Ngôi sao bóng rổ vẫn khỏe mạnh sau 26 năm nhiễm HIV

Thứ Tư, 03/01/2018, 09:55
Earvin “Magic” Johnson Jr. là một trong những vận động viên bóng rổ xuất sắc nhất của mọi thời đại. Ông đi vào lịch sử của giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp quốc gia NBA với tư cách là vận động viên hiếm hoi chơi được cả 5 vị trí trên sân, chiếm vị trí All-star suốt 11 mùa và giành được 35 danh hiệu - nhiều hơn bất cứ đồng nghiệp nào cùng thời.

Tuy nhiên với công chúng, thành tựu ấn tượng nhất của Johnson vẫn là chiến thắng áp đảo của ông với Tử thần - hiện siêu sao thể thao vẫn sống khoẻ, hạnh phúc sau 26 năm nhiễm HIV.

Cậu bé Earvin sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Michigan, Mỹ. Cha của Earvin là ông Earvin Jr., một công nhân lắp máy tại nhà máy ôtô và mẹ của cậu là bà Christine, một lao công.

Từ khi còn rất nhỏ, “Magic” đã ham mê bóng rổ. Ngôi sao tương lai học cách khát khao danh hiệu và vinh quang từ các tấm gương tiền bối như huyền thoại Bill Russel, và được cha mình - một vận động viên bóng rổ nghiệp dư - huấn luyện.

Ở tuổi 14, với chiều cao và khả năng ghi bàn không thể phủ nhận - Earvin từng ghi liền 48 điểm trong một trận đấu - cậu trở thành một gương mặt được săn đón tại các giải đấu dành cho lứa tuổi thiếu niên. Tuy vậy, thay vì được nhận vào Trường cấp ba Sexton vốn có một đội bóng rổ rất mạnh và có phần lớn học sinh là thanh thiếu niên da màu, Earvin lại phải học ở Trường Everett, một ngôi trường khét tiếng phân biệt chủng tộc.

Việc lũ trẻ con da trắng ném đá vào xe bus của học sinh da màu, phụ huynh da trắng làm ầm lên vì con mình phải học với các bạn da màu, giáo viên hay huấn luyện viên coi học sinh da màu như không tồn tại… là chuyện như cơm bữa ở Trường Everett. Tuy vậy, chính môi trường khắc nghiệt này đã giúp Earvin làm quen với môi trường thi đấu khá lộn xộn của MBA và nạn phân biệt chủng tộc - vấn nạn muôn đời trong giới thể thao.

Chính ông đã thừa nhận trong cuốn tự truyện của mình: “Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy mình đã nhầm. Quả là lúc đó, học và thi đấu ở Everett khiến tôi phát điên. Nhưng chính những trải nghiệm như vậy đã giúp tôi thoát khỏi cái thế giới bé tí của mình, để học được cách hiểu, giao tiếp và đối xử với các đồng đội da trắng”.

Tháng 11- 1991, người khổng lồ nước Mỹ run rẩy thông báo mình đã mắc căn bệnh thế kỉ với đông đảo phóng viên.

Johnson bắt đầu được gọi là “Magic” khi mới 15 tuổi sau một mùa giải rực rỡ: anh ghi liền 36 điểm, bắt bóng bật bảng 18 lần và kiến tạo 16 lần. Trong trận chung kết, Johnson dẫn dắt đồng đội đến chiến thắng áp đảo nhất trong lịch sử thi đấu nghiệp dư của Michigan: 27-1. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cậu thanh niên quyết định học ở Đại học Michigan và tiếp tục cống hiến cho đội bóng quê hương.

Khác với rất nhiều đồng đội của mình, Earvin vẫn chưa thực sự dấn thân vào bóng rổ chuyên nghiệp. Anh chỉ chơi cho trường đại học của mình, và dành phần lớn thời gian để tập trung vào ngành học của mình là ngành truyền thông. Thế nhưng, tài năng bóng rổ trời phú đã cản bước dự định của anh, và đưa anh băng băng qua những giải đấu sinh viên, giải vô địch quốc gia, và rồi vào năm 1979, sau khi thi đấu trong trận bóng rổ đại học được nhiều người theo dõi nhất trong lịch sử, Magic chính thức đặt chân vào đội hình NBA để bắt đầu sự nghiệp.

