Nhà văn & nhà làm phim: Khi những cái bắt tay không thân ái

Chủ Nhật, 23/03/2014, 12:50

Công bằng mà nói, đối với bất cứ một tác giả nào, việc đứa con văn chương như truyện ngắn, tiểu thuyết của mình được “lọt mắt xanh” và chuyển thể lên phim ảnh, là một điều vinh dự lớn lao.

Có thể nói điện ảnh vừa “mang nợ” tác phẩm văn học, vừa có công chắp cánh cho tác phẩm văn học thăng hoa bằng đặc thù đa chiều đầy hấp lực của mình. Thế nhưng, mối quan hệ giữa tác giả văn học và nhà làm phim không phải lúc nào cũng được “xuôi chèo mát mái”. Vài năm trở lại đây, thi thoảng lại nổi lên lùm xùm đôi ba vụ tranh chấp tác quyền giữa tác giả và một nhà làm phim nào đó. Đã đến lúc bàn về một giải pháp thấu đáo để dàn xếp mối quan hệ vốn dĩ nhạy cảm này…

Nhà văn Bùi Anh Tấn: Không ngại viết lách, chỉ ngại nhắc đến… tiền!

PV: Anh là một trong những nhà văn thường hay dính tới những sự cố liên quan đến tiền bạc. Gần đây, lại phong thanh nghe anh phàn nàn về việc thù lao  ý tưởng và công sức của anh nhận từ một dự án phim chưa thỏa đáng. Anh có thể "bật mí" đây là dự án gì mà khiến anh đau đầu đến thế?

Nhà văn Bùi Anh Tấn: Đúng như bạn nói, sự cố của tôi hầu hết liên quan đến tiền bạc, mà hầu hết toàn theo kiểu "tự mua dây buộc mình". Dự án gần đây nhất và cũng làm tôi đau đầu nhất là dự án phim khá hoành tráng có sự liên kết giữa Việt Nam và Hồng Công, dự kiến bấm máy vào tháng 5 tới.

Thú thực ban đầu tôi cũng không định nhận, bởi vì thực sự khối lượng công việc ở Nhà xuất bản Công an nhân dân nơi tôi làm việc quá đồ sộ và cả những kế hoạch văn chương thì còn đang ngổn ngang. Nhưng bên nhà sản xuất cũng là chỗ anh em thân tình "ba lần bảy lượt" thuyết phục, tôi mới nhận lời. Vì tin bạn bè, lúc đó tôi chỉ đơn giản nói rất thành thật về thù lao: "Thôi thì hãy trả sao cho đúng giá thị trường!".

Tôi nói vậy vì phép lịch sự. Tôi chắc hẳn cả tôi lẫn nhà sản xuất đều nắm rõ "giá" của tôi là bao nhiêu đối với một kịch bản phức tạp như vậy. Kịch bản viết ra, được êkíp bên Việt Nam duyệt rồi, lại phải gửi qua Hồng Công để duyệt một lần nữa. Tôi phải "gia công" sửa đi sửa lại nhiều lần để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh nhất. Việc này ngốn rất nhiều thời gian và công sức.

Đến giờ, tạm có thể nói là đã hoàn thành 2/3 thời lượng phim rồi. Nhà sản xuất mới mời tôi lên ký hợp đồng, lúc nhìn giá, tôi mới té ngửa. Thì ra trong mắt các nhà kinh doanh, "giá thị trường" của Bùi Anh Tấn rẻ thế! Hụt hẫng nhiều hơn là tức giận.

Nhà văn Bùi Anh Tấn.

PV: Mấy năm trước, anh cũng dính vào một vụ lùm xùm liên quan với Hãng phim P.N về vấn đề tác quyền. Ý tưởng của cuốn tiểu thuyết “Bức huyết thư” gần như được anh “biếu không” đoàn làm phim “Thiên mệnh anh hùng”. Sự cố đó hình như cũng là do anh từ chối không ký hợp đồng chuyển nhượng. Dường như anh rất  dị ứng với những bản hợp đồng?

Nhà văn Bùi Anh Tấn: Không chỉ riêng tôi mà nhiều tác giả khác cũng rất ngại ngùng dính tới những thủ tục pháp lý lằng nhằng. Thì dân làm nghệ thuật cả, chỉ cốt tin nhau là chính. Ai dè cuối cùng lại rơi vào "bẫy" lúc nào không hay.

