Nguyễn Thanh: Sợi mây già ẩn nơi góc vườn

Thứ Ba, 01/12/2015, 15:00
Nguyễn Thanh cao lênh khênh, tự nhận mình xấu trai với mái tóc xoăn, hàm răng “bất tuân hàng lối”. Dù là ở cương vị Giám đốc Sở hay vai trò nhà nghiên cứu, ông chọn cuộc sống thanh sạch, ít ồn ào. Suốt hàng chục năm nghiên cứu, Nguyễn Thanh vẫn giữ phong thái của một “thư sinh” chính hiệu. Một đời làm văn hóa, ông để lại hàng trăm công trình nghiên cứu rất có giá trị, là thành quả của một kiến văn uyên thâm và sự lao động hết sức nghiêm túc.

Làm sống lại văn hóa dân gian Thái Bình

Nhấp ngụm trà đưa giọng, ông Nguyễn Thanh nửa đùa nửa thật: "Tôi về tỉnh làm văn hóa chỉ vì …đói quá. Lúc làm trưởng bộ môn Hán - Nôm của Trường đại học Tổng hợp, lương thấp, xa vợ con, không giúp nhà được gì". Nhưng chắc chắn rằng, nếu chỉ vì mưu sinh, nhà nghiên cứu yếu gầy còm cõi, nhiều bệnh tật này không thể nào đạp xe hàng nghìn cây số điền dã, cho ra đời hàng trăm công trình nghiên cứu về văn hóa Thái Bình như thế?

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh cùng thầy - giáo sư Trần Quốc Vượng.

Đất Thái Bình là một trong những trung tâm của văn hóa châu thổ Bắc Bộ. Tuy nhiên, theo biến thiên thời gian và nhận thức sai về tín ngưỡng, văn hóa tâm linh suốt một thời kỳ dài, những nét văn hóa dân gian này có nguy cơ biến mất. Văn hóa Thái Bình vì thế chưa được khai phá nhiều, vẫn bí ẩn như "khu rừng nguyên sinh". Ông Nguyễn Thanh về đây, nhiều lễ, hội độc đáo và các di tích văn hóa, di sản đã được hồi sinh qua sự nhiệt tình của ông với ngành văn hóa.

Trong số đó, công lao với ca trù của Nguyễn Thanh được biết đến nhiều hơn cả. Năm 2004, Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức hội thảo về ca trù để lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ca trù Việt Nam là di sản văn hóa thế giới. Ông Nguyễn Thanh lúc đó là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, đóng góp cho hội thảo một tham luận dài 4 trang với nhiều ý kiến sâu sắc về ca trù. Buổi hội thảo kết thúc, nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê đẩy xe lăn lại gần Nguyễn Thanh khen ngợi. Giáo sư (GS) Trần Văn Khê nói thêm, ở đền Đồng Xâm, Thái Bình có tục chầu cử, tức là mời các đào nương giỏi nhất về hát chầu Thánh những ngày lễ hội nhưng tham luận chưa có. GS Trần Văn Khê muốn Nguyễn Thanh nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Lúc đó, ông Nguyễn Thanh chưa biết quê hương mình có tục này? Ông bắt đầu lặn lội tra cứu, điền dã, gặp gỡ nhiều người để tìm manh mối và biết ở đền Đồng Xâm (Kiến Xương) có tục chầu cử đã thất truyền từ năm 1945. Không nản chí, ông hỏi vị thủ từ cao niên ở đền và được cung cấp một cuốn sách cổ ghi chép các bài văn tế, thần tích, văn khấn của làng. Sách được viết bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, có niên đại vào cuối triều Nguyễn, dày 140 trang, khổ 28x15cm, mỗi trang 8 dòng. Trong cuốn sách đó, ông tìm thấy 8 bài ca trù tế Thánh, 1 bài ca trù tế tổ nghề ca công và bài ca trù Tam nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê. 8 bài ca trù đều có 16 câu, lời hát khác nhau nhưng nhịp điệu, quy cách giống nhau. Riêng bài tế tổ nghề ca công có 20 câu.

