Người mẹ thứ hai của những đứa trẻ tật nguyền

Thứ Hai, 10/12/2007, 17:00
Đến làng sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Tây) hỏi thăm chị Đỗ Thị Tuyết Minh, ai cũng biết. Có người còn tận tình dẫn chúng tôi đi đến Trung tâm dạy nghề từ thiện cho người khuyết tật Minh Cảnh của chị. Nơi đây đã đón nhận hàng chục thanh, thiếu niên khuyết tật, khó khăn và đào tạo nghề sơn mài giúp cho các em có một tương lai tươi sáng.

“Mẹ tôi cũng là người khuyết tật”

Tại căn nhà ba tầng ngổn ngang phôi, sơn, chổi vẽ như một xưởng sản xuất, chị Minh kể về cuộc đời mình: “Tôi mồ côi cha từ khi lên 8 tuổi, mẹ lại bị khuyết tật nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Một mình mẹ tôi phải chống chọi lại bệnh tật để nuôi các con ăn học.

Học hết lớp 7, tôi phải bỏ học để đi làm nghề sơn mài lấy tiền lo cuộc sống hàng ngày. Năm 17, tuổi tôi lấy chồng và theo anh về Ninh Thuận với hai bàn tay trắng. Không chấp nhận sống mãi với khó khăn, tôi cùng chồng trở ra Bắc. Chúng tôi quyết chí làm giàu bằng chính nghề sơn mài truyền thống ở quê hương.

Cần mẫn, lam lũ nhiều năm, cuối cùng vợ chồng tôi cũng đã tích góp được ít vốn mở xưởng sơn mài Minh Cảnh. Sản phẩm sơn mài truyền thống của gia đình tôi đã có mặt ở các hội chợ lớn và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Nhờ đó, chúng tôi không chỉ nuôi được 3 con học đại học mà còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương”.

Khi cuộc sống đã ổn định và khá giả một chút, nhớ lại những năm tháng cơ cực của gia đình và bản thân, chị Minh đã bàn với chồng con mở Trung tâm dạy nghề từ thiện cho thanh, thiếu niên khó khăn và khuyết tật.

Ngày 7/8/2007, Trung tâm dạy nghề từ thiện cho người khuyết tật Minh Cảnh đã chính thức khai giảng khóa học đầu tiên. Khóa học này Trung tâm tuyển sinh được 31 học viên đến từ 12 huyện của 4 tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Tây, Thái Bình và Nam Định...

Đối tượng tuyển là con em các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, mồ côi cha mẹ và bản thân bị khuyết tật. Có 26 em khuyết tật, 8 em bị di chứng chất độc da cam.

Điển hình như em Dương Văn Hanh, 24 tuổi, ở Thương Phú, Thường Tín, Hà Tây, bố là bộ đội, mẹ là TNXP đều bị nhiễm chất độc da cam. Hanh một chân bị tật, hai tay gầy yếu. Em Nguyễn Văn Đạt, 20 tuổi, ở Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Tây, chỉ có một tay, một chân hoạt động được...

Em Phan Thị Thu SN 21 tuổi, ở Nam Định, mẹ là TNXP, bố tật nguyền, khi sinh ra em cũng bị tật nhưng rất chịu khó, học hết lớp 12, có năng khiếu vẽ  giờ được phân làm lớp trưởng.

Em Nguyễn Thị Huệ ở Ninh Sở, Thường Tín, Hà Tây, gia đình có 7 người con thì 4 người lùn. Em có năng khiếu về mỹ thuật, trước có học nghề mây tre đan nhưng không ổn định nên Trung tâm đón về làm.

Tất cả các em sẽ được theo học nghề sơn mài truyền thống trong khoảng từ 6 đến 9 tháng. Hiện tại toàn bộ kinh phí ăn ở, sinh hoạt của các em đều do Trung tâm đài thọ từ nguồn lãi của Doanh nghiệp sơn mài xuất khẩu Minh Cảnh.

Gian nan “mài sắt nên kim”

Nói về quá trình đưa Trung tâm đi vào hoạt động như hôm nay, thầy giáo Vũ Văn Chiên, nguyên là Hiệu trưởng Trường cấp 2 huyện Nghĩa Hưng, phụ trách hành chính - tổng hợp và quản lý học viên tại Trung tâm Minh Cảnh tâm sự: “Trước khi khai giảng, từ tháng 3/2007, cán bộ Trung tâm phải rong ruổi, lặn lội xuống từng xã, từng huyện, từng tỉnh để thông báo về hoạt động chiêu sinh của Trung tâm thông qua hệ thống loa truyền thanh của địa phương.

Ngoài ra, chúng tôi còn phải thuyết phục, tạo niềm tin cho chính quyền địa phương và gia đình để họ yên tâm cho con em mình đến Trung tâm học nghề. Tuyển sinh đã vất vả là vậy nhưng đi vào giảng dạy cho các em còn vất vả hơn. Bởi các em trình độ không đồng đều, có em đã học hết lớp 12 nhưng cũng có em chưa biết chữ gì.

Học sinh đang thực hành.

Giờ đây, tất cả cùng học chung một lớp. Được biết, riêng các em có năng khiếu về hội họa thì sẽ được chọn vào lớp riêng do thầy Đỗ Thanh Châu, là giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội đã về hưu, hiện đang sinh sống tại làng giảng dạy.”

Chị Tuyết Minh không chỉ làm quản lý mà còn tham gia giảng dạy. Các con chị là Lê Đức Thanh, Lê Thị Phương đã và đang học về hội họa đều tham gia hướng dẫn, giúp đỡ các em cả về lý thuyết và thực hành.

Để có thể đạt được hiệu quả đào tạo tốt nhất, chị Minh còn mời một đội ngũ các nghệ nhân trong làng đến hướng dẫn cho các em.

Trở lại câu chuyện của chị Tuyết Minh, khi hỏi về những mong muốn của chị để Trung tâm có thể phát triển tốt hơn trong tương lai, chị Minh chia sẻ: “Không phải ai cũng có thể làm từ thiện được, vì làm được việc này phải có cái tâm. Tôi mong muốn các cháu tật nguyền về với Trung tâm nhiều hơn, để có thể cảm thông, chia sẻ với nhau và phát huy năng lực, tận dụng sức lao động của bản thân”.

Bên cạnh đó chị Minh trăn trở một điều: “Hiện tại cơ sở đang dạy học cho các cháu là mượn địa điểm của gia đình em trai chồng tôi, hai căn nhà của vợ chồng tôi đã được tận dụng làm xưởng, chỉ chừa lại một vài phòng nhỏ để ngủ.

Ngay cái xưởng rộng hơn 50m2 ở đầu ngõ cũng phải đi thuê của người khác. Chúng tôi cũng xin thuê được 2.000m2 ở lô 15, khu công nghiệp xã Duyên Thái. Thực sự nguyện vọng của chúng tôi là xin thuê 3.000m2 để có thể xây dựng một cơ sở hạ tầng rộng rãi, với những điều kiện tốt nhất cho các em học tập và sinh hoạt.

Chứ ở chật chội như thế này rất khổ. Nếu có cơ sở hạ tầng tốt, chúng tôi tin rằng Trung tâm sẽ giúp đỡ được nhiều hơn cho các em"

Hải Châu
.
.