Nhà văn viết di chúc khi còn khỏe

Thứ Hai, 13/10/2014, 14:35

Một kiếp người với đầy đủ những hỷ nộ ái ố thì câu chuyện sinh, lão, bệnh, tử cũng vốn là luật bất biến của tạo hóa. Cũng bởi nắm được cái quy luật ấy, họ, số ít các nhà văn nhà thơ đã chuẩn bị tỉ mỉ cho ngày “về cõi” bằng việc viết những bản di chúc chia gia tài cho con cái. Câu chuyện của nhà văn Ma Văn Kháng được kể lại rằng, sau khi đọc di chúc chia tài sản, hai người con của ông ôm mặt khóc: “Bố làm như bố sắp chết đến nơi rồi”. Và ông đã bình tĩnh khuyên giải: “Không phải là bố sắp chết. Bố làm như thế là để bố sống được lâu hơn”...

Nhà văn Ma Văn Kháng: "Viết di chúc để… được sống lâu hơn!"

Có lẽ hiếm nhà văn nào có cái bình thản trước mọi biến động xảy ra trong cuộc đời được như nhà văn Ma Văn Kháng. Ở tuổi ngoài thất thập cổ lai hy, ông đang phải đối diện với nhiều thứ tật bệnh trong người, hằng ngày, ông phải uống cả một vốc thuốc để chống chọi với nó. Ông là người lặng lẽ, lặng lẽ ngay cả với những cơn đau. Hiếm thấy ai nghe ông than vãn về việc ốm đau, vì ông vẫn viết, xuất bản sách đều đặn, vẫn đọc báo, nghe đài, vẫn dõi theo từng bước đi của các bạn văn hay những người viết trẻ.

Có ai đó biết đến mà hỏi thăm về "bệnh già" thì ông kể như kể một câu chuyện cuộc đời đầy điềm tĩnh, câu chuyện về việc không ai tránh khỏi trong cuộc đời: sinh, lão, bệnh, tử. Bởi nắm được quy luật ấy, nên ông là người đã chuẩn bị đủ đầy mọi sự an nhiên để lương tâm không bao giờ cắn rứt điều gì.

Nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ rằng, có hai việc cần thiết vào cuối đời thì ông đã nỗ lực để làm trong những năm qua. Thứ nhất, vì con cái ông không ai quan tâm đến gia tài văn chương của bố, nên nếu mình không làm thì không ai làm cho mình cả, bởi thế ông hệ thống hóa những điều đã viết, gom góp để hoàn thành nốt những tư liệu dở dang, tổng kê lại những cuốn sách đã xuất bản, những bài báo người ta đã viết về mình, xong xuôi đâu đó thành hai cái tủ riêng biệt thì tập hợp con trai, con gái và các cháu đến để giới thiệu… về "gương mặt" mình. Điều thứ hai là ông đã soạn xong di chúc, tài sản chẳng có gì nhiều nhưng không ít những người ra đi đã quên mất việc làm có ý nghĩa này với thế hệ mai sau. Thường thì người sống đọc di chúc khi gia chủ đã mất.

Nhà văn Ma Văn Kháng viết xong di chúc rồi ông gọi hai người con đến để đọc di chúc về việc chia tài sản cho hai con nghe. Ông quan niệm rằng, xưa nay, anh chị em ruột, sau khi cha mẹ mất, thường có những bất hòa với nhau trong việc chia tài sản, ông làm vậy coi như muốn lo cho con được chừng nào hay chừng ấy để các con, cháu, dâu, rể yên tâm sống lâu bền với nhau.

Ông kể lại rằng, sau khi đọc di chúc chia tài sản, hai người con của ông ôm mặt khóc: "Bố làm như bố sắp chết đến nơi rồi". Ông đã bình tĩnh khuyên giải: "Không phải là bố sắp chết. Bố làm như thế là để bố sống được lâu hơn". Buồn cười nhất là không ít bạn bè văn chương của ông, sau khi biết ông làm di chúc đã… mượn để tham khảo.

Tôi hỏi vui nhà văn Ma Văn Kháng, nói là "tổng kiểm kê" cuộc đời mình, song nếu được chia sẻ thật lòng, thì có điều gì ông còn hối tiếc khi nhìn lại quãng đời đã qua của mình.

