Người dân "ra rìa" đại dự án lấn chiếm sông Đồng Nai

Thứ Bảy, 04/04/2015, 08:15
77,2 ha đất ngập nước ven sông và mặt nước sông sẽ bị san lấp, chiếm tới 90% tổng diện tích đất của dự án (84 ha). Con số áp đảo ấy chỉ ra rằng khái niệm chung chung mơ hồ của dự án "cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" cần phải được định danh rõ ràng bằng từ "lấn chiếm lòng sông". Dự án gây xôn xao dư luận, không chỉ vì nó động chạm đến quyền lợi về nước của người dân 11 tỉnh, thành, mà còn trực tiếp tác động tới trầm tích của một vùng đất giàu văn hóa, giàu di sản bậc nhất xứ Nam Bộ.

1. Không khó để nhận thấy vị thế đắc địa, xứng đáng với từ "đất vàng" trong tương lai của dự án. Theo dự kiến, quần thể cao ốc, khách sạn, khu dân cư, khu thương mại mang tên Pegasus Riverside sẽ nối liền với mảng cây xanh phủ kín hướng thẳng ra mặt sông Đồng Nai của Công viên Nguyễn Văn Trị. Dự án cũng chỉ cách tòa nhà trung tâm hành chính của UBND tỉnh Đồng Nai một con đường Nguyễn Văn Trị.

Hướng ra đoạn sông rộng nhất chạy qua thành phố Biên Hòa, dự án có kinh phí đầu tư 2.200 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn, của Công ty Toàn Thịnh Phát tựa lưng vào con đường trung tâm Cách Mạng Tháng Tám đoạn qua phường Quyết Thắng.

Theo thông tin từ chủ đầu tư, trong giai đoạn 1 (2013-2016), dự án tiến hành các hạng mục xây dựng hạ tầng, cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng các tuyến kè, trạm bơm nước, công viên cây xanh, đường giao thông, quy hoạch lại nhà ở ven sông… nhằm "mang đến sức sống mới cho toàn bộ dòng chảy đi qua thành phố Biên Hòa"?

Giai đoạn 2 (2016-2019), dự án sẽ cải tạo, tôn tạo các công trình di tích có giá trị lịch sử lâu đời như Trường Nguyễn Du, chùa Phụng Sơn, miếu Ngũ Hành… đồng thời phát triển các khu thương mại, văn phòng, trung  tâm mua sắm.

Giai đoạn 3 (2019-2022) sẽ đi vào hoàn thiện với các cao ốc văn phòng, khách sạn, khu dân cư.

Nhưng chỉ cần đến tận nơi, ai cũng có thể thấy rõ, với quỹ đất sẵn có giải tỏa được ven sông, nếu không lấn chiếm lòng sông, dự án với tham vọng "thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thành phố Biên Hòa" sẽ là bất khả thi.

2. Chậm rãi mở ra cánh cửa vào chính điện, ông Lê Văn Sơn, người trông coi Đình Thần Phước Lư đã hơn 20 năm có lẻ, vừa đi vừa giải thích về lịch sử của ngôi đình. Ngôi đình có hơn 100 năm tuổi, thờ thành hoàng bổn cảnh và những tiền nhân khai khẩn vùng đất này.

Quyết Thắng là cái tên sau này, còn nguyên bản, từ thời Nguyễn, đây có tên là ấp Phước Lư. Đình Phước Lư được lấy theo tên ấp, thuộc làng Bình Trước, tổng Phước Vinh, là bộ máy hành chính Đàng Trong được thiết lập từ hồi Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh vào mở cõi.

Hóa ra, cửa vào ngôi đình từ phía đường Cách Mạng Tháng Tám được xây khang trang, không phải là cửa chính. Chính điện của Đình Thần Phước Lư lại hướng ra mặt sông, ngăn cách với sông bởi một khoảng sân rộng, rợp bóng cây xanh.

Những bóng cây cổ thụ, trong đó cao nhất là một cây dầu nằm sát mé sông, vòng tay một người ôm không xuể. Ông Sơn cho biết, cây dầu này đã có từ rất lâu, từ thời bố mẹ ông đi lễ ở đình đã có. Kể từ khi ông về trông coi việc săn sóc và bảo vệ đình, những bóng cây cổ thụ ấy không hề suy chuyển theo những con nước sông Đồng Nai.

…Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng máy gầm gừ phát ra từ phía dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát. Những chiếc máy xúc đang hối hả san lấp, vục gàu xuống lòng sông để cố định đất đá đổ xuống. Nhìn từ phía Đình Thần Phước Lư, toàn bộ khu vực đổ đá lấn sông đã nhô ra khỏi khu dân cư.

Ông Sơn thoáng cau mày. Nhìn hiện trạng hiện tại, bến nước trước cửa Đình Thần Phước Lư đã lọt thỏm vào phía bên trong. Mỏm đất được san lấp nhô hẳn ra lòng sông Đồng Nai, chắn con nước từ thượng nguồn xuống, biến dòng nước vẫn chảy thao thiết trước mặt đình trở thành một vũng nước tù.

Mặt nước sông trước mặt đình Phước Lư, theo ông Sơn, vào ngày 15-16 tháng 2 Âm lịch này, sẽ diễn ra lễ cúng Bà. Trỏ vào chiếc thuyền được dựng trong chính điện, ông Sơn cho biết chiếc thuyền sẽ được cúng lễ, rồi đưa xuống nước, được kéo ra giữa dòng sông, theo đúng tục lệ hơn trăm năm nay.

"Lễ cúng Bà tháng 2 khác với lễ cúng Ông tháng 11. Lễ cúng 5 bà, còn gọi là ngũ hành, cũng để cầu khấn cho các vong hồn thác sông thác chợ, được an lòng mà siêu thoát. Khu vực này ngày xưa, cùng với Cù lao Phố, là nơi trên bến dưới thuyền tấp nập, dân buôn bán khắp nơi đổ về, nên tục lệ cúng cầu siêu cho các vong hồn vẫn còn được lưu giữ cho đến giờ", ông Sơn cho biết.

"Xây dựng đình làng là nhu cầu tinh thần, có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ; bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, viên gạch rời rạc, một dạng "lưu dân tập thể", mặc dù làng lắm gạo nhiều tiền…", lời nhà văn Sơn Nam biện giải về giá trị của đình làng Nam Bộ, có lẽ đủ để giải thích cho cái thoáng cau mày của ông Sơn.

Trông coi đình Phước Lư từ năm 1995, rồi dự án lớn nhỏ được công bố, rồi thi công rầm rầm bấy lâu nay, nhưng ông thủ đình này cũng không biết được mặt mũi dự án nó sẽ đến tầm cỡ nào, có ảnh hưởng đến đình Phước Lư ra sao, rồi kế hoạch bảo vệ hay tôn tạo cụ thể sẽ như thế nào, có phải di dời hay không…

3. Mỏm đất xa nhất của Cù lao Phố chìa ra ngã ba sông, nơi con sông Đồng Nai bất ngờ chia thành 2 nhánh, một nhánh tiếp tục xuôi xuống, một nhánh rẽ lên, ôm trọn cả một vùng đất trù phú rộng lớn. Từ trên cao nhìn xuống, xét theo phong thuỷ, mũi đất này như một miệng bình, mà cả cù lao rộng lớn gần 700 ha (nay là xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) như một chiếc bình lớn, tạo thành thiên tạo tài lộc cách cục, hưng vượng tấn tài.

Đây là thế đất, để sản sinh ra những thương đoàn lớn đầu tiên của đất Nam Bộ, thủy tổ của khu Chợ Lớn tại TP HCM hiện nay.

Không phải bỗng dưng mà từ xa xưa, Trần Thượng Xuyên, vị Tổng binh Tam châu đời nhà Minh, phản nhà Thanh trốn sang Việt Nam lánh nạn, được Chúa Nguyễn Phúc Tần cưu mang, đã chọn nơi này làm nơi dựng nghiệp, tiến hành khai khẩn với quy mô lớn.

Chẳng bao lâu, vùng đất hoang sơ cọp còn đi tìm người này đã trở thành thương cảng sầm uất, là trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định, tức Nam Bộ ngày nay.

Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” mô tả: "Trần Thượng Xuyên chiêu nạp được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quá đôi từng rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội…".