Với phát hiện này, bài tế tổ nghề ca công cùng 8 bài ca trù tế Thánh đã góp phần quan trọng trong hồ sơ Quốc gia trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Bên cạnh đó, để hồi sinh không gian ca trù tại địa phương, Nguyễn Thanh vận động người dân tìm hiểu ca trù, đưa những nghệ nhân ca trù nổi tiếng ở các địa phương đến để dạy, để hát ca trù cho người dân. Vì thế, ca trù Thái Bình dần dần được lưu giữ lại và hiện nay có một số người trẻ vẫn thường xuyên hát thể loại âm nhạc rất khó này.

Ngoài ca trù, ông Nguyễn Thanh còn có công lớn trong việc xây dựng phong trào "Làng văn hóa". Trong 2 năm 1998-2000, ông xuất bản các công trình "Nhận diện văn hóa làng", "Hương ước Thái Bình" và "Lễ hội Thái Bình" gây bất ngờ lớn trong giới nghiên cứu và được đánh giá là những công trình hết sức công phu và có giá trị cực lớn. Nguyễn Thanh đi đến nhiều làng để vận động làm hương ước, giúp họ đặt ra một bộ quy chuẩn điều chỉnh hành vi đạo đức của người trong làng. Ngoài ra, trong kho tàng nghiên cứu của mình, Nguyễn Thanh còn có "Kể chuyện Lê Quý Đôn", "Giai thoại văn chương Thái Bình", "Tục thờ Tổ nghề Thái Bình"… và hàng chục công trình chuyên sâu khác.

Bên cạnh đó, ông còn tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều cuộc hội thảo với các nhà sử học đầu ngành. Ông  nghiên cứu, xuất bản nhiều công trình về lịch sử, văn hóa truyền thống, trong đó có những công trình phục vụ xác định Thái Bình là đất phát nghiệp đế vương của nhà Trần. Ông cũng là người thúc đẩy dự án xây dựng và mở rộng Khu lăng mộ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà, tôn tạo lăng mộ Thái sư Trần Thủ Ðộ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung; tôn tạo 3 ngôi mộ được xác định là mộ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông ở Thái Ðường - Tiến Ðức - Hưng Hà…

Bất ngờ hơn nữa, Nguyễn Thanh viết những công trình này với một thể trạng không lấy gì khỏe mạnh. Lúc đó, ông đã bị cắt đi 2/3 dạ dày, bị dính ruột, người chỉ nặng 36 kg nhưng vẫn cần mẫn lao động, thường xuyên bánh mì, nước suối vì… nghèo. Ngoài ra, để đỡ dần cuộc sống cho vợ con, ông viết cho nhiều tờ báo như một thói quen từ quân ngũ. Một giám đốc Sở chịu sống trong cảnh nghèo nàn, bệnh tật để giữ sự liêm khiết và đam mê nghiên cứu xem ra cũng là điều hiếm thấy trong xã hội bây giờ? Người đời trêu ông là cả đời chỉ biết chiến đấu với bệnh tật và đói nghèo, còn ông lại tếu táo rằng, đời mình chỉ nuôi vợ mình và vợ 3 "thằng khác", ám chỉ 3 cô con gái của ông.

Ông giám đốc sở "từ trên trời rơi xuống"

Tuổi Mậu Tý (1948), sinh tại Vũ Quý, Kiến Xương, Thái Bình, ông Nguyễn Thanh là người nhập ngũ hai lần trong thời học phổ thông và cũng là người thuộc nhóm rất ít được kết nạp Đảng ở tuổi này. Năm 1967, lúc đó mới học lớp 9, Nguyễn Thanh xin nhập ngũ nhưng huấn luyện được 3 tháng thì đơn vị trả ông về vì sức khỏe quá yếu. Về quê tiếp tục học hết phổ thông, ông lại nhập ngũ và được tuyển chọn làm lính lái xe vận chuyển vào tuyến lửa. Lúc đó, ông đã bắt đầu viết mô tả về cuộc sống và chiến đấu của những người lính nơi chiến trường để gửi về cộng tác cho báo Quân đội nhân dân.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh trong không gian sách của mình.

