Ngoại cảm với… “thế giới bên kia”

Chủ Nhật, 10/11/2013, 04:45

Có thế giới khác với thế giới thực hay không là câu hỏi chưa bao giờ có được lời giải đáp cho thỏa đáng. Một trong số những luận điểm được đưa ra, cho rằng câu trả lời nằm ngay chính trong quan niệm về "thế giới khác" của người đặt câu hỏi. Nếu cho rằng thế giới khác là thế giới ảo trong tâm trí của chúng ta, nơi sản sinh ra tôn giáo, thiên đường và địa ngục, thần thánh và ma quỷ... thì câu trả lời là có. Nếu quan niệm thế giới khác là thế giới người âm, nơi linh hồn người chết cư ngụ, thì câu trả lời của luận điểm này là không!
>> Ngoại cảm: 7 hư, 3 thực?

Không chỉ ở Việt Nam, hầu hết các nền văn hóa, các tôn giáo trên thế giới đều có niềm tin và cho rằng có sự tồn tại của thế giới bên kia, nghĩa là nó luôn song hành với thế giới mà chúng ta đang sống. Và thông thường để giao tiếp với thế giới ấy, người bình thường phải thông qua một nhân vật trung gian. Đó có thể là đạo trưởng của tôn giáo ấy, hoặc những người được cho là có khả năng đặc biệt, hình ảnh khá quen thuộc với nhiều nước phương Tây là các nhà thôi miên, thầy bói di-gan (Rom, tiếng Anh hay được biết đến với Gypsy) hoặc ở các cấp độ cộng đồng nhỏ hơn như thầy cúng, thầy phù thủy… Những người này luôn nhận được sự ưu ái, kính trọng của cộng đồng.

Trên thực tế, niềm tin cùng với sự tồn tại của các nhân vật đặc biệt này chưa bao giờ bị mất đi, có chăng chỉ là sự biểu hiện ra bên ngoài và đôi lúc khiến họ trở nên nổi bật hay bị "gạt sang ngoài lề" của cuộc sống thực tại tùy vào từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Một cách rất giống nhau, khả năng của những đồng cốt, nhân vật siêu nhiên này thường được viện đến để giải thích cho những vấn đề bí bách trong cuộc sống mà khi mọi cách giải quyết thông thường đều không có kết quả.

Năm 2011, các nhà làm phim Hollywood đã tung ra một bộ phim siêu tưởng rùng rợn (supernatural horror) có tiêu đề là “Insidious”, được chiếu tại Việt Nam dưới cái tên "Quỷ quyệt". Bộ phim bắt đầu với một cậu bé (Dalton). Cậu bé này trông bề ngoài bình thường như những cậu bé khác, chỉ duy có một điều cứ thi thoảng cậu ta lại chìm vào giấc mê man, mỗi lúc một nặng thêm. Và cứ sau mỗi lần như thế, Dalton lại vẽ những bức tranh kỳ lạ, với những nhân vật cũng như bố cục, khung cảnh trong tranh không giống với bất kỳ đâu. Cha mẹ cậu bé rất lo lắng, tìm mọi cách chữa trị cho Dalton nhưng đều không hiệu quả. Những giấc hôn mê của cậu bé ngày càng dài hơn, mỗi lần tỉnh dậy cũng khó khăn hơn.

Niềm hy vọng của cha mẹ Dalton cứ suy sụp dần, cho đến một ngày, đột nhiên bà nội cậu bé đến thăm cháu và đem theo một nhà ngoại cảm. Khi gặp bà ngoại cảm này, mẹ của Dalton mới biết rằng cha của Dalton trước đây, khi còn là một cậu bé, cũng đã gặp những trục trặc tương tự và chính bà ngoại cảm này là người đã chữa cho chồng mình khi ấy.

Qua nhà ngoại cảm này, gia đình Dalton mới biết mỗi lần Dalton rơi vào trạng thái hôn mê chính là lúc cậu bé "đi chơi" sang thế giới bên kia. Các chuyến đi như thế mỗi lần một lâu hơn, đi xa hơn và rất có thể, một ngày nào đó, Dalton sẽ đi mà không thể quay về được nữa?

Nhà ngoại cảm này cho biết, để cứu được Dalton, chỉ còn một cách là trong số người nhà phải có một người "đi" vào thế giới ấy để kéo Dalton về. Để đi sang thế giới ấy, bà ngoại cảm cho biết sẽ dùng biện pháp thôi miên, đưa người được chọn vào trạng thái thôi miên sâu. Và nhà ngoại cảm, sau khi tiết lộ câu chuyện về cha của Dalton thì cũng cho biết luôn, trong nhà chỉ có cha của Dalton là có thể làm được việc này (người đã từng vào được trạng thái thôi miên một lần thì sẽ dễ vào trạng thái đó các lần sau hơn - điều này phù hợp với lý thuyết về thôi miên. Còn như ở ta có thể tạm gọi là "có căn"?).

