Nhà văn Lê Minh Khuê: Thấu hiểu nỗi bất an của đời sống

Chủ Nhật, 12/02/2017, 15:00
Bà là nữ nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mang theo rất nhiều nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh ấy trong cuộc sống đời thường. Dễ hiểu vì sao mà hầu hết các tác phẩm của bà cho đến bây giờ đều đầy những nỗi ám ảnh về chiến tranh, về đồng đội, về những cô thanh niên xung phong quả cảm trên chiến trường, có những người mãi mãi nằm lại nơi mảnh đất xa xôi, trên những cung đường đầy dấu vết chiến tranh...

Nhà văn Lê Minh Khuê chưa bao giờ thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ấy. Cũng như với bà quan niệm, đời sống đương đại cũng là một cuộc chiến đấu mới, một cuộc chiến không tiếng súng của rất nhiều nỗi bất an không thể gọi thành tên, dòng chảy mà bà, một người của "thế hệ cũ" không thể bắt nhịp cùng được, bởi sự phát triển như vũ bão, bởi sự xô bồ và đầy bất an cũng như khốc liệt của nó...

Trong tâm trí tôi, vẫn luôn ghi nhớ một hình ảnh nhà văn Lê Minh Khuê thong thả đi lại, nói cười nhỏ nhẹ với đồng nghiệp và rất khó để bắt chuyện bởi vì lúc nào cũng thấy bà đang đọc sách hoặc viết lách gì đó trên bàn làm việc tại NXB Hội Nhà văn. Có lẽ bởi vì bà gắn bó tại nơi này khá lâu, nên dù đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn thường xuyên có mặt trong căn phòng mà bây giờ, rất nhiều biên tập viên trẻ đang ngồi làm công việc biên tập bản thảo như Đào Bá Đoàn, Nguyễn Văn Sơn, và cô con gái duy nhất của nhà văn Lê Minh Khuê, giống y đúc mẹ, Nguyễn Minh Phước.

Nhà văn Lê Minh Khuê.

Nếu nói rằng "Văn là người" thì nữ nhà văn Lê Minh Khuê là một trường hợp ngoại lệ. Bà ngoài đời là một người phụ nữ ít quảng giao, không ồn ào, không khoe mẽ, luôn với dáng vẻ thùy mị, dịu dàng, nhỏ nhẹ khi tiếp chuyện mọi người, luôn nép vào một góc đâu đó để nhìn cuộc đời, nhìn xã hội và luôn tránh xa những thị phi, bon chen để yên phận với những trang văn.

Văn của bà, ngược lại, luôn dậy sóng, luôn đầy ám ảnh bởi sự dữ dội khốc liệt của đời sống. Bà dấn bút vào hiện thực nghiệt ngã, rất nhiều bi kịch cá nhân trước những biến cố thăng trầm của lịch sử đã được trải ra trên trang viết. Văn bà không hướng tới một cái kết có hậu như những câu chuyện cổ tích, mà bà luôn lột tả nỗi bất an của đời sống đến tận cùng, đầy nhân văn theo cách đánh giá riêng của bà.

Nhà văn Lê Minh Khuê đã in 15 tập truyện ngắn và đoạt các giải thưởng danh giá: Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1987 (tập truyện ngắn "Một chiều xa thành phố"), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000 (tập truyện ngắn "Trong làn gió heo may"), Giải thưởng Văn học Quốc tế mang tên văn hào Byeong-Ju Lee của Hàn Quốc, năm 2008 và mới đây nhất, Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2016 dành cho tập truyện ngắn "Làn gió chảy qua".

Nhà văn Lê Minh Khuê sinh năm 1949 tại Thanh Hóa. Ông nội và ông ngoại bà là nhà nho, cha là thầy giáo dạy trung học. Cha mẹ mất sớm, bà lớn lên trong gia đình dì ruột, chú và dì đều là giáo viên trung học. Năm 1965, là năm bà vừa bà tốt nghiệp phổ thông trung học cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt.

