Nguyễn Sơn Lâm: Chàng trai tật nguyền làm phóng viên thể thao

Thứ Hai, 12/11/2007, 11:30
Nguyễn Sơn Lâm là một trong những nạn nhân tiêu biểu đại diện cho những nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn được tham dự chương trình giao lưu truyền hình "Bài ca ân nghĩa" do Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/ điôxin Việt Nam, Trung tâm Giáo dục Truyền thống và Lịch sử - Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC phối hợp tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 6/8/2007.

Nguyễn Sơn Lâm đã làm nhiều người bất ngờ và vô cùng cảm phục khi cho biết anh đã tốt nghiệp 2 trường đại học, biết 3 ngoại ngữ, hiện đang làm phóng viên thể thao của Báo Vietnamnet.

Cuộc sống thách thức...

Sau 11 năm chiến đấu tại khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam, bố của Lâm (ông Nguyễn Văn Miền cư trú tại thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã bị mất 81% sức khỏe và bị nhiễm chất độc da cam. Do đó, 2 trong số 4 người con của ông bị di chứng bởi chất độc da cam. Hải bị viêm màng não, suy nhược thần kinh; còn Lâm bị loãng xương, nay liền mai gãy nên không thể đi được. Là thương binh, thường xuyên đau yếu lại nhìn thấy những đứa con của mình không bình thường, ông đâm ra đổi tính. Gánh nặng gia đình dồn cả vào đôi vai tần tảo của người vợ.

Đã có lúc cảm thấy cuộc đời thật u tối, bà Hiền đã bế Lâm định đi tự tử để giải thoát nhưng may mắn có người kịp thời ngăn cản. Chuyện đó Lâm vẫn nhớ như in mặc dù lúc ấy Lâm chỉ mới 3 tuổi. Và cũng đã có lần vì thấy mẹ khổ quá, Lâm cũng đã nghĩ quẩn.

Khi đã lớn và nhận thức được, nhớ lại ý nghĩ đó Lâm thấy mình thật dại dột bởi có rất nhiều điều cần phải làm, cần phải vượt qua vì mẹ và cũng vì chính cuộc sống của bản thân Lâm nữa. Hồi nhỏ, Lâm còn làm cho cả gia đình ngạc nhiên khi trả lời chính xác được phép toán khi chưa được đi học, và cũng chưa được ai dạy. Không chỉ cố gắng phấn đấu trong học tập với thành tích  nhiều năm liền đạt học sinh giỏi, Lâm còn rất đa tài: biết chơi đàn và thỉnh thoảng còn làm thơ.

Năm 1996, cha Lâm mất, lúc đó Nam (anh trai Lâm) 19 tuổi là sinh viên đại học; Hải 17 tuổi mà vẫn ngơ ngác như trẻ con; Lâm 14 tuổi  học lớp 9, hai chân bị teo nhỏ, mọi việc từ vệ sinh tắm rửa mẹ vẫn phải phục vụ, đi đâu cũng phải bế ẵm như trẻ con. Cuộc sống càng trở nên khó khăn khi thu nhập chính của gia đình chủ yếu từ tiền trông xe hàng tháng của mẹ. Lâm nghĩ chỉ có con đường học tập mới có thể thoát khỏi cảnh nhà tù túng và quẫn bách.

Nghị lực vượt lên số phận

Năm 2000, Lâm quyết định thi vào Khoa Luật thuộc Trường đại học Quốc gia Hà Nội nhưng kết quả không như mong đợi. Năm đó, Lâm trượt. Thua không nản, Lâm quyết tâm khăn gói lên Hà Nội để ôn thi. Lần đầu tiên sống xa nhà, xa mẹ biết bao nhiêu là bỡ ngỡ.

Mọi sinh hoạt ăn uống, tắm rửa, vệ sinh trước đây đều do mẹ làm giờ nhờ sự giúp đỡ của người bạn cùng quê. Những lúc không có bạn ở nhà, một mình Lâm tự xoay sở. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ mẹ chỉ muốn bỏ về nhưng ý chí quyết tâm của Lâm đã chiến thắng.

