Nguy cơ lại khủng hoảng lương thực thế giới

Thứ Hai, 27/06/2011, 13:55

Cách đây không lâu, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) đã công bố một bản báo cáo trong đó cảnh báo, thế giới đã phải manh nha đương đầu với một cuộc khủng hoảng lương thực với nguy cơ ngày càng trầm trọng hơn. Trong hoàn cảnh như vậy, chính các quốc gia đang phát triển lại là những nước phải chịu ảnh hưởng hàng đầu từ cuộc khủng hoảng này.

Dù chưa phát triển thành một cuộc khủng hoảng thực sự, nhưng chỉ cần điểm qua các phương tiện truyền thông đại chúng trên toàn thế giới, chúng ta có thể bắt gặp không ít những thông tin đáng lo ngại trên mặt trận lương thực. Tại Mỹ, giá thịt tăng cao đã khiến một loạt các xí nghiệp sản xuất thực phẩm, nhà hàng và những mạng lưới bán bánh hamburger như McDonalds đã phải đồng loạt tăng giá. Đây là thông tin chẳng tốt lành gì, nếu biết rằng người dân Mỹ vẫn đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong tình cảnh cuộc khủng hoảng tài chính tại quốc gia này vẫn chưa đi qua.

Tại Indonesia đã ghi nhận mức giá tăng chưa từng có của ớt đỏ - một thành phần gần như có mặt trong hầu hết các món ăn địa phương có tác dụng ngăn ngừa nhiều loại bệnh tật. Hậu quả là nhiều người dân địa phương đã buộc phải từ bỏ hay giảm bớt đáng kể việc sử dụng ớt trong bữa ăn. Nhưng chưa cần tính tới ớt đỏ, vấn đề dinh dưỡng thực phẩm tại Indonesia cũng đã trở nên rất đáng lo ngại, khi tất cả các loại thực phẩm đều tăng đột biến. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng chóng mặt, chính quyền Indonesia đã phải quyết định xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập lương thực nhằm hạ bớt cơn sốt giá trên thị trường.

Còn tại Bolivia, tình trạng thiếu hụt đường đã làm cho giá bán lẻ trên thị trường tăng tới 64%, khiến chính phủ phải áp dụng chính sách bán đường theo phiếu. Iraq từ lâu đã phải phân phối thực phẩm theo phiếu (khoảng 60% số dân phải áp dụng theo chế độ này), nhưng chính quyền cả tháng qua đã không đảm bảo đủ bột cho người dân, khiến họ phải mua ngoài thị trường tự do với giá cao. Tại Nga, các loại thực phẩm chủ yếu đều tăng từ 10-20%, khiến Tổng thống Medvedev phải triệu tập một cuộc họp đặc biệt của chính phủ nhằm ngăn chặn tình trạng "lạm phát lương thực".

Trước tình trạng trên, FAO đã phải công khai cảnh báo, giá lương thực trên thế giới đã đạt tới mốc cao nhất kể từ năm 1990, tức là từ khi được thống kê và tính toán theo phương pháp của LHQ. Như theo nhận định của người đứng đầu tổ chức này là Jacques Diouf, "tình hình giá lương thực tăng cao không chỉ đơn giản làm nảy sinh những nguy cơ về chính trị, mà trên thực tế đã dẫn tới một loạt các bất ổn tại nhiều nước trên thế giới".

Nhiều người vẫn còn nhớ, thế giới hồi những năm 2007-2008 cũng từng trải qua một cuộc khủng hoảng lương thực với giá cả tăng đột biến. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trên đã chấm dứt sau khi giá hạ xuống bởi một nguyên nhân gián tiếp là thị trường tài chính toàn cầu bị suy sụp. Nhưng theo Chris Delgado, chuyên gia về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB), tình hình của năm 2008 hoàn toàn khác so với hiện nay. "Khi đó chỉ có một vài loại ngũ cốc chính tăng giá, nguyên nhân chủ yếu là do các hợp đồng cung cấp thực phẩm trong tương lai là nạn nhân của trò đầu cơ tương tự như dầu mỏ - Delgado giải thích - Còn giờ đây, ngoài ngũ cốc ra thì bất cứ loại thực phẩm nào cũng tăng giá ghê gớm".

"Điều đáng chú ý hiện nay là, giá tăng cao đối với tất cả những loại thực phẩm không được buôn bán trên các thị trường giao dịch thực phẩm.  Điều này có nghĩa là nguyên nhân hoàn toàn không phải do những kẻ đầu cơ, mà là từ mối quan hệ thực tế giữa cung và cầu. Cuộc khủng hoảng sẽ không chấm dứt và giá cả sẽ còn tiếp tục tăng lên" - Nhận xét của Gerard Lionz, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Standard Chartered Bank.

Người dân phải mua đường theo phiếu tại Bolivia.

FAO và nhiều nhà phân tích đều có chung quan điểm cho rằng, chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay là các nước đang phát triển, hàng đầu trong số này là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil. Những quốc gia đông dân này đang có nhu cầu rất lớn ngày càng tăng về lương thực. Chuyên gia Gerard Lionz cho rằng, phải cần một thời gian từ hai đến ba năm nữa, sự gia tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp mới đuổi kịp đà tăng nhu cầu thực phẩm.

Điều ngược đời là ở chỗ, các nước đang phát triển dù bị cáo buộc là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, nhưng họ cũng chính là các quốc gia đầu tiên phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng. Tình trạng này lại tiếp tục thúc đẩy thêm sự gia tăng về nhu cầu lương thực trên toàn thế giới. Chính quyền Arập Xêút và Algeria trước tình hình này đã triển khai nhiều đơn đặt hàng lớn mua ngũ cốc để bổ sung cho các kho thực phẩm dự trữ quốc gia.

Hiện tại, thế giới đang có khoảng 900 triệu người sống trong tình cảnh thiếu đói, cần đến sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, quỹ từ thiện, chính phủ và cá nhân. Đi đầu trong cuộc chiến chống nạn đói trên thế giới là Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP - World Food Programme), chuyên giúp đỡ về lương thực cho các quốc gia là nạn nhân của xung đột vũ trang và thảm họa thiên nhiên.  Tổ chức này là nơi điều hành cung cấp tới 50% số lương thực cho các nạn nhân bị đói trên khắp thế giới. Chỉ riêng trong năm 2009, WFP đã hỗ trợ 4,6 triệu tấn lương thực các loại cho 102 triệu người từ 75 quốc gia

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.