Nhà thơ Ngô Văn Phú: “Ở một mình cho thấu nỗi cô đơn”...

Thứ Sáu, 15/04/2016, 22:25
Cánh cửa sắt đã hoen rỉ cùng tháng năm, chiếc xe đạp cũ kỹ, cọc cạch nằm yên trong hành lang cọc cạch vì đã lâu không được sử dụng. Nhà thơ Ngô Văn Phú đã bước sang tuổi 81, giờ chỉ đi bộ ra đường vào buổi sáng đến hiệu phở quen thuộc, ăn một bát phở rồi về nhà miệt mài bên bàn làm việc; trưa ăn quà vặt cho qua bữa, tối tự cắm một nồi cơm với chút lạc rang, chút thịt, chút rau.

Ông ở một mình trên căn gác nhỏ tầng 5 trong khu  tập thể cũ trên đường Kim Mã, bóng tối bủa vây căn nhà trong chiều muộn vì những cuốn sách cũ che hết cả bóng đèn tuýp. Ngôi nhà đôi khi lặng thinh vì chỉ có tiếng nói từ chiếc ti vi đời cũ. Ngồi với ông, nhấp ngụm trà nhạt đã nguội, chỉ những câu chuyện đầy thú vị về một thời văn chương sôi động trong trí nhớ nguyên vẹn của nhà thơ già, là ấm nóng cả một trời ký ức.

Nhà thơ Ngô Văn Phú.

Lần trước đến nhà ông cách đây chừng một năm, tôi vẫn thấy hai chiếc ghế so-fa đơn và một chiếc dài đủ chỗ để ngồi, lần này đến hai chiếc ghế đơn cũng đã là chỗ của... rất nhiều sách báo.

Ông bảo, đó là các ấn phẩm báo Tết từ những năm xa xưa, ông vừa lấy ra từ đống báo cũ mà ông cất giữ rất cẩn thận vì nó có nhiều tư liệu qúy cho công việc tra cứu, viết lách. Không chỉ báo, mà sách của ông suốt cả một đời đều được lưu giữ lại không bỏ đi cuốn nào, những cuốn sách được bạn bè tặng, những cuốn sách mua được suốt từ thời ông mới bắt đầu sự nghiệp văn thơ... Tất cả đã úa màu thời gian, có nhiều cuốn đã phủ lên một lớp bụi dày vì nằm yên trên giá sách đã mấy chục năm có lẻ.

Đặc biệt, ông lưu giữ cẩn thận những cuốn sách chữ Hán, nó dường như là báu vật để ông làm công cụ dịch thuật. Rất nhiều cuốn sách dịch của ông đã xuất bản. Mới đây nhất là cuốn tiểu thuyết “Bởi vì...” của tác giả Trì Lợi (NXB Công an nhân dân, 2015). Cuốn tự truyện của một nhà văn Trung Quốc dày hơn 300 trang đã tiêu tốn của ông hơn 1 năm trời dịch thuật hiệu đính và in ấn, nhưng ông tâm đắc lắm.  Đối với ông, cả một cuộc đời cần mẫn theo đuổi nghiệp văn chương, năng lực viết hình như chưa bao giờ vơi cạn.

Trên bàn làm việc của ông, lúc nào cũng có kính lúp và đầy các loại sách  sách chữ Hán, chữ Nho, từ điển Tiếng Việt, giấy bút sẵn cả. Ai đó thường nói rằng, viết văn cần phải có cảm hứng, thì ông cho rằng, văn chương, một khi đã đầy ắp trong trái tim thì chỉ cần sự mẫn cán và năng lực viết để tạo nên tác phẩm.

Có lẽ bởi quan niện như thế, nên trong thời gian làm Giám đốc NXB kiêm Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn, dù bận rộn nhưng cũng chính là thời điểm ông viết và in nhiều nhất. Ông cho rằng, đó là thời kỳ người ta trân quý văn chương, một tác phẩm viết ra được sẻ chia và bình luận nhiều lắm.

Rồi ông lật giở từng tấm hình đen trắng cũ, có những người bạn lớn như Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên, Xuân Quỳnh, Trinh Đường, Ma Văn Kháng… Ông nâng niu như thể đó là những kỷ vật làm nên dấu ấn một thời của ông và những người bạn văn mà lịch sử văn học không thể nào phủ nhận được.

