Nhạc sĩ Quốc Trung: “Làm nhạc không chỉ để lấy tiền hay lấy tiếng…”

Thứ Tư, 01/12/2010, 09:25
Người làm nhạc cho "Cánh đồng bất tận", một bộ phim được coi là hot trong suốt nhiều ngày qua, hóa ra lại là một nhạc sĩ được coi là dịu dàng của làng nhạc Việt. Không rầm rộ ra đĩa CD, hay mở live show, rồi có những phát ngôn gây sốc như những nhạc sĩ thị trường, cũng không cần phải cậy nhờ đến những ca sĩ thuộc hàng "hot" để tiếp thị âm nhạc của mình đến khán giả, như chiêu bài của một số nhạc sĩ đình đám giả thường khác. Quốc Trung đi con đường riêng, giản dị và bình lặng hơn nhiều.

Trong mắt của nhiều người, anh được coi là nhạc sĩ nhạc nhẹ số 1 của Việt Nam hiện nay. Nhạc sĩ Dương Thụ đã có lần trìu mến gọi anh là "tinh hoa, điểm sáng của nhạc Việt", nhưng, như một bức màn ngăn, anh vẫn thường bị kêu là nhạc sĩ lười. Tuy vậy, khi cần tìm nhạc cho show diễn lớn hay dự án phim quan trọng, thì Quốc Trung là cái tên đầu tiên mà người ta nghĩ đến và lôi kéo cho bằng được. Kết quả là năm nay anh đã bội thu với kỷ lục sáng tác nhạc cho 3 phim khá đặc biệt.

Phóng viên: Chỉ tính riêng trong năm nay, anh làm nhạc cho khá nhiều phim Việt đình đám, từ phim nhựa "Cánh đồng bất tận", phim dã sử về mối tình của đại thi hào Nguyễn Du với nàng Cầm trong "Long Thành cầm giả ca", rồi lại 30 tập phim truyền hình làm nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng - Hà Nội, "Thái sư Trần Thủ Độ", hẳn ở anh có điều gì đó khiến các đạo diễn nhắm đến?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Tôi cũng không nghĩ mình có gì đặc biệt đâu. Có lẽ, mọi người chú ý đến "Đường xa vạn dặm" (âm nhạc của Quốc Trung - PV) nên các dự án phim lớn gần đây, khi âm nhạc trong phim cần đậm chất dân tộc thì đạo diễn nghĩ đến mình.

Thật ra, tôi thích nhạc phim cách đây 20 năm rồi, từ hồi còn là một cậu sinh viên. Và sau khi ra trường được tham gia hai, ba bộ phim, những bộ phim đấy lúc đầu năm 1993, "10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc", của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Tiếp đến một số phim từ năm 1994 đến 1997 nhưng không thành công cho lắm. Sau này có "Chuyện của Pao" của đạo diễn Ngô Quang Hải hay phim "Trái tim bé bỏng" của Nguyễn Thanh Vân.

Nhạc trong những phim tâm lý thì phải là nhạc không lời là chính. Nhạc không lời cũng là thế mạnh của tôi, và nhạc phim là thứ tôi thích khi học ở trường nhạc. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn thích nhạc không lời nhiều hơn là ca khúc. Tôi đã chọn con đường ấy, bởi, đơn giản tôi nghĩ mình làm cái đấy tốt hơn chứ không phải là cái gì nó cao siêu hơn.

PV: Âm nhạc là yếu tố góp phần quyết định thành công một bộ phim, nhưng khi xem phim mọi người hay nhắc đến đạo diễn, diễn viên, chứ rất ít khi nhắc đến nhạc sĩ. Nên có lần thấy anh nói không cần có tên trên phim, mà quan trọng là phải trả cátsê cho xứng?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Có những bộ phim tôi tham gia trước đó người ta đã mời người khác viết nhạc rồi. Họ lấy lý do là hợp đồng hoặc phim nhựa phải bắn chữ không sửa được thì nói là không thể đề tên tôi là nhạc sĩ chính của bộ phim. Mình bảo: "Ừ, không đề tên thì sẽ lấy tiền nhiều hơn". Chuyện đấy tôi nghĩ là cũng hết sức bình thường và sòng phẳng. Bởi vì tôi không phải là người chỉ làm lấy tiền, hay chỉ làm lấy tiếng.

Nhưng, bộ phim là sự tổng hợp của tất cả các thành phần, thậm chí vai trò cao nhất không phải là đạo diễn nữa mà khi nhớ đến bộ phim người ta nhớ đến diễn viên nhiều hơn. Muốn tìm hiểu sâu hơn người ta mới biết đến tên đạo diễn, chứ chả ai cần để ý đến ông nhạc sĩ là ai, ông quay phim là người nào cả? Tôi nghĩ chuyện đấy cũng bình thường thôi.

Ở nước ta, trong nghệ thuật thì người ta tỏ ra ham hố một cách thái quá và hay thích đứng lên hàng đầu. Như ở trên thế giới, những ca sĩ nổi tiếng Celine Dion, Madona... cứ hát là hát thôi, có giới thiệu tên nhạc sĩ là ai đâu? Chứ đâu như ở ta, người ta giới thiệu của nhạc sĩ nào, thơ của ai. Có lẽ người Việt Nam trọng lễ nghĩa hơn là... kinh tế (cười).

