Nhà đấu giá kiếm bộn tiền từ hiện vật thời Quốc xã

Thứ Hai, 07/10/2013, 17:10

Chiếc nhẫn to tướng với hình chữ thập ngoặc đính 16 viên hồng ngọc (ruby) được một người vô danh mua với giá 55.000 USD vào ngày 10/9 vừa qua tại nhà đấu giá Alexander Historical Auctions ở thành phố Chesapeake, bang Maryland (Mỹ). Món trang sức này được cho là của Adolf Hitler mặc dù không có bằng chứng cho thấy trùm phát xít Đức từng đeo chiếc nhẫn - tác phẩm của thợ kim hoàn Quốc xã Karl Berthold và nó được đưa ra khỏi nước Đức vào năm 1945.

Cùng với chiếc nhẫn là hơn 600 món đồ khác - trong đó tuyệt đại đa số  đều có liên quan đến Thế chiến II - có giá vài trăm ngàn USD được bán ra trong ngày đầu tiên của phiên đấu giá kéo dài 2 ngày. Trong số đó phải kể đến một bức thư của trùm SS Heinrich Himmler gửi cho nhân tình năm 1942, tấm bản đồ trại tập trung Sachsenhausen, những cuốn sách thiếu nhi bài Do Thái của Julius Stricher, tài liệu về sự trục xuất người Do Thái năm 1943, bộ sưu tập 41 bức ảnh chụp những xác được khai quật và hài cốt của người dân Nga bị lính Đức giết chết.

Bộ hồ sơ cá nhân của Rudolf Hess.

Hiện vật thời Đức Quốc xã chiếm từ 35 đến 40% trong bộ sưu tập bán đấu giá của Alexander Historical Auctions thuộc sở hữu của Bill Panagopulos, 55 tuổi. Tuy nhiên, việc làm giàu từ hiện vật thời Đức Quốc xã không được lòng nhiều người và còn bị chỉ trích dữ dội, ví dụ như Tổ chức những người Do Thái sống sót và hậu duệ của Mỹ (AGJHS).

Nhưng, Panagopulos lập luận rằng "mọi người có quyền mua hay bán những gì mình muốn" đồng thời nói thêm rằng đấu giá công khai như thế cho các tổ chức nghiên cứu vẫn còn tốt hơn là bán những món đồ trong lén lút. Nhưng, với giá cao ngất ngưỡng như thế thì các tổ chức khó có khả năng tài chính mua được. Do đó, các nhà sử học có lẽ không bao giờ có cơ hội để nghiên cứu nếu như phần lớn các tài liệu như thế thuộc về các bộ sưu tập tư nhân.

Panagopulos, người kinh doanh hơn 25 năm và ước tính ông đã bán được 45.000 món đồ, nói vui rằng: "Tôi sẽ bán cả chòm râu của Hitler". Panagopulos cho biết ông kiếm được bộn tiền từ việc bán đấu giá hiện vật thời Đức Quốc xã trong vài năm qua nhờ Thế chiến II được nhắc đến trong các chương trình truyền hình cũng như sách báo và phim ảnh trong thời gian dài.

Mặc dù những món đồ dính líu đến chiến tranh mang về cho Panagopulos nhiều tiền nhưng ông thật ra cũng không thích thú gì với chúng: "Chúng có số phận tồi tệ. Nhiều người cảm thấy những món đồ này gây khó chịu, song tôi coi chúng cũng như bất cứ giai đoạn nào của lịch sử. Bởi vì lịch sử không phải bao giờ cũng đẹp đẽ. Phần lớn lịch sử là sự tàn bạo".

Bức thư tình của Bộ trưởng Tuyên truyền Quốc xã Joseph Goebbels gửi đến mối tình đầu Anka Stalherm.

Hiện vật thời Đức Quốc xã, trong giai đoạn từ năm 1933 đến 1945, được tập hợp ở tầng 2 tòa nhà gạch đỏ của Alexander Historical Auctions. Các món đồ đến từ nhiều nguồn khác nhau - từ những người phục vụ trong quân đội thời Thế chiến II mang chiến lợi phẩm về nhà hay từ những người châu Âu muốn bán chúng với giá cao ở Mỹ. Trước đây, nhà đấu giá Alexander Historical Auctions nằm ở Stanford, bang Connecticut, nhưng về sau Panagopulos dời trụ sở về thành phố Chesapeake, địa phương nằm lưng chừng giữa Baltimore và Philadelphia.

Trong phiên đấu giá ngày 10/9, có 8 người tham gia qua điện thoại và các trang web đấu giá trên Internet. Những người tham gia đấu giá thông qua Internet sẽ phải trả thêm 3% tiền hoa hồng cho trang web đấu giá cộng thêm 19,5% cho nhà đấu giá. Những người sưu tập các món đồ liên quan đến Đức Quốc xã thường muốn giấu tên.

Thật ra, hiện nay việc kinh doanh hiện vật thời  Đức Quốc xã đang diễn ra trên toàn cầu với những người mua và bán ở Mỹ, Nga, châu Âu và các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hàng ngàn món đồ của Đức Quốc xã được chào mời mỗi năm tại các nhà đấu giá hay hội chợ quân sự ở khắp nơi. Nhiều người mua cho rằng họ đầu tư tiền bạc để sở hữu hiện vật thời Đức Quốc xã bởi vì nó có giá trị vượt thời gian cho dù có kinh khủng.

Panagopulos cho biết: "Các khách hàng của tôi không phải là thành viên Tân Quốc xã bởi vì thành phần này không có khả năng hiểu biết cũng không có tiền để mua loại hàng hóa như thế". Mà thật ra, phần đông những người mua hiện vật thời Đức Quốc xã là người Do Thái, như là nhà sưu tập mua nhật ký của "Bác sĩ Tử thần" Quốc xã Josef Mengele với giá 300.000 USD năm 2011.

Hộp đựng xì gà của Hermann Goering, nhân vật số 2 của Đức Quốc xã.

Theo Panagopulos, ngày thứ hai của phiên đấu giá tại Alexander Historical Auctions đã bán được một bức thư của John Hancock năm 1776 cho phép một đại tá hải quân tấn công tàu chiến của kẻ thù, nhưng đa phần người tham gia đấu giá lựa chọn di sản liên quan đến Thế chiến II. Vào mỗi cuộc đấu giá, Panagopulos và nhân viên của ông đều cung cấp catalogue đầy đủ trên Internet mô tả chi tiết từng món đồ cũng như sự liên quan của nó đến một nhân vật Quốc xã nổi tiếng.

Trong phiên đấu giá ngày 10/9 của Alexander Historical Auctions, bộ hồ sơ cá nhân của Rudolf Hess - "phó tướng" của Adolf Hitler - ghi chép về những cuộc đàm phán hòa bình giữa ông với người Anh bán được 130.000 USD, thấp hơn mức giá do người sở hữu ở châu Âu đề ra

Duy Ân (tổng hợp)
.
.