Người đi tìm quá khứ

Thứ Năm, 13/03/2014, 16:30

Tháng 10/2013, lần đầu tiên Nhà Xuất bản Tri thức chính thức phát hành những cuốn sách đầu tiên về nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Đặc biệt bộ sách "Lời Người Man di hiện đại", bao gồm các bài viết của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh đã đăng trên báo L'Annam Nouveau (Nước Nam mới) ra đời từ thập niên 30 của thế kỷ XX được viết bằng tiếng Pháp về đủ các lĩnh vực, sẽ được xuất bản liên tiếp 14 tập và in song song riêng biệt cả bằng Việt văn và Pháp văn. Người chủ trương thực hiện công việc này là ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh.

1. Lần đầu đến ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ Lương Sử C (Hà Nội) của gia đình ông Nguyễn Lân Bình, ai cũng sẽ có cảm giác ngỡ ngàng bởi phòng khách được bài trí như một bảo tàng gia đình với đôi tràng kỷ được khảm xà cừ, kỷ vật duy nhất còn lại của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, những bức ảnh chân dung của ông, bà nội, cha mẹ và các bác, các cô, các chú được ông Bình sắp đặt trang trọng, có hệ thống và chủ ý.

Đặc biệt hơn là những tác phẩm nguyên gốc của Nguyễn Văn Vĩnh cùng những người con làm văn hóa trong lịch sử Việt Nam được lưu giữ trong chiếc tủ kính giản dị đặt ở góc phòng đã tạo nên một "không gian Nguyễn Văn Vĩnh".

Quen Nguyễn Lân Bình hơn 10 năm nay, tôi chứng kiến ông đã phải "lặn lội" ở mọi phương diện để xây dựng được cái hồn cốt của gia tộc mình mà đại diện là ông nội Nguyễn Văn Vĩnh.

Nguyễn Văn Vĩnh sinh tại làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Thường Tín, phủ Hà Đông nay là Phú Xuyên, Hà Nội. Năm 1907, từ bỏ nghề công chức, Nguyễn Văn Vĩnh bắt đầu nghề báo bằng việc thành lập tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ là tờ "Đăng cổ tùng báo" với mục đích truyền bá chữ Quốc ngữ vào cộng đồng.

Tập đầu tiên của sêri sách "Lời người Man di hiện đại".

Trong 30 năm làm nghề, Nguyễn Văn  Vĩnh ghi nhiều dấu ấn là người "đầu tiên" và "duy nhất" ở nhiều lĩnh vực. Không chỉ là người duy nhất làm chủ bút đến 7 tờ báo, gồm 3 tờ báo in bằng Pháp ngữ và 4 tờ báo in bằng chữ Quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh còn  là người đầu tiên đứng ra thành lập "Hội dịch sách" tại Hội quán Trí tri ở số nhà 47 phố Hàng Quạt, Hà Nội (1907); là người đầu tiên thực hiện việc sản xuất phim điện ảnh (cinema) với tác phẩm “Kim Vân Kiều” (phim câm) năm 1924; là người đầu tiên phát động phong trào cải tiến chữ Quốc ngữ và đưa được chữ Quốc ngữ chuyển qua điện tín-teletyp vào năm 1926; là người dịch có hệ thống và có chủ đích hàng loạt các tác phẩm kinh điển văn học, triết học, chính trị kinh tế và xã hội học của các đại danh hào và các nhà tư tưởng nổi tiếng của Pháp và thế giới (23 người và 30 tác phẩm) ra tiếng Việt; là người dịch thành công tác phẩm "Kim Vân Kiều" ra tiếng Pháp.

Bản dịch này đã được dùng làm cơ sở chính để Truyện Kiều được dịch sang tiếng Nhật lần đầu tiên và xuất bản năm 1942 (Komatsu Kiyoshi 1900-1962) và sang tiếng Đức lần đầu tiên và xuất bản năm 1962 (Franz Faber 1917-2013)…

2. Nguyễn Lân Bình kể rằng mãi đến khi đứng tuổi, nhờ sự tín nhiệm "vô tình" của các bác khi giao lại những tư liệu đã sưu tập được từ nhiều năm về ông nội và những người ruột thịt, ông mới có cơ hội tiếp cận với "ngày xưa" của gia tộc mình, và mới ngấm mình là "con cái nhà ai...?!".

Ông nhận ra nhiều điều, trong đó có một điều mà ông cho rằng chua chát nhất, là ngay cả các con, cháu trong gia tộc cũng chỉ hiểu một cách mơ hồ về ông nội. Mọi người chỉ nhận biết vắn tắt rằng ông mình rất giỏi...Nhưng giỏi về cái gì? Giỏi như thế nào? Cái giỏi ấy có giá trị với ai? Thì hầu như không mấy người hiểu cho thấu đáo.