Tuy nhiên, cuộc bạo loạn năm 1747 của Giản Phố Đại Vương, giết chết Cẩn Thành hầu, khiến Chúa Nguyễn Phúc Khoát phải đưa quân vào dẹp loạn đã khiến Cù lao Phố bắt đầu bị thiệt hại.

Nhưng quyết định thay đổi toàn bộ số phận vùng đất này lại diễn ra vào 2 năm 1776-1777, khi quân Tây Sơn tràn vào Gia Định, rồi đánh lên Cù lao Phố "chiếm dỡ lấy phòng ốc, gạch đá, tài vật chở về Quy Nhơn", vì dân Cù lao Phố đã ủng hộ Chúa Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi bị tàn phá nặng nề, các thương gia người Hoa đã rủ nhau xuống vùng Chợ Lớn, sinh sống và phát triển cho đến tận ngày nay. Cù lao Phố đã đánh mất vai trò là trung tâm thương mại của cả Đàng Trong.

…Đứng ở mỏm đất xa nhất của Cù lao Phố, có thể thấy rõ "đại công trường" lấn chiếm sông Đồng Nai phía bên kia sông vẫn đang hoạt động rầm rộ không ngừng nghỉ. Nhưng ngay dưới chân PV ANTG, những mỏm đất, bên trên vẫn còn nguyên cây xanh, đang lở dần đổ xuống lòng sông.

Sinh sống ở đây từ năm 1975, ông T. (xin giấu tên vì ngại phiền phức) hết sức lo lắng về dự án đang diễn ra phía bên sông thuộc địa bàn phường Quyết Thắng. Trỏ xuống lòng sông, ông T. cho biết, nếu việc kè đất bờ sông diễn ra theo đúng dự án, chuyện mỏm đất nhô ra của Cù lao Phố, cái miệng tụ bảo của cả cù lao rộng lớn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Ông T. cho biết, bình thường, với dòng chảy như hiện nay, thi thoảng chuyện lở đất vẫn diễn ra, nhưng với quy mô nhỏ. Cách đây đã lâu, chính quyền đã họp dân 3 lần để thông báo việc quy hoạch bờ sông. Mới nhất, vào năm 2014, gia đình ông được thông báo là từ tháng 5-2014 sẽ tiến hành việc kè bờ, nhưng cho đến nay vẫn không thấy động tĩnh gì.

Kéo tôi ra sát bờ sông, ông T. chỉ vào dòng chảy giải thích. Bình thường như hiện nay, nước sông chảy nương vào bờ mạn phường Quyết Thắng, sẽ uốn theo để chuyển hướng sang dòng lớn, mà bỏ qua Cù lao Phố. Nếu có ảnh hưởng, cũng chỉ là lở đất nho nhỏ. Nhưng nếu việc lấn chiếm sông diễn ra theo đúng kế hoạch, dòng chảy đập vào bờ kè đá nhô ra sẽ chạy thẳng vào Cù lao Phố.

Rất lo lắng, ông chủ động tham khảo thông tin trên báo đài về tiến độ dự án, và trông chờ chính quyền sẽ có những thông tin cụ thể để trấn an và động viên những người dân ở cù lao, nhưng vẫn chưa thấy. "Chí ít, việc cải tạo kè đá ở Cù lao Phố phải được tiến hành trước để đề phòng rủi ro, chứ nếu để việc đã rồi thì sửa chữa sẽ còn tốn kém hơn gấp nhiều lần", ông T. cho biết.

Ông T. không lo lắng không được, vì qua đo đạc, chí ít nước đã ăn vào mũi đất này của Cù lao Phố gần 3 mét. Đất đai thì không lo, nhưng cái chính là ngôi nhà cổ to cao bề thế, đã có hơn 100 tuổi, chỉ kém cây cầu Ghềnh xây dựng năm 1904 có vài năm, xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp… nếu có chuyện xảy ra, sẽ mất đi cả một chứng tích đẹp của cả một vùng đất. Đó là chưa kể, chỉ trên địa bàn xã Hiệp Hòa này thôi, đã có tới 11 ngôi đình cổ, trong đó có những ngôi đình nằm sát ngay mé sông đang sạt lở.

Việt Đông
.
.