Nhà văn trầm ngâm giây lát: "Nói không có thì không đúng, song tôi cũng có vài ba điều ân hận: Lẽ ra tôi nên về Hà Nội sớm hơn chục năm để học được nhiều hơn. Học thêm mỹ học, triết học, để được thấm nhuần văn hóa Thăng Long, thấm nhuần cái "hồn thiêng sông núi" cho tác phẩm của mình nó bớt đi chất tỉnh lẻ. Nói vậy không phải tôi chê tỉnh lẻ, nhưng thực sự cái gọi là "văn hóa tỉnh lẻ" nó cản trở và làm mình bé đi ghê lắm, cảm giác nơi đó như cái lồng chật chội dù tình cảm rộng mênh mông, nhưng muốn bứt phá được là rất khó. Một phần tư thế kỷ là quá lâu so với một đời người.

Điều đáng tiếc thứ hai, đó là thời điểm lĩnh nhuận bút tiểu thuyết "Đồng bạc trắng hoa xòe" năm 1978 được một số tiền lớn (khi đó vàng 200 đồng/chỉ). Tôi đi lĩnh tiền định bụng mua một căn nhà cho vợ con ở, rốt cuộc tôi cũng tìm được một cái nhà khoảng 30m2 người ta đồng ý bán, nhưng rồi không hiểu gia đình anh em họ có mâu thuẫn gì lại không bán nữa. Tôi định bụng sẽ gửi tiết kiệm một thời gian rồi tính sau. Bẵng đi nhiều năm, tiền mất giá. Vậy là trắng tay, lại còm cõi bắt đầu tích cóp lại từ đầu bằng những cuốn tiểu thuyết mới.

Một điều buồn nhất vào tuổi xế chiều, chính là sự ra đi của người con rể mà tôi rất mực yêu thương, để lại hai đứa cháu nhỏ và cô con gái góa phụ khi tuổi đời còn quá trẻ. Hơn 10 năm qua, tôi lặng lẽ khép cửa phòng văn, khép cửa tâm hồn, khép cửa những vui buồn bên ngoài cuộc đời ồn ã, để làm nhiệm vụ thay cha của những đứa trẻ, để chăm nom, bảo ban và làm chỗ dựa tinh thần, gắng gỏi bù đắp vết thương đau đớn, xót xa cho con gái và các cháu. Giờ đây, các cháu của tôi đã vào đại học, con gái tôi cũng đã vững vàng hơn, tôi mới thanh thản để xếp sắp lại những thành quả của mình vì quỹ thời gian không còn nhiều nữa.

Rồi ông cười hồn hậu: là "sơ kết" vậy thôi, nhưng thực sự đến tuổi này rồi, lớp người như chúng tôi luôn chuẩn bị cho mình tâm thế an lành nhất để đón nhận mọi sự ở đời, lẽ sinh tử của một kiếp người trong mặt nào đó, cũng là một sự an nhiên…".

Nhà văn Lê Lựu: Để lại toàn bộ tài sản cho Quỹ Lê Lựu

Trung tâm Văn hóa Doanh nhân nơi nhà văn Lê Lựu đang ở, đìu hiu, vắng lặng đến lạ thường. Khi tôi đến theo lời hẹn, ông đã ngồi chờ sẵn trên chiếc xe lăn, nơi cánh cổng sắt đã úa màu thời gian, nhìn ra cái chợ làng tấp nập buổi sáng.

Ông đang rất phấn khởi bởi trong năm nay, để có một kết thúc có hậu cho thiên tiểu thuyết của đời mình, nhà văn Lê Lựu và những người đồng nghiệp uy tín đã ra mắt được "Quỹ Nhà văn Lê Lựu", một điều tâm huyết cả đời ông khắc khoải. Song hành với Quỹ này, là một bản di chúc về việc phân chia tài sản chi tiết, tỉ mỉ, dày dặn dưới sự chấp thuận của nhà văn Lê Lựu cùng những người chứng kiến và do một luật sư có uy tín trong Đoàn luật sư Hà Nội soạn thảo, có tư cách pháp nhân của pháp luật giám sát.

