Người dân Sóc Trăng: Dùng nước từ mạch nguồn... núi lửa?

Thứ Tư, 19/12/2012, 16:25

Từ bấy lâu nay, nguồn nước máy ở một số cụm dân cư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bất ngờ nóng lên. Rau tươi rửa trực tiếp dưới vòi nước sẽ trở thành rau… luộc. Xả nước vào trứng khoảng 10 phút, trứng sẽ chín. Không ai dám đứng tắm dưới vòi nước hoa sen. Để sử dụng, người ta phải xả nước vào bồn chứa chờ nguội.
Mặc dù cái tin về "Ngày tận thế" chỉ là lời đồn đại hoang đường, thế nhưng một số người cho rằng, một núi lửa "ngủ quên" dưới lòng đất sâu vừa mới "thức giấc" và sẽ bùng phát vào "ngày tận thế" tháng 12 năm nay?

Có phải núi lửa ở Sóc Trăng sắp phun trào?

Ông Châu Sóc Em (68 tuổi, cư ngụ ở Mỹ Xuyên) âm thầm dọn đồ, khóa cửa nhà rồi dắt díu vợ con lên quận 8, TP HCM thuê nhà trọ ở tạm để… lánh nạn núi lửa. Ông nói: "Tháng 12 năm nay, núi lửa sẽ “thức dậy” tại Sóc Trăng. Sẽ có nhiều người chết lắm đó. Tui về thành phố ở tạm cho an toàn tính mạng. Nếu hết tháng 12, núi lửa không phun thì tui trở về quê".

Không nghề nghiệp, không kế sinh nhai, lại phải thuê nhà ở, 5 con người trong gia đình ông Sóc Em phải chia nhau đi ăn mày lê la ở các chợ. Trong khi đó, miếng ruộng hơn 5 công đất ở quê nhà bỏ hoang không người chăm sóc.

Khi được hỏi, căn cứ vào đâu để ông khẳng định núi lửa sắp phun trào ở Sóc Trăng, ông hồn nhiên giải thích: "Nước nằm dưới đất, ai chui xuống đó nấu mà nó nóng? Nó nóng là do ông thần núi lửa sắp chui lên. Tui nghe người ta đồn tháng 12 năm nay là "ngày tận thế". Vậy là trùng hợp rồi. Mạng sống là quan trọng mà. Tránh voi đâu xấu mặt. Chờ hết tháng 12, núi lửa không phun thì về cũng đâu có sao".

Ông Sóc Em còn cho biết, ở xóm ông có ít nhất 10 gia đình cũng đi lánh nạn núi lửa như ông. Họ đi lánh nạn khắp nơi. Có gia đình đưa vợ con về An Giang. Có gia đình chạy về Đồng Nai. Thậm chí, có gia đình ra tận Phú Quốc.

Ông Chín Hàu cư ngụ trên hương lộ 12, gần chùa Phước Lâm (thị trấn Mỹ Xuyên) cũng tạm đóng cửa nhà đưa hết vợ con về chợ Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, An Giang ở tạm nhà cha mẹ vợ để lánh "thảm họa núi lửa". Chúng tôi tìm đến tận nơi tạm trú của ông.

Ông Chín Hàu ngồi bó gối trước hiên nhà hồn nhiên nói: "Tui nghe người ta đồn các nhà khoa học Mỹ khẳng định tháng 12 năm nay là ngày tận thế. Vùng Sóc Trăng, nước tự dưng phát nóng, có lẽ là do núi lửa sắp phun. Hồi đầu năm, con đường lót bê tông ở xã Ngọc Tố (Mỹ Xuyên) tự dưng co duỗi khơi khơi. Tui có đi xem. Ghê lắm! Tui thấy 2 tấm đan bê tông tự dưng cong lên rồi xẹp xuống giống như con sâu bò. Núi lửa ở Sóc Trăng sắp trào lên rồi. Tui đi lánh nạn thôi".

Ông Chín Hàu muốn nhắc đến một hiện tượng lạ, có thật xảy ra vào tháng 2/2012 tại con đường liên ấp lót tấm đan bê tông ở ấp Lương Văn Hoàng, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên. Thời điểm đó, cứ đến giữa trưa là 2 tấm đan bê tông lót đường tự cong đùn lên khỏi mặt đất khoảng 30cm thành hình mái nhà. Đến chiều, hai tấm đan này lại tự hạ xuống sát mặt đường. Hiện tượng lạ này thu hút hàng trăm lượt người dân tại địa phương và vùng lân cận kéo đến xem khiến đường bị ùn tắc cục bộ. Chính quyền xã phải huy động lực lượng công an, dân phòng và xã đội ra hiện trường túc trực suốt ngày đêm để giải tán đám đông, giữ gìn an ninh trật tự.

Hiện tượng đường bêtông co duỗi xảy ra vào tháng 2/2012 ở Sóc Trăng.

