Ngoại tình công sở thời… công nghệ số

Thứ Bảy, 13/06/2015, 09:05
Nếu như chuyện ngoại tình chốn công sở xưa nay đã là một việc “muôn năm cũ” và “như cơm bữa” thì thời công nghệ số với những chiếc điện thoại thông minh nối mạng, thời của email, tin nhắn, Facebook, chát chít, trò chuyện dễ dàng và cởi mở mọi lúc mọi nơi, thì chuyện ngoại tình chốn công sở càng dễ dàng.

Theo một chuyên gia tâm lý thì chưa bao giờ, chuyện ngoại tình lại dễ như lúc này và cũng chưa bao giờ tình trạng những ông chồng, bà vợ dễ dàng dấn thân vào những cuộc tình "ngoại tuyến" đầy háo hức, mạo hiểm và nguy hiểm như lúc này. Dù hệ quả của nó (nếu câu chuyện vỡ lở) luôn là một mối đe dọa với gia đình, hôn nhân và hạnh phúc của mỗi người, thế nhưng, ngoại tình chốn công sở là việc chưa và sẽ chẳng bao giờ có dấu hiệu… dừng lại.

Linh là một kế toán giỏi, xa chồng vì chồng đi công ở nước ngoài dài ngày. Lâu ngày vắng tình cảm vợ chồng, Linh đã ngã lòng trước sự tán tỉnh của sếp, một người đàn ông cũng đã có gia đình nhưng khá hào hoa và điển trai. Những tin nhắn qua lại, những email thường xuyên đã gắn bó tình cảm của họ một cách khăng khít. Sau một năm, tình cảm giữa họ càng thêm khăng khít. Anh bồ của Linh có một thói quen là mỗi lần đi “mây mưa” cùng nhau trở về, thường viết cho Linh một bức thư điện tử.

Ảnh minh họa.

Trong bức thư thường thì ngoài việc anh ta kể về tình yêu dành cho Linh, còn mô tả lại cảm giác sung sướng mỗi khi được gần gũi Linh, ôm hôn và trao cho nhau những phút giây ân ái. Điều kỳ lạ là Linh hoàn toàn bị thuyết phục và “thích” cái cảm giác không chỉ được tận hưởng mà được nghe nó, đọc nó. Một lần, đúng hôm chồng Linh về nghỉ phép, đang mở tin nhắn đọc, thế nào mà Linh quên không tắt máy tính, để vậy rồi đi nấu cơm. Tất cả những bức thư mùi mẫn ấy đã bị chồng Linh ghi lại làm bằng chứng để giành quyền nuôi con khi họ chia tay nhau.

Cuộc ngoại tình kể trên bị chính những tin nhắn, bức thư “tố giác”, một công cụ hữu hiệu giúp tình cảm nảy nở, nhưng cũng chính nó là con dao hai lưỡi khiến cho người trong cuộc cuối cùng phải nhận những kết quả đầy đau đớn.

Nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa, người hằng ngày phải chứng kiến và đón nhận những cuộc điện thoại tư vấn, trả lời về những cuộc tình đau khổ nói trên. Theo ông, phần lớn là do công nghệ Internet “tố cáo”. Có những người thì than vãn rằng, chồng họ nghiện “net”! Kéo theo đó, tốt xấu lẫn lộn, truyện khiêu dâm, chat webcam, giao lưu gặp gỡ trên mạng, phim ảnh tươi mát đang tràn lan. Có người thì kêu ca rằng, cuộc sống “ảo mà thật” trên mạng đã biến chồng hoặc vợ trở thành những người “xa lạ”.

Về nhà, mỗi người ôm một cái máy tính lướt web, chat, trò chuyện với những người bạn thông qua chiếc máy tính, quên mất vai trò của người vợ, người chồng đang hiện hữu bên cạnh, vô hình trung, tình cảm dần dần mai một. Có một chị thì than phiền rằng, chồng chị, hằng ngày đến công sở đã gặp nhau với các đồng nghiệp rồi, đêm về lại lập một “nhóm” trên mạng, tiếp tục trò chuyện đến tận nửa đêm mới đi ngủ. Cứ thấy “tinh” một tiếng, hoặc rung rung ở đầu giường là y như rằng chồng chị chạy vồ lấy chiếc điện thoại như thấy cục vàng.