Từ hồi ấy ông đã có nhiều bài gây xúc động sâu sắc. Ông viết báo, ghi địa chỉ quê nhà để báo chuyển nhuận bút về cho bố. Ông nhắn rằng, khi nào không thấy nhuận bút có nghĩa là con đã hy sinh. Năm 1972, ông phải mổ ruột thừa, sau đó bị dính ruột và hoại tử, cận kề cái chết. May mắn được cứu chữa, ông bị xuất ngũ vì sức khỏe yếu. Ra quân, ông học đại học và được giữ lại làm giảng viên, rồi được cử đi dạy tiếng Việt cho cán bộ cấp cao của Campuchia vào năm 1984. Khi về tỉnh Thái Bình, ông làm Trưởng phòng nghiệp vụ, sau đó đột ngột làm Giám đốc Sở một cách "vô tiền khoáng hậu".

Năm 2000, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Nguyễn Thanh được bầu vào Tỉnh ủy dù ông không phải là đại biểu dự Đại hội. Nguyên do là theo cơ cấu nhân sự của Ban chấp hành Tỉnh ủy khóa XVI của tỉnh Thái Bình, có thành phần của ngành văn hóa. Tuy nhiên, Giám đốc Sở đương nhiệm đã đến tuổi hưu, 3 phó giám đốc Sở, một số cán bộ ngoài ngành chưa nhận được sự đồng thuận. Bí thư Tỉnh ủy, lúc đó là đồng chí Bùi Sỹ Tiếu, muốn một nhà quản lý văn hóa phải giỏi chuyên môn nên chú ý đến Nguyễn Thanh.

Do đó, ông Thanh được lựa chọn vào danh sách đề cử và được bổ nhiệm ngay chức Phó giám đốc Sở để có chức danh ghi trong danh sách trích ngang. Lúc đó, có nhiều ý kiến phàn nàn việc này vì ông Thanh sức khỏe rất yếu. Bí thư Tỉnh ủy bèn nói luôn rằng, yếu thì làm sao mà viết được nhiều sách, nghiên cứu nhiều như vậy? Lao động nghiên cứu rất mệt chứ đâu có chơi? Vậy là không ai ý kiến gì nữa.

Đinh ninh mình "chẳng liên quan gì", hôm bầu Ban chấp hành ông Thanh cứ thế đi Hưng Hà làm việc, không hề biết mình được bầu làm Tỉnh ủy viên. Đến khi có người ở Văn phòng Tỉnh ủy đưa tài liệu và mời đến bầu Ban Thường vụ, được bạn bè chúc mừng ông mới ngớ người ra? Vài hôm sau, sang trụ sở Tỉnh ủy họp, rất đông người nhìn ông bất ngờ… Nhiều người bầu cho ông vì nghe danh nghe tiếng ông hết lòng vì công việc, sống đức độ nghiêm túc chứ còn chưa biết mặt ông.

Trước đó ông làm chuyên viên, chỉ mải miết làm chuyên môn, xuống cơ sở suốt, ai quan tâm thì biết ông, chứ ông nào có quan hệ với ai? Có người còn bắt tay nói đùa rằng, may mà ông không đi họp, chứ nếu biết ông xấu trai thế này chắc… không bầu cho ông? Khi sang Tỉnh ủy nộp bản bổ sung lý lịch, ông còn không biết Ban tổ chức làm việc ở đâu? Ông đi hỏi thăm khiến mọi người cười rũ rượi, trêu ông là "thầy đồ", Tỉnh ủy viên mà còn không biết Ban tổ chức nằm ở đâu? Khi họ chỉ sang khu nhà bên cạnh, ông tưởng họ đùa nên còn không sang, cứ lần lượt đi tìm hết 4 tầng nhà đang đứng, không thấy, mới hay họ nói thật …

