Ông trùm xuất bản Barney Rosset:

Người lách luật Mỹ để cải tạo nền văn hóa lỗi thời

Thứ Năm, 15/03/2012, 15:45

Barney Lee Rosset, một thời được mệnh danh là người đàn ông nguy hiểm nhất giới xuất bản, đã trút hơi thở cuối cùng hôm thứ ba ngày 28/2 vừa qua. Dư luận vinh danh ông vì những đóng góp to lớn làm thay đổi hoàn toàn cục diện ngành xuất bản thế giới. Chính Rosset đem lại luồng sinh khí mới cho văn học Mỹ giai đoạn 1960-1970 của thế kỷ trước và trở thành “chướng ngại vật” thách thức mọi nhà làm luật bấy giờ. Bước ngoặt lớn nhất khiến dư luận biết tới ông chính là vụ kiện “Hạ Chí Tuyến”, mở đầu trào lưu tự do ngôn luận và cách tân trong văn học.

Vụ kiện “Hạ Chí Tuyến”

Giai đoạn những năm 50, ngành xuất bản được coi là "công việc của đàn ông", chịu sự kiểm duyệt nghiêm ngặt và sức ép từ chính dư luận. Tuy nhiên, Rosset đã thay đổi tất cả bằng những nỗ lực điều hành nhà xuất bản Grove Press và tạp chí văn học châm biếm Evergreen Review (thành lập năm 1957).

Bước ngoặt đưa ông tới con đường "lách luật" khi nhập học tại Swarthmore, nơi ông đọc được “Hạ Chí Tuyến”. "Tình dục không phải là điều quá nhạy cảm. Cái thực sự tác giả Miller muốn đem tới cho độc giả chính là góc khuất phía sau một xã hội bất ổn, những suy nghĩ chống lại luân lý cổ hủ và khả năng khám phá của con người". Ông đánh tiếng trống đầu tiên "khai tử" những quy định lạc hậu về quyền tự do ngôn luận, phá bỏ giới hạn của văn học, đi vào khám phá chiều sâu đời tư cực khổ và nhu cầu chính đáng của người dân nghèo bằng việc cho ấn hành cuốn sách.

Dư luận Mỹ tỏ ra căm phẫn khi cuốn sách đề cập tới đời sống tình dục cùng những góc khuất của nạn mại dâm - một đề tài chưa từng được nhắc tới trong văn học bấy giờ. Ấy thế nhưng, ông chủ Grove đã bằng mọi giá mua lại bản thảo gốc, biên tập và tự mình đưa ra công chúng. Ông nhận được một bức thư từ Học viện Berkeley gợi ý rằng ông nên tiếp tục ấn hành phiên bản khác của “Hạ Chí Tuyến” bị cấm lưu hành hàng chục năm trước vì gắn mác khiếm nhã và tục tĩu. Có một thực tế là bản thân Rosset không mấy hài lòng với lời đề nghị này, tuy nhiên vì muốn đưa tới cái nhìn sống động nhất của tầng lớp dưới đáy xã hội, ông quyết định bất chấp luật và sẵn sàng cùng luật sư đàm phán để cuốn sách được ấn hành.

Rosset phải hầu tòa khi “Hạ Chí Tuyến” vi phạm trên 60 điều luật, bị cấm tại 21 bang. Ông bị bắt và kết án tội buôn bán và âm mưu tàng trữ các loại sách "tục tĩu, bạo loạn, chống phá quốc gia và làm ô uế văn học". Cáo trạng buộc tội Rosset đầu độc người đọc bằng sách cấm, tuy nhiên cuộc tranh cãi giữa luật sư hai bên khiến phiên xét xử buộc phải gián đoạn. Rosset thách thức giới truyền thông bằng tin ông đã bất chấp luật gửi sách qua đường bưu điện đến nhiều vùng. Ngay lập tức, toàn bộ các đầu sách của Grove Press bị tịch thu, dấy lên một cuộc tranh cãi ầm ĩ, kéo dài tới cuối năm 1959, khi phiên bản khác của “Hạ Chí Tuyến” xuất hiện.

Chỉ một năm sau, phiên tòa liên bang đã chính thức xóa bỏ đạo luật hà khắc trong xuất bản, rằng việc tập trung khai thác những khía cạnh một thời bị coi là tục tĩu giờ đây hoàn toàn hợp pháp và không hề làm ô uế nền văn học. Tuy nhiên, ông lo ngại dù đạo luật hà khắc trên không còn hiệu lực, nhưng sẽ chẳng có ai dám đọc vì bản thân họ vẫn sợ luật. "Chúng ta có quyền tự do ngôn luận tức là chúng ta có quyền được lên tiếng và bày tỏ mọi quan điểm". Rosset tiếp tục đối mặt với luật liên bang sau khi trả 50.000 USD cho bản quyền cuốn “Hạ Chí Tuyến”.

