Người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Trường đại học danh tiếng Oxford

Chủ Nhật, 14/06/2015, 07:20
Ngày 30/5 vừa qua, Hội đồng quản trị Trường đại học Oxford (Anh) đã quyết định bổ nhiệm giáo sư Louise Richardson 57 tuổi làm Giám đốc điều hành (CEO). Đây là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm cương vị lãnh đạo cơ sở giáo dục cao học Anh ngữ lâu đời nhất thế giới, với bề dày tồn tại hơn 9 thế kỷ kể từ năm 1096.

Bà Louise Richardson sinh ngày 8/6/1958 ở thị trấn Tramore, quận Waterford thuộc Cộng hòa Ireland, trong một gia đình ngư dân có 7 người con. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Richardson thi đậu vào Khoa Lịch sử Trường đại học Trinity College ở thủ đô Dublin và tốt nghiệp năm 1980 với tấm bằng hạng ưu.

Năm 1981, Richardson nhận được học bổng của Trường đại học California (UCLA) Mỹ, rồi lấy bằng thạc sĩ Khoa học chính trị năm 1984. Năm 1989, bà lấy bằng tiến sĩ và được giữ lại giảng dạy tại Đại học Harvard.

Tân CEO Louise Richardson.

Trong hơn một thập niên, tiến sĩ Richardson lần lượt đảm nhiệm vai trò trợ lý giáo sư, rồi giáo sư trực tiếp giảng dạy tại Khoa Quan hệ quốc tế của Đại học Harvard, chuyên với các lĩnh vực như chống khủng bố, an ninh quốc tế và chính sách đối ngoại toàn cầu.

Tháng 7/2001, bà được bổ nhiệm làm CEO của Viện Nghiên cứu cao học Radcliffe trực thuộc Đại học Harvard; đồng thời vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy ở cả 2 cơ sở giáo dục uy tín khác là Viện Đại học Harvard và Trường Luật Harvard. Năm 2008, Richardson làm Hiệu phó Trường đại học St Andrews, ở Scotland. Sau đó, bà được bầu làm Hiệu trưởng, trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Trường đại học St Andrews có bề dày lịch sử 600 năm tồn tại.

Suốt 6 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Hiệu trưởng L. Richardson, Trường đại học St Andrews đã liên tục lọt vào danh sách các cơ sở giáo dục cao học uy tín nhất thế giới, cũng như có chỉ số hài lòng của sinh viên chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các trường đại học ở Vương quốc Anh. Ngoài ra, dưới thời Hiệu trưởng L. Richardson, Trường đại học St Andrews trở thành một trong những địa chỉ giáo dục thu hút đông đảo sinh viên nước ngoài tới Anh du học, tăng từ 235 sinh viên năm 2008 lên 1.772 sinh viên niên khóa 2014-2015.

Giáo sư L. Richardson vẫn còn lãnh đạo Trường đại học St Andrews đến hết năm 2015.

Khi hay tin được bổ nhiệm làm CEO của Trường đại học Oxford, giáo sư L. Richardson đã thổ lộ: "Oxford là một trong những trường đại học có uy tín nhất trên thế giới. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được trao cơ hội để lãnh đạo cơ sở giáo dục nổi tiếng này. Đồng thời tôi cũng rất mong được sát cánh với các đồng nghiệp đầy tài năng, giàu kinh nghiệm và hết sức tận tâm, để chúng ta cùng nhau góp phần thúc đẩy vị thế hàng đầu của Oxford trong các lĩnh vực như giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cấp học bổng cho du học sinh trên toàn cầu".

Nam tước  Christopher Francis Patten, Hiệu trưởng Trường đại học Oxford, là người đề cử giáo sư L. Richardson giữ chức vụ CEO nói rằng: "Thành tích phi thường của bà  Richardson trong cả hai vai trò như là một nhà lãnh đạo giáo dục hiệu quả và một học giả xuất sắc, đã tạo tiền đề để chúng tôi tin tưởng giới thiệu bà làm người điều hành Trường đại học Oxford trong những năm tới".

Tân CEO - giáo sư Richardson sẽ thay thế người tiền nhiệm là giáo sư Andrew D. Hamilton. Giáo sư A. Hamilton sẽ chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp New York của Mỹ. Nhân sự kiện này giáo sư A. Hamilton cho biết: "Bà Richardson là một học giả nổi tiếng thế giới chuyên với các lĩnh vực nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố quốc tế và an ninh toàn cầu, thể hiện qua vai trò tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia khác nhau".

Được biết, Trường đại học công lập Oxford vốn nổi tiếng là nơi có Khoa Báo chí lớn nhất trên thế giới, cũng như có hệ thống thư viện đại học hàng đầu ở Anh. Ngân sách thường niên của trường là 3,77 tỉ bảng Anh. Hiện tại trường có hơn 21.500  sinh viên đang theo học, trong đó có gần 10.000 người ở hệ sau đại học. Trong giới cựu sinh viên Oxford có 27 người đoạt giải Nobel, 26 người là thủ tướng Anh và nhiều vị nguyên thủ quốc gia nước ngoài khác.

Quang Phú (tổng hợp)
.
.