Nhà thư pháp Huế và những bài thơ của Bác Hồ khắc trên gỗ

Thứ Sáu, 11/01/2008, 11:15

Ông là Nguyễn Nhuận Đức (66 tuổi, ở phố cổ Gia Hội, Huế). Với sự hợp tác của ông Phan Đình Ngôn - Giám đốc Công ty Cây xanh thành phố Huế và anh Trần Duy Dũng - thành viên của CLB thư pháp Huế ông đã đầu tư trí tuệ, công sức chạm khắc một số bài thơ của Bác Hồ trong tập "Nhật ký trong tù" trên gỗ để chào mừng 120 năm ngày sinh của Người.

32 năm cùng nghiệp thư pháp

Sinh ra tại vùng biển Thuận An, sau giải phóng, ông làm công nhân tại Xí nghiệp Xi măng Long Thọ nhưng niềm đam mê nghệ thuật thư pháp cứ bám riết ông suốt 32 năm nay. Hiện tại, ông đang là Phó chủ nhiệm CLB thư pháp Huế.

Các tác phẩm thư pháp của ông được trưng bày ở rất nhiều nơi như: Nghệ An, Đà Nẵng trong những dịp lễ hội. Sắp tới, ông sẽ "cõng" những đứa con tinh thần của mình tham gia Festival tại thành phố biển Nha Trang. Các tác phẩm của ông được thể hiện trên nhiều chất liệu đa dạng và phong phú: giấy thường, giấy dó, thân cây dừa và gỗ xà cừ...

"Truyện Kiều" của Nguyễn Du, "Thần kinh nhị thập cảnh" của Vua Thiệu Trị... đều được ông thể hiện lại bằng tài năng thư pháp của mình. Ngoài những tác phẩm có ý nghĩa chuyên sâu về nghệ thuật, ông còn cho chữ một số người tìm đến ông. Tuy nhiên, ông cũng có một quy tắc riêng: "Chỉ cho những người thật sự đam mê, yêu thích chứ không nề hà chuyện tiền bạc".

Ấp ủ và thực hiện một tác phẩm để đời

Trước khi chưa có ý tưởng về việc thực hiện "Nhật ký trong tù" bằng thư pháp một cách quy mô, ông Đức đã thể hiện một vài bài thơ của Bác bằng thư pháp.

Cho đến một ngày, được đi thăm Nghệ An đến với quê hương của Bác, thấy người ta đốn những cây xà cừ để giải tỏa đường, ông nghĩ: “Những cây xà cừ kia có lẽ gắn với tuổi thơ của Bác Hồ, nếu được cắt thành lát, họa chữ lên đó sẽ có nhiều ý nghĩa”.

Lúc đó có một người là Phó giám đốc Thư viện Nghệ An hứa sẽ gửi gỗ vào cho ông. Nhưng do trục trặc trong khâu vận chuyển, việc không thành. Tâm nguyện chưa được thực hiện, ông buồn lắm và mất ngủ suốt 3, 4 đêm liền.

May sao trong một cuộc nói chuyện tình cờ, cảm kích trước khao khát cháy bỏng và ý tưởng tốt đẹp của ông nên ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Công ty Cây xanh Huế đã tài trợ gỗ xà cừ cho ông để thực hiện tác phẩm.

Tôi đến thăm ông, nhưng rất tiếc tác phẩm đồ sộ ấy không còn đặt trong nhà. "Nhà chật chội, không để hết được đành phải mang lên Công ty Cây xanh gửi tạm" - ông cho biết.

Với nhà thư pháp Nhuận Đức, thơ của Bác Hồ ai cũng đọc, ai cũng biết về giá trị to lớn ẩn chứa trong nó, nhưng chẳng có ai viết trên gỗ một cách có hệ thống như ông. Ông nói muốn thể hiện 135 bài thơ trong tập "Nhật ký trong tù", để góp phần nhắc nhở thế hệ sau đọc thơ Bác mà noi theo gương Bác - cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và yêu thương con người.

Mỗi lát gỗ xà cừ với đường kính khoảng 1m, trọng lượng từ 10-15kg dày 0,25m được thể hiện một bài thơ bằng chữ Hán theo thể: Hành, thảo, lệ, triện bằng bút lông, sau đó khắc nổi, thếp vàng. Cách trình bày linh hoạt điêu luyện mang nhiều cảm xúc của nhà điêu khắc trong từng nét hất, vẩy, buông, nhấn...

Mỗi bài cần khoảng 10-15 ngày, dự tính sau 3 năm tác phẩm sẽ hoàn thành (tháng 2/2009) để chào mừng sinh nhật lần thứ 120 của Bác. Ước tính khi hoàn thành toàn bộ tác phẩm sẽ nặng trên 2 tấn, nếu được xếp liền nhau sẽ dài hơn 80 mét.

Ngoài việc được tài trợ gỗ, chi phí mua bút mực ông đều tự lo cả.

Khi được hỏi về những dự định sắp tới của mình, ông suy nghĩ một lát rồi cười bảo: "Tôi có tuổi rồi, tới mô hay tới nấy, còn sức khỏe thì còn làm nghệ thuật".

Chia tay ông, tôi chỉ ước mong sao ông luôn luôn khỏe mạnh, minh mẫn, thể hiện tiếp những bài thơ tuyệt tác của Bác Hồ bằng những hình thức đẹp, giúp thế hệ sau thêm yêu thơ Bác, học và làm theo thơ Bác... Và cũng mong các cơ quan, nhà doanh nghiệp... tài trợ kinh phí để ông hoàn thành tác phẩm của mình

Hạnh Phúc
.
.