Cho tới năm 1964, khi Tòa án tối cao Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm xuất bản, Rosset mới thở phào nhẹ nhõm vì công lý cuối cùng đã chiến thắng. Cuốn sách của ông xây dựng quá chân thực các giá trị xã hội bấy lâu nay bị ruồng bỏ. Quá trình đấu tranh tự do kéo nhiều năm đã đưa “Hạ Chí Tuyến” trở thành cuốn sách bán chạy nhất, với 100.000 đầu sách cùng hàng triệu bản phôtô. Danh dự của Rosset được khôi phục và dư luận bắt đầu lấy lại niềm tin nơi nhân vật này.

Ngay sau đó, Rosset tiếp tục công phá thế giới văn học hiện đại bằng cuốn sách "Bữa trưa trần trụi" của William Burroughs khi xoáy sâu vào cơn lốc đồng tính và ma túy trong xã hội Mỹ. Ít ai biết rằng khi vẫn mắc kẹt tại tòa, Rosset đã chỉ đạo nhân viên bí mật mua bản quyền và cho xuất bản cuốn sách. Khoảng 200.000 bản in được tung ra thị trường, và nhanh chóng bị Tòa án quận Boston cấm.

Nhiều cuốn sách của Grove Press trở thành đề tài bàn tán gay gắt trong giới học giả. Họ cho rằng phần lớn độc giả bị kích thích bởi sự trần trụi trong khai thác đời tư nhân vật chứ không mấy quan tâm tới những đấu tranh nội tâm và sự giằng xé trong cuộc sống. Trái lại, Rosset tin rằng đây mới là yếu tố chân thực nhất về xã hội, và ông muốn đưa tới độc giả để cảnh báo họ về sự suy đồi của các giai tầng bấy lâu lép vế trước luật pháp nhà nước.

Ông trùm xuất bản được ví như “máy tời thép” vì bản tính ưa tự do, dám làm vì thành công của Grove Press.

Người làm thay đổi nền văn hóa Mỹ

Barnet Lee Rosset sinh ngày 28/5/1922 tại Chicago, là con trai duy nhất trong một gia đình trung lưu. Ngay từ khi còn ít tuổi, ông đã tỏ ra rất sáng dạ và vô cùng hăng hái tham gia các hoạt động xã hội. Rosset cùng người bạn thân, nhà làm phim Haskell Wexler, là thành viên của hiệp hội sinh viên Mỹ theo phe cực tả, cùng thực hiện các tiểu luận trong dự án "Chống lại mọi thứ". Rosset chịu ảnh hưởng sâu sắc từ quan điểm chính trị bảo thủ của người cha cùng sự quản giáo nghiêm khắc ở trường học. Ông rất căm ghét chủ nghĩa phát xít và mọi hình thức phân biệt chủng tộc ở Mỹ bấy giờ.

17 tuổi, ông liên tục làm lớp trưởng, một ngôi sao bóng đá nổi tiếng, nắm giữ kỷ lục trượt ván trong giới sinh viên và là bạn trai của cô gái khả ái nhất trường. Sự nghiệp học tập của ông không mấy suôn sẻ khi ông chuyển tới Đại học Swarthmore năm 1940 và trở nên đáng ghét, lầm lì, chịu bị ép buộc đi học. Chàng trai Rosset vô cùng chểnh mảng học tập và liên tục học tại bốn trường danh tiếng mà vẫn chưa thể tốt nghiệp. Rosset quyết định bỏ học, "đi bụi" trong nhiều năm ở Mexico, liên tục thay đổi trường, thậm chí phục vụ trong binh đoàn thông tin thuộc quân đội Mỹ tại Trung Quốc suốt Thế chiến II.

Năm 1949, ông hoàn thành một tập ký sự "Chiến thắng khác thường", nhấn mạnh những bí mật người Mỹ chưa từng được biết trong thời ký chiến tranh giành độc lập tại châu Âu và Thái Bình Dương. Nhờ sự giúp đỡ của người bạn gái, Rosset đã trả 3.000 USD để mua lại một cửa hàng bán báo nhỏ trên phố Grove, và xây dựng lên "đại bản doanh" của nhà xuất bản Grove Press ít lâu sau đó.

Grove Press luôn gợi nhắc tới danh tiếng lẫy lừng của Barney Rosset. Chính ông đã cho xuất bản cuốn sách "Chờ Godot" viết năm 1954 của tác giả đoạt giải Nobel Văn học Samuel Beckett. Thời điểm 15 năm bước ngoặt ấy đã đưa Rosset trở thành nhân vật làm thay đổi bối cảnh văn hóa xã hội Mỹ cùng với sự lên ngôi thịnh vượng của Grove Press. Grove Press trở thành "tiếng nói của các tầng lớp dưới đáy xã hội", với một loạt những cuốn sách ra đời đáp ứng nhu cầu của ngay cả những độc giả có học thức khó tính nhất.