Bom đạn và nỗi đau của bà không phải chỉ khi là một thanh niên xung phong mới nếm trải, mà khi còn là cô gái 15 tuổi bà đã phải chứng kiến mùi thuốc súng và cả những xác người hàng xóm nằm ở sát vách nhà. Bà đã tham gia thanh niên xung phong nếm trải cuộc sống chiến đấu đầy gian nan, thử thách, cận kề cái chết ngoài tuyến lửa.

Lễ trao giải thưởng văn học 2016.

Cũng chính những ký ức đầy dư ba ấy, mà sau này, khi rời cuộc chiến trở về làm phóng viên báo Tiền Phong, bà đã có nhiều truyện ngắn viết về cuộc chiến tranh đau thương mất mát nhưng cũng đầy oai hùng ấy trên tờ báo nổi tiếng Văn nghệ thời bấy giờ như "Con sáo nhỏ của tôi", "Cao điểm mùa hạ", "Những ngôi sao xa xôi"... Đặc biệt truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" đã được in vào sách giáo khoa lớp 9 và là đề tài trong các cuộc thi Học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia. Chính cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc là đòn bẩy cho bà bước vào lĩnh vực văn chương.

Nhà văn Lê Minh Khuê kể: "Hồi đi làm báo, vào Viện Quân y 111, tôi ngồi bên cạnh anh sĩ quan, bị bom phạt mất hết cằm, hai tay hai chân cũng mất. Anh mê sảng, cằm đã mất nhưng vẫn gọi được "Mẹ, mẹ ơi". Chỗ băng cứ trào máu ra. Tôi cứ vỗ vai anh và nói "mẹ đây, mẹ đây!". Một lúc sau tôi đi đến các hầm thương binh và quay lại thì chị y tá bảo, vừa bó anh rồi, anh đã mất. Đường lên phía Tây kinh khủng lắm. Tôi nhớ lúc ấy bom đạn cứ dội ầm ầm xuống. Có lẽ lúc đó còn ít tuổi quá, tôi không biết sợ là gì, nhưng sau này khi có con thì mới cảm thấy sợ. Người ta đi chiến đấu, người ta chia tay, người ta chết, người ta thương tật… đó là những chuyện bình thường của chiến tranh. Tất cả những gì ghê gớm nhất là sau cuộc chiến".

Nếu như các nhà văn nữ thường viết nhiều về tình yêu hoặc những câu chuyện đời thường thì nhà văn Lê Minh Khuê ngược lại, bà ít nói về chuyện tình yêu, điều mà hầu hết các nữ nhà văn thường đề cập đến như một đề tài quen thuộc. Nếu có thì nó cũng chỉ bảng lảng đằng sau câu chữ, nói bóng gió xa xôi. Bà cho rằng, tình yêu thật thì khó nói lắm. Yêu kiểu "đau tim" nó lặn vào trong, ít khi biểu hiện ra bên ngoài. Yêu là nước mắt lặn vào trong, để riêng mình cảm nhận.

Hầu hết tất cả những truyện ngắn của bà, cho dù viết về đề tài nào thì vẫn quay lại chuyện chiến tranh. Thời hậu chiến thì những câu chuyện ấy càng day trở trong những tác phẩm của bà như một mạch nguồn không hề vơi cạn, không thể quên được trong vùng ký ức sống của một con người đã thoát ra khỏi chiến tranh với rất nhiều hy sinh mất mát. Rất nhiều tập truyện ngắn, truyện vừa của bà ra đời như: "Cao điểm mùa hạ", "Một chiều xa thành phố", "Em đã không quên", "Bi kịch nhỏ", "Mái hiên", "Trong làn gió heo may", "Nhiệt đới gió mùa", "Làn gió chảy qua"...

Tác phẩm “Làn gió chảy qua” của nhà văn Lê Minh Khuê đoạt giải thưởng hội nhà văn việt nam năm 2016.