Kỳ thi đại học tiếp theo Lâm đỗ hai trường đại học: Khoa tiếng Anh Trường đại học Ngoại Ngữ và Khoa tiếng Nhật của Trường Đại học dân lập Phương Đông. Đó là sự trả công xứng đáng cho những nỗ lực của Lâm và Lâm đã quyết định theo học cả hai trường vì “bỏ trường nào cũng thấy tiếc”.

Sở dĩ Lâm quyết định thi và theo học ngoại ngữ bởi Lâm có khả năng học ngoại ngữ và theo như Lâm nói “biết thêm ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời”.

Một sinh viên lành lặn theo học một trường đã khó, hơn nữa hồi đó Lâm 19 tuổi mà chỉ cao chừng khoảng 80 cm, nặng hơn 20kg, di chuyển bằng nạng quyết tâm học hai trường lại càng khó khăn hơn. Học hai trường eo hẹp về thời gian, lại nhờ bạn chở đi nhiều lúc không kịp ăn để đi học, mặc dù vậy nhưng chưa bao giờ trong suy nghĩ của Lâm lại có ý định bỏ cuộc, chán nản mà luôn nghĩ mình phải phấn đấu và cố gắng hơn nữa để không phụ sự giúp đỡ của mọi người.

Tốt nghiệp 2 trường đại học, biết 3 ngoại ngữ là Anh, Pháp, Nhật, có nhiều công ty ngỏ ý muốn mời Lâm vào làm việc ở bộ phận kinh doanh. Niềm đam mê bóng đá của Lâm là do ảnh hưởng từ người cha. Lâm có thể say sưa nói chuyện về bóng đá, về Đội tuyển Manchester, rồi những chiếc cốc, chiếc áo, tranh ảnh trong phòng trọ đều xuất hiện biểu tượng câu lạc bộ mà Lâm yêu thích, và ít ai biết rằng thuở nhỏ Lâm đã từng tung hoành ngang dọc chơi bóng đá cùng bạn bè với sự giúp sức của đôi nạng gỗ. Do đó, Lâm đã từ chối những lời mời hấp dẫn từ phía những công ty kia để làm phóng viên thể thao của trang thông tin điện tử Báo Vietnamnet thông qua sự giới thiệu của một người bạn.

Công việc hàng ngày của Lâm là săn thông tin về thể thao quốc tế trên mạng để dịch và viết tin, bài lên báo. Do làm về mảng bóng đá quốc tế, thời gian chênh lệch với Việt Nam nên Lâm cũng thường xuyên phải thức khuya để cập nhật thông tin, viết bài cho kịp báo sáng hôm sau.

Thử việc hai tháng tại công ty, viết được khoảng 300 tin, bài, Lâm cảm thấy hài lòng và phù hợp với công việc tại nơi đây. Nhận được sự ưu ái và giúp đỡ của mọi người nhưng không vì thế mà Lâm cho phép mình ỷ lại. Anh tự nhủ lòng phải luôn nỗ lực phấn đấu để có thể trở thành một bình luận viên bóng đá.

Lâm tâm sự:  “Thần tượng của Lâm là phóng viên thể thao khuyết tật Nhật Bản Ototakê, mặc dù bị mất hai chân, hai tay nhưng vẫn dùng mỏm hai đầu cánh tay để gõ bàn phím và đã có nhiều bài báo xuất sắc về lĩnh vực thể thao”.

Trong buổi gặp chúng tôi, Lâm tỏ lo lắng vì em trai út Linh đang bị dịch tràn phổi. Còn bản thân Lâm thì đang cố gắng bằng nỗ lực của mình để trả ơn những người đã quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ Lâm đứng được trên đôi chân của chính mình

Bích Huệ
.
.