Về thuật thôi miên, bản thân người viết bài này cũng đã có trải nghiệm. Cách đây ít lâu, tôi tham gia vào một khóa thôi miên tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học thôi miên, thuộc Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam. Về lý thuyết chung, thôi miên là một môn khoa học, không có gì là thần bí như người ta tưởng, và có thể áp dụng cho tất cả các đối tượng. Thôi miên với những đồn thổi kỳ bí lại là một câu chuyện khác.

Trong quá trình đến lớp, tôi đã chứng kiến tại chỗ nhiều người kể về tình trạng của họ trong lúc đăng nhập trạng thái thôi miên khi được giảng viên điều dẫn, có người biến thành dòng suối, có người lại thấy mình… đằng vân giá vũ? Nhưng riêng đối với tôi, không tài nào vào trạng thái thôi miên được. Sau cùng, với cách giải thích của chuyên gia (đương nhiên biết rõ và mời tôi tham gia với tư cách là nhà báo), rằng tôi đến lớp với mục đích tìm hiểu, tâm thức quá tỉnh táo, thuộc vào diện người hoạt động trí não nhiều, tư duy luôn luôn vận động nên không thể rơi vào trạng thái thôi miên được?

Một chương trình của kênh Discovery làm về ngoại cảm ở Việt Nam.

Trở lại với câu chuyện trong “Insidious”. Sau khi đã thống nhất, nhà ngoại cảm sử dụng phương pháp quả lắc để thôi miên cha của Dalton, đưa ông vào "thế giới bên kia" để tìm con. Chứng kiến toàn bộ quá trình khảo sát và thực nghiệm của bà ngoại cảm, các nhà làm phim còn xây dựng thêm 2 nhân vật nam nữa. Có lúc, người xem thấy 2 người này như là trợ thủ của nhà ngoại cảm, nhưng họ lại chính là những nhà nghiên cứu khoa học rất gan dạ, theo sát toàn bộ sự kiện với đầy đủ trang thiết bị máy quay, máy ghi âm vừa là hỗ trợ, vừa để ghi lại toàn bộ những gì xảy ra…

Sau một loạt các diễn biến rùng rợn kiểu Hollywood, cha của Dalton cuối cùng cũng chiến thắng được con quỷ dụ dỗ và đưa Dalton trở về với cuộc sống thực. Chỉ có điều, cái kết của bộ phim, đúng theo mô-tuýp kết mở thường thấy, con quỷ ấy đã theo cha của Dalton từ thế giới ảo về thế giới thực, và nạn nhân đầu tiên của nó, chính là bà ngoại cảm tội nghiệp kia!--PageBreak--

Hơi dài dòng với bạn đọc về một bộ phim Hollywood, tuy nhiên, qua đó để thấy, phim ảnh, dù là ảo, nhưng luôn mang theo nó những tư tưởng nhân sinh quan, thế giới quan nơi nó được sinh ra. Niềm tin về sự tồn tại của một "thế giới khác", lúc nào cũng được bồi đắp bởi sự tồn tại của những người trung gian được cho là có khả năng đặc biệt kia!

Có lẽ phải rành rọt thêm với bạn đọc rằng, những người được coi là có khả năng đặc biệt về tâm linh, là đối tượng của bài viết này, hoàn toàn khác với những trường hợp "ngoại cảm bịp" xuất hiện tới tấp vừa qua. Những trường hợp như "cậu Thủy" hay cả chục trường hợp mò ra bờ sông Hồng lăn lóc, vật vã, lảm nhảm về nạn nhân của vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường không thể và không bao giờ được gọi là ngoại cảm. Đấy là lừa đảo. Lừa đảo vô nhân đạo và cần phải được xử lý ngay.

Ngoại cảm - coi như cách gọi thông thường dành cho những người được coi là có khả năng đặc biệt về tâm linh hiện nay - trong bài viết này chỉ tính đến những người có hồ sơ, là đối tượng nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu chính thức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Thế nhưng, nếu muốn vẽ một bức tranh toàn cảnh về các nhà ngoại cảm và hoạt động ngoại cảm hiện nay thì e rằng người cầm cọ sẽ loạn chiêu ngay từ lúc… pha màu!