Người ta cho rằng Rosset có biệt tài thu hút các nhà văn luôn theo đuổi xu hướng cách tân, dám viết và sẵn sàng trở thành cơ sở in ấn độc quyền cho họ. Bản thân ông rất tự tin tuyên bố "chẳng thể nào phản ánh chân thực những góc cạnh khác nhau của cuộc sống thế kỷ XX mà không dùng tới thứ ngôn ngữ bị người đời coi là bẩn thỉu và đanh thép". Bằng tầm nhìn quyết đoán, chính Rosset đã mang tới sức sống mới cho văn học Mỹ bằng việc liên tục tung ra thị trường các đầu sách từng một thời bị cấm xuất bản. Ít ai biết rằng Rosset chưa từng đặt bất kỳ mục tiêu cụ thể nào khi thành lập Grove Press. Bằng niềm đam mê sách cùng bản tính sẵn sàng thách thức luật pháp, ông đã tạo nên một kỷ lục khó đánh bại nhất trong lịch sử ngành xuất bản. Hàng loạt các "đại gia văn học" như Beckett, Genet, Ionesco, Tom Stoppard, Frantz Fanon… trở thành đối tác làm ăn lâu dài của Grove.

Rosset luôn hết lòng vì công việc. Nhân viên của ông ít khi thấy ông nghỉ làm, trái lại luôn đôn đốc mọi người hoàn thành đúng thời gian và tỉ mỉ từng chi tiết. Bản tính đào sâu khám phá cùng năng lực sáng tạo khiến ông sẵn sàng "xé nhỏ mọi chuyện" để đưa tới độc giả những góc nhìn mới mẻ nhất. Dư luận trêu đùa Rosset bằng biệt danh "ông già xuất bản thích nghịch đất trong móng tay" để chỉ sự táo bạo và khác người đến kỳ lạ.

Không giống như nhiều nhà biên tập hay xuất bản cùng thời vốn rất giáo điều và cố chấp, Rosset ưa tự do, học hỏi điều mới, không ngại bị chỉ trích và dám cam kết sẽ đem lại sự khác biệt cho ngành xuất bản toàn cầu. Chính ông là người dám đi ngược lại những chuẩn mực xã hội đã ăn sâu vào xã hội, từ đó nhận được sự ủng hộ từ những người coi thường ông. Vượt lên mọi tranh cãi về nguồn gốc xuất thân quyền quý, giàu có, Rosset đã thay đổi hoàn toàn một nền văn hóa cũ. Nếu ông không dám xuất bản hàng triệu đầu sách về đời tư của tầng lớp thấp hèn để lấy lại niềm tin cho họ thì cái tên Barney Rosset sẽ chẳng bao giờ được biết tới, được vinh danh thậm chí nhận sự ngưỡng mộ từ các thế hệ sau.

Chàng trai Rosset (ngoài cùng bên trái) đã thay đổi hoàn toàn nền văn hóa mỹ giai đoạn 60-70.

Không chỉ là một ông trùm dám thách thức cả luật pháp cho ra đời những đầu sách ấn tượng, Rosset đã thay đổi hoàn toàn cục diện xã hội và quan niệm văn học vốn đã lỗi thời. Ông đưa tới độc giả những góc cạnh mới của xã hội, ý kiến trực diện và tâm sự thời thế của các nhà văn bị coi thường, khinh rẻ. Chính ông đã khiến chính quyền nhiều bang phải sửa đổi luật, xóa bỏ quy định kìm hãm sự phát triển của văn học đương đại. Trải dài một sự nghiệp, Rosset luôn bênh vực các nhà thơ siêu thực Pháp, trào lưu văn học hiện thực Đức và nhiều kịch tác gia bị dư luận gắn mác "điên".

Các tác phẩm qua tay Rosset đều trở nên rất ăn khách và thuộc hàng bán chạy nhất thế giới. Ông đưa độc giả tiếp cận trường phái văn học của các tác giả châu Âu, truyền lửa bằng những lý lẽ và quan điểm tri thức nhân loại mới mẻ khi ấn hành hồi ký về Hồ Chí Minh, hay Che Guevara. Rosset gọi Grove Press là "lỗ thủng trên cái đập chủ nghĩa giáo điều".

Năm 2008, Hiệp hội Xuất bản Quốc gia vinh danh ông là "vua của những nhà văn Mỹ" khi bất chấp mọi luật lệ cho ấn hành sách rộng rãi ra công chúng. Đồng nghiệp nhận xét con người này vô cùng ưa mạo hiểm, ví ông như "máy tời thép" vì bản tính sẵn sàng làm mọi thứ để thúc đẩy các dự án, tạo ra đột phá qua những bước tiến vững chắc và thông minh cho Grove.

Nhiều năm sau, cuộc đời Barney Rosset liên tục chìm ngập trong những biến cố cùng cực. Đó là những suy sụp tài chính đưa Grove Press tới bờ phá sản, luồng dư luận trái chiều trong những cuốn sách ông xuất bản, cùng tính cố chấp không thỏa hiệp khiến Rosset có không ít kẻ thù. Thời điểm những năm 60-70 thế kỷ trước, Barney phải nỗ lực hết mình nhằm cứu vãn "đứa con cưng" Grove Press và gìn giữ danh tiếng đã gây dựng bấy lâu. Đây là khoảng thời gian người Mỹ hoàn toàn chối bỏ các quan điểm mỹ học và chính trị trong bối cảnh xã hội rối ren chưa tìm được trạng thái cân bằng…

(Còn nữa)

Anh Doãn - Khánh Hoa (tổng hợp)
.
.