“Nhà vệ sinh túi nhựa” ở Kenya

Thứ Sáu, 08/02/2013, 18:15

Ở Kenya, trong nhiều khu dân cư ổ chuột, chẳng hạn như Nairobi, công việc kinh doanh túi tự hủy sinh học vệ sinh, dịch vụ thu gom chất thải đang là cơ hội làm giàu của người dân cũng như nhiều doanh nghiệp.

Từ "nhà vệ sinh túi nhựa"…

Ở Nairobi, Kenya, thói quen đi vệ sinh “phong cách thiên nhiên" đã tồn tại từ lâu, nhất là trong các khu dân cư nghèo. Để đến điểm "phóng uế", người dân phải đi một quãng đường cách khá xa nơi họ ở, nhà vệ sinh theo cách gọi của người dân nơi đây, chỉ là hốc đất, có thể có hàng chục hộ gia đình cùng dùng chung một hốc, mùi xú uế bốc lên nồng nặc do phân, nước tiểu đọng lại lâu ngày.

Ô nhiễm môi trường và nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong các khu vực "xả thải" vô tư này rất cao.

Không có gì ngạc nhiên, khi nhiều người dân ngại đi bộ đến điểm "tập kết" chất thải cá nhân. Vì sự kín đáo và tiện lợi, họ dùng túi nhựa để "xả thải" rồi sau đó quẳng các túi chứa ấy càng xa nhà mình càng tốt: một hiện tượng được gọi là "nhà vệ sinh bay" ở Kenya.

Nhiều chủ đất không muốn xây thêm nhà vệ sinh để nhanh chóng mở rộng các khu định cư không quy hoạch, vì xây dựng nhà vệ sinh rất mất thời gian, nên các chủ đất chỉ muốn xây phòng ở dễ kiếm tiền nhiều hơn. Đó là ý kiến của Stella Kitonga, Phó giám đốc dự án Peepoople, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong các khu ổ chuột Nairobi.

Quan tâm đến vệ sinh công cộng và nguy cơ lan tràn tiềm ẩn của nhiều loại dịch bệnh, Peepoople đã kịp đưa ra một phương pháp mới nhằm giải quyết khó khăn ở Silanga, một ngôi làng ở Kibera, khu ổ chuột lớn nhất Kenya: người dân có thể sử dụng một loại túi vệ sinh cá nhân tự hủy sinh học có tên gọi "Peepoo".

Thật ngạc nhiên, các túi Peepoo phù hợp với yêu cầu vệ sinh và phòng chống dịch bệnh của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi túi chứa khoảng 5 gram urê, phân hủy  thành ammonia, carbonate có thể dùng làm phân bón sinh học.

Các túi vệ sinh Peepoo đều có một lớp trong và một lớp ngoài. Lớp bên trong có một ống thông rộng để giữ sạch tay khi cầm hoặc đóng túi. Lớp ngoài bao lên lớp trong, có nút thắt ngăn ruồi, các động vật nhỏ tiếp xúc với phân, nước tiểu trong túi. Túi Peepoo có thể ngăn mùi hôi thối lên đến 24 giờ.

Một “nhà vệ sinh bay” ở Kenya.

Đối với phụ nữ sống trong các khu ổ chuột khi sử dụng túi vệ sinh Peepoo tại nhà riêng, họ được an toàn hơn là đi "tự nhiên".  Theo Giám đốc dự án Peepoople, Mika Mitoko, một số vụ hiếp dâm đã xảy ra, khi phụ nữ ra khỏi nhà để tìm chỗ đi vệ sinh. Nhưng kể từ khi dùng túi Peepoo, tội phạm hiếp dâm ở làng Silanga đã giảm xuống.

… đến cơ hội làm giàu nhờ chất thải

Túi vệ sinh mà người dân trong các khu ổ chuột ở Nairobi đang sử dụng được các nhà tài trợ hỗ trợ giá, giá bán một túi là 3 silling Kenya (0,03 USD).