Vụ lùm xùm "Bức huyết thư" nguyên do cũng bắt nguồn từ phát ngôn không cẩn thận của đại diện hãng phim mà bỗng dưng tôi mang tiếng đút túi hàng trăm triệu đồng tiền ý tưởng. Trong khi thực tế thì mình không nhận đồng nào. Vụ việc ấy qua lâu rồi, tôi cũng không muốn nhắc lại nữa. Có điều vẫn lấn cấn buồn vì đến tận giờ tôi vẫn chưa nhận được một lời thanh minh hay xin lỗi chính thức từ hãng phim.

PV: Trong những sự cố ấy, anh có nghĩ rằng một phần lỗi thuộc về mình không?

Nhà văn Bùi Anh Tấn: "Lỗi" quá đi ấy chứ! Lỗi thứ nhất là dễ dãi, tin người. Lỗi thứ hai là lỗi không biết "rút kinh nghiệm", mắc "bẫy" một lần rồi mà lần sau lại tình nguyện "chui đầu" vào tiếp (cười). Có nhiều lần tôi bị đạo tác phẩm, bị ăn cắp trắng trợn đứa con tinh thần. Lúc mới biết tin thì hùng hổ lắm, phen này quyết "làm ra ngô ra khoai". Thế nhưng chỉ cần nhận được một lời xin lỗi thôi lại xuê xoa cho qua hết, không muốn "bé xé ra to". Cái lỗi thứ ba của tôi là lỗi dễ tha thứ và thỏa hiệp quá!

PV: Vậy trong tương lai, nếu có những lời mời cộng tác, anh vẫn giữ lối "ngây thơ và cả tin" thế nữa ư?

Nhà văn Bùi Anh Tấn: Cái nết ấy ăn sâu vào máu rồi. Nhưng chắc tôi phải ngừng việc "ôm rơm nặng bụng". Có lẽ phải nhờ đến một bên trung gian nào đó đại diện cho mình về việc thương lượng các hợp đồng một cách minh bạch, chứ "khách thơ" này không dám đùa với "cơm áo" mãi được.

Nhà văn Phan Đức Nam: Nên thẳng thắn hỏi "Anh trả tôi bao nhiêu?"

PV: Gần đây, giới văn chương đang xôn xao giữa vụ lời qua tiếng lại giữa anh và biên kịch Lê Điệp về vấn đề tác quyền khi chuyển thể tiểu thuyết thành kịch bản phim. Sau khi rõ ngọn ngành sự việc, nhiều người thắc mắc anh với biên kịch Lê Điệp thân thiết đến đâu mà anh lại dễ dàng chuyển nhượng bản quyền chỉ bằng…thỏa thuận miệng? Anh có nhận thấy số tiền 6 triệu đồng cho việc mua đứt ý tưởng một cuốn tiểu thuyết đã từng đoạt giải Nhất cuộc thi Huỳnh Văn Nghệ là hơi ít ỏi?

Nhà văn Phan Đức Nam: Tôi quen nhà văn - nhà biên kịch Lê Điệp qua một người bạn văn. Khi "Nơi trái tim ở lại" xuất bản lần đầu tôi có tặng sách cả hai người. Khi ông Lê Điệp nói sẽ chuyển tiểu thuyết "Nơi trái tim ở lại" sang kịch bản phim, tôi vui lắm chứ, đây là lần đầu tác phẩm tôi được làm phim nên thú thực tôi không có kinh nghiệm giao dịch thỏa thuận bản quyền về lĩnh vực này.

Khi nhận 6 triệu từ Lê Điệp tôi cũng không thắc mắc gì, kể cả khi họ kéo ra thành 24 tập mà không hề thông báo với tác giả là tôi lấy một câu. Tôi vốn lơ mơ về tiền nong, nghĩ thôi đó là cái "lộc", chút "hương hoa" văn nghệ. Gu của tôi là chỉ khoái xem những phim ngắn nên nghĩ rằng phim truyền hình càng kéo dài càng dở, thôi thì kệ họ!

Nhà văn Phan Đức Nam.

