn nhà của nhạc sĩ Phú Quang nằm sát bên sông Hồng lộng gió, tôi nghe ríu rít tiếng chim. Anh bảo đấy là tiếng hót của mấy con chim cu anh nuôi ở trên gác. Nhắc đến chim trên khuôn mặt của người nhạc sĩ thoáng nét trầm buồn. Trước đây nhà có một con uyển anh rất thương. Hằng ngày nhạc sĩ vẫn nói chuyện với nó, anh nói gì nó lại nhại giọng. Mỗi lần nhạc sĩ ngồi bên cây đàn piano dạo những bản nhạc là con uyển lại hát hò lung tung cả lên. Anh kể: "Một hôm cháu mình cho chim ăn quên không đóng cửa lồng, nó nhảy ra rồi ngã xuống bể cá chết đuối. Mình rất thương. Buồn mất mấy ngày. Bây giờ thì nuôi mấy chú chim cu…".

Nghệ sĩ Vượng “râu” và chim khuyên định giá 10 triệu đồng.

"Nghiện" chim chỉ có thêm chứ không có bớt

Người ta cho rằng thú chơi chim là sở thích của các cụ già, hay chí ít cũng là của người trung niên có tuổi. Giờ dạo quanh các câu lạc bộ chim hay trên các diễn đàn mạng về chim thì thấy có rất nhiều bạn trẻ say chim đến vậy. Hằng ngày trên các con đường ta vẫn vô tình bắt gặp những lồng chim được treo dưới một mái hiên nhà, dưới một tán cây hay ở gần một cây cột nào đó trên hè phố.

Các câu lạc bộ chim ngày càng nhiều, cứ mỗi sáng đi qua hồ Thiền Quang là ta thấy hàng chục lồng chim khuyên treo thành một hàng dài để mọi người thưởng thức tiếng chim hót líu lo. Hay vào các sáng thứ ba, năm, bảy trong tuần tại khu công viên Đền Lừ (Hà Nội) hàng chục chủ nhân của những chú chào mào mang chim của mình đi dợt (đi đua giọng). Những chú chim căng (khỏe, đang vào độ sung sức) được chủ mang đi dợt nhiều sẽ năng hót và các nước chơi đấu.

Nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi biết về giá trị một con chim vì người ta vẫn cứ nghĩ đó là hàng rẻ. Nhưng, thực ra giá của một con chim có khi chỉ là đôi, ba trăm nghìn, nhưng nếu chim hay, chim quý thì vài triệu, vài chục triệu, vài trăm triệu. Thậm chí có những con vài chục triệu vài trăm triệu cũng không có mà bán, đấy là hàng vạn con chim mới có được một con như thế. Chim độc, chim lạ, chim biến đổi gene khác, đặc biệt hơn rất nhiều với các đồng loại của nó. Sở hữu chim độc, lạ là thể hiện đẳng cấp của người nuôi chim. Một chú chim vành khuyên biến đổi gene, cả chục ngàn đô. Một con chào mào biến đổi gene giá hơn 100 triệu đồng có khi lên đến 300 triệu tùy vào hình thể và phong thái của chú chim.

Một buổi dợt chim chào mào ở công viên Đền Lừ.

Dân chơi chim hay ở các câu lạc bộ chim thường ngả mũ kính chào chủ sở hữu của chú chim biến đổi gene. Vì chủ nhân của chim này không chỉ sở hữu chim "độc nhất vô nhị" mà còn là chủ nhân của chiếc lồng có giá hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu, và trong bộ khung, lồng khắc chạm cầu kỳ được làm bằng đồi mồi, sừng voi, tê giác… đến những bộ cóng cám tinh xảo.

Nhưng, hẵng khoan ca ngợi những bậc đại gia, các tay chơi trong giới chim, vì các bác ấy có nhiều tiền nên phóng tay sở hữu một công chúa vành khuyên, một nữ hoàng chào mào, một hoàng tử chào mào bạch tạng là chuyện nhỏ. Người say, si mê điên đảo vì chim rất nhiều. Hoàng Tuấn, 28 tuổi nhà ở Lý Thường Kiệt, nhân viên văn phòng "nghiện" chim nặng. Anh mới chơi chim cách đây chưa đầy năm. Lúc đầu chỉ định nuôi 3 con, 2 con khuyên, 1 con chào mào. Thế rồi, ngày ngày ngắm, nghe chim hót, Tuấn đâm nghiện lúc nào không hay.

Với tiền lương khoảng 8 triệu đồng một tháng, cứ ngày hôm trước phát lương là ngay hôm sau anh lại đảo vào nơi bán chim quen thuộc ở phố Lĩnh Nam để kiếm thêm một chú chim chào mào ưng ý. Người chơi chim ai cũng đều thích chim miền. Đó là những con sống ở ngoài thiên nhiên khu vực miền Trung, Huế… Chào mào ở đây sức khỏe tốt, giọng hót sắc nhọn, lanh lảnh vang như chuông reo, mỗi lần chim đổ giọng nghe vô cùng khoái. Chim hay, dạn người, nước đấu tốt có giá tầm 3 triệu, có con lên 7, triệu, có khi lên tới hơn trục triệu. Lần này Tuấn mở hầu bao mua con chào mào Huế giá ngót nghét 4 triệu.

Thế là đi tong gần nửa tháng lương. Vì nuôi chim mà Tuấn dè xẻn, tùng tiệm các khoản khác chỉ để đầu tư vào chim. Có lúc trong túi còn hơn triệu bạc đang định rủ cô bạn gái đi xem phim thế rồi dạo qua cửa hàng chim thấy lồng tre già đẹp, giá cũng mất từng đấy tiền, lại nghe ông chủ cửa hàng nói lọt tai: "Chim hay thì phải có lồng đẹp" hay "Nhìn lồng biết người nuôi chim".