Ông chia sẻ: “Cuộc đời làm thơ của tôi có rất nhiều kỷ niệm khó quên với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Năm 1962, trong cuộc thi ca dao, tôi đoạt giải Nhì, không có giải Nhất, người chấm giải là các nhà thơ Tú Mỡ, Chế Lan Viên...

Khi trao giải ở khách sạn Mỹ Kinh phố Hàng Buồm, Hà Nội, tôi được ăn tiệc tối với nhà văn Đặng Thai Mai, cũng là thầy học của tôi ở trường Đại học Tổng hợp. Năm 1973, cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ, tôi đoạt giải Ba với tác phẩm "Người chăn vịt", người chấm lúc đó là các nhà thơ Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Chế Lan Viên... Cùng với các nhà thơ được giải thưởng có nhà thơ Nguyễn Bính với tác phẩm "Xây nhà máy", nhà thơ Ngô Quân Miện với "Qua cầu sông Đuống". Dự tiệc chiêu đãi còn có nhà thơ Xuân Diệu. Năm đó tôi ngồi gần anh, anh nhìn tôi bảo: "Này cậu Phú, mình cũng họ Ngô đấy nhé". Được anh nhận là người cùng họ, tôi sung sướng lắm.

Còn anh Nguyễn Bính, lúc tôi nói: Thuở học trò, tôi rất thích thơ anh, bởi vì anh làm thơ về nông thôn rất hay, đến tận bây giờ tôi còn nhớ. Chị gái tôi thì đọc “Lỡ bước sang ngang” như kinh nhật tụng. Anh bảo: Nhiều người nói như Phú, chỉ mong sau này, Phú vượt hẳn cánh tiền chiến chúng mình.Tôi biết chỉ là những lời động viên, tuy nhiên tôi cũng hết sức cố gắng. Sau này tôi cùng các bạn Võ Văn Trực, Nguyễn Gia Nùng làm ca dao in ở Nhà xuất bản Phổ thông, tôi gặp nhà thơ Đoàn Văn Cừ và cũng thuộc những vần thơ Tết của ông...”.

Suốt một đời làm nghề, nhà thơ Ngô Văn Phú đầy ắp những kỷ niệm với các nhà thơ lớn nhiều thế hệ. Ông đang viết cuốn hồi ký dày 3 tập “Đời người thoáng chốc”; trong đó kể những chuyện văn chương, cuộc đời. Ông cho rằng, mình ảnh hưởng nhiều từ thơ ca của những nhà thơ trong phong trào Thơ mới.

Ông kể: Hồi ở thị xã Phúc Yên, tôi được học nhà thơ Bàng Bá Lân. Thầy Lân mở hiệu ảnh, nhưng cũng được mời dạy cấp 2 ở đó.

Trong giờ giảng văn, thầy thường đọc xen những bài thơ của thầy cho chúng tôi nghe như bài “Cổng làng”: “Chiều hôm đón mát cổng làng/ Gió hiu hiu thổi mây vàng êm trôi/ Đồng quê vờn vợn chân trời/ Đường quê quanh quất bao người về thôn/ Sáng hồng lơ lửng mây son/ Mặt trời thức giấc véo von chim chào/ Cổng làng rộng mở? Ồn ào/ Nông phu lững thững đi vào nắng mai...”. Sự ảnh hưởng ấy đã là cảm hứng để tôi làm nên bài thơ “Mây và Bông” tựa ca dao: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng”.

Sau này, song song với việc làm thơ, người ta nhớ đến ông với tư cách là một nhà văn viết tiểu thuyết và truyện ngắn lịch sử. Hiện nay trong gia tài của ông có hơn 200 tác phẩm đủ các thể loại văn thơ, dịch thuật, nghiên cứu phê bình, truyện lịch sử, tuyển chọn, giới thiệu. Ông cho rằng cái khó của việc viết truyện lịch sử là việc tìm tài liệu, bởi không phải một nhân vật nào cũng có thông tin đầy đủ, sau đó là cách thể hiện trong tác phẩm, có hư cấu nhưng phải khéo léo, bởi người đọc tinh lắm, viết không cẩn thận sẽ bị đánh giá "huyên thuyên".