Trước hiện tượng đó, quan chức ngành giao thông vận tải địa phương phải lên truyền hình giải thích đó là hiện tượng vật lý bình thường. Hiện tượng đó xảy ra là do lực lượng thi công đã không chừa khe hở bù trừ độ giãn nở giữa những tấm đan bê tông, khi trời nắng nóng, các tấm đan bêtông này đã giãn nở và tạo nên hiện tượng đội cao lên.

Được giải tỏa nghi vấn, người dân bớt hoang mang. Tuy nhiên, lúc 17 giờ ngày 10/10/2012, sau một cơn mưa nhẹ, trên bầu trời hướng tây nam Sóc Trăng bỗng xuất hiện một cầu vồng trông rất đẹp và lộng lẫy. Cầu vồng lại nằm sát đường chân trời. Thông thường, cầu vồng chỉ xuất hiện tối đa 100 độ và nằm lơ lửng trên bầu trời. Lần này cầu vồng lại hiện nguyên hình 180 độ và năm sát chân trời.

Xả nước vào tô trứng… sau 10 phút, trứng chín lòng trắng.

Nước nóng thiên nhiên

Chị HXD, cư ngụ tại đường số 8, khu dân cư 5A mở van xả nước cho chúng tôi xem. Khi vừa mở van, nhiệt độ nước bình thường, sau đó nước trở nên nóng không chịu nổi. Chị HXD cho biết, nhiệt độ nước khoảng từ 35 - 40oC.

Chị đưa rổ rau tươi vào vòi nước. Sau khoảng 10 phút, rổ rau trở nên héo quắt như được chần qua nước sôi. Chị đặt 4 quả trứng dưới vòi nước nóng. Khoảng 10 phút sau, chị bóc 1 quả: Lòng đỏ vẫn còn sống nhưng lòng trắng đã chín đục.

Chị đưa chúng tôi vào kiểm tra phòng tắm. Nước từ vòi sen nóng đến mức không chịu nổi. Chị cho biết: "Tôi mua căn hộ này từ mấy năm trước. Lúc đầu, nhiệt độ nước bình thường. Ông xã tôi lắp thêm máy nước nóng để tắm cho trẻ con. Một hôm, khi đang tắm, ông xã tôi la oai oái vì nước nóng đột ngột mặc dù máy nước nóng đang tắt. Tưởng cái máy nước nóng bị hư, anh ấy nhờ thợ đến thay cái khác. Nước vẫn nóng trong khi máy đã ngắt điện.

Bực quá, ảnh kêu người thợ đến mắng vốn. Ông thợ đến xem xét rồi bảo, không phải do máy nước nóng bị hư mà do nước cung cấp nóng sẵn. Tôi không tin, đi hỏi khắp xóm. Hóa ra, nhà nào cũng vậy. Chúng tôi xài nước từ nguồn cung cấp của Công ty cấp nước Sóc Trăng. Chúng tôi đi hỏi thì họ trả lời, nước nóng từ thiên nhiên. Bây giờ, muốn tắm cho trẻ con, tôi phải xả nước vào bồn chứa, chờ nước nguội".

Chị Đỗ Thị Trúc, cư ngụ đường số 9 khu dân cư 5A thì cho biết, dãy nhà bên kia đường cũng xài nước máy của Công ty cấp nước Sóc Trăng thì nhiệt độ bình thường nhưng dãy nhà bên đây thì toàn nước nóng. Hiện tượng nước máy nóng chỉ xảy ra từ tháng 5/2012 đến nay. Trước đó, nước máy nhà chị vẫn bình thường.

Chị Mỹ Hoa, chủ tiệm tạp hóa ở cùng dãy nhà với chị Trúc có vẻ hiểu biết: "Lúc trước, nước máy xài kinh lắm. Lúc đó, nước máy còn lạnh. Khi tắm, nước cứ nhơn nhớt trên da, khó chịu lắm. Đó là do Công ty cấp nước Sóc Trăng khoan giếng cạn gặp mạch nước phèn. Sau này, Công ty cấp nước cho khoan giếng khác sâu hơn, gặp phải túi nước nóng. Từ đó đến giờ "toàn dân Sóc Trăng" phải xài nước nóng. Tuy vẫn còn nhớt nhưng được cái là không tốn tiền điện cho máy nước nóng mà vẫn có nước nóng để xài. Điều bất tiện duy nhất là, do nước quá nóng nên tụi tôi phải mua bồn chứa chờ nước nguội bớt mới dám tắm rửa. Không cẩn thận, tắm trực tiếp dưới vòi là phỏng như chơi".