Điều đặc biệt là trong suốt mấy chục năm theo đuổi con đường văn chương, nhà văn Lê Minh Khuê chỉ viết truyện ngắn và truyện dài. Theo nhận xét của nhà văn Hồ Anh Thái, truyện ngắn của Lê Minh Khuê đã đạt đến độ thản nhiên, tự nhiên, hầu như không vướng bận kỹ thuật. Sự sắc lạnh dường như đã lặn vào trong, bao trùm lên tất cả là sự đồng cảm thương cảm ngậm ngùi cho những số phận, thương cả cho thời gian. Thấu hiểu và sẻ chia, người viết luôn thể hiện sự hiểu đời, hiểu người, hiểu mình. Một tiểu thuyết gia người Mỹ nói ông viết tiểu thuyết vì không có thời gian để viết truyện ngắn, còn Lê Minh Khuê thì có. Và đấy là điều đáng kể với người đọc chúng ta.

Tôi hỏi nhà văn Lê Minh Khuê, vì sao không bà viết tiểu thuyết mà chỉ dừng lại ở truyện ngắn, truyện dài. Bà cho rằng, đó là cái tạng của mỗi người. Lúc viết truyện ngắn, bà quan tâm tìm chi tiết, bởi lẽ chi tiết đóng vai trò quan trọng trong sáng tác truyện ngắn. Truyện ngắn có gây ấn tượng được hay không là nhờ rất nhiều vào chi tiết. Nếu ý tưởng là cội rễ, thân cành thì chi tiết là lá, là hoa, làm nên sự sinh sắc, tươi mát cho cây cối. Chi tiết là cái làm cho tư tưởng mang được máu thịt, hơi thở của đời sống.

Vệt phong cách mà bà theo đuổi là những đề tài về hậu chiến. Thường thì văn của nhà văn Lê Minh Khuê nhẹ nhàng nhưng sâu cay, truyện của bà tưởng bình thường nhưng đều là không bình thường trong cách cảm nhận đời sống hàng ngày. Truyện bà tưng tửng "như không" nhưng lại đầy dữ dội, nó có những đợt sóng ngầm, ẩn sau vẻ nhẹ nhàng là một sự không yên ổn. Truyện ngắn của bà có sự bất an thường trực. Bà hay nhắc lại chuyện chiến tranh vì bà vẫn sợ cảm giác ở trong nó, nó có thể lại xảy ra bất cứ lúc nào?

Bà quan niệm rằng, không nên chỉ dùng bút pháp thuần thông tin cho mọi người một câu chuyện. Bởi làm thông tin thì nhà báo họ giỏi hơn nhiều. Nhà văn phải có cái chất riêng của mình, cái tôi bản ngã và lăng kính của mình trong những thông tin ấy. Nó phải mang đến một thông điệp gì đó cho độc giả. Bà không ngần ngại "thọc tay" vào những góc cạnh dữ dằn, gai góc của đời sống, kêu gọi sự tỉnh táo nhận thức, nhìn thẳng sự thật, bóc trần ảo tưởng.

Nhà văn Lê Minh Khuê là người cẩn trọng trong câu chữ. Bà viết chậm, chứ không ào ào kiểu các nữ văn sĩ thường lấy chuyện của mình ra để "mổ xẻ". Khi chạm vào những đề tài thế sự, đòi hỏi nhà văn nghiền ngẫm thật kỹ lưỡng đời sống. Sống thật và chạm vào từng nỗi đau có thật. Có lẽ vậy nên bà không ào ào ra sách một cách dễ dãi, văn bà có mạch nguồn trầm tích.

Nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng, văn chương như thể thao, mỗi lần nhảy qua được xà, nhà văn rất muốn đạt kỷ lục cao hơn chút nữa. Nhưng bà lại mong người ta cư xử với nhà văn như một ngôi sao trong làng thể thao. Anh ta có thể dùng lại ở mức nào đấy và hãy xem anh ta đã đạt được chiến công. Khi nhà văn im lặng, đừng nên than phiền và lu loa rằng, anh này chưa hề nhảy qua xà...