Năm 2003, Nguyễn Lân Bình đôn đáo tìm kiếm cơ hội để minh chứng dần dần mọi điều bằng cách xem xét tái bản một số tác phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh, để người đời và con cháu biết được Nguyễn Văn Vĩnh là con người thế nào? Vì sao ông phải chết khi mới hơn 50 tuổi? Có lẽ, lúc đó cơ hội chưa đủ chín, nên mọi việc chỉ dừng ở nguyện vọng.

Năm 2006, ông quyết định bỏ tiền ra làm thành phim về ông nội và gia tộc mình. "Đoàn làm phim" ấy ngoài ông với vai trò là biên kịch kiêm giám đốc sản xuất, còn đạo diễn và quay phim là những người làm nghề chuyên nghiệp.

Để tìm lại những nhân chứng và tư liệu đã từng gắn với cụ Vĩnh từ cách đây hơn nửa thế kỷ, "đoàn làm phim" của Nguyễn Lân Bình đã có một hành trình dài khắp các nẻo đường: từ Hà Tĩnh, TP HCM (các nhân chứng), Đà Nẵng (đền thờ và hậu duệ của Phan Châu Trinh), Huế (đền thờ và hậu duệ của Phan Bội Châu), sông Sê Pôn (Lào), nơi Nguyễn Văn Vĩnh bỏ mình, và cả một loạt các thành phố ở Pháp.

Ngày ấy, mọi người ruột thịt, các bạn thân đều ngờ vực, khi biết ông mang sổ đỏ ngôi nhà đang ở đi thế chấp ngân hàng để vay tiền làm phim thì có người lo thật sự cho cuộc sống gia đình ông... Ông Bình hiểu sâu sắc vì sao mọi người có suy nghĩ như vậy; chỉ còn vợ và các con là tin và cổ vũ ông.

Năm 2007, bộ phim hoàn thành và mang tên "Mạn đàm về Người Man di hiện đại". Bộ phim chia làm 4 tập với tổng thời lượng 215 phút. Sau này, khi nhắc lại hành trình làm phim Nguyễn Lân Bình kể rằng có những thời khắc trong lúc đi làm phim, xuất hiện nhiều diễn biến xúc động nao lòng, nó càng khích lệ quyết tâm của người tổ chức. Đạo diễn Trần Văn Thủy, người nổi tiếng là dạn dày trong chuyên môn điện ảnh tài liệu, cũng rất tâm đắc khi được tham gia bộ phim với vai trò đạo diễn.--PageBreak--

3. Nhắc tới chuyện làm bộ sách đồ sộ này, Nguyễn Lân Bình kể rằng đầu năm 2012, ông Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, được đọc một bài viết nói về người trí thức Việt Nam của Nguyễn Văn Vĩnh bằng tiếng Pháp. Ông Hảo rất tâm đắc khi bài viết bộc lộ những nhận thức sâu sắc của Nguyễn Văn Vĩnh về vai trò của người trí thức cần có khi đứng trước xã hội, đứng trước nhân dân.

Ông Chu Hảo đề nghị Nguyễn Lân Bình sưu tầm những bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh từ gần 100 năm trước, đặc biệt là những bài viết về nông thôn để tập hợp thành một cuốn sách mang đi dự hội chợ sách quốc tế tại CHLB Đức, vì "cụ Vĩnh viết về người nông dân Việt Nam, mà lại viết bằng tiếng Tây, thì Tây đọc sẽ thích lắm".

Vì không biết tiếng Pháp, và để chắc chắn biết nội dung các bài viết sẽ đưa vào cuốn sách, Nguyễn Lân Bình dựa vào một số bài của các bác của ông đã sưu tập từ hơn 20 năm trước. Nhưng, vì các bác chỉ dịch một số bài viết của cụ Vĩnh theo ý thức, để con cháu trong nhà đọc hiểu. Vì vậy để đem phổ biến ra xã hội, ra công chúng, không thể dùng số bài đã dịch, mà cần phải hiệu đính, biên tập lại.

Nhà xuất bản yêu cầu xuất xứ của tư liệu phải chính xác, bản dịch phải sát với tư duy tác giả, chú thích phải cụ thể và phải có ảnh minh họa...nghĩa là rất nhiều việc phải làm. Cơ duyên lại đến, xuất hiện một người biết tiếng Pháp, nhận sẽ sao lại toàn bộ những bài viết bằng tiếng Pháp ký tên Nguyễn Văn Vĩnh trên tờ L'Annam Nouveau xuất bản giai đoạn 1931-1936. Hợp đồng nhanh chóng được ký kết, mọi việc được đẩy nhanh.

