Người dân sập… “bẫy” giới đầu cơ trong cơn bão giá vàng?

Thứ Năm, 18/11/2010, 01:05
Có lẽ, ít người dân nào ngờ rằng trong cơn bão giá vàng vào những ngày qua lại mang nhiều yếu tố đầu cơ "bẫy" giá. Bởi, nhóm "đại gia" đầu cơ thao túng thị trường bằng cách tạo sự chênh lệch về giá nhằm trục lợi trên tâm lý người dân.

Diễn biến khó lường

Chiều hôm trước ngày xảy ra cơn "sóng thần" mang tên giá vàng (ngày 8/11), chúng tôi đã loáng thoáng nghe câu chuyện của một nhóm "đại gia" về việc người dân sẽ rầm rộ kéo nhau đi mua vàng vào sáng hôm sau (ngày 9/11). Nửa tin nửa ngờ, chúng tôi cũng khó có thể đoan chắc điều đó sẽ xảy ra. Mà quả thực, sáng sớm hôm sau, người dân đã "rồng rắn" đến các tiệm vàng. Nếu như giá vàng mua vào - bán ra tại thời điểm đóng cửa ngày hôm trước (8/11) niêm yết tại Công ty SJC là 35,66 - 35,75 triệu đồng/lượng thì ngay thời điểm mở cửa lúc 8h30’ ngày 9/11, giá vàng "ngóc đầu" ở mức 36,65 - 36,85 triệu đồng/lượng. Chênh lệch về giá giữa phiên đóng cửa ngày hôm trước và mở cửa ngày hôm sau là hơn 1 triệu đồng/lượng.

Người dân như được củng cố lòng tin và ùn ùn kéo nhau đến các cửa tiệm để tìm vét mua vàng miếng về... trữ và chờ bán. Các chủ tiệm vàng đứng ngồi không yên do giá vàng liên tục biến động. Thậm chí, có những nơi còn dừng luôn việc giao dịch vì sợ giá vàng tiếp tục bùng nổ trong nhiều ngày tới.

Ông Minh, chủ một tiệm vàng trên đường An Dương Vương (quận 5, TP HCM) nói với chúng tôi: "Nếu bây giờ tung vàng ra thị trường, lỡ vài ngày nữa, giá vàng tăng chót vót và sẽ không còn vàng để bán".

Thế nhưng, không phải bất cứ tiệm vàng nào cũng mang tâm lý ghìm hàng như ông Minh. Chúng tôi tiếp tục ghé vào một tiệm vàng trên đường Nguyễn Trãi (quận 5). Với sự tất bật khác thường, bà chủ tiệm tay bận đếm tiền cho khách, mắt chỉ kịp lướt thoáng qua chúng tôi. Tại đây, bảng niêm yết giá được bóc trắng. Chúng tôi dò hỏi giá vàng tại thời điểm đó (lúc 9h sáng ngày 9/11), bà chủ tiệm khẳng định giá bán ra đã là 37 triệu đồng/lượng. Khi đề cập đến USD, bà chủ tiệm khẳng định: "Ở đây chỉ thu USD vào với giá 21.000 chứ không bán ra".

Chỉ trong buổi sáng, giá vàng thay đổi gần 30 lần. Lúc 10h, "đỉnh" của giá vàng dần lộ diện. Khi đó, giá vàng mua vào - bán ra được niêm yết trên thị trường là 37,5 - 38 triệu đồng/lượng. Dưới áp lực của giá vàng, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng không cân đối được cung - cầu thị trường nên quyết định "ghìm" hàng.

Ông Nguyễn Công Tường, Phó trưởng phòng Kinh doanh Công ty SJC nhận định, cơn khát về nguồn cầu của người dân không được thỏa mãn đã tạo tâm lý cho sự thiếu hụt vàng giả tạo trên thị trường.

Thống kê tại Công ty SJC, hằng ngày, số vàng giao dịch ở mức bình quân chỉ dao động từ 3.000 đến 4.000 lượng. Cá biệt, vào ngày 9/11, số vàng miếng giao dịch hơn 12.000 lượng. Nhu cầu mua vào của người dân tăng một cách đột biến và đạt 8.000 lượng, trong khi đó, nhu cầu bán ra chỉ ở mức 4.000 lượng.