Vài ngày sau, ông Thanh được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở, nắm trong tay trọng trách quản lý ngành văn hóa của cả tỉnh. Trước nay, ông luôn làm theo chỉ đạo của 3 phó giám đốc, nay lại chỉ đạo họ nên hết sức khó khăn để làm quen với công tác quản lý. Tuy nhiên, chú tâm nhiều vào chuyên môn, hòa đồng, chân tình với mọi người nên ông Thanh nhận được sự yêu mến của các cán bộ cũng như đông đảo nhân dân. Nơi nào có ông đến nói chuyện, người dân đều hết sức hưởng ứng.

Có lần, ông Thanh về nói chuyện văn hóa ở một huyện, người cán bộ đứng lên giới thiệu rằng: "Sau đây, Giám đốc Sở Nguyễn Thanh sẽ chia sẻ với hội nghị một số ý kiến quý báu…". Khi bắt đầu nói chuyện, ông Thanh bèn đùa rằng: "Cán bộ đi đâu cũng chia sẻ ý kiến "quý báu" thì hết mất cái quý báu để về dạy con, nhỡ con cái ở nhà… "mất dạy" thì sao?" Tính ông hài hước vậy, cũng là một cách để tỏ ý không muốn giới thiệu quá trịnh trọng, ông không quen.

Ông Bùi Sỹ Tiếu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình mỗi khi nhắc đến nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh đều cho rằng đây là một người có tài, có tâm huyết. Theo ông Bùi Sỹ Tiếu, Nguyễn Thanh là một người hiểu rất sâu về văn hóa, lịch sử của dân tộc cũng như của Thái Bình. Nguyễn Thanh có đóng góp rất nhiều đối với việc khơi lại những giá trị văn hóa, lịch sử của Thái Bình. Nguyễn Thanh cũng là một trong những người có đóng góp lớn đối với việc đặt tên đường ở Thái Bình bởi ông có sự hiểu biết sâu về các danh nhân văn hóa không chỉ của địa phương mà của cả vùng.

Nói về câu chuyện bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh làm Giám đốc Sở khi đang là Trưởng phòng, trên còn 3 phó giám đốc, ông Bùi Sỹ Tiếu nhớ lại rằng khi ấy, Nguyễn Thanh có trình độ, tâm huyết, thẳng thắn, nói được làm được. Ngành văn hóa Thái Bình lúc đó đang cần người đứng đầu là người phải vững chuyên môn, am hiểu sâu về văn hóa. Khi được bầu là Tỉnh ủy viên, Nguyễn Thanh không được biết vì anh ấy bận đi công tác, điện thoại di động lại không có để liên lạc. Sau đó, Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định cử anh Thanh làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin. Trong những năm làm Giám đốc Sở, Nguyễn Thanh có rất nhiều đóng góp cho văn hóa của Thái Bình, không ai có thể phủ nhận.

"Hết quan, hoàn dân", ông Nguyễn Thanh về vui thú điền viên hết sức nhẹ nhàng. Ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, viết báo như thường dù sức khỏe xuống nhiều. Là người am hiểu Hán - Nôm, thư pháp nhưng trong nhà ông không treo câu đối, hoành phi, ông cũng ít cho chữ như nhiều người khác. Ông chỉ giữ một kho sách cổ, một tấm hoành phi "Quân tử cư chi" (Người quân tử ở đây) trong gác sách nhỏ, bởi đây là món đồ cổ, có lạc khoản của ngài Nguyễn Quý Đức thời Lê. Ông khiêm nhường, uyên bác, giản dị, thầm lặng nên nhiều bạn bè ví von ông như sợi mây già ẩn nơi góc vườn, phải nhìn kỹ mới thấy giá trị.

Bùi Trí Lâm
.
.