PV: Vậy tại sao anh lại quyết định lên tiếng với báo giới về vụ tranh chấp bản quyền này?

Nhà văn Phan Đức Nam: Tôi chỉ lên tiếng thắc mắc là khi giới thiệu phim lại "dựa theo ý tưởng" mà không ghi "Dựa theo tiểu thuyết hay tác phẩm?" Có nghĩa tác giả là tôi không được tôn trọng. Trong khi hơn 70% bộ phim là lấy từ tiểu thuyết của tôi. Sau khi thận trọng hỏi bạn tôi là luật sư ở Báo Pháp luật thì được nghe giả thiết rằng sở dĩ họ dùng chữ "Dựa theo ý tưởng" với mục đích để trả ít tiền thay vì "Dựa theo tác phẩm" - Đây là thủ thuật dùng chữ.

Tôi chỉ yêu cầu biên kịch Lê Điệp và hãng phim trả lại đúng chính danh. Ở đây tôi với nhà biên kịch Lê Điệp ở mức độ tình cảm, thú thật chỉ cần ông ấy nói với tôi một tiếng, uống với nhau ly cà phê, vài chai bia cũng xong. Không ngờ khi được một số báo phỏng vấn, nhà biên kịch Lê Điệp đã quá đề cao mình, khuyên tôi nên im lặng mà "mang ơn" ông mới phải. Nói gì thì nói, tiểu thuyết này cũng đã từng đoạt giải thưởng chứ không phải một sản phẩm vô danh đáng bị nhận xét như vậy. Tôi không khỏi bất mãn.

PV: Đến giờ, Hãng phim TFS đã có lời giải thích hợp lý và động thái đính chính, xin lỗi anh chưa? Anh có được trả thêm tiền bản quyền không?

Nhà văn Phan Đức Nam: Hãng phim TFS đã gọi điện và có công văn xin lỗi, 5 tập cuối đã sửa lại "Dựa theo tác phẩm… của nhà văn Phan Đức Nam". Sau vụ đó, tôi không được trả thêm tiền bản quyền phim từ ý tưởng sang tác phẩm, từ 12 tập sang 24 tập. Họ không đề cập đến và tôi cũng không đòi. Tiền tiêu bao nhiêu rồi cũng hết. Mọi người sẽ nghĩ tôi lên tiếng để "làm tiền". Nên dù nhiều người khuyên tôi "thừa thắng xông lên", tôi từ chối. Mặc kệ người ta nói mình "sĩ", cũng không sao.

PV: Qua sự việc trên, anh có rút ra bài học gì cho bản thân không? Như là việc cần chuyên nghiệp hơn trong các giao dịch chẳng hạn?

Nhà văn Phan Đức Nam: Sau vụ lùm xùm này, nếu được hãng phim khác đề nghị bán bản quyền tác phẩm để làm phim thì tôi vẫn vui lòng! Nhưng chắc phải thẳng thắn hỏi: "Anh trả tôi bao nhiêu?". Và phải tham khảo những người chuyên về lĩnh vực này. Dĩ nhiên vẫn với mức độ tương đối và tình cảm.

Luật sư - Thạc sĩ Luật Hoàng Đạo: "Muốn bảo vệ con thì trước hết phải giỏi võ!"

PV: Là một chuyên gia trong giải quyết những lĩnh vực liên quan đến sở hữu trí tuệ như tranh chấp bản quyền, quyền tác giả và các quyền liên quan. Anh có lời khuyên nào dành cho những tác giả trước tình trạng bị xâm hại tác quyền đó không?

Luật sư Hoàng Đạo: Theo tôi, trước hết các tác giả cần phải thay đổi trong tư duy. Là nhà văn, đương nhiên có quyền "lơ mơ" một tí, nhưng chí ít mỗi người nên tự trang bị thêm kiến thức về luật, ít nhất là đủ để bảo vệ tác quyền của mình. Một người cha muốn bảo vệ đứa con của mình giữa một bầy côn đồ thì trước hết phải "giỏi võ", đúng không? Tối thiểu trước khi đặt bút ký kết hợp đồng giao dịch chuyển thể tác phẩm với nhà sản xuất phim, tác giả phải nắm rõ những quyền lợi cơ bản của mình. Trong đó quyền Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là nội dung tồn tại nhiều tranh chấp nhất.

