Người quen thuở ấy

Thứ Hai, 26/01/2009, 16:00
Dễ tới dăm bảy năm sau khi kết thúc chiến tranh, tôi mới có dịp gặp lại Vũ Hoàng (Bảy Hoàng). Mà lại gặp nhau ngay trên đất thủ đô khi anh về dự tổng kết năm của Bộ, với cương vị lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bến Tre. Và, cũng lại dễ đến hơn chục năm sau mới tái ngộ lần thứ hai cũng trên đất Hà thành, khi Vũ Hoàng vừa được bổ nhiệm cương vị mới "to đùng" - Phó chủ tịch tỉnh phụ trách Văn xã.
Tình xưa nghĩa cũ của những người còn sót lại sau cuộc chiến, đã làm sống lại trong tôi bao kỷ niệm một thời đạn bom ác liệt, cái thời "tiếng hát át tiếng bom" mà "giọng ca vàng" Vũ Hoàng là người lính tiên phong cho phong trào ấy.

Thời đó, Cụm Tình báo chiến lược H67 của chúng tôi về bám trụ ở Bến Tre với "vai diễn" Đoàn nghiên cứu địa hình của tỉnh. Tôi là cán bộ nghiệp vụ của Đoàn, được bình phong bằng cái "mác" nhà văn, nhà báo đi thực tế ở chiến trường vùng yếu, nên xuất hiện thường xuyên trên báo chí địa phương.

Bạn đọc trong vùng giải phóng Bến Tre biết đến tác giả Thái Dương là vậy. Còn Vũ Hoàng lúc đó là Trưởng đoàn văn công của tỉnh, chiến đấu dũng cảm, lại cao ráo, bảnh trai và có giọng ca  vàng, được chọn làm trưởng đoàn văn công, quả là xứng tầm, "số dách".

Thời đó, trí thức, văn nghệ sĩ trong vùng giải phóng thuộc diện "quý hiếm", là "mỳ chính cánh" chứ đâu phải đùa. Gặp họ còn khó hơn cả gặp lãnh đạo "cỡ nhớn" bây giờ. Bởi làm gì có địa chỉ, có trụ sở mà "đón gặp". Cấp Trung ương, cả miền Nam mới có một đoàn văn công giải phóng, một đoàn điện ảnh, một tờ văn nghệ giải phóng.

Ông Vũ Hoàng (người thứ tư từ trái qua).

Trên Miền, cỡ như ca sĩ Tô Lan Phương, diễn viên điện ảnh Kim Chi… chuyện gặp họ chỉ là trong mơ. Còn dưới cơ sở, cấp tỉnh mới có một đoàn văn công. Cả lãnh đạo và diễn viên chỉ có mấy chục người. Hầu hết là "đào tơ liễu yếu" mà chẳng mấy khi tập trung cả đoàn. Thường phải chia lẻ thành các "đội văn công xung kích" phục vụ bộ đội, thương binh và đồng bào vùng giải phóng. Mỗi đội với dăm ba diễn viên, nhạc cụ chỉ một cây đàn ghita, măngđôlin hoặc một cây đàn nhị là ngon lành rồi.

Họ có thể bôn ba cả tháng. Đơn vị nào mà được tin sẽ có văn công về phục vụ là không khí vui như tết. Lính ta khấp khởi mừng thầm, sẽ có một trận "bổ túc con mắt" "chiêm ngưỡng tiên sa". Bởi thế mới nảy sinh cái câu ví von thật thú vị: "Bộ đội mà gặp văn công/ Như cá gặp nước, như rồng gặp mây".

Nó thi vị, ý nghĩa gấp vạn lần những cuộc gặp hoa hậu, á hậu nhàm nhàm ngày nay. Tôi nói thật đấy, chả "bốc" đâu. Bởi nó xuất phát từ đáy lòng mình. Nếu quý vị không tin, cứ hỏi những người thời đó, tôi tin chắc họ cũng nhận xét như vậy.

Tôi nhắc tới những chi tiết vụn vặt trên để muốn nói rằng gặp các diễn viên khó vậy, còn gặp được cái anh Trưởng đoàn có giọng ca vàng đâu phải dễ. Bởi đoàn chia thành nhiều đội, mỗi đội đi một huyện, một địa bàn khác nhau.

Trưởng đoàn phải thường xuyên đi kiểm tra, chỉ đạo, mà đi lại thời đó nhiêu khê lắm. Nhất là với chiến trường sông nước như Bến Tre. Nhiều khi phải "đi thủy" (gói vũ khí, trang bị cá nhân vào áo mưa, đợi đêm tối, tấp vào một dề lục bình mà xuôi theo dòng nước).