Có thể năm năm, mười năm nữa, những nhà văn lúc này đang gây chấn động, sẽ vì lý do nào đó không viết nữa, thì hãy xem đó là tất nhiên và không nên phủ nhận quãng thời gian này của họ. Họ đã nhảy qua xà. Như thế mới là văn chương, như thế mới là thể thao...

Thực ra nhà văn Lê Minh Khuê là người đã nhảy qua xà nhiều lần, và năm nay, ở tuổi ngoài 60 bà lại tiếp tục vượt qua xà giải thưởng danh giá của Hội Nhà văn Việt Nam. Điều mà một nhà văn nào cũng mong muốn. Bởi vì trước hết nó là sự ghi nhận của các đồng nghiệp về tài năng của bà. Nhà văn Lê Minh Khuê không giấu nổi niềm xúc động, vui mừng. Nhưng dường như niềm vui ấy không khiến bà ngủ yên trên những vinh quang mà bà lại lui vào một góc nhỏ của mình để viết tiếp những tác phẩm mới, một mức xà mới.

Nhà văn Lê Minh Khuê bây giờ đã nghỉ hưu. Thỉnh thoảng tôi gặp bà đi xe bus đến Hội Nhà văn lấy sách, lấy thư từ... Rồi bà lại trở về ngôi nhà nhỏ thân yêu, nơi đó có một gia đình, có cậu cháu ngoại vừa chào đời mà bà yêu thương hết mực.

Bà ít chia sẻ chuyện gia đình. Nhưng trong ngôi nhà nhỏ ở Cầu Giấy, bà là một người phụ nữ đảm dang, chu toàn, là nơi bình yên cho chồng, con và bây giờ là cậu cháu ngoại vừa hơn một tháng tuổi bà cưng nựng, yêu thương, chăm bẵm từng li từng tí. Bà xa lánh mọi cuộc vui, mọi chốn ồn ào, chỉ đơn giản, là trở về nhà sống cùng những trang văn và chăm lo cho ngôi nhà nhỏ của mình, bởi với bà, cuộc sống có quá nhiều nỗi bất an, chứ không đẹp như những trang văn.

Bởi vậy mà văn chương, theo bà, không thể làm gì được để thay đổi đời sống vốn dĩ thay đổi chóng mặt từng giờ, từng phút. Có lẽ chính vì thế mà nhà văn Lê Minh Khuê sống bằng nghề viết văn nhưng bà luôn coi văn chương chẳng có gì quan trọng trong thế giới thực tại. Bà luôn cho rằng, nghề viết văn, suy cho cùng là để giải thoát bản thể cá nhân tác giả, phục vụ nhu cầu cho tác giả, chứ thực tế là không phải vì có lợi cho ai đó.

Còn tác phẩm, khi ra đời sống nó có đời sống riêng thì lại là số phận của chính tác phẩm ấy. Và với bà, khi xếp sắp lại công việc của một ngày, khi mọi thứ đã im lìm trong màn đêm, là bà lại giở giấy bút ra viết. Bà vẫn giữ thói quen viết bằng tay trong mấy chục năm qua, để những ký ức xa xăm hiện về, lên trang giấy, ở đó có bao nhiêu đồng đội, có những tiếng súng đì đoàng mỗi đêm, nhưng cũng có những ánh trăng lãng mạn, huyền ảo giữa núi rừng thăm thẳm.

Và đâu đó trong sự yên ấm, bình lặng của một gia đình nhỏ có tiếng khóc cười của trẻ thơ, là một sự quyết liệt của ngòi bút đã trải qua một cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt, một ngòi bút đầy ma lực bởi dường như bà biết tỏng đời sống đương đại đầy sự bất an rình rập, để biết trân qúy từng phút giây của đời sống, để biết sống có trách nhiệm hơn với chính mình và những người bên cạnh mình. Và tôi vẫn tin rằng, nữ nhà văn Lê Minh Khuê, một người ít quảng giao và không bao giờ ồn ào, thực sự thấu hiểu...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.