Ngoại cảm ở ta hiện nay thống kê được khoảng gần chục phương pháp. Thường gặp nhất là gọi hồn - áp vong. Có người được biết đến qua phương pháp bắt mạch thái tố nơi cổ tay để liên hệ với vong của gia đình. Có người lại được cho là có khả năng khai mở được Luân xa 6 (thường gọi là con mắt thứ 3, giữa trán) để nhìn thấy hình ảnh người thân. Có trường hợp được biết đến có được khả năng ngoại cảm bởi chính thân nhân của người ấy, vốn cũng là một liệt sĩ, mách bảo cho mà biết tìm mộ. Lại có người cứ phải bịt cả hai mắt vào thì khả năng ngoại cảm mới phát huy tác dụng…

Con đường đến với các khả năng đặc biệt ấy cũng khác nhau. Có người được biết đến là do bị chó dại cắn nhưng né được lưỡi hái tử thần mà thành ngoại cảm. Có người xuất thân xe ôm, gặp cơ duyên cũng tự dưng mà thành. Lại có người thất nghiệp, chuyên đi đào giun ở hồ câu, cũng gặp được nhân duyên mà phát hiện ra khả năng ngoại cảm. Có người dặt dẹo lên dặt dẹo xuống, đi cai nghiện mãi mà không xong, đùng một cái dứt với nàng tiên nâu, cũng… thành ngoại cảm.

Kết quả xét nghiệm ADN là không thể thiếu một khi viện đến sự hỗ trợ của ngoại cảm tìm mộ.

Lại cũng có người nhà gia truyền bốc thuốc, sau lại chuyển "nghề" ngoại cảm… Cố nhiên, xuất thân hay con đường đến có như thế nào, miễn là nếu có khả năng thật, có thể đóng góp được cho cuộc đời này, dù ít hay nhiều, thì đều đáng hoan nghênh cả. Tuy nhiên, đã gọi là bức tranh toàn cảnh, thì sự việc cũng cần nên đa chiều.

Và bất kể xuất thân từ đâu, hay con đường đến với khả năng đặc biệt thế nào, thì các nhà ngoại cảm nếu muốn trở thành đối tượng nghiên cứu đều phải "đầu quân" cho một trong hai đơn vị nghiên cứu chính thức hiện nay, đó là Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA và Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người - nay là Viện Nghiên cứu tiềm năng con người. Hai cơ quan này nghiên cứu cùng một đối tượng, nhưng lại có vẻ như độc lập với nhau hoàn toàn. Độc lập bắt đầu từ từng câu chuyện trở đi. Thực tế là một nhà ngoại cảm một khi đã trở thành đối tượng nghiên cứu của đơn vị này thì sẽ rất hiếm khi được đơn vị kia nhắc đến, và ngược lại.

Về phương pháp nghiên cứu của hai đơn vị này chủ yếu dựa trên khảo nghiệm thực tế, thậm chí có đơn vị còn tổ chức thành hoạt động thường tuần, hàng tháng. Các khảo nghiệm này về cơ bản đều có kiểm chứng, và có thể nói rằng tương đối khắt khe. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những người quan tâm hẳn vẫn đang chờ đợi từ các đơn vị nghiên cứu này một báo cáo công trình nghiên cứu tốt, gồm cả luận cứ khoa học và thực tiễn về hoạt động cũng như đánh giá một khả năng ngoại cảm cụ thể thay vì những câu chuyện kể của những người trong cuộc về hành trình tìm kiếm mộ liệt sĩ như hiện nay.

Một điều không thể phủ nhận rằng các hiện tượng tâm linh xuất hiện trong mọi nền văn hóa từ buổi sơ khai của người hiện đại, tức là từ khoảng 50 nghìn năm trước. Tuy nhiên, những khảo sát về mặt khoa học thì mới chỉ diễn ra trong vòng vài trăm năm trở lại đây. Tuy nhiên, các kết quả khảo sát được cho là không dễ để sử dụng như các cứ liệu khoa học. Câu trả lời thực ra rất đơn giản: tri giác con người do kiến thức, kinh nghiệm, sở nguyện và kỳ vọng cá nhân chi phối, còn trí nhớ về các hiện tượng dị thường hoàn toàn không chính xác.

Nếu cho rằng một hiện tượng nào đó là dị thường, chúng ta chỉ nhớ các chứng cứ khẳng định mà quên hết các chứng cứ phủ định tính dị thường đó. Ngược lại, nếu không tin, chúng ta chỉ chăm chăm đi tìm các chứng cứ phủ định mà thôi. Và theo quy luật vàng của môn tâm lý học, tin là thấy (believing is seeing), nhất định chúng ta sẽ tìm ra các chứng cứ phù hợp với niềm tin của mình. Do đó, hơn bất cứ một lĩnh vực nào khác, trong bài toán ngoại cảm và tâm linh, những nhà nghiên cứu đủ kiến thức, nhiều kinh nghiệm và không thiên kiến là một yêu cầu bắt buộc và cần thiết

Việt Ba
.
.