Gặp giai đoạn địch tăng cường phong tỏa vùng căn cứ, nếu cứ đường bộ mà đi thì có mà làm mồi cho biệt kích. Cái khó là vậy chứ chẳng phải anh ta kiêu kỳ gì. Vì thế mà phải cỡ hơn 3 năm sau kể từ lúc về quê hương Đồng khởi tôi mới gặp Vũ Hoàng. Đó là dịp tết năm 1973.

Thời điểm ấy, địch đang tập trung lực lượng bảo vệ Sài Gòn và đối phó với ta ở chiến trường miền Trung, nên chiến trường đồng bằng Nam Bộ dễ thở hơn, nhiều nơi, địch rút vào thế thủ, ít có những trận càn quy mô lớn.

Trước tình hình đó, cấp ủy và lãnh đạo địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để quần chúng nhận rõ và tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng, cảnh giác với âm mưu và thủ đoạn "cắm cờ" lấn chiếm của địch. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ cho đợt tuyên truyền.

Trước yêu cầu đó, Đoàn Văn công tỉnh đã về xã Phước Thạnh, một xã giáp ranh ở phía đông bắc thị xã biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào và chiến sĩ trong vùng. Để đảm bảo an toàn cho đêm biểu diễn, ban tổ chức đã chọn căn cứ cũ của một đơn vị bộ đội có nhiều hầm hào để đề phòng phi pháo của địch.

Dù trong thời gian hưu chiến nhưng vẫn phải đề phòng. Ánh sáng chủ yếu là đèn măngsông. Vì thời đó ở căn cứ làm gì có điện. Bao nhiêu năm hoạt động ở chiến trường, đêm đó là lần đầu tiên tôi mới được gặp lại ánh đèn măngsông.

Cả một vùng căn cứ tưng bừng như ngày hội. Người người nô nức kéo nhau đi xem văn công. Các đơn vị bám trụ ở An Phước như đơn vị chúng tôi phải vượt sông Ba Lai, rồi đi bộ thêm mấy cây số nữa mới tới địa điểm biểu diễn. Nhiều bà con ở khu gom dân của địch và trong thị xã cũng bí mật kéo về. Diễn viên biểu diễn hết mình với những ca khúc cách mạng nổi tiếng (Bài ca may áo, Qua sông, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Tiếng đàn Ta Lư...). Người xem nhiệt tình cổ vũ. Nhiều tiết mục phải biểu diễn tới lần thứ hai.

Với anh em H67 chúng tôi hôm đó, ngoài phần thưởng thức, còn có ý đồ đi để ghi lại một số ca từ, giai điệu trong những nhạc phẩm ưa thích mà xưa nay vẫn hát theo cảm tính, theo thói quen của cái nạn "tam sao thất bản". Bởi thời đó, anh nào cũng phải "thủ" dăm bài hát "tủ" để mỗi khi liên hoan văn nghệ chào mừng ngày lễ, tết hoặc đám cưới... còn có cái mà tung ra.

Với riêng tôi, đêm diễn kết thúc, len mãi mới vào được khu vực sân khấu. Gọi là lo phụ giúp anh em thu dọn đồ đạc, nhưng mục đích chính là để tiếp cận Trưởng đoàn Vũ Hoàng để "lấy oai" với anh em đơn vị - "Tớ là bạn của Trưởng đoàn Văn công Vũ Hoàng đấy. Oách chưa!...". Có biết đâu cái bắt tay đêm hôm ấy đã trở thành cầu nối, thắt chặt tình cảm hai chúng tôi cho tới bây giờ. Người con trai xứ dừa hào hoa phong nhã ấy đã tạo cho tôi bao nỗi cảm động, bất ngờ.

Số là thế này - Kết thúc chiến tranh, Vũ Hoàng về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh. Qua các chức vụ Phó giám đốc, rồi Giám đốc Sở. Anh là một trong những cán bộ tâm huyết trong việc sưu tầm, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa trong tỉnh.

Đặc biệt là xây dựng các tượng đài, phù điêu... nhằm tôn vinh chiến tích của quân và dân Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống xâm lược; trực tiếp tham gia và góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo sưu tầm văn hóa dân gian địa phương, địa chí Bến Tre, văn học chữ viết Bến Tre từ khởi thủy tới ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975).

Đây là một công trình được sưu tầm, tập hợp, nghiên cứu rất công phu, bao gồm một số tác phẩm tiêu biểu của tất cả các tác giả là người trong tỉnh, in tại Nhà xuất bản Khoa học - Xã hội, bìa cứng rất trang trọng. --PageBreak--

Tôi may mắn được Vũ Hoàng gửi ra tặng 1 cuốn. Và ngỡ ngàng khi mở sách ra, phát hiện có 3 truyện ngắn (với trên 20 trang) của mình được in trong đó. Phải chăng có sự nhầm lẫn của bộ phận biên tập?