Trong di chúc, ngoài những tài sản đất đai nhà cửa cố định như căn nhà ở quê sẽ được làm nhà tưởng niệm nhà văn Lê Lựu, còn lại gần như cả tài sản (tiền mặt khác có liên quan) của mình ông sẽ dành cho "Quỹ Nhà văn Lê Lựu" khi ông tạ thế. Bởi vì theo ông, đó là một quỹ xã hội hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn học, xã hội, văn hóa doanh nhân, góp phần phát triển xã hội.

Quỹ được hình thành từ nguồn vốn đóng góp ban đầu của nhà văn Lê Lựu là 1 tỉ đồng và sau đó thì tự tạo vốn trên cơ sở vận động quyên góp, vận động tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động trao giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức có tác phẩm văn học xuất sắc có đề tài về nông nghiệp, nông thôn, doanh nhân và văn hóa doanh nhân. Trong quỹ này, ông chú trọng khuyến khích những tác phẩm, tác giả viết về văn hóa doanh nhân, nông thôn đổi mới, đặc biệt là sinh viên, học sinh nghèo có tác phẩm hay.

Trong di chúc của nhà văn Lê Lựu, không có sự thừa kế nào thuộc về gia đình, con cái. Nói về điều này, ông chia sẻ: "Tâm nguyện của tôi là được cơ quan cũ là Tạp chí Văn nghệ Quân đội cùng Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, Quỹ Nhà văn Lê Lựu phối hợp tổ chức tang lễ, chôn cất tại quê hương bên cạnh mẹ và các anh tôi ở thôn Mãn Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên.

Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và Quỹ Nhà văn Lê Lựu phụ trách trưng bày phòng lưu niệm cho tôi tại quê nhà. Lúc sống, cả đời tôi một lòng theo cách mạng, cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho dân tộc, cho văn hóa nước nhà, không ân hận điều gì nên được vậy lúc chết tôi cũng được phần an ủi. Còn về gia đình, tôi đã làm tròn bổn phận của người chồng, người cha. Với các con, tôi đã cho ăn học trưởng thành.

Khi về già ốm yếu tôi không được gia đình người thân chăm sóc như người khác nên việc tôi dành toàn bộ số tài sản còn lại cho quỹ xã hội là để mong muốn nhắc nhớ mọi người chấn chỉnh lại đạo lý gia đình, đạo lý dân tộc và phát triển văn hóa nước nhà - Đây cũng là mong muốn khắc khoải cuối cùng của tôi".

Nhà thơ Bảo Sinh: Di chúc khi đang sống là một việc làm văn minh

Bảo Sinh là một trong số ít những người làm thơ giàu có ở mảnh đất Hà thành này. Ông giàu nhờ có đất cát là của hồi môn của các cụ thân sinh và một phần nhờ ông kinh doanh chó mèo. Cũng bởi giàu và nhiều đất  nên vấn đề di chúc lại đất cát, tài sản cho bốn người con đối với ông là một vấn đề cực kỳ cần kíp.

Ông Bảo Sinh tâm sự: "Gia đình tôi phức tạp, tôi có con trai, con gái, con vợ đầu, con vợ hai, nên thực sự phải rất công bằng và khéo léo trong việc phân chia tài sản cho các con. Tôi di chúc lại tất cả mọi sự ngay khi tôi còn sống, tôi nghĩ nhiều ông bố bà mẹ thường bảo, khi chết rồi tao mới chia cho chúng mày, để tránh việc con nó "đuổi" mình ra khỏi nhà, cũng là một cách nghĩ, một cách lo xa, nhưng mình phải có cách của mình chứ.

Theo tôi, thì cho lúc sống mới là cho, mới là văn minh bởi vì khi chết các con nó tự đọc di chúc để tự chia với nhau thì không còn là của mình cho con nữa, mà là của trời cho. Tôi đã lập di chúc để lại tài sản cho các con, di chúc có chỉnh sửa bổ sung theo thời gian, nhưng cái mình tâm đắc nhất là thơ ca thì lại không biết gửi gắm cho ai. Dù mọi thứ đều vô thường hết nhưng ngẫm lại cũng có chút bùi ngùi.

Tôi đã viết thơ: “Mỗi lần ốm lại ngộ ra cái mới/ Thấy dải ngân hà trong thế giới tâm linh/ Khi ta khỏe nhiều điều không nghĩ tới/ Chỉ ngộ đời qua thập tử nhất sinh…

Thiên Kim
.
.