Thần đồng văn học nước Nga đến Việt Nam:

Người vén màn đêm cho những đôi mắt chết

Chủ Nhật, 19/01/2014, 18:15

Năm 12 tuổi, cậu bé người Nga có tên Mikhail Samarsky (SN 1996) bắt tay vào sáng tác. Đúng một năm sau, Mikhail Samarsky giành được giải thưởng Cuộc thi sáng tác văn học do Hãng truyền thông OLMA tổ chức. Cũng trong năm đó, Mikhail Samarsky được xuất bản hai tác phẩm "Đánh đu giữa những triền đồi" và "Chó dẫn đường phiêu lưu ký" tập 1 (nguyên tác tiếng Anh - A Rainbow for a Friend).

Với "Chó dẫn đường phiêu lưu ký", Mikhail Samarsky chính thức được xem là thần đồng văn học của nước Nga. Tập sách nhanh chóng tạo nên một cơn sốt trong văn hóa đọc và được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Anh, Đức, Czech, Bungari, Thụy Điển… Tiếng Việt là ngôn  ngữ thứ 8 chuyển tải nội dung tác phẩm này.

1. Nhà văn Công huân A. Y. Skazhinsky, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Liên bang Nga, Ủy viên Hội Nhà báo Liên bang Nga, nhận xét về Mikhail Samarsky như sau: "Mikhail Samarsky - một tâm hồn nhân bản, một tài năng đang phát triển, thăng hoa. Riêng tác phẩm "Chó dẫn đường phiêu lưu ký", là một quyển sách tuyệt vời. Một món quà vô giá cho những ai biết thương yêu, quý mến những "người bạn bốn chân" của loài người. Tác phẩm ngập tràn nhiệt huyết và lòng yêu thương".

Còn Nghệ sĩ nhân dân Philipp Kirkorov thì đánh giá: "Tác giả Mikhail Samarsky là một con người đặc biệt. Tài năng văn chương và ý thức thiện nguyện phục vụ cộng đồng người khiếm thị của Mikhail rất đáng khâm phục. Tác phẩm của Mikhail không chỉ thuyết phục tuyệt đối giới phê bình văn học mà còn đánh động được con tim người đọc. Đó chính là phần thưởng lớn nhất cho người sáng tác".

Và thần đồng Việt Nam một thời, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: "Cậu bé Mikhail Samarsky thật sự là một thần đồng văn học Nga có một trái tim và tấm lòng trắc ẩn đặc biệt với người khiếm thị đã làm tôi vô cùng xúc động - và hơn nữa cậu bé đã không chỉ dám ước mơ mà còn dám hành động kiên định để thay đổi thực sự cuộc sống của những người khiếm thị - điều mà ngay cả nhiều người lớn cũng không thể làm được".

Mikhail Samarsky và độc giả Việt Nam.

Sau thành công này, Mikhail Samarsky viết tiếp tập 2 của "Chó dẫn đường phiêu lưu ký". Ở lần tái bản tại Việt Nam vào năm 2013, "Chó dẫn đường phiêu lưu ký" được đổi tên thành " Cầu vồng trong đêm" (tập 1 "Cho những trái tim đang sống" và tập 2 "Công thức thiện tâm").

"Chó dẫn đường phiêu lưu ký" có nội dung xoay quanh chú chó dẫn đường cho người mù có tên Trison. Bằng thủ pháp nhân cách hóa, tất cả thế giới của loài người dưới nhãn quan của một… chú chó đã diễn ra với tất cả hỉ nộ ái ố, tham lam, toan tính và bon chen. Đó là một thế giới ""có đôi mắt đã chết nhưng trái tim vẫn đang sống".

Khi không thể nhìn thấy ánh sáng, người khiếm thị dường như chìm trong cảm giác cô độc, lo lắng, sợ hãi và tuyệt vọng. Nhưng những chú chó dẫn đường, như Trison, đã thực sự trở thành người bạn thân giúp họ trở lại với cuộc sống, giúp họ sống lạc quan và mạnh mẽ hơn.

Mikhail Samarsky kể: Để viết "Chó dẫn đường phiêu lưu ký", Mikhail Samarsky đã sử dụng khăn bịt kín mắt mình để trở thành một người mù trong quãng thời gian nhiều ngày. Mikhail Samarsky làm điều này vì muốn hiểu cảm giác của một người mù như thế nào trước khi đặt bút viết những dòng đầu tiên.

Sau khi tác phẩm được chào đón, Mikhail Samarsky đã đọc kiến nghị trước Quốc hội Nga đề nghị thay đổi chính sách đối với người khiếm thị, và Quốc hội đã đồng ý đề xuất thay đổi này. Mikhail Samarsky thiết tha đề xuất Tổng thống khi ấy là Dmitri Medvedev hỗ trợ máy tính chuyên dụng cho người khiếm thị.

Sau khi lắng nghe những gì “thần đồng văn học” trình bày, Tổng thống Medvedev đã chấp thuận đề xuất trên. Mikhail Samarsky, chính thức được công nhận là người "vén màn đêm" cho những người khiếm thị tại Nga.

2. Cuối tháng 12/2013, nằm trong chuỗi hoạt động thiện nguyện của mình, Mikhail Samarsky chính thức đến Việt Nam. Với mong muốn nhiều người khiếm thị trên thế giới, trong đó có Việt Nam, có thể đọc được tác phẩm của mình, Mikhail Samarsky đã quyết định trao tặng bản quyền tác phẩm của mình cho Thư viện Sách nói của chị Nguyễn Hướng Dương.

Ngay sau đó, hai tập đầu tiên của "Chó dẫn đường phiêu lưu ký" với tên gọi mới là "Cầu vồng trong đêm" đã được chuyển thành những cuốn sách dưới định dạng là chiếc đĩa CD để phục vụ người khiếm thị.

Trong lần sang Việt Nam này, Mikhail Samarsky và Đại diện Quỹ Những trái tim đang sống Liên bang Nga Kostantin chính thức mời nhạc sĩ, ca sĩ khiếm thị Hà Chương cùng Tổ chức Hạt Giống Tâm Hồn Việt sang thăm, làm việc và biểu diễn tại Liên bang Nga vào những tháng đầu năm 2014, cùng đi sẽ chọn thêm những tấm gương ý chí nghị lực và tài năng khiếm thị, khuyết tật Việt Nam.

Ông Châu Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Công nghiệp Descon sẽ cùng First News - Trí Việt tài trợ cho những tài năng khiếm thị, khuyết tật Việt Nam sang hợp tác diễn thuyết và biểu diễn tại Liên bang Nga trong chuyến đi đặc biệt này.

Mikhail Samarsky hiện vừa mới tốt nghiệp Trường phổ thông năng khiếu nội trú trực thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn chương (bố là nhà soạn kịch, mẹ là nhà văn chuyên viết truyện trinh thám). Mikhail đã sáng lập quỹ “Những trái tim đang sống” để quyên tiền mua máy đọc chữ nổi và những thiết bị chuyên dụng cho người mù điều khiển máy vi tính...

Mikhail vừa nộp hồ sơ thi vào Khoa Các vấn đề toàn cầu của Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, chuyên ngành Quan hệ quốc tế

N.N.H.
.
.