Để thực hiện tốt nhất quyền tác giả thì bản thân các chủ thể quyền khi phát hiện các hành vi xâm phạm hãy chủ động yêu cầu các bên vi phạm chấm dứt, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại theo chế tài bồi thường thiệt hại. Theo Nghị định số 131/2013/ NĐ-CP mức tiền phạt tối đa với cá nhân có thể lên đến 250 triệu đồng và với tổ chức là 500 triệu. Quyền phạt tiền cũng được áp dụng khi sử dụng tác phẩm không nêu rõ tên tác giả, xâm phạm quyền bảo vệ toàn vẹn của tác phẩm, tự ý sửa chữa, cắt xén xuyên tạc tác phẩm.

PV: Thưa luật sư, khi bị xâm phạm tác quyền thì các tác giả sẽ phải tìm đến những cơ quan nào để khiếu nại?

Luật sư Hoàng Đạo: Các tác giả có thể gửi đơn khiếu nại đến những đơn vị có trách nhiệm như: Trung tâm Quyền tác giả văn học (VLCC), cao hơn nữa là Cục Bản quyền tác giả…

Đương nhiên những mức phạt chỉ được thực thi dựa trên một cơ sở pháp lý, cụ thể là dựa trên hợp đồng được ký kết giữa hai bên. Nếu không có sự hiểu biết về Luật Sở hữu trí tuệ, các tác giả có thể nhờ cậy đến một bên trung gian là các văn phòng, các địa chỉ luật sư có uy tín để nhờ hỗ trợ soạn thảo hợp đồng trước khi quyết định cho đoàn phim chuyển thể tác phẩm của mình, sao cho thật kín kẽ. Thủ tục hết sức đơn giản, chỉ cần chuẩn bị bản mềm trên CD, bản in tác phẩm; Giấy ủy quyền của tác giả/ đồng tác giả có xác nhận chữ ký của chính quyền nơi cư trú, cơ quan công chứng; bản sao chứng minh nhân dân của tác giả…

Các văn phòng luật sẽ chịu trách nhiệm thay mặt tác giả theo dõi quá trình xử lý hồ sơ, trực tiếp soạn thảo các điều khoản theo yêu cầu tác giả và chịu trách nhiệm khiếu nại khi hợp đồng phát sinh vấn đề. Theo tôi nghĩ, tốt nhất đừng đợi xảy ra tranh chấp mới tìm đến cơ quan thẩm quyền bởi lúc đó sự đã rồi, trong khi giao dịch thì tồn tại quá nhiều kẽ hở. Phần thiệt thòi sẽ rơi vào người ít kiến thức luật pháp hơn.

Mặc dù thành lập đã được 10 năm, nhưng dường như Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam thuộc Hội Nhà văn Việt Nam chưa nhiều tác giả tìm đến.

Nhà thơ Đỗ Hàn (PGĐ Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam) lý giải: “Thực ra, những người làm việc ở đây hầu hết chỉ làm công tác kiêm nhiệm, họ còn có những công việc chính ở nơi khác. Chỉ có 2 người là thường xuyên ở trụ sở để tiếp nhận công việc mà thôi. Nhưng cũng không thể đổ lỗi cho chúng tôi, bởi lẽ các tác giả rất ít khi chủ động tìm đến nhờ sự trợ giúp của trung tâm.

Tôi biết có những trường hợp có phàn nàn là bị ăn cắp, đạo tác phẩm, nhưng khi tôi ngỏ ý muốn ủy quyền để giải quyết thì họ lại e ngại: “Thôi, kệ người ta, tranh chấp mà làm gì!” với tâm lý không muốn làm to chuyện. Mặc dù muốn, trung tâm cũng không thể giải quyết được những vấn đề đó. Chính vì vậy, nên doanh thu của trung tâm tương đối khiêm tốn, khoản thu lớn nhất chỉ đến 15 triệu đồng.

Có những quý, tổng số tiền bản quyền mà đơn vị thu về cho các hội viên cũng chỉ được trên dưới 2 triệu đồng. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ chú ý tăng cường hợp tác với các kênh phát thanh truyền hình trong việc khai thác bản quyền văn học trong lĩnh vực truyền thông”.

Huyền Vũ
.
.