Nguồn nước ngầm nhiễm phóng xạ ở Trung Đông

Thứ Ba, 20/11/2012, 22:45

Trung Đông và Bắc Phi đang phải chịu đựng tình trạng thiếu nước trầm trọng nên phải bơm hàng triệu lít nước mỗi ngày từ các bể nước ngầm cổ. Nhưng nước bị cảnh báo nhiễm phóng xạ tự nhiên ở mức cao. Các chuyên gia lo sợ sự ô nhiễm này sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cho hàng triệu người.

Cách đây hơn 2.000 năm, người Nabataean (người Arập cổ đại) đã xây dựng một loạt những bể chứa nước ngầm để cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Petra tồn tại giữa vùng đất khô hạn hiện là Jordan. Và, ngày nay từng đoàn xe tải chở nước bơm từ những bể nước ngầm này đến cho người dân sử dụng. Mỗi ngày, hàng triệu mét khối nước được bơm từ những bể nước ngầm cổ ở Trung Đông và Bắc Phi.

Bắt đầu năm 2013, khoảng 100 triệu m3 nước một năm sẽ được bơm từ bể ngầm cổ Disi nằm ở miền Nam Jordan, cộng thêm 60 triệu m3 nước một năm lấy từ mạch nước ngầm ngày nay. Sau đó, nước sẽ được truyền qua những ống dẫn đến thủ đô Amman của Jordan nằm cách đó 325km. Nhưng chuyên gia về phóng xạ cảnh báo các nguồn nước ngầm cổ chứa phóng xạ xảy ra trong tự nhiên ở mức cao hơn quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nguy cơ nước nhiễm phóng xạ không chỉ tác động đến Jordan mà cả các quốc gia khác ở Trung Đông và Bắc Phi.

Theo báo cáo của nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Duke bang North Carolina (Mỹ) đăng trên tạp chí Environmental Science & Technology, nước ngầm cổ có mức phóng xạ cao hơn ngưỡng an toàn của WHO đến 30 lần. Uranium và thorium sinh ra từ đá trầm tích và các sản phẩm phân rã của chúng bao gồm radium có thể gây ung thư xương nếu đi vào cơ thể con người. Đặc biệt nguy hiểm là hai chất đồng vị radium-226 và radium-228.

Theo tính toán của Cơ quan Bảo vệ phóng xạ Liên bang Đức (BfS), một người uống 2 lít nước/ngày từ bể ngầm Disi sẽ nhiễm độ phóng xạ giữa 0,99 và 1,53 millisievert (đơn vị đo phóng xạ) một năm - tức cao hơn ngưỡng an toàn của WHO từ 10 đến 15 lần!

Vengosh cho biết, nước ngầm nhiễm phóng xạ gây nguy hiểm cho hàng trăm triệu người. Chỉ có 10% nước ngầm Disi chảy qua lãnh thổ Jordan, phần còn lại ở Arập Xêút, nơi bể nước ngầm được gọi là Saq. BRGM, Cơ quan Địa chất quốc gia Pháp, đã tiến hành lấy mẫu nước từ 64 địa điểm của nước ngầm. Theo báo cáo dày 144 trang của BRGM, mức phóng xạ của các mẫu vượt quá ngưỡng an toàn của WHO. Các nhà địa chất học Pháp kết luận, vấn đề nhiễm phóng xạ của nước ngầm là phức tạp và có lẽ lan rộng.

Giới khoa học cần nghiên cứu thật nhanh bởi vì những hậu quả vô cùng nguy hiểm mà nước ngầm nhiễm xạ đang đe dọa sức khỏe con người và cả khi nó được sử dụng trong nông nghiệp. Đây là kết luận gây lo ngại khi mà nước ngầm hiện thời được sử dụng chủ yếu trong nông nghiệp của khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Người dân lấy nước từ một giếng bên ngoài Sirte, Libya.

Theo BRGM, lượng nước được bơm từ bể nước ngầm Saq tăng gấp 4 lần từ năm 1985 đến 2005 - tức từ khoảng 2 tỉ đến hơn 8,7 tỉ m3 nước/năm. Arập Xêút sử dụng khoảng một nửa lượng nước bơm từ các bể nước ngầm. Israel cũng bơm nước ngầm để tưới tiêu cho các cánh đồng trong sa mạc Negev, và Ai Cập bơm nước từ các ốc đảo từ thập niên 80 thế kỷ trước. Trong khi đó, Libya đang vận hành chương trình bơm nước ngầm lớn nhất thế giới, gọi là dự án "Sông nhân tạo lớn" (Great Man-MadeRiver). Mỗi ngày, khoảng 1,6 triệu m3 nước ngầm được bơm từ "Hệ thống nước ngầm sa thạch Nubian", với tốc độ hơn 18.500 lít nước/giây.

Khi công việc hoàn tất, cả một hệ thống khổng lồ các giếng, ống dẫn và bể chứa sẽ dẫn 6,5 triệu m3 nước/ngày từ sa mạc đến các thành phố ven biển của Libya, những nơi luôn khát nước. Hiện nay, các bể nước ngầm của Libya cũng suy kiệt nặng đến mức trở nên hơi mặn do hậu quả của nước biển thấm vào - vấn đề cũng đang tác động đến các thành phố ven biển khác trong khu vực.

Theo Christoph Schuth ở Đại học Kỹ thuật thành phố Darmstadt miền Tây nước Đức, Arập Xêút ít nhất cũng đang có chương trình riêng để xử lý nước ngầm và khử phóng xạ. Nhưng ở những nơi khác, nhất là vùng nông thôn của Bắc Phi, tình trạng khó giải quyết hơn. Chất lượng nước ngầm từ hệ thống "Sa thạch Nubian" có lẽ chỉ được nghiên cứu dở dang và Libya thiếu các công nghệ xử lý nước hiện đại. Christoph Schuth và các đồng nghiệp công bố kết quả nghiên cứu của họ vào năm 2011 trên ấn phẩm International Journal of Water Resources and Arid Environments. 

Bộ Nước và Tưới tiêu của Jordan (MWI) không coi phóng xạ là vấn đề, tuyên bố rằng các xét nghiệm của cơ quan này cho ra con số về mức nhiễm xạ thấp hơn con số của các chuyên gia Mỹ. Các chuyên gia của MWI cũng có kế hoạch pha nước nhiễm xạ với nước từ các nguồn không nhiễm xạ để giảm mức nhiễm xạ hàng năm xuống còn 0,4 millisievert. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cao hơn tiêu chuẩn của WHO đến 4 lần.

Theo Viện Khoa học địa chất và Tài nguyên thiên nhiên Liên bang Đức (BGR), người Jordan cần đến ít nhất 1 tỉ m3 nước không nhiễm xạ trong một năm để đưa mức phơi nhiễm của nước ngầm xuống dưới ngưỡng an toàn chuẩn của WHO. Nhưng, hiện nay người ta còn chưa rõ sẽ lấy nguồn nước "sạch" như thế từ đâu và quan chức MWI cũng chưa có câu trả lời cuối cùng về vấn đề này với lý do là trước tiên phải thực hiện thêm nhiều phân tích cũng như thu thập dữ liệu.

Một trong những đơn vị hỗ trợ tài chính lớn nhất cho dự án Disi là Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), với sự phê chuẩn số tiền cho vay tổng cộng là 225 triệu USD vào tháng 5/2009. Trong hợp đồng với EIB, Amman cam kết bắt đầu tiến hành thử nghiệm nước từ mỗi giếng khoan trong suốt thời gian xây dựng và cung cấp báo cáo thường xuyên cho ngân hàng

Di An (tổng hợp)
.
.