Nhà thơ Võ Thanh An: Đã phiêu du cùng đây đó giữa đất trời…

Thứ Sáu, 08/09/2017, 12:05
Nhà thơ Võ Thanh An vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 19 giờ 5 phút ngày 3-9-2017 tại nhà riêng, hưởng thọ 76 tuổi, sau 2 năm 4 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Nhiều bạn bè cùng thời với ông dành tặng cho nhà thơ những lời yêu quý trên các trang mạng xã hội, trong các bài viết nặng ân tình.

Trần Vũ Long, con trai thứ của nhà thơ Võ Thanh An, người đã cận kề từng giây phút bên cạnh ông trong 2 tháng trời nằm bất động, không nói năng, đã tiễn đưa bố bằng một bài thơ đong đầy nỗi đau cho một cuộc ra đi: "Người nằm đó/ Lặng im/ Rưng rưng đầy hốc mắt/ Thay lời giã biệt/ Nhân sinh một kiếp/ Dồn trong tích tắc/ Gánh đã buông/ Mà sao vẫn nặng/ À ơi nam mô/ Phật pháp nguyện cầu/ Hoảng loạn phù sinh/ Ngấn nước trong veo/ Liệm phút giây này/ Cho một khởi đầu sắp ra đi/ Người nằm đó/ Như tạc và đón đợi"...

Trần Vũ Long chia sẻ rằng, khoảng 7 tháng nay, khi bệnh tình của nhà thơ Võ Thanh An đã chuyển biến xấu, ông thực sự mong ước mình sẽ được ra đi sớm nhất có thể. Nhiều lần, sau những đợt chữa trị, đi về giữa nhà và bệnh viện, những lần gọi cấp cứu đến nhà... ông bảo với con trai: "Bố muốn ra đi lắm rồi con ạ, sống như thế này, khổ quá. Mà lạ thật, sao trời phật chưa cho bố được đi gặp mẹ con sớm? Hay là kiếp trước bố có làm điều gì tội lỗi, ăn ở không đến nơi đến chốn nên phải gánh thêm tội tình...".

Nhà thơ Võ Thanh An.

Long chẳng biết nói gì, chỉ biết an ủi bố. Anh biết rằng, cả một cuộc đời ông sống nhân đức, nhưng số phận ông long đong, nên chịu rất nhiều thăng trầm, chìm nổi. Từ bé, ông là con vợ lẽ, nên quyết tâm xa hương, từ biệt mảnh đất chôn rau cắt rốn ở cạnh dòng sông Lam, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Mảnh đất mà dù muốn hay không, cả đời ông cũng đã gắn bó với cái bút danh được nhà thơ Phạm Tiến Duật đặt cho bằng các từ đầu tiên của xã, huyện, tỉnh (tên thật của ông là Trần Quang Vinh).

Nỗi ám ảnh về tuổi thơ nghèo đói và mất mát, đã đi vào rất nhiều bài thơ của nhà thơ Võ Thanh An như một nỗi đau gắn liền với người mẹ mà ông yêu thương hết mực. Mảnh đất mà ông muốn quên nhưng dường như chẳng bao giờ có thể nguôi quên dù chỉ là phút giây trong ký ức.

Chính vì thế, trong rất nhiều bài thơ của mình, mảnh đất và ngôi nhà cạnh dòng sông Lam, cứ trở đi trở lại: "Có phải vì mẹ sinh con trên một bến đò/ Nên cuộc sống hôm nay con ngược xuôi nhiều chỗ/ Từ bãi cát lún chân bên bờ con sông Rộ/ Con đã đi muôn dặm đất trời/ Đã gặp bao con sông và tiếng gọi đò ơi/ Nghe thân thiết như về nơi bến cũ/ Gặp con nước dâng đầy, con lại lo mùa lũ/ Sông quê bây giờ, bờ cát ngập chưa?"...

Nhà thơ Trần Vũ Long chia sẻ rằng, hai tháng cuối cùng, nhà thơ Võ Thanh An không nói được gì, nhưng đầu óc ông vẫn tỉnh táo. Ông nhận biết được tất cả, bạn bè đến thăm, chuyện trò, hai dòng nước mắt ông ứa ra thay lời muốn nói. Nước mắt ông cứ thế chảy dài cho đến tận hơi thở cuối cùng của kiếp sống này.

Nhà thơ Võ Thanh An tuổi Nhâm Ngọ (1942). 17 tuổi ông ra Hà Nội vào học Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Nga. Ra trường ông làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô tại nhà máy điện Uông Bí, là những người đầu tiên có mặt xây dựng nhà máy này. Sau đó ông chuyển về công tác tại Bộ Điện than. Năm 1976, sau khi được giải thưởng thơ báo Văn nghệ thì ông chuyển hẳn về báo làm việc, là Trưởng Ban Thơ, Tuần báo Văn nghệ cho tới ngày nghỉ hưu. Sinh thời, nhà thơ Võ Thanh An vẫn được biết đến là người sống đầy quyết liệt, dữ dội và nóng tính.