Từ trái qua phải: Các nhà thơ Phạm Tiến Duật, Ngô Văn Phú, Bảo Ninh và Hữu Thỉnh.

Ông cũng tâm huyết một điều, ông viết hơn 150 truyện ngắn lịch sử và nhiều tiểu thuyết về những nhân vật mình yêu thích, họ nổi tiếng và tiêu biểu của từng thời, về nhân cách, về học vấn, về sự xả thân vì dân vì nước là để cho đời sau hiểu thêm về họ. Lịch sử thì cứ viết đi viết lại nhưng mỗi thời phải viết lại theo nhãn quan của thời mình, ông nghĩ đó là một việc làm bổ ích. Và thực tế, đối với ông thì làm thơ hay viết truyện đều phải biết nhập hồn vào thể loại mà mình đã lựa chọn.

Hỏi ông về cuộc sống riêng, nhà thơ Ngô Văn Phú chia sẻ, ông có vợ là một người làng được cha mẹ định sẵn, ông lấy vợ và có 5 người con. Không ai trong số các con theo nghiệp bố, họ có tình cảm gắn kết thiêng liêng với bậc sinh thành, song trong đời sống riêng, họ tôn trọng tuyệt đối tự do sáng tạo của bố. Ông quyết định sống ở Hà Nội một mình, trong khi vợ và hầu hết các con vẫn sống ở quê. Sống một mình ông có trọn vẹn thời gian cho sáng tác.

Nhà thơ Ngô Văn Phú cho biết, sắp tới, vì tuổi đã cao nên ông sẽ trở về quê sống trong ngôi nhà thơ ấu cùng gia đình người con trai của ông. Hà Nội tấp nập, ồn ã chỉ để làm cho ông dịu lòng trong nỗi cô đơn cuộc sống, quê hương mới là nơi ông hướng về trong tâm thức và là nơi khởi nguồn những sáng tạo nghệ thuật của thơ ca. Với ông, tình yêu văn chương muôn đời vẫn không đổi thay.

Cũng như bản tính ông, là một con người ngại thay đổi mọi thứ. Ông chấp nhận một cuộc sống như sự sắp đặt của tạo hoá, không có những bước “đột phá”, không có những cuộc “nổi loạn” dù trong tâm hồn và thơ ca của ông đầy những trăn trở, đầy nỗi buồn và đầy những giằng xé nội tâm khi ông viết về tình yêu, thế sự. Điều đó lý giải vì sao ông vẫn để căn nhà của mình nguyên trạng như từ khi mới nhận (năm 1987) dù bây giờ, Hà Nội đã hiện đại và tân tiến.

 Tôi luôn thương căn bếp nhỏ xíu, nơi hàng ngày ông vẫn lặng lẽ đun nấu những món ăn đạm bạc cho riêng mình. Cái bếp ga cũ kỹ, hoen rỉ, cái chạn bát đầy muội đen bám quanh những chiếc bát cổ đã có nhiều vết rạn, những đôi đũa lệch, những chiếc thìa cũ lâu không có người dùng đã bắt đầu chuyển màu trong ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn điện nhỏ ở góc nhà. Ở phía bên trong, ông vẫn dự trữ nước trong những bồn bê tông không nắp đậy để sẵn trong nhà. Mùi nước, mùi của tường vôi đã lâu không sơn quét bị bong tróc…

Và, tôi sợ bóng tối trong góc căn phòng vệ sinh của ông, nơi có một ngọn đèn leo lét trong không gian tường vôi cũ có nhiều gián. Tôi đã hỏi ông và cố lý giải lý lẽ giản đơn của nhà thơ: “Kệ thôi, sống thế thì đã sao, thời gian để làm việc khác”.

Trong khi nhà nhà đều lên đời, người người đều cố cơi nới, cố làm cho căn nhà của mình hiện đại lên, sáng sủa lên thì nhà thơ Ngô Văn Phú tự cho phép mình giữ lại một căn nhà với nguyên trạng như mấy chục năm trước, thời ông mới bước về đây, để lấy cảm hứng viết văn, cảm hứng sống. Những chiếc bàn cũ kỹ, những vật dụng đã phủ bụi thời gian, những chiếc bút đã bắt đầu nhòe nét mực trên tờ giấy A4 úa vàng đã là nơi làm nên hàng trăm tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà thơ Ngô Văn Phú.