Theo nhận định của giới chuyên gia, do yếu tố giá vàng thế giới tăng nên vàng trong nước được đà tăng mạnh. Giới đầu cơ đã "kích" thị trường và đẩy giá lên cao. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty Vàng Sacombank (SJB) cho biết, theo Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khách hàng vay vàng của các ngân hàng trước đây, thì họ buộc phải cắt lỗ và mua vàng ngoài thị trường để cân bằng chiến lược đầu tư. Vì vậy, nhu cầu thị trường tăng mạnh.

Trưa ngày 9/11, khi thị trường "loáng thoáng" nhận được tin NHNN sẽ cho phép nhập khẩu vàng, thì lập tức đầu giờ chiều, giá vàng có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt. Tuy nhiên, đến khoảng 15 giờ cùng ngày, các ngân hàng vẫn chưa thấy động tĩnh gì và giá vàng lại tiếp tục tăng trở lại.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi cho biết thêm, từ 2 tuần nay, người dân giao dịch và "đánh" vàng theo xu hướng cắt lỗ nhiều. Giá vàng đang trên đà tăng, người dân đã đạt kỳ vọng trong chiến lược nên dần bán vàng ra thị trường và chốt lời. Thực tế diễn biến trên thị trường, lượng vàng không bị "khan" như nhiều người lầm tưởng.

Trước sự tác động của gói giải cứu nền kinh tế mà Chính phủ Mỹ tung ra trị giá 600 tỉ USD khiến cho đồng bạc xanh trở nên mất giá trong "rổ tiền tệ" thế giới. Các đồng tiền khác sẽ được dịp tăng giá so với đồng USD. Trong phiên giao dịch trên thị trường vàng ngày 9-11, người dân đã mắc phải tâm lý trước xu hướng đi lên của giá vàng thế giới. Nhưng ngược lại, đồng VNĐ lại mất giá so với đồng USD.

Và thực tế, đêm trước đó (ngày 8/11), theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đã phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.400USD/ounce. Ngay trong sáng hôm sau, mở cửa thị trường vàng trong nước, người dân "rồng rắn" kéo nhau đi mua vàng.

Ông Nguyễn Hải Thanh, chuyên gia nghiên cứu tài chính trên thị trường Forex phân tích: trước sức ép của USD và nguồn cung giả tạo của thị trường vàng, do vậy, vàng trong nước bị tăng giá "kép". Nếu tính theo giá vàng được niêm yết trong ngày với tỉ giá USD liên ngân hàng là 19.500VNĐ và chưa tính các loại chi phí khác thì chênh lệch giữa thị trường vàng trong nước và thế giới ở mức 1,5 triệu đồng/lượng. Khi giá vàng tăng, lẽ ra, người dân phải đua nhau đi bán vàng và "chốt lời", thế nhưng, mọi chuyện hoàn toàn trái ngược.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Công Tường, thì để cân đối nguồn hàng trên thị trường, nhất thiết phải có sự chung tay và hưởng ứng của tất cả các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng "liên minh" ém hàng như hiện nay càng tạo tâm lý hoang mang cho người dân. Hơn nữa, đây cũng là yếu tố làm khan hiếm vàng giả tạo trên thị trường. Lời khuyên từ các chuyên gia, trong thời điểm giá vàng đang xác định xu thế tăng hay giảm là lúc dễ xảy ra hiện tượng đầu cơ trên thị trường. Người dân cần tỉnh táo trước những thông tin để không bị cuốn vào cơn lốc giá vàng.

Lời khuyên của chuyên gia kinh tế

Trước ý kiến cho rằng giá vàng tăng đỉnh điểm vào ngày 9/11 đã khiến nhiều người dân "ào ào" mua vàng ở giá cao chót vót để rồi gánh chịu thiệt hại chỉ sau vài giờ đồng hồ. Yếu tố trên thể hiện rõ tâm lý đám đông và bị tác động trước những thông tin nhiễu loạn của thị trường. Để làm rõ câu chuyện đầu cơ giá trong nền kinh tế nói chung và đối với giá vàng nói riêng, PV Chuyên đề ANTG đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP HCM về vấn đề trên:

PV: Thưa ông, dư luận vừa qua có ý kiến cho rằng người dân đi mua vàng ồ ạt đúng vào thời khắc giá vàng đang nằm tận "đỉnh" là do yếu tố đầu cơ của một số đối tượng kinh doanh vàng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