Đầu tiên đang là một nhóm nói chuyện cùng nhau, đủ chuyện trên trời dưới biển, từ chuyện thời sự đến chuyện yêu đương, tình dục đủ cả. Rồi chị phát hiện anh “bị” trêu đùa cùng một bạn nữ ở công ty, rồi dần dần, chị thấy hai người đã tách riêng để chuyện trò. Dẫu chưa phát hiện ra được “bằng chứng” khẳng định anh ngoại tình, song việc ngoại tình có lẽ sớm muộn cũng xảy ra, bởi vì, cả ngày, đêm (thậm chí là tối thứ 6 hằng tuần nhóm bạn anh đều có những cuộc giao lưu, đi bar, karaoke) thì việc đó sớm muộn chị tiên lượng cũng sẽ xảy ra.

Thực tế cho thấy, nhiều chuyện ngoại tình đã bùng phát từ sau những cú nhấp chuột, những dòng send (gửi đi) của tin nhắn. Nhiều người bày tỏ nỗi niềm khi biết được người bạn đời của mình đang “phở và cơm” đều đặn, do thủ phạm chính là “dế yêu” và laptop. Thời đại kỹ thuật số đang bào mòn dần hạnh phúc gia đình. Mặc dù có thể hiểu rõ rằng Internet không hề tạo ra những biến tướng tâm lý mới ở con người, mà nó chỉ góp phần làm rõ vấn đề hơn và làm trầm trọng tình huống thêm mà thôi.

Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa.

Có một chị một hôm hoảng hốt gọi đến Trung tâm Tư vấn Linh Tâm của nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa, chị hoảng hồn vì phát hiện chồng mình “chat sex” với một cô gái trên máy tính. Những câu chát khiến chị “rụng rời chân tay”, họ nói với nhau những lời lẽ theo chị là “rất lăng loàn”. Chị không ngờ chồng chị lại quan hệ với một cô gái có thể nói những câu như vậy.

Thực sự, nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa không xa lạ gì những trò này của “đám trẻ” vì thực tế cho thấy, công nghệ Internet đến mọi nhà, mọi lúc, mọi nơi với giá rẻ như ở Việt Nam đang làm cho một bộ phận những người mới tiếp xúc đang bị đi “quá đà, khó kiểm soát” trong vấn đề tìm hiểu tình dục cũng như “chat sex” cùng một người bạn ảo trên mạng. Có người gọi điện đến và còn hoảng hồn khi thổ lộ với ông rằng, có những khi nói chuyện với người trên mạng, họ lại có thể ‘thỏa mãn ham muốn” hơn là trong đời thực với chính vợ hoặc chồng mình. Điều này thực sự đáng báo động về một “thảm họa công nghệ” có thể ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc gia đình.

Thực tế cho thấy, cuộc cách mạng tình dục hiện nay đang trên đà đi tới và Internet đã khiến cả đàn ông và đàn bà trong một xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống thay đổi những “quy chuẩn” về chuyện không chung thủy, nếu họ muốn hoặc đang vướng vào.

Nếu như trước đây, người ta tán tỉnh nhau trong quán cà phê, trong quán ăn trước khi hò hẹn, thì ngày nay người ta “chat” với nhau hoặc “SMS” với nhau, thế là đủ, vẫn tình tứ và lãng mạn như thường. Chính sự tiện lợi, nhanh và rẻ của việc sử dụng Internet đã kéo người ta xích lại gần nhau, và trong một mức độ nào đó, gây nên thảm họa cho đôi lứa. Người ta có thể phải lòng nhau mà không cần bỏ tiền ra quà cáp hay tặng hoa hồng trong những ngày lễ. Người ta cũng không cần phải chải chuốt để đi gặp bạn gái, mà gặp ngay trên mạng. Yếu tố ảo này thật sự đã thay thế diện mạo thật của con người một cách tuyệt vời đến không ngờ.