Và đối với ông, đây là thế giới sống đầy viên mãn và đủ đầy. Thế giới để cho trí tưởng tượng và tâm hồn và những áng văn thơ của ông bay bổng, dù những phút giây một mình lủi thủi trong căn nhà đầy sách, ông cũng có những nỗi buồn đọng trên trang viết: “Ở một mình cho thấu nỗi cô đơn/ Ngày tháng dài ngoằng/ Bữa ăn chuệch choạc/ Chén rượu suông nhấc lên đặt xuống/ Nghĩ mông lung/ Toàn chuyện mơ màng/ Thiếu một thứ gì đó không bù đắp nổi/ Và ngại ngần khi có lại dư thừa/ Thèm một tiếng gõ cửa/ Một hơi ấm đàn bà/ Gian phòng nhỏ/ Mênh mông hơn vũ trụ/ Thơ viết thì ngại dở/ Phong xanh khói thuốc/ Xác và hình như một gốc cây khô”.

Gặng hỏi mãi, tôi mới biết được nỗi niềm “thèm một tiếng gõ cửa” trong bài thơ của ông. Ông kể cho tôi nghe về một cuộc tình câm lặng đầy khổ đau với người đàn bà, người là nguyên mẫu của hầu hết những bài thơ tình của ông.

Thuở ấy, ông trời đã khéo trêu người vì đã đem nàng đến ở cạnh ông trong căn nhà tập thể đầy chật hẹp, một nửa căn nhà bây giờ ông đang sống. Mỗi người 13 mét vuông. Nàng kém ông đến cả chục tuổi, mê thơ và phải lòng thi sĩ sống cô đơn bên cạnh căn gác của mình. Từ sự cảm mến đến yêu đương trong gang tấc. Họ quyết tâm đến ở cùng nhau nhưng ông trời không thương. Một mối tình đầy ngang trái vì hai người không đến được cùng nhau bởi cả hai người đều có quá nhiều ràng buộc.

Rồi nàng rời xa Hà Nội, ông mua lại căn phòng của nàng, để lại một khoảng trống vô bờ bến trong trái tim thi nhân.

Những bài thơ đôi khi đau đớn, đôi khi nuối tiếc, đôi khi đầy hy vọng nhưng kết cục vẫn là một nỗi bi ai vì mối tình không đến được cùng nhau: “Con tàu trắng đi ngang tưởng tượng/ Khi yêu em anh đã hình dung/ Ta sẽ vượt qua trăm nghìn cay đắng/ Sang bờ kia lộng lẫy thiên đường/ Con tàu trắng hằng đêm khao khát/ Em cầm chèo, anh đứng mũi hiên ngang/ Ta đâm vỡ cổng cao, tường cấm/ Trẩy đầy tay hoa trái đời hoang...”.

Họ dù đã nghĩ sẽ bỏ lại tất cả vì tiếng gọi tình yêu, cuộc đời không như giấc mộng, có quá nhiều ràng buộc và sự cách trở. Nhà thơ già đành lặng lẽ chôn chặt một mối tình không trọn vẹn. Người phụ nữ đi xa, để lại một khoảng trống trong căn nhà và trong tâm hồn nhà thơ. 

Nhà thơ Ngô Văn Phú cả đời sống bình lặng, giản dị, có hàng chục giải thưởng lớn nhỏ, làm quản lý trong lĩnh vực văn nghệ nhưng ông là người ngại giao du, ít bạn bè thân thiết. Ông cũng chẳng muốn đổi thay, “gây hấn” với cuộc đời để cuộc sống bớt đi những nỗi tẻ nhạt.

Ông sống cần mẫn, điềm đạm với trang sách cuộc đời bên cạnh chiếc bàn có khung cửa sổ cũ mèm hoen rỉ, khung cửa sổ nhìn ra một bầu trời cao rộng, khung cửa sổ cũng thu vào tầm mắt cả con đường Kim Mã ngút ngàn những tán cây xà cừ cổ thụ và ồn ào phố xá...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.