Nhưng khi có tư liệu thì việc tìm người dịch mới thật là nan giải. Bởi dịch tiếng Anh thì rất thuận lợi, đối với tiếng Pháp không có nhiều người nhận, hơn nữa dịch của cụ Vĩnh, mọi người ngại... Ngay việc tưởng đơn giản là đánh máy lại bản thảo các các bài đó bằng tiếng Pháp cũng là một việc chẳng dễ chút nào. Nhưng đã quyết, không thể không thực hiện.

Ông Nguyễn Lân Bình và một góc "Bảo tàng Nguyễn Văn Vĩnh".

Khi soạn các bài có chủ đề về nông thôn, nông dân, ông Bình nhận thấy còn nhiều lĩnh vực khác nhau mà cụ Vĩnh đã đề cập trong các bài viết. Từ văn hóa, chính trị, kinh tế, ngân hàng, tới giáo dục, giao thông đến các vấn đề tệ nạn, nghiện hút, cờ bạc, đến các vấn đề liên quan đến cấu trúc hành chính, chính sách quản lý... nghĩa là không thiếu bất kỳ lĩnh vực nào trong xã hội đương thời mà Nguyễn Văn Vĩnh bỏ qua.

Quan trọng nữa là khi đọc, ông Bình nhận thấy nội dung các bài viết thật sự sâu sắc, cách nêu vấn đề giản dị và tuyệt đối không có tính quy chụp. Các giải pháp được đề cập trong việc khắc phục những mặt trái của xã hội của cụ Vĩnh rất cụ thể và luôn luôn dựa trên tinh thần dân tộc, hướng đến tinh thần dân chủ, bình đẳng.

Để tạo thêm những hiểu biết cần thiết trước sự nghiệp đồ sộ của Nguyễn Văn Vĩnh, ông Bình quyết định xây dựng bộ sách gồm 14 tập, sẽ được in song song cả tiếng Việt và tiếng Pháp và in riêng biệt. Tên chung của sêri sách này là "Lời người Man di hiện đại".

Nguyễn Lân Bình bảo rằng sở dĩ ông chọn tên ấy bởi trong một bức thư trao đổi với Huỳnh Thúc Kháng năm 1932, Nguyễn Văn Vĩnh tự nhận mình là "người Man di hiện đại". "Man di" vì ông xuất thân nghèo khổ và không được đào tạo chính thống, còn "hiện đại" là bởi ông đã đào tạo mình thành người hiểu biết nhờ tự học.

Hiện tại, tập 1 của bộ sách với chủ đề "Phong tục và thiết chế của người An Nam" đã ra mắt bạn đọc và nhận được phản hồi tích cực. Những bài viết trong tập sách này cho thấy Nguyễn Văn Vĩnh đã khảo sát rất kỹ về phong tục và thiết chế làng của người An Nam những năm đầu thế kỷ XX, thời điểm các học giả Pháp, trong đó có cả các quan chức bộ máy thực dân cũng đang rất quan tâm đến làng xã nhằm có những chính sách xâm nhập vào tế bào bản địa đầy sức sống nhưng cũng đầy sức phản kháng này mà sau đó nhiều cuộc "cải lương hương chính" tuy rất bài bản nhưng không đạt được mục đích của chính quyền thực dân...

Nguyễn Văn Vĩnh với một cách nhìn không xa với cách nhìn của các học giả phương Tây, nhưng nhờ cách tiếp cận của một người rất am hiểu về xã hội truyền thống mà nhận ra những giá trị muốn chuyển đổi phải có điều kiện, không thể áp đặt.

Nhưng, nhìn vào mục lục 14 cuốn sách, nghĩa là sẽ có tới 28 quyển sách đang chờ xuất bản, mỗi cuốn đều dày 300 - 400 trang thì quả thực tôi lại thấy lo cho ông, bởi để hoàn thành công việc này sẽ còn tốn rất nhiều thời gian, công sức và… tiền bạc. Nhưng, Nguyễn Lân Bình hồ hởi khoe "kế hoạch của tôi là xong tập nào, in tập đó; tất nhiên giới hạn là hết năm 2015 phải hoàn thành. Tôi cũng không loại trừ trong giai đoạn đến năm 2015, nếu thuận lợi, sẽ cho in riêng một cuốn sách dịch của Nguyễn Văn Vĩnh mà trong lịch sử chưa xuất bản lần nào".

Nghe ông say sưa nói về kế hoạch sắp tới, tôi lại nhớ cái đận ông vác sổ đỏ ngôi nhà đang ở đi "cắm" ngân hàng vay tiền làm phim. Với ông, những câu chuyện của quá khứ chưa bao giờ cũ

Nguyễn Thiêm (ANTG Xuân Giáp Ngọ)
.
.