TS Lê Thẩm Dương: Không hẳn chỉ do đầu cơ, mà do rất nhiều nguyên nhân. Nhưng, các tín hiệu cho thấy chắc chắn có yếu tố đầu cơ. Nếu xét ở yếu tố này thì trong nền kinh tế thị trường luôn có và có ở mọi lúc,  mọi nơi, mọi mặt hàng chứ không chỉ có vàng vì lý thuyết lợi ích chi phối. Ở góc độ nào đó nó không hẳn xấu vì nó tham gia điều phối thị trường, mặc dù là tự phát, chưa kể sự phân biệt rạch ròi giữa đầu cơ và đầu tư trong một hành vi cụ thể nào đó là không dễ dàng. Đầu cơ tồn tại như là con đẻ của nền kinh tế thị trường và phải chung sống với nó.

Dưới góc nhìn khác, đầu cơ cần phải có sự can thiệp trong quá trình chung sống, đặc biệt với các hoạt động đầu cơ gây phương hại cho thị trường, cho xã hội  thì phải bị trừng trị.

Tính chất đầu cơ biểu hiện ở chỗ: Trong một thời gian ngắn, giới đầu cơ bỏ tiền ra để ăn sự chênh lệch giá rất cao từ các biến động của nền kinh tế. Chẳng hạn, trong đợt đỉnh điểm giá vàng vào ngày 9/11 vừa qua, giới đầu cơ tham gia thổi giá lên khiến mọi người ào ào chạy theo tâm lý số đông để đi mua vàng. Lập tức, giới đầu cơ tung hàng đã gom sẵn từ trước ra thị trường nhằm hưởng lợi hoặc cố tình ghìm hàng để đẩy giá vàng lên đỉnh điểm một cách nhanh chóng. Điều quan trọng là người dân có đủ bình tĩnh để suy xét yếu tố đầu cơ thực sự đang diễn ra hay không.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương.

PV: Ngay sau đó, giá vàng rớt mạnh đã khiến người dân lĩnh đủ và giới đầu cơ ngồi "rung đùi" hưởng lợi. Vậy, xin ông có thể cho biết, các cách thức đầu cơ trên thị trường vàng hiện nay như thế nào?

TS Lê Thẩm Dương: Cách thức thì rất nhiều, nhưng phổ biến là những cách thức cũng không khó để nhận biết:

Một là: Thông qua một sự kiện, một thông tin nào đó. Các thông tin và sự kiện này có thể có thật rồi cường điệu hoặc bóp méo đi; cũng có thể là họ tự tạo ra. Các thông tin này được truyền dẫn qua truyền miệng, qua mạng, hay qua các hoạt động sôi nổi ảo nào đó. Từ đó, giới đầu cơ tiến hành thổi giá và đánh bóng giá.

Tôi lấy ví dụ, sự việc giá vàng tăng là rõ ràng, thông tin về giá vàng cũng khá rõ ràng. Nói rõ hơn một chút, một bất ổn khiến cho giá vàng bắt đầu ngóc đầu lên chẳng hạn như thông tin Mỹ bơm 600 tỉ USD để giải cứu thị trường khiến đồng USD tiếp tục trở nên rẻ hơn so với các đồng tiền khác trên thế giới. Điều này ai cũng biết là giá vàng sẽ tăng trở lại. Ngoài ra, việc Nhà nước tăng tỉ giá đồng USD càng củng cố niềm tin của người dân. Chỉ chờ có vậy, giới đầu cơ nhanh chóng chớp lấy cơ hội và đẩy giá vàng lên quá mức tăng đúng của nó để người dân lãnh đủ.

Hai là: Tận dụng các mặt trái của cơ chế quản lý để tác động vào cung hoặc cầu qua hoạt động mua bán hoặc đồng thời mua - bán, từ đó chi phối giá của mặt hàng. Ví dụ, việc quản lý sàn vàng trong nước, quản lý kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài, quản lý qua Thông tư 22... Với quan điểm khá rõ là làm vàng trở nên kém hấp dẫn đi và từ đó người dân đẩy vàng ra khỏi dự trữ vào các kênh đầu tư, phát triển sản xuất, kết hợp với nó là việc nâng lãi suất tiền gửi ngân hàng, ý đồ đó sẽ đạt được. Vừa có tăng trưởng nền kinh tế vừa chống được đôla và vàng hóa, vừa giải quyết được bài toán tỉ giá và lạm phát. Nhưng giải quyết theo hướng này tạo ra sự ách tắc nhất thời về lưu thông vàng và thế là cơ hội cho đầu cơ, cả đánh lên và đánh xuống xuất hiện.

