Ngôi nhà sàn và đàn voi Buôn Đôn

Thứ Tư, 13/02/2008, 08:30
Buôn Đôn ở cách thành phố Buôn Ma Thuột thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk khoảng trên 40 cây số. Đường đi tương đối bằng phẳng. Không phải gập ghềnh như đường rừng.

Trên đường đến Buôn Đôn tôi đã gặp những đám ruộng nước rộng rãi như những mặt ruộng ở cánh đồng miền xuôi.

Chấm phá vào ruộng là những thân cò lặn lội, những cánh cò trắng phau bay chấp chới trên đồng. Cò ở đây nhỏ và mảnh. Có cảm giác những cánh cò trắng trên cánh đồng Tây Nguyên này bé hơn những cánh cò trắng ở bình nguyên Bắc Bộ.  

Buôn Đôn lại là địa danh thân thuộc gọi theo cách của người Ê Đê bản địa sinh sống ở đây. Sông Sêrêpốc là phần sinh thủy quan trọng của Đắk Lắk được hợp nguồn từ sông Vợ (Krông Ana) và sông Chồng (Krông Knô). Sêrêpốc chảy vào đất Campuchia sau khi rong ruổi hàng trăm kilômét ở cao nguyên nước Việt.

Người dân ở đây gọi nó là con sông chảy ngược. Sông ở khuất sau những cây lá xùm xòa. Đến gần sông mà chưa thể nhìn thấy sông, chỉ thấy màu lá xanh và ồn ào tiếng nước chảy.

Đến Buôn Đôn, tôi đã được xem ngôi nhà sàn ấy bằng mắt nhưng thu nhỏ ở nhà trưng bày cho khách du lịch thưởng thức. Ngôi nhà dài mô hình trong một ngôi nhà sàn lớn như hội trường chủ yếu dùng cho tiếp khách.

Thiết nghĩ, Buôn Đôn đất còn rộng, rừng cũng không thiếu sao ta không làm hẳn một ngôi nhà sàn dài như thật cho khách thập phương được một lần chứng kiến vẻ đẹp nguyên vẹn của giá trị kiến trúc Tây Nguyên.

Người Ê Đê có lối sống theo nếp mẫu hệ. Con cái sinh ra lấy họ mẹ. Ngôi nhà sàn dài là đặc trưng văn hóa cho lối sống ấy của họ. Mỗi ngôi nhà đều có hai lối gỗ lên sàn. Lối gỗ chính là lối của một cầu thang lớn, vững chắc, số bậc là số lẻ.

Trên cùng cầu thang là một vầng trăng cong thể hiện cho sự trong sáng, thủy chung. Dưới vầng trăng là hai bầu vú gỗ căng tròn biểu tượng cho tiềm năng và uy lực người phụ nữ. Cầu thang này đồng bào gọi là cầu thang “cái”. Cầu thang “cái” chỉ dành cho đàn bà trong nhà lên xuống và đón khách quý khi đến thăm.

Có một cầu thang nữa dành riêng cho đàn ông trong nhà nhưng nhỏ hơn và đặt ở chỗ khác và mang tính nội bộ. Đồng bào gọi nó là cầu thang “đực”. Cầu thang “đực” này chỉ có những người đàn ông trong nhà mới được lên xuống. Đây là nơi biệt lập dành cho các vị nam nhi trong gia đình. Còn các nam nhi khác nếu không thuộc hộ khẩu của ngôi nhà dài thì xin đừng mon men đến gần và đặt chân lên. Người trong nhà rất kiêng kị điều ấy.

Nó là khu nhạy cảm mang tính đạo đức. Cũng là chỗ nhìn vào đấy để đánh giá phẩm hạnh của con người. Bước chân của người đàn ông lạ có thể là vô tình - nhất là hữu ý khi đặt lên thang - là điều không thể có đối với một ngôi nhà dài nền nếp.

Nơi nào có phong tục ấy, hiểu được phong tục là hiểu được lòng người.

Ngôi nhà sàn dài Ê Đê còn có vẻ đẹp riêng nữa về đời người sau mỗi cánh cửa sổ. Mỗi cửa sổ ứng với một gian. Thường thường mỗi gian là dành cho một người con gái.

Gian nào có cửa sổ mở ra là báo hiệu người con gái ấy sau những đêm động lòng nghe tiếng động sàn là bước chân người con gái xuống thang đi tìm hiểu và bắt được chồng. Gian nào cửa sổ còn đóng là nơi ấy người con gái đang nín thở đợi ám hiệu của người con trai tâm đầu ý hợp làm chồng. Nhà càng dài càng nhiều con gái. Nhà nào có cửa sổ mở nhiều là ngôi nhà ấy đã có nhiều phụ nữ lập gia đình riêng.

