Nhạc sĩ Nguyễn Thành và bài ca bất hủ

Thứ Bảy, 12/05/2007, 09:00
Ai đã từng sống trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp không thể không biết bài hát nổi tiếng "Qua miền Tây Bắc". Nhưng cũng ít ai biết rằng người sáng tác bài hát đó đã từng "chối bỏ" đứa con tinh thần của mình.

Chẳng những bộ đội thuộc lòng mà mọi người dân ở khắp các vùng tự do  những năm 1953, 1954 đều hân hoan truyền khẩu: “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa. Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua. Bộ đội ta vâng lệnh Cha già...”.

50 năm qua, bài hát đã sống mãnh liệt trong nhiều thế hệ công chúng Việt Nam. Mỗi khi nhớ lại chiến cục Đông Xuân ngày ấy để dẫn tới Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, cùng với "Chiến thắng Điện Biên", "Hành quân xa", "Trên đồi Him Lam" của Đỗ Nhuận, "Hò kéo pháo" của Hoàng Vân, người Việt Nam lại say sưa hát "Qua miền Tây Bắc" mà tác giả khi ấy chưa là nhạc sĩ, mới chỉ là một chiến sĩ văn nghệ của Đại đoàn 308.

Các thành viên đều “đa năng”, vừa hát múa, đánh đàn, thổi sáo, thổi ácmônica, vừa diễn kịch, tấu hài, kể chuyện... Trên đường hành quân tiến vào giải phóng Nghĩa Lộ, một đêm phải dừng chân đốt lửa sưởi ấm giữa đèo Khâu Vác để chống rét.

Đêm về khuya, mọi người đã ngủ thiếp đi sau một ngày hành quân đi bộ cực kỳ gian khổ. Riêng Nguyễn Thành vẫn thức, không sao chợp mắt. Chàng thanh niên 22 tuổi khi ấy đã nghiện thuốc lá nặng.

Bên đống lửa bập bùng, nhìn các đồng đội đã ngon giấc, anh bỗng nảy ra ý định sáng tác một bài hát để ghi nhớ lại kỷ niệm về cái lần hành quân giải phóng Tây Bắc không thể nào quên trong đời này.

Không sẵn giấy, Nguyễn Thành bèn gỡ vỏ bao thuốc lá để ghi. Không biết có phải diện tích cái vỏ bao thuốc lá quá chật hẹp mà anh phải cố gắng viết bài hát thật ngắn gọn, chỉ vừa đủ diện tích của vỏ bao thuốc bằng bàn tay ấy.

Loay hoay chừng một giờ, bài hát được hoàn thành. Lúc đầu chỉ có một lời, nhưng không hiểu nghĩ thế nào, sau khi lẩm nhẩm hát đi hát lại, tác giả cảm thấy không vừa ý, bèn quyết định bỏ, sẽ viết lại vào lúc khác.

Thế là anh vò mảnh giấy rồi vứt đi, không một chút luyến tiếc. (Đối với những đứa con bằng xương bằng thịt, cha mẹ nào cũng xót thương dù chúng có tật nguyền đi chăng nữa; nhưng riêng đứa con tinh thần thì với những người  sáng tác khó tính, họ có thể tự không chấp nhận để dày công lao động tiếp tục - đó quả là điều đáng trân trọng).

Bài hát "Qua miền Tây Bắc".

Do thức khuya nên sáng hôm sau, Nguyễn Thành thức dậy sau mọi người. Mới tờ mờ sáng, có người tên là Phùng Đệ (sau này trở thành nghệ sĩ điện ảnh quân đội) táy máy mở cái cục giấy bao thuốc lá đã vo tròn kia ra.

Anh thấy một bài hát được ghi trên đó và xướng âm mới phát hiện là một bài hát hay. Lát sau, khi Nguyễn Thành thức dậy, Phùng Đệ hỏi:

- Thành, sao cậu lại vứt đi, nhập tâm thuộc lòng rồi à?

Nguyễn Thành vẫn tỏ ra kém hào hứng:

- Thôi, mình không ưng, để khi khác sáng tác vậy.

Và Phùng Đệ khẳng định với tác giả cùng mọi người:

- Không, hay lắm. Tin rằng khi hát, ai cũng sẽ thích thú.

Rồi sau đó bài hát được phổ biến luôn cho những chiến sĩ trong đơn vị. Càng hát, tất cả mọi người càng say sưa, cảm thấy như được cổ vũ, khích lệ thêm ý chí chiến đấu, giải phóng quê hương.

Rồi từ đó bài hát cứ thế lan truyền khắp vùng Tây Bắc và sống mãi trong đời sống tinh thần của quân dân ta cho đến ngày hôm nay.

Năm 1953, Nguyễn Thành được vinh dự tham gia phái đoàn Việt Nam tham dự Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới tổ chức lần thứ nhất tại thủ đô Bucarét (Rumani).

Anh cùng với chị Song Ninh song ca hai bài "Nhị Lang sơn" (bài hát Trung Quốc) và "Qua miền Tây Bắc. Khi trở về, đội văn nghệ được đến biểu diễn ở Mường Phăng cho các đồng chí chỉ huy mặt trận xem.

Sau khi nghe bài "Qua miền Tây Bắc", một cán bộ cao cấp tại mặt trận hỏi Lương Ngọc Trác: “Ai sáng tác bài này?” Sau khi biết anh chiến sĩ văn nghệ Nguyễn Thành vừa là tác giả, vừa là người hát, đồng chí cán bộ cao cấp lập tức yêu cầu đồng chí Hoàng Xuân Tùy (khi ấy là Trưởng ban Tuyên huấn mặt trận Điện Biên) phải thưởng cho tác giả bài hát phần thưởng xứng đáng.

Sau khi chiến dịch Điện Biên kết thúc, Nguyễn Thành được thưởng Huân chương Chiến công hạng 3 do đã viết nên một bài ca xuất sắc.

"Qua miền Tây Bắc" là một bài hát hết sức ngắn gọn, thể ca khúc quần chúng, dễ hát, dễ thuộc, nam phụ lão ấu ai cũng có thể hát, rất phù hợp với sinh hoạt tập thể của bộ đội.

Khi sáng tác, tác giả mới chỉ biết sơ qua về nhạc lý, võ vẽ chút ký xướng âm. Bài hát không có gì đáng bàn về kỹ thuật, về những thủ pháp sáng tác, chỉ có cảm xúc dào dạt và một ngọn lửa của tuổi trẻ đang cháy bỏng lý tưởng giải phóng quê hương tạo nên thành công bất ngờ.

Nhạc sĩ Nguyễn Thành đã qua đời vào tháng 8/2002, nhưng ông đã sống mãi cùng "Qua miền Tây Bắc" bất hủ. Công chúng nhiều thế hệ ghi nhớ ông. Riêng ông thuở sinh thời đã rất biết ơn người đồng đội Phùng Đệ, bởi Phùng Đệ phát hiện ra bài hát mà chính tác giả đã tự bỏ đi, có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được bài hát. Một sự “cải tử hoàn sinh” có một không hai trong sáng tác. Có phải vì thế mà bài hát càng trở nên bất hủ?

Kiều Thầm
.
.