Ngay trong mùa đầu tiên ở NBA, Magic đã được chọn vào một trong những đội bóng danh tiếng số 1 là Lakers và vượt qua cả tay ghi nhiều điểm nhất trong lịch sử giải đấu Kareem Abdul-Jabbar để đưa Lakers đến với chức vô địch. Chỉ một năm sau đó, sự nghiệp mới chớm của Magic đã bị đe doạ: anh dính chấn thương đầu gối trái và phải nghỉ liền 45 trận đấu.

Sau khi bình phục, Johnson lại chơi xuất sắc, ghi hàng chục bàn mỗi mùa, kí hợp đồng trị giá 25 triệu USD với đội Lakers và chỉ dính một scandal nhỏ như gián tiếp khiến huấn luyện viên Westhead bị đuổi việc. Những tưởng cuộc đời anh vẫn sẽ mãi rực rỡ như vậy, nhưng cuộc đời có những ngã rẽ khó ai ngờ.

11 năm sau, vào một buổi sáng tháng 11-1991, người khổng lồ nước Mỹ (Johnson cao 2m) run rẩy trước cuộc họp báo và thông báo mình đã mắc căn bệnh thế kỉ. Cảnh Johnson vừa chốc chốc quay sang nhìn vợ, nghẹn ngào cho hay, anh biết mình dương tính với HIV sau một cuộc xét nghiệm máu để chuẩn bị cho mùa giải mới đã khiến cả nước Mỹ rúng động và được kênh ESPN bình chọn là khoảnh khắc đáng nhớ thứ bảy trong 25 năm cuối thế kỉ 20.

Nguyên nhân được cho là do Magic đã quan hệ tình dục với 200 người phụ nữ. Ở thời điểm đó, khán giả thì choáng váng, giới chuyên môn thì nhận định thế là sự nghiệp của Magic đã kết thúc, một số đồng đội thì từ chối chơi bóng với Magic vì sợ bị lây bệnh, số còn lại thì tiếc thay cho một tài năng hiếm có.

Ông David Stern, cựu chủ tịch NBA thuật lại: “Tôi vừa theo dõi vừa khóc vì tưởng tượng ra cảnh mình phải đi dự đám tang của cậu ấy!”. Thế nhưng, bằng thực lực và dũng khí của mình, Johnson vẫn tiếp tục chơi cho Lakers, và được chọn vào đội tuyển Olympic thi đấu ở Barcelona năm 1992, bên cạnh những tên tuổi như Michael Jordan, và Larry Bird.

Tại Barcelona, một lần nữa Magic lại đi vào lịch sử, nhưng lần này không chỉ vì những bàn thắng, mà còn vì một khoảnh khắc vô cùng đẹp đẽ: cả đội tuyển Tây Ban Nha tiến đến, ôm lấy Magic ngay trên sân để xoá nhoà đi sự kì thị với những bệnh nhân HIV. Trong khoảnh khắc đẹp đẽ mà cũng đau lòng ấy, người khổng lồ đã oà khóc. Ông giải nghệ sau Olympic 1992, và người ta bắt đầu nhìn thấy Magic trong hàng trăm đám tang của những bệnh nhân HIV/AIDS khắp cả nước, thay vì trên truyền hình, tạp chí, hay sân bóng.

Rất nhiều năm sau, khi xuất hiện trên một chương trình truyền hình, Magic mới kể lại về hành trình chống chọi tử thần suốt 25 năm của mình: “Tôi dùng thuốc như bao người dân Mỹ khác, nhưng quan trọng nhất là tôi thực sự muốn sống và tôi có vợ tôi, Cookie. Cô ấy không hề trách móc tôi một lời, và khi tôi nói rằng cô ấy có thể ly dị nếu muốn, thì Cookie bảo rằng: “Anh điên à, em yêu anh, nên em sẽ ở lại cùng anh chiến đấu”. May thay là cả vợ lẫn con của tôi đều âm tính”.

25 năm sau bản án tử hình, người hùng bóng rổ vẫn có vợ đẹp, con khôn, một tập đoàn trị giá một tỷ USD, một quỹ phòng chống  HIV/AIDS. Ông còn là Chủ tịch đội LA Lakers - nơi ông đã cống hiến suốt thời trai trẻ. Báo giới Mỹ gọi đây là phần thưởng xứng đáng cho một chiến binh quả cảm, lạc quan và có ý chí sống mãnh liệt.

Thi San
.
.