Trong mỗi nhà sàn bao giờ cũng có sự ấm nóng suốt ngày đêm. Nó là ngọn lửa trong mỗi gia đình với cái bếp giữa nhà không bao giờ lạnh. Bếp lửa như đôi mắt thức trong mỗi ngôi sàn. Đôi mắt thức này chẳng cứ gì người Ê Đê mới có mà nhiều dân tộc anh em khác sinh sống ở miền núi nước ta cũng thường xuyên hồng than hoặc đỏ lửa như thế.

Bếp thức biểu hiện vẻ đẹp của tồn tại, của nguồn sống con người khi mà thiên nhiên như một phần cốt nhục thường ngày của mỗi họ. Ngọn lửa trong mỗi bếp sàn mang tâm hồn nhân hậu của người vùng cao đối với nhau và đối với mọi người.--PageBreak--

Buôn Đôn có nhiều voi. Những con voi nhà. Con voi đối với đồng bào Tây Nguyên thân thuộc như con trâu đối với người nông dân đồng bằng Bắc Bộ và được quý hơn rất nhiều. Một con voi sau thuần dưỡng có giá bằng dăm chục con trâu bò cộng lại. Buôn Đôn là nơi thuộc loại nhiều voi nhất của Đắk Lắk.

Vừa vào đến Buôn Đôn không ai là không muốn biết, muốn hiểu về voi. Tôi đã hồi hộp và lúng túng từ cái giá gỗ dựng cao bên cạnh bước lên đài rồi ngồi vào chiếc bành gỗ của con voi nặng hàng tấn. Đây là lần đầu tiên tôi được cưỡi voi. Khi voi bước đi, cái lưng của con vật khổng lồ đã được thuần hóa cứ rùng rùng như mặt đất đang chuyển động và bản thân người ngồi trên lưng voi như đang chấp chới giữa lưng trời.

Ngồi trên bành voi đi dạo núi là theo sự tò mò thôi chứ thực tình vất vả hơn leo dốc nhiều. Voi chuyển động thế nào mình cũng phải chuyển động như thế cho nên ngồi trên lưng voi mà cảm như đang đánh vật với chính mình. Biết vậy nên càng thương người chăm voi và cưỡi voi chuyên nghiệp. Họ là những người khỏe mạnh và dũng cảm được gọi tên là nài voi.

Một nài voi nói cho tôi biết về nòi giống voi. Voi cái không có ngà, dáng mập và bước đi ngồn ngộn. Voi đực tất nhiên có đôi ngà nhọn như đôi kiếm cong sắc cùng dáng vẻ chắc nịch của thân hình. Những con voi được thuần hóa bao giờ cũng như người mang vác nặng ngoan ngoãn phục vụ ý muốn của con người.

Voi còn giúp người Buôn Đôn trong những hội đua voi thường mở vào mùa xuân. Nó biết xếp hàng ngang quỳ chào khán giả. Khi hồi tù và vút lên những chú voi “vận động viên” cũng vút lên theo trong tiếng hò reo cùng chiêng trống cổ vũ của mọi người.

Voi trông nặng nề như vậy nhưng chạy rất nhanh có khi tốc độ tới bốn chục cây số một giờ. Voi chiến thắng được đeo vòng nguyệt quế, biết ve vẩy tai, cong vòi chào khán giả và hân hoan trước những quả chuối và khúc mía người xem trao tặng.

Voi rừng thường vòi cứ cong cớn lên một cách ngạo mạn và hung dữ. Vòi của voi nhà thường buông thõng xuống trong cần mẫn, lặng thầm. Voi nhà bắt đầu từ voi rừng. Những con voi rừng nhỏ. Người săn voi thường hàng đoàn. Trong đàn voi rừng phát hiện được họ xua đàn voi lớn đi rồi bao vây voi con. Khi không còn nguy hiểm trước đàn voi trưởng thành họ đuổi con voi non bị cách ly ấy cho đến lúc mệt nhoài rồi mới bắt đưa về.

Để được làm bạn với con người, chú voi nhỏ sau lúc bị săn đã phải chịu bao nhiêu sự rèn luyện để bớt đi tính hung hăng hoang dã của mình. Voi bị bỏ đói rồi sau đó được ăn theo thức ăn của người chuẩn bị cho. Bốn chân voi mới đầu bị cùm. Cả thân voi bị treo ngược. Những mũi gậy nhọn của người luyện voi chọc, chỉa vào da cho voi quen với đau đớn.

Cuộc dạy mỗi chú voi con thân thuộc dần với cuộc sống của con người thường rất công phu. Người dạy kiên trì. Kẻ học là voi thì  kiên nhẫn chịu đựng và làm quen với ý muốn của người dạy. Voi về ở được với người ban đầu nó như một tín đồ chịu nạn của đạo khổ hạnh.--PageBreak--

Vốn hoang dã và tợn tạo nhưng sau những ngày khổ công rèn luyện voi đã trở nên hiếu nghĩa và có ích rất nhiều cho con người. Với con người voi là vị dũng sĩ của buôn làng, con vật linh thiêng luôn được quý trọng.

