Nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng năng lượng tại EU

Thứ Tư, 02/12/2009, 02:50
Cuộc họp thượng đỉnh Nga - châu Âu tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển, nước hiện giữ chức Chủ tịch Liên hiệp châu Âu (EU) diễn ra 2 ngày 18 và 19/11 vừa qua. Ngoài các vấn đề như thay đổi khí hậu, thương mại; vấn đề an ninh năng lượng chiếm phần lớn thời gian cuộc họp trong bối cảnh nhiều khả năng tái diễn cuộc khủng hoảng năng lượng giữa Nga và EU trong mùa đông này do việc tranh cãi về giá khí đốt cũng như chi phí trung chuyển dầu giữa Nga và Ukraine.

Một phần tư lượng khí đốt tiêu thụ trong EU đến từ Nga,  phần lớn là trung chuyển qua Ukraine. Trong khi đó, Nga và Ukraine vẫn còn bất đồng với nhau về vấn đề thanh toán khí đốt. Nga cho rằng mức giá mà Ukraine trả là quá thấp.

Vào tháng 1/2009, Moskva đã từng đóng van, tạm ngưng cung cấp khí đốt trong suốt hai tuần lễ cho khoảng hơn một chục nước châu Âu, cuộc khủng hoảng này gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt của người dân các nước EU. Nga vẫn muốn là EU trợ giúp tài chính nhiều hơn cho Ukraine để nước này thanh toán cho Moskva.

Trong lúc này, Nga đang đặt nhiều hy vọng vào dự án xây dựng đường ống dẫn dầu từ Nga sang EU không qua Ukraine. Dự án mang tên "Dòng chảy phương Bắc" sẽ từ Nga đi ngang qua biển Baltic tới EU. Gần đây, Bộ trưởng Môi trường Thụy Điển Andreas Carlgren cho biết chính phủ nước này đã thông qua quyết định cho phép lắp đặt đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án "Dòng chảy phương Bắc" tại đặc khu kinh tế của nước này trên biển Baltic.

Ông Carlgren nhấn mạnh: "Chính phủ Thụy Điển và các bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các tài liệu liên quan đến dự án này và không phát hiện thấy có điểm nào đi ngược lại luật pháp hiện hành của Thụy Điển cũng như luật pháp quốc tế”. Ông cho biết chủ đầu tư - Công ty Dòng chảy phương Bắc đã giải trình thỏa đáng mọi thắc mắc do các bộ, ngành Thụy Điển đưa ra.

Thụy Điển đã bật đèn xanh cho dự án đường ống dẫn khí đốt hợp tác giữa Nga và Đức cũng như trước đó, Đan Mạch và Phần Lan cũng đã đồng ý với dự án này. Một số nước nằm ven biển Baltic từng lo ngại dự án đường ống dẫn khí đốt chạy qua khu vực này sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Theo thiết kế, hệ thống đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc", với chiều dài 1.220 km, có tổng vốn đầu tư lên tới 12 tỉ USD và công suất 55 tỉ m3/năm, dẫn khí đốt từ Nga chạy qua đáy biển Baltic sang Đức. Dự kiến, nhánh đường ống dẫn đầu tiên thuộc hệ thống này sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2011 với công suất 27,5 tỉ m3/năm.

Song song với "Dòng chảy phương Bắc" là "Dòng chảy phương Nam" cũng do Nga hợp tác với Tập đoàn dầu khí ENI, Italia chạy dưới đáy Biển Đen của Nga đến Bulgaria dài 900km để trực tiếp cung cấp khí đốt cho châu Âu, nhằm giảm lượng khí phải quá cảnh Ukraine.

Đường ống này sẽ tham gia hệ thống vận chuyển khí đốt của Tập đoàn Dầu mỏ Nga Gazprom từ Tukmenistan, Kazakhstan đến châu Âu. Tukmenistan và Kazakhstan và Nga đã có thỏa thuận xây dựng đường ống vận chuyển khí đốt từ hai nước này thẳng tới Nga.

Tổng trị giá của dự án "Dòng chảy phương Nam" từ 19 đến 24 tỉ euro (dự án có chi phí cao nhất từ trước đến nay do Gazprom thực hiện). 4 tỉ euro chi cho xây dựng kéo dài đường ống chìm dưới nước, từ Nga đến Bulgaria sẽ được Gazprom xây dựng vào năm 2015. 15 đến 20 tỉ euro sẽ dùng cho xây dựng các ống dẫn dầu trên bộ xuất phát từ Bulgaria.

Cả hai "Dòng chảy phương Bắc" và "Dòng chảy phương Nam" do Nga xúc tiến đều "né" các nước láng giềng phía tây của Nga như Ukraine, Ba Lan, Litva, Latvia... vốn không thân thiện với Nga. Ngoài ra, hai hệ thống này cũng nhằm cạnh tranh với đường ống dẫn dầu Nabucco.

Nabucco là hệ thống đường ống dài 3.300 km nhằm đưa khí đốt từ Trung Đông và Trung Á tới châu Âu, chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, Đông Nam châu Âu, không qua lãnh thổ Nga. Tuyến ống này nối Erzurum của Thổ Nhĩ Kỳ với Baumharten của Áo, đi qua Bulgaria, RumaniaHungary.

Nếu hoàn thành vào năm 2011 như kế hoạch, Nabucco sẽ vận chuyển khí đốt từ nhiều nguồn cung (kể cả Iraq, Iran, Azerbaijan, Tukmenistan, Kazakhstan và có thể là cả Ai Cập), cho các khách hàng trên khắp châu Âu. Chi phí dự án khoảng 7,9 tỉ euro. Giai đoạn đầu thực hiện dự án từ 2010 đến 2012. Đến năm 2013 công suất của đường ống sẽ là 8 tỉ m³ khí và từ năm 2018 dự án này có thể cung cấp cho EU 31 tỉ m³ khí/năm.

Dự án cũng đang được đẩy nhanh. Các nhà lãnh đạo EU ủng hộ dự án Nabucco, tuy nhiên cũng thừa nhận sự cần thiết của các dự án được Nga ủng hộ là "Dòng chảy phương Bắc" và "Dòng chảy phương Nam". Bởi khó khăn chính của dự án Nabucco là thiếu nguồn khí cung ứng và thời gian thực hiện dự án quá dài.

Trong khi chờ đợi các đường ống dẫn dầu hoàn thành, Nga đã yêu cầu EU sớm thực hiện cam kết của khối này cho Ukraine vay 1 tỉ USD để thanh toán tiền nợ khí đốt của Nga nếu không muốn tái diễn cuộc khủng hoảng khí đốt như năm 2008. Trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua, Nga và EU cũng đã ký kết một nghị định thư cảnh báo sớm về khả năng xảy ra khủng hoảng khí đốt. Theo nghị định thư này, Nga và EU sẽ thông báo cho nhau bất kỳ khả năng gián đoạn nào trong việc cung cấp dầu, khí đốt hay điện và sẽ cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

Các nhà kinh tế cho rằng nghị định thư này chỉ là một giải pháp tình thế. Việc giải quyết lâu dài nguồn căn gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa có lối ra rõ ràng. Và từ đây đến khi 3 dự án dẫn dầu nói trên hoàn thành, không ai có thể đảm bảo rằng một cuộc khủng hoảng năng lượng tại EU sẽ không tái diễn

Trường Minh (tổng hợp)
.
.