Đa số những gia đình sinh sống ở khu dân cư 5A đều là dân trí thức nên họ không tin vào những lời đồn đoán vô căn cứ. Lúc đầu, họ cũng ngạc nhiên vì hiện tượng nước máy nóng suốt 24/24 giờ, nóng quanh năm suốt tháng nhưng họ không hoang mang. Dù vậy, trong số họ vẫn cho rằng, mạch nước ngầm mà họ đang xài nằm gần… núi lửa chìm trong lòng đất (?).

Nghĩ rằng có một ngọn núi lửa nằm dưới nền đất nhà nhưng họ không hoang mang vì: "Khi nào có động đất thì chính quyền báo trước, lo gì!" - chị HXD cho biết.

Trong khi đó, căn cứ vào hiện tượng đường co duỗi, cầu vồng nguyên hình và hiện tượng nước máy trở nên nóng bất thường, một số người lại đồn đoán: Núi lửa sắp xuất hiện tại Sóc Trăng. Một số kẻ xấu đã viện dẫn hiện tượng động đất ở khu vực đập Sông Tranh 2 (Quảng Nam) rồi phao tin đồn nhảm rằng: "Con rồng lửa ẩn mình dưới đất sẽ trồi lên mặt đất vào tháng 12/2012. Thân rồng nằm ở miền Trung đang cựa quậy khiến xảy ra hiện tượng động đất. Đầu rồng phun lửa nằm ở Sóc Trăng khiến nước nóng. Khi đầu rồng trồi lên mặt đất sẽ tạo thành núi lửa. Cầu vồng xuất hiện là điềm báo trước…".

Những người học vấn thấp, ít xem báo, xem đài đã tin vào lời đồn xằng bậy đó mà bỏ nhà cửa, ruộng vườn tìm đường… di tản. Có xã, hơn 20 hộ dân bỏ nhà hoang ruộng vắng để tìm đường lánh nạn.

Kỹ sư Hải Phước - Phó Giám đốc Công ty Cấp nước Sóc Trăng.

Thiên nhiên ưu đãi "mỏ" nước khoáng

Chúng tôi tìm gặp kỹ sư Hải Phước - Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên cấp nước Sóc Trăng. Sau khi nghe chúng tôi đặt vấn đề, kỹ sư Phước mỉm cười: "Không có gì huyền bí ở đây cả. Công ty chúng tôi là đơn vị duy nhất khai thác và cung cấp nước sạch trên địa bàn Sóc Trăng. Trước đây, chúng tôi khoan tìm những mạch nước ngầm ở độ sâu dưới 300m nên không gặp mạch nước nóng. Sau này, chúng tôi phát hiện ở Mỹ Xuyên có một giếng khoan có sẵn từ xưa chỉ toàn nước khoáng nóng. Giếng này do Mỹ khoan từ năm 1948. Giếng có độ sâu hơn 500m. Thế là chúng tôi thực hiện các giếng khoan sâu hơn 500m để khai thác nước nóng cho bà con xài. Khi khoan được nước nóng, chúng tôi thay thế dần nguồn nước cũ. Do chúng tôi không thông báo nên người dân cho là hiện tượng lạ".

Hiện toàn Sóc Trăng có tổng cộng 7 giếng khoan tầng sâu khai thác nước nóng cung cấp sinh hoạt gồm: 2 giếng trên đường Nguyễn Chí Thanh, 1 giếng ở Phú Lợi, 1 giếng ở phường 9, 1 giếng ở khu công nhiệp An Nghiệp (thuộc thành phố Sóc Trăng) và 2 giếng ở Mỹ Xuyên. Mỗi giếng cung cấp 60 m3/ giờ. Do chỉ có 7 giếng nước nóng nên không đủ cung cấp cho toàn tỉnh Sóc Trăng. Nhiều hộ vẫn xài nước lạnh bình thường.

Theo tài liệu của Liên đoàn Quy hoạch Tài nguyên Nước miền Nam thì mỏ nước nóng này nằm ở tầng Miocen, có độ khoáng hóa từ 1 đến 13,8o.

Dù cung cấp nước khoáng nóng như thế nhưng Công ty ấp nước Sóc Trăng vẫn chỉ thu giá bán hơn 5.500 đồng/m3. Xem ra, thiên nhiên đã ưu đãi người dân Sóc Trăng những mỏ nước khoáng nóng.

Những thông tin trên chỉ là ý kiến riêng biệt của đơn vị kinh doanh nước. Chúng tôi tìm đến Cơ quan Quản lý Tài nguyên Nước, Khoáng sản và Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng để tìm hiểu thêm những thông tin khoa học cụ thể. Tiếc rằng, cơ quan này chưa từng có động thái nghiên cứu nguồn nước có giá trị này.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có động thái tích cực nghiên cứu nguồn nước này để quản lý, khai thác đúng mức, đồng thời tổ chức tuyên truyền, giải thích các hiện tượng thiên nhiên để những người dân kém hiểu biết không tin vào lời đồn đoán vô căn cứ, yên tâm sinh sống

Nông Huyền Sơn
.
.