Tôi điện ngay cho một số anh em quen biết có tham gia công trình này và được giải thích cặn kẽ rằng: "Không hề có sự nhầm lẫn. Đây là một chủ trương đã được tranh luận và bàn rất kỹ. Tất nhiên cũng có ý kiến về trường hợp này - Tác giả Thái Dương (Khổng Minh Dụ) không phải là người Bến Tre sao lại đưa vào tuyển tập? Nhiều ý kiến phân tích lại rất có lý và có tình mà đại diện trong đó là ý kiến của Vũ Hoàng.

Với tinh thần: “Tuy tác giả này không phải sinh ra ở Bến Tre, nhưng đã từng sống, chiến đấu trên 5 năm ở quê hương Đồng khởi trong giai đoạn ác liệt nhất và đã có rất nhiều tác phẩm viết về Bến Tre, ta có thể coi tác giả là người Bến Tre…".

Ông Vũ Hoàng (bên phải) và tác giả bài viết.

Có lẽ vì thế mà ngay trong phần đề tặng ở trang đầu cuốn sách, Vũ Hoàng đã ý tứ ghi như sau: "Thân tặng anh Thái Dương - người con của quê hương Bến Tre". Ôi! Nghĩa tình đồng bào, đồng chí!... dù chỉ bấy nhiêu thôi, nhưng đối với tôi, đó là món quà vô giá; chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ ấm lòng đối với chúng tôi, những đứa con từ miền Bắc xa xôi, đã một thời gắn bó cùng đồng bào, đồng chí nơi chiến trường đầy máu lửa.

Tết Bính Tuất (2006), Vũ Hoàng đem đến cho tôi một bất ngờ thứ hai. Hôm ấy khoảng hai mươi mấy tháng Chạp, anh em ở bộ phận thường trú thuộc Công ty Dược Bến Tre ở phố Vạn Bảo đem đến cho tôi một gói quà tết.

Nói là của chú Bảy Hoàng gửi. Ngoài tôm nõn ra, còn lại tất cả đều là sản phẩm từ dừa: kẹo dừa, kẹo chuối dừa, mứt dừa… kèm theo 2 đĩa cổ nhạc gồm 13 bản tân cổ giao duyên, cũng "đặc vị dừa", bởi nó được mang tên "Tiếng hát xứ dừa" - chào mừng 30 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Tôi không ngờ bài thứ 5 của đĩa số 2 lại có bản "Chuyện mùa dâu chín". Thơ Thái Dương - Hồng Quân chuyển thể. Do 2 nghệ sĩ Lê Tứ và Phượng Loan trình bày. Tôi lặng đi trong nỗi xúc động bất ngờ trước tình cảm và lòng nhiệt tình của Vũ Hoàng.

Số là gần chục năm trước, nhân chuyến tôi về thăm lại chiến trường Bến Tre, Bảy Hoàng tổ chức cuộc gặp gỡ một số anh em quen biết cũ. Văn phòng Thị ủy có Ba Châm (nay là Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh); Đơn vị dân y có Mười Nguyện (nay là Chi cục trưởng Quản lý thị trường); một số anh em Công an tỉnh (có cả Hai Tùng - Phó giám đốc); thành phần đông nhất là anh chị em Sở Văn hóa - Thông tin.

Chúng tôi rủ nhau trở về với kỷ niệm xưa bằng những ca khúc hào hùng sống động một thời. Hôm đó tôi "bị" yêu cầu đọc bài thơ tình của mình đã in trong tạp chí Văn nghệ Đồ Chiểu từ năm 1971. Bài thơ viết về mối tình của cô thôn nữ với một anh du kích quê dừa.

Không ngờ sau này nó được soạn giả Hồng Quân chuyển thể thành vọng cổ do 2 nghệ sĩ Thanh Tuấn và Thanh Kim Huệ trình bày. Thực tình tôi mới chỉ được nghe loáng thoáng trong một chương trình ca cổ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Không ngờ lời tâm sự của tôi hôm ấy lại trở thành nguyên cớ để Vũ Hoàng phải mất công sưu tầm và đưa bài hát vào chương trình đặc biệt ở địa phương.

Hai kỷ vật trên đối với tôi mãi mãi là món quà vô giá, bởi nó được kết tinh từ tình yêu thương đồng đội, đồng chí, những người đã sống chết bên nhau trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc

Thái Dương
.
.