Chính vì thế, ngay từ lúc chuẩn bị đi săn voi con người đã phổ vào đấy nhiều quy định kiêng kị giàu tính tâm linh. Khi sắp vào việc trọng gia đình người thợ săn thường cắm lá xanh trước nhà ngụ ý gia chủ không muốn tiếp khách sợ chuyện trò ầm ĩ làm kinh động tới loài vật quý mà họ muốn bắt về làm bạn.

Người trong gia đình thợ săn luôn luôn ý tứ trong bưng bê, sắp xếp để không làm đổ vỡ bất cứ một vật gì. Họ e ngại việc đụng chạm. Việc khâu vá vào ban đêm của chị em phụ nữ cũng bị cấm. Họ sợ lỡ kim đâm vào tay.

Cả chuyện tình cảm nam nữ vốn tự nhiên nữa cũng không được làm. Người đi săn tránh việc tỏ tình và nhận lời tỏ tình trước lúc vào cuộc. Họ kiêng cả việc đến thăm nhà người mới chết hoặc thăm người mới sinh. Thân thể người đi săn không được bôi sáp, bôi mỡ.

Những vật thường gây tiếng động, những vật làm đau, gây mùi hoặc ô uế được người đi săn voi lo ngại và tìm mọi cách để tránh. Người đi săn quan niệm, dẫu ở trong rừng sâu voi vẫn có thể nghe được, biết được những toan tính của con người. Cho nên càng giữ ý bao nhiêu, càng bí mật bao nhiêu cuộc săn voi càng hiệu quả bấy nhiêu.

Voi với người ban đầu sống ở hai không gian xa lạ. Voi có rừng thẳm, non cao làm chỗ vẫy vùng, tồn tại phát triển. Người có mái sàn, bếp lửa, củ sắn, hạt cơm làm tổ ấm. Voi là loài bầy đàn hoang dã. Người là kẻ biết sức mạnh của voi và muốn voi bị chinh phục.

Cả hai sau những nhẫn nại đã cùng sống với nhau. Được ở cạnh người nhiều nên voi cũng có những nết tốt như người.

Voi khi già đến tuổi chết thường là chúng chọn một cái chết rất lạ và hết sức cảm động.

Người dân kể: Một con voi cao tuổi, biết không thể sống được nữa nó đã tìm đường ra suối để trầm mình. Con voi già ấy đã một mình làm lễ thủy táng cho bản thân, tự nguyện hiến xác trong dòng nước mát làm mồi nuôi sống cho muôn loài. Hình như với những chú voi rừng hoang dã cũng có hành động nhân đức như vậy.

Một nhà thơ ở Tây Nguyên kể cho tôi nghe câu chuyện về một vụ án voi. Chuyện này bắt đầu từ  một chú voi trong đàn tám con đã gây tội ác động giời. Nó đã hại chủ. Có lẽ do nài voi vô tình vô ý bỏ đói, bớt khẩu phần ăn, hoặc bị kích động con voi đó đã hung hãn tung vòi quật chết anh.

Một tòa án giữa người và voi được lập ra. Quan tòa đọc cáo trạng về con voi gây án và hỏi bảy chú voi kia là nếu thấy con voi giết nài voi có tội thì hãy ra hiệu bằng cách đập vòi của mình xuống đất. Không để chủ tọa phiên tòa đợi lâu, tất cả bảy con đều đập vòi xuống đất đồng tình trước việc tòa kết tội kẻ tội đồ đó.

Đến phần tuyên án khi quan tòa tuyên tội chết cho chú voi ngược ngạo ấy thì chỉ có năm con chầm chậm đập vòi xuống đất còn hai con kia lặng phắc không hề động đậy vòi. Sau tìm hiểu ra, người ta mới biết kẻ xin tha chết cho chú voi bị trọng tội nọ, một là voi mẹ đẻ ra chú và một là “cô” voi - “người yêu” của chú. Chuyện như chuyện của người. Lại như giai thoại.

Con voi già đến tuổi chết đã dâng hiến da thịt mình nuôi các loài vật khác. Những con voi chung đàn đã biết đau nỗi đau đồng loại. Đúng là có tâm Người trong loài động vật to lớn ấy.

Voi là loài vật được đồng bào Tây Nguyên quý trọng, bảo vệ. Tại đây không ai nói đến chuyện ăn thịt voi. Người lạ từ nơi xa đến nếu không biết luật tục, lỡ mồm nói đến chuyện này xin hãy dè chừng đôi mắt khó chịu không vừa lòng của người bản địa. Đúng như vậy. Nào ai lại muốn làm hại và ăn thịt một loài có nghĩa đến thế, cho dù nó chỉ là một con vật bốn chân không biết nói.

Nuôi voi phải biết quý voi. Đừng như ai lỡ vô tình bỏ đói voi, hành hạ voi quá mức khiến thú tính của chúng trỗi dậy gây nên những chuyện đau lòng như một vài trường hợp đã xảy ra gần đây...

.
.