Nhà thơ Võ Thanh An và cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục.

Dù vậy, trong tất cả những tính cách có vẻ ngang tàng ấy, lại là một tâm hồn yếu đuối và đầy cô đơn. Ông từng nhận mình cô đơn từ trong lòng mẹ. Cho đến khi người mẹ của ông mất, sự cô đơn lại càng vây bủa lấy ông như một món nợ tiền kiếp. Mẹ mất, ông sống lặng lẽ hơn. Vì mẹ ông chỉ có độc đinh, nên khi mẹ mất, nhà thơ Võ Thanh An an vị tại một ngôi chùa ở nội thành và hàng ngày, ông tìm vui nơi kinh phật. Ông đọc nhiều sách phật, tìm đến thiền để tâm hồn thanh thản.

Rồi một sự kiện đã khiến ông gục ngã, đó là sự ra đi của người vợ hiền sau nhiều năm chống chọi với bệnh thận. Khi vợ ông mất cách đây gần 15 năm, nhà thơ Võ Thanh An đã rơi vào trạng thái trầm cảm một thời gian dài. Ông thường xuyên phải tìm đến thuốc an thần để có thể nguôi ngoai đi nỗi đau, niềm nhớ thương và tiếp tục tìm vào kinh phật để có thể an ủi tuổi già cô đơn của mình.

Nhiều bạn bè vẫn giữ sự nể trọng bởi tính cách "đồ Nghệ" của nhà thơ Võ Thanh An. Từ buổi đầu chập chững làm thơ cho đến khi trở thành nhà văn có tên tuổi, ông đã gắn bó tâm hồn mình với nhân dân và đất nước trong suốt thời kỳ đầy gian nan và biến động của lịch sử dân tộc. Ông sống cùng anh thợ đốt lò, xuống moong sâu vào nguồn than mới; ở cùng anh thợ điện đường dây trong những năm tháng đi qua thác điện; đến với đảo tiền tiêu hay cùng bộ đội hành quân lên biên giới…

Trong vai trò biên tập và sau này là Trưởng Ban Thơ báo Văn nghệ, ông đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, khó quên trong lòng đồng nghiệp và cộng tác viên cả nước. Là người yêu tự do, phóng khoáng, nhưng lại cực kỳ nghiêm túc trong công việc, ông thực sự có đôi mắt xanh khi biên tập các tác phẩm, phát hiện và khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho nhiều nhà thơ thế hệ sau.

Có lẽ vì luôn phải tự lực, tự phấn đấu bằng chính nội lực của mình nên ông nổi tiếng là người thẳng thắn, nóng tính, thậm chí... cực đoan. Cái sự thẳng tính nhiều lúc làm mất lòng người khác. Nhiều người không chịu được cá tính đó, nhưng ai hiểu thì lại rất yêu quý và trân trọng ông.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ những tình cảm và kỷ niệm của mình và nhà thơ Võ Thanh An: "Giữa tòa nhà cao tầng hiện đại bây giờ tôi thấy nhớ cái phòng của Ban Thơ vô cùng. Một cái phòng nhỏ nằm ở tầng một chứa đầy bản thảo. Và giữa hàng núi bản thảo thơ lưu cữu luôn thoảng mùi ẩm mốc của thời gian là một nhà thơ ngồi một mình im lặng.

Nhà thơ Võ Thanh An và con trai, nhà thơ Trần Vũ Long.

Ông là Võ Thanh An, Trưởng ban Thơ của báo Văn Nghệ. Ngày đầu tiên đến nhận việc ở Ban Thơ, tôi đã nhìn thấy nhà thơ Võ Thanh An ngồi như thế. Tôi bước vào chào ông. Nhưng ông im lặng nhìn tôi một hồi lâu. Đấy cũng là một trong những lý do làm cho tôi mỗi khi nhớ đến ông là hình ảnh đó lại hiện lên... Cách ngồi ấy nó khác hoàn toàn sự sôi nổi thường thấy ở ông.

Ông là một người sắc sảo, thẳng thắn và mạnh mẽ. Ông có một giọng nói trầm vang và đôi mắt nhìn như xuyên qua óc người đối diện... Đặc biệt là tôi đã từng chứng kiến con người ông trước những bất công, những nghịch lý nào đấy trên cõi đời mà ông biết, đôi mắt ông đầy nước trong khi giọng nói ông rung lên với sự nổi giận của lương tâm. Ai đã từng quen biết ông đều dễ dàng nhận ra một điều Võ Thanh An không bao giờ làm ngơ trước những gì chướng tai gai mắt.