Người dân cũng có thể sử dụng các loại túi cỡ nhỏ ở mọi nơi. Họ có thể giữ chất thải và sử dụng làm phân bón vườn, hoặc có thể đem đến các điểm thu gom để đổi lấy 1 silling (0,01 USD)/túi, như vậy, họ vừa kiếm được tiền, vừa giảm bớt số lượng túi vứt ra.

Việc hoàn lại một phần chi phí mua túi nhằm mục đích ngăn chặn người dân bán phá giá các loại túi, nhưng việc làm đó đã có kết quả ngoài ý muốn vì tạo ra nhiều việc làm "ăn theo". Chẳng hạn, đối với những người dân không muốn để chất thải quanh nhà hoặc ngại bỏ "phế phẩm" của mình đúng nơi quy định, dịch vụ thu gom tận nơi sẽ phục vụ họ chu đáo.

Cũng nhờ túi vệ sinh mà nhiều người thất nghiệp đã tìm được việc làm ổn định, chẳng hạn như câu chuyện của cô Mama Lucky, bà mẹ trẻ có 3 con nhỏ, đang kiếm sống bằng cách thu gom túi vệ sinh Peepoo đã qua sử dụng từ "nguồn cung" của hàng xóm và bạn bè. Sau khi thu gom được một khối lượng túi nhất định, cô Mama Lucky sẽ đem đến các điểm thu gom để bán lại.

"Tôi không có việc làm thường xuyên trước khi Peepoo được đem ra dùng, như vậy tôi đã thấy cơ hội khi người dân không muốn tự vứt túi", cô nói, trong khi đang giao một xô túi tại điểm thu gom.

"Bây giờ, tôi đi 2 vòng một ngày để nhặt Peepoo từ nhà dân. Trong một tuần may mắn, tôi có thể kiếm được 1.000 silling (11 USD)", Mama Lucky nói.

Ban đầu, vào năm 2010, một dự án thí điểm đã được giới thiệu, giờ đây Peepoo đang trong giai đoạn ra mắt chính thức, sẵn sàng triển khai ở các khu vực khác của Kibera.

Công việc giải quyết chất thải khu dân cư ổ chuột không chỉ giới hạn ở các tổ chức phi chính phủ. Thành phần tư nhân cũng đang tham gia và kiếm lợi.

Sanergy, một công ty có tên được lấy từ hai chữ do các sinh viên tốt nghiệp Trường đại học thương mại MIT thành lập, đang nhắm đến mục tiêu xây dựng một mạng lưới rộng khắp những trung tâm vệ sinh giá rẻ có tên gọi Fresh Life, Sanergy phân phối các Fresh Life bằng cách nhượng quyền thương mại cho các doanh nghiệp địa phương vận hành như các doanh nghiệp nhỏ.

Sau khi thu gom chất thải từ các nhà vệ sinh, Sanergy sẽ biến chất thải thành các sản phẩm hữu ích như khí sinh học, phân hữu cơ, đem bán cho các hợp tác xã.

Sanergy đã hợp tác với KIVA, một tổ chức tài chính vi mô cung cấp các khoản vay nhỏ cho  doanh nghiệp mong muốn đầu tư kinh doanh  nhà vệ sinh Fresh Life.

Ông David Auerback, đồng sáng lập Công ty Sanergy cho biết, mô hình kinh doanh rất đơn giản: họ đã khảo sát thị trường và biết được người dân có nhu cầu, sẵn sàng chi từ 3-5 silling Kenya (0,03 -0,05 USD ) để sử dụng công trình vệ sinh. Công ty Sanergy đảm bảo mức giá đó cho khách hàng.

Các doanh nghiệp quản lý nhà vệ sinh Fresh Life gia tăng lợi nhuận của họ thông qua việc bán sản phẩm bổ sung như giấy và băng vệ sinh.

Ông Auerback cho biết thêm, công việc kinh doanh như vậy sinh lợi đến nỗi số lượng công ty vận hành mạng lưới nhà vệ sinh Fresh Life đã tăng gấp đôi cùng với các doanh nghiệp thương mại khác. Để đưa ra "bằng chứng", ông Auerback cho hay việc buôn bán chất thải khu dân cư ổ chuột là "kinh doanh đầy khả thi"

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.