Thương quý chim, Tuấn quyết định dốc toàn bộ tiền có được mua lồng tre già cho chim. Đến tối đang ngắm nghía chú chim được ở "lầu son gác tía" mới thì cô bạn gái điện thoại hẹn đi xem phim, lúc đấy Tuấn mới chợt nhớ ra ví rỗng, tiêu tiền của bạn gái thì mất mặt, nên đành giả vờ cáo ốm để ở nhà. Bạn gái có cớ đến thăm thế là hai người lại ngồi ngắm chim.

Nuôi chim không phải là chuyện nhỏ bởi không phải ai cũng nghe được tiếng chim hót, nhất là nhà ai dăm ba con chúng hót gọi nhau râm ran, ríu rít suốt ngày. Nếu người nuôi chim có nhà riêng còn đỡ chứ sống ở khu tập thể cũng gây không ít phiền toái lôi thôi.

Ngồi dợt chim tại công viên Đền Lừ, Đức Giang kể chuyện 7 giờ sáng nay mở cửa chạm ngay với ông hàng xóm nhà bên cạnh nói như gắt: "Chim cò hót suốt ngày, đau hết cả đầu, giải tán mấy con chim đi để người khác còn nghỉ ngơi". Khánh "chuông" ở Lĩnh Nam bảo: "Ôi! chuyện nhỏ, nhà em nuôi chào mào, khuyên,  họa mi. 4 giờ sáng lão hàng xóm đã dán một dòng chữ bằng mực đỏ ngay trước cửa: "Mày hãy cẩn thận với lũ chim của mày không tao cho chết hết".

Khánh nhận tờ "cáo trạng" kia lại thấy lão hàng xóm hầm hè mua con mèo mướp về. Ngay hôm đấy cậu cũng phải gọi người đến chăng lưới inốc kín các cửa đề phòng lũ chuột và canh mèo hàng xóm sang phá đám lũ chim cưng. Tổng thiệt hại làm lưới hết hơn 3 triệu. Vợ Khánh cứ càm ràm bảo đang dưng lại phải mất đi một khoản tiền mua sữa cho con.

Một cậu trẻ nhất hội có con chào mào đang chơi trên giàn bảo: "Hàng xóm của em thì hết ý, ai cũng thích nghe chim hót. Các bác ấy bảo không có thời gian, điều kiện để nuôi chim, nhà chú chim hót hay thì nhà anh nghe ké. Thế mà, vợ em lại đi "ghen" với chim đấy”. Cậu kể cậu mê chim lắm nên cứ tối đến là vớ lấy cái Ipad nghiền ngẫm xem người ta nuôi chim thế nào? Cách chữa rụng lông cho khuyên. Cách chăm cho chào mào đấu tốt. Cách chữa bệnh đường ruột cho chim, hay chim không chịu sang lồng tắm… Cứ quanh đi quẩn lại vài giờ đồng hồ ở trên mạng là chuyện thường. Vợ nửa đêm tỉnh giấc thấy chồng cứ ôm khư khư cái Ipad gõ gõ, bấm bấm lại tưởng đang hò hẹn cô nào.

Nàng chồm dậy, giằng lấy, nhìn lên màn hình: thì hiện chữ to tướng: Diễn đàn chim cảnh "Câu lạc bộ những người yêu chim". Và chồng yêu dấu của nàng cùng với một anh chàng nào đó cùng sở thích đang say sưa nói chuyện với nhau. Đại ý rằng, hai anh chàng này đang tranh luận cách chăm cho chim khỏe và hẹn ngày gần nhất sẽ mang chim của mình đi đấu giao lưu.

Em trai tôi, một thằng bé yêu động vật từ nhỏ. Hồi bé, nó sưu tầm chuột bạch, cá chọi, rùa… Bây giờ nó đã có vợ và cả một đàn chim trời, từ khuyên, họa mi, chào mào, chích chòe… Và thằng bé lấy vợ như một câu chuyện cổ tích vô cùng lãng mạn nhờ bài hát của nhạc sĩ Dương Thụ: "Họa mi hót trong mưa". Chuyện là trên một chuyến xe buýt, thằng em tôi xách hai con chào mào non, ủ trong một tấm vải lồng. Thỉnh thoảng con chim non lại kêu lên chiếp chiếp. Một cô bé xinh xắn tò mò lại gần thấy hai con chim dễ thương quá. Một thằng bé, một con bé yêu động vật nên chúng nhanh chóng bắt quen nhau. Chúng cho nhau địa chỉ để liên lạc.

Một ngày, trời mưa tầm tã, thằng em tôi tay che ô xách lồng chim xuất hiện ở trước cửa nhà cô bé. Người nó ướt như chuột, còn lồng chim thì được che ô vẫn khô nguyên. Nó mở tấm vải che lồng. Một con họa mi đáng yêu đang xòe lông. Thằng bé bảo: "Em đã bao giờ nghe họa mi hót trong mưa chưa?". Ôi! cái bài hát của nhạc sĩ Dương Thụ lãng mạn, trữ tình, ngọt ngào và sâu lắng vào thời điểm này mới bồng bềnh làm sao. Cô bé "chết" đứ đừ. Sau đó, hai đứa yêu rồi lấy nhau. Sau này tôi mới biết, con họa mi hôm đấy bị lôi đi trong mưa chả hiểu sao lại chỉ nhẩy loi choi trong cái lồng chứ không hề hót.

Bây giờ con họa mi đấy hót rất hay, nhiều người trả giá đắt, cả hai đứa đều nhất quyết không bán. Chúng gọi là: "Báu vật tình yêu"

Mỹ Trân (mytrantcsk@yahoo.com)
.
.