Ông không sợ hãi kẻ nào và cũng không xu nịnh bất cứ ai. Bởi thế mà ông đã viết những câu trong bài thơ Thằng Bờm nổi tiếng: "Trọn đời không nợ nần ai/ Không quyền chức để gọi ngài xưng ông/ Không sang trọng, chẳng bần hàn/ Không mưu mánh, đừng ai mong phỉnh phờ...".

Bản thảo viết tay của nhà thơ Võ Thanh An.

Ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, một người bạn vong niên thân thiết của nhà thơ Võ Thanh An khi kể về tình bạn với nhà thơ Võ Thanh An đã chia sẻ: "Anh là một con người mà mọi sở thích khi trẻ và lúc về già rất khác nhau. Thậm chí trái ngược nhau. Nếu như thời trai trẻ ông thích nhất 3 thứ: trà đặc, rượu mạnh, đi nhiều thì về già ông chỉ có cơm rau, nước lọc và ngồi thiền. Mỗi năm ông chỉ ra khỏi nhà có một lần duy nhất là vào dịp họp mặt văn nghệ sỹ của tòa soạn Báo Văn nghệ cuối năm. Ấy thế mà mỗi khi trao đổi hàn huyên với anh thì mọi chuyện trên trời, dưới đất, dọc ngang thế giới anh đều biết khá rõ. Đúng là một con người thư thái, nhạy cảm luôn phù hợp với thời cuộc.

Lần đến thăm anh ốm, anh nói: Kiếp luân hồi có may, có rủi, lúc thịnh, lúc suy, 76 tuổi cũng lãi rồi. Những ngày gần đây sức khỏe anh yếu dần, anh vẫn gồng mình lên để chịu đựng, cố thể hiện là vẫn bình thường để mọi người yên tâm hơn khi chia tay anh ra về. Võ Thanh An là con người như vậy không làm phiền ai, luôn vì mọi người cho đến những giây phút cuối đời...".

Nhà thơ Võ Thanh An và vợ.

Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa, một người bạn tâm giao, người mà nhà thơ Võ Thanh An nhờ viết lời điếu văn cho ông khi ông ra đi, lại ngậm ngùi: "Nhớ về Võ Thanh An, chúng ta nhớ về một người con xứ Nghệ nguyên chất - nguyên chất từ danh xưng mang tên quê hương đến khẩu khí, lối sống và phong cách xử sự.

Ông yêu quê đến nghẹn lòng, bỏ qua những mặc cảm, định kiến trong quá khứ, vẫn luôn là "Thằng cò hương ngày bé/ Sông Lam ơi há dễ quên nhau." Quê hương đối với ông đồng nghĩa với Mẹ, "Cây một cành, lặng lẽ sống vì con", là nỗi sợ hãi "Gặp chính ngôi nhà chơ vơ bên bến nước" ngày Mẹ không còn nữa. Dù đã lâu ông không về quê, nhưng mỗi khi đứng trước ban thờ tiên tổ, hình ảnh quê hương lại hiện về day dứt trong ông. Đối với anh em bè bạn, ông là người sống quyết liệt, chu đáo và giữ lời. Ông bày tỏ thái độ yêu ghét, đúng sai rõ ràng, không bị khuất phục trước tiền tài hay quyền lực...".

Nhà thơ Bùi Kim Anh, một người luôn dành hai chữ "kính trọng" khi nhắc về nhà thơ Võ Thanh An đã chia sẻ một kỷ niệm: "Năm ấy tôi là một cô giáo văn thích làm thơ đã mang thơ mình đến báo Văn Nghệ để gửi đăng báo. Hồi hộp lắm, e dè lắm vì đến báo gặp toàn các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng và tôi ngưỡng mộ. Và tôi đã gặp, đúng hơn trông thấy nhà thơ Võ Thanh An. Tôi chỉ dám gật đầu lễ phép từ xa vì anh ít nói lắm. Rồi những lần sau tới báo đã quen thân hơn với một số nhà văn, nhà thơ thì với nhà thơ Võ Thanh An tôi vẫn chỉ "kính nhi viễn chi" vì tính anh nghiêm ngắn, đĩnh đạc chứ không dễ gần hay dễ bắt chuyện như các nhà văn nhà thơ khác. Tôi kính trọng anh, vì khi về hưu rồi, anh như người xưa ấy, lánh chốn văn chương ngày mỗi ồn ào, để thiền định với kinh phật".

Ông đã chọn một ngày thu để ra đi, như sinh thời ông làm rất nhiều bài thơ về mùa thu để ru lòng mình vậy. Bây giờ thì ông đã được toại nguyện bởi ở thế giới bên kia, ông đã thoát khỏi những nỗi đau trần thế, đã được đoàn tụ cùng người mẹ kính yêu và người vợ hiền một thuở. Ông chắc đang mãn nguyện bởi linh hồn ông sẽ được phiêu du cùng đây đó giữa đất trời, vũ trụ bao la.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.