Và từ đó, mối nguy ngoại tình đâu đó luôn rình rập, cái sở thích “chạy theo bóng hình mới” hầu như đã luôn tồn tại trong suy nghĩ của cánh đàn ông từ cổ chí kim, chỉ có khác là giờ đây, cách “chạy” của quý ông thay đổi theo chiều hướng rất… high-tech!

Nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa đã từng phải tư vấn cho một chị về việc, chồng chị ấy đã phải lòng một người phụ nữ ở công sở chỉ thông qua những bữa cơm trưa ở văn phòng. Trước đây, với chị, chồng chị là một người đàn ông mẫu mực, sáng ăn sáng ở nhà, trưa ăn cơm hộp của vợ chuẩn bị, tối lại về nhà ăn cơm. Ai cũng mừng cho chị vì có anh chồng ngoan, biết tiết kiệm cho gia đình, lại chu đáo với công việc.

Chị cũng luôn nghĩ về anh như thế, nếu không có một ngày, anh quên hộp cơm ở nhà, thay vì gọi điện thoại cho chồng, chị mang hẳn hộp cơm đến gửi bảo vệ. Anh bảo vệ khi nhận ra hộp cơm thì nhanh nhảu: A hộp cơm của thằng Hùng à, để đó anh ăn. Chị ngớ người, sao lại “Để đó anh ăn”? Lân la hỏi chuyện khéo léo, chị mới tá hỏa vì lâu nay, hộp cơm của chồng chị mang đi chỉ dừng lại ở cổng bảo vệ, cho chính bác bảo vệ ăn. Còn chồng chị, đã có cơm của “cái Lan” – theo lời bác bảo vệ nói, mang đi hằng ngày cùng ăn với nhau. Anh không thể ăn một lúc hai suất cơm được, và suất cơm của chị “bị ưu tiên” cho bác bảo vệ.

Để kiểm chứng, chị không làm ầm lên. Đêm hôm ấy, chị vẫn lặng lẽ hỏi thăm anh ăn cơm vợ nấu có ngon không, và anh vẫn trả lời “Có, anh ăn hết!”. Để tìm bằng chứng “ngoại phạm” chị tìm đến điện thoại chồng, thứ mà ít khi chị sờ vào. Thì trong điện thoại, cơ man nào là tin nhắn của “cái Lan” nói trên (dù đã được anh đổi tên). Câu chuyện của họ xoay quanh bữa ăn, món ăn và những câu hỏi “ngày mai ăn gì”. Chị phải thừa nhận là anh được cô bồ phục vụ nhiều món ăn ngon hơn chị. Dĩ nhiên, chuyện sau đó thì rất dài, nhưng kể ra để thấy rằng, công nghệ hiện đại đã khiến cho cuộc sống hôn nhân mỏng manh hơn, dễ tan vỡ hơn, những cuộc ngoại tình chóng vánh hơn.

Hai người ở công sở đã “cùng nhau, hiểu nhau, hỗ trợ nhau” được nhiều việc thì những tin nhắn quan tâm, những lời hỏi han ân cần nhẹ nhàng, sẽ dẫn đến việc họ cảm thấy “tuy hai mà một” và khiến cho mỗi khi trở về nhà, họ cảm thấy sống cạnh vợ chồng nhưng chuyện trò nhạt nhẽo, chính vì thế họ lại “ôm cái điện thoại” để nói chuyện với người kia, người mà họ nghĩ có thể vừa lắng nghe vừa thấu hiểu. Dần dần, những cuộc hôn nhân đều kề bên vực thẳm. Và, rất nhiều trong số đó là lao xuống vực với hậu quả gia đình tan nát, con cái bơ vơ.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.