PV: Chỉ với những yếu tố trên để giới đầu cơ có thể "trục lợi" người dân liệu việc đầu cơ xảy ra có hoàn toàn phụ thuộc vào một nhóm người để thao túng thị trường?

TS Lê Thẩm Dương: Tôi cũng cần phải nói thêm là, con người có 5 yếu tố mang tính thuộc tính về tâm lý để giới đầu cơ nhắm đến khi tác động:

Trước tiên, đó là sự ám thị hay nói cách khác là sự nhẹ dạ cả tin. Ở đây là dại dột tin theo giới đầu cơ để sập bẫy. Mà sự ám thị không từ bỏ một ai. Nói trắng ra, ngay cả người già 60-70 tuổi với nhiều kinh nghiệm sống còn có thể bị giới đầu cơ xúi giục.

Yếu tố thứ hai, tôi muốn đề cập đến việc người dân dễ bị áp lực nhóm. Đây là hành vi có ý thức nhưng không cưỡng được hành vi của một nhóm người xung quanh mình. Có nghĩa, hành vi mua vàng khi này do nhóm áp đặt.

Yếu tố thứ ba, là sự lây lan tâm lý. Ở yếu tố này, người dân ở trạng thái vô thức và bị điều khiển không bởi lý trí, chỉ chạy theo những gì đang diễn ra trước mặt mình.

Yếu tố thứ tư, là do hành vi bắt chước. Tức, hành vi có ý thức, nhưng khác áp lực nhóm, họ mua vì thấy người khác mua đã từng có lãi mà không dựa trên sự phân tích của cá nhân mình. Nó tương tự đua đòi trong chạy theo mốt quần áo.

Yếu tố cuối cùng là làm do bị ai đó thuyết phục. Trong yếu tố này, người dân thường thực hiện hành vi khi nghe theo một ý kiến nào đó và bị áp đặt quan điểm. Ví dụ các ý kiến chuyên gia, các thông tin phân tích trên mạng, các phân tích từ người mình tôn trọng... Thực ra, các ý kiến này luôn chỉ có ý nghĩa tham khảo mà thôi.

PV: Ông có lời khuyên gì cho người dân trước những "cạm bẫy" mà giới đầu cơ "bủa lưới"?

TS Lê Thẩm Dương: Đầu cơ giá xuất phát từ sự bất cân xứng thông tin do giới đầu cơ tạo ra hoặc chế biến, hay các tác động lũng đoạn. Sau đó, giới đầu cơ sẽ hướng người dân đến thông tin trái chiều gây bất lợi để rồi trục lợi từ họ. Ở đây tôi muốn nói, sự đầu cơ là hoạt động đi "kiếm ăn" bằng cách gây chênh lệch về giá.

Từ các phân tích đó, tôi nghĩ trước hết mọi người hãy khắc chế các yếu tố tâm lý của chính mình, tức là nâng khả năng “kháng bệnh” lên. Thứ nữa, cố gắng nhận biết những tín hiệu của một đợt đầu cơ qua phân tích của chính mình trên cơ sở có tham khảo. Một yếu tố không thể không nhắc tới là rất bình tĩnh và thích nghi với các hoạt động sôi động của thị trường và phải có niềm tin trong các hoạt động quản lý của nhà nước vì các chính sách này có thể là nhanh hoặc chậm, có thể trong thực hiện còn va vấp nhưng nó được dựa trên các luận cứ rất khoa học và bảo vệ người dân.

Tôi muốn đặt một giả thuyết, dịp giá vàng tăng đột biến mạnh vào ngày 9/11, người dân nào cũng thật bình tĩnh và suy xét vấn đề kỹ càng thì có lẽ không mất tới gần 2 triệu đồng/cây vàng trong 2 ngày.

PV: Xin cám ơn ông!

Đỗ Hưng (thực hiện)
.
.