PV: Là con trai độc nhất của NSND Trung Kiên, sống trong cái nôi của gia đình nghệ thuật, chả trách anh bộc lộ năng khiếu từ sớm...

Nhạc sĩ Quốc Trung: Ngày tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi đi công tác xa nhà triền miên, nên đến khi cho tôi học nhạc thì rất muộn, lúc thi vào trường nhạc tôi còn không biết đọc khóa nhạc.

PV: Thật sao? Năm đấy anh bao nhiêu tuổi?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Năm đó tôi vừa tròn 12 tuổi, đấy là hạn tuổi cuối cùng để vào trường nhạc. Học piano, trẻ thường được học từ lúc 6 tuổi. Vậy mà, lúc đó một cậu bé lộc ngộc như tôi, thậm chí còn ngu ngơ đến độ không biết khóa nhạc là gì, thế rồi cũng rất may là mình học nhanh. Đến khi vào nhạc viện học rồi, làm bài kiểm tra được điểm 10 thì về nhà bố mắng là đi quay bài của bạn. Vì ngày đó, tuổi thơ tôi, cả bố và mẹ đều đi biểu diễn, nên tôi hoàn toàn không được học trước, lúc vào trường học, môn ghi xướng âm mình học giỏi, được điểm cao, về thì toàn bị bố mắng là quay bài của bạn.

PV: Anh còn nhớ rõ nhỉ?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Vâng, kỷ niệm của những ngày đầu học nhạc mà...

PV: Trong đời sống nghệ thuật, có vẻ như các nghệ sĩ rất ít khi khen nhau, và càng rất khó khăn khi công nhận tài của nhau? Tại sao vậy?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Tiệm tùng lời khen một cách quá mức, rất giỏi trong việc bình phẩm và chê bôi, tôi nghĩ đấy là nghệ sĩ Việt Nam thì đúng hơn. Ở nước ngoài nếu bạn tìm một lời chê rất khó. Đi làm với các bạn nước ngoài nhiều nên tôi biết muốn nhờ người ta nhận xét một cách chân thực nhất để chê mình khó đến thế nào. Thậm chí tôi rất thành tâm, hỏi rõ muốn người ta nhận xét thì phải như thế nào, chứ không thì chỉ có nghe khen thôi. Vì trước nhất đấy là văn hóa, thứ hai, nghệ thuật thì rất vô cùng, anh không thể lấy cái chuẩn của cá nhân mình để anh ép vào bất cứ ai. Nghệ thuật không có công thức nhất định.

Âm nhạc của “Cánh đồng bất tận” là một trong những thăng hoa của Quốc Trung.

PV: Một sản phẩm, có thể người này thích điên lên, người kia cảm thấy ghét vô cùng là quá bình thường. Người ta cứ hay mang tính áp đặt, đặt cái tôi cá nhân cao hơn tất thẩy. Điều đó làm mọi người đều rất mệt...

Nhạc sĩ Quốc Trung: Bạn nói đúng, và nó diễn ra không chỉ trong đời sống âm nhạc đâu mà nhìn chung nghệ thuật của ta là thế đấy. Đó là điều ảnh hưởng từ nền giáo dục phong kiến, ông bà áp đặt cho bố mẹ, bố mẹ áp đặt cho con mà không có sự tôn trọng cá tính riêng của nhau.

Ở nước ngoài, người ta đề cao "cái tôi cá nhân". Các bác nhạc sĩ bảo nhạc Việt Nam phải như thế này, thế kia. Thật ra chúng ta không hề có công thức gì để nói rằng thế mới là âm nhạc Việt Nam, mà do cảm nhận cá nhân của từng người. Âm nhạc mỗi người cảm nhận khác nhau. Chính vì thế tạo cho người ta một thói quen là áp đặt quan niệm cá nhân của mình.

Với nghệ thuật, người ta có thể chỉ đưa ra cho nhau những nhận xét về phương thức làm việc. Như cách làm việc thế này tiếp cận khán giả hơn, còn cá tính âm nhạc cần phải được tôn trọng. Anh chỉ nên nói thích hay không thích. Đôi khi ở ta có thói quen chê bai và mạt sát. Tôi có thể không thích nhưng tôi tôn trọng quan niệm riêng của cá nhân anh. Tất nhiên có nguyên tắc về thẩm mỹ, mỹ học, toán học, kinh doanh nhưng nghệ thuật hãy nhớ rõ là chẳng có một nguyên tắc nào.

PV: Nhiều nhạc sĩ thế hệ trước tỏ ra yêu mến anh, như nhạc sĩ Dương Thụ đã ca ngợi anh là "tinh hoa, điểm sáng của nhạc Việt" vậy mà người ta gọi anh là nhạc sĩ lười, anh có nghĩ, anh chưa sử dụng hết tài của mình chăng? Ý tôi muốn nói, có nếu anh cứ cố, cứ dấn thêm lên một chút, hẳn anh sẽ thành công và tỏa sáng hơn hiện thời rất nhiều...

Nhạc sĩ Quốc Trung: Tính tôi tương đối nhát. Tôi lại không phải là người thích bon chen, đấu tranh, giành giật. Cuộc sống căng thẳng quá thì thường là mình né đi. Bản thân tôi, tôi thấy mình cũng rất kém trong quan hệ hay là vận dụng những cơ hội, bởi tôi rất ngại làm phiền, nhờ vả. Chính thế nên mọi thủ tục liên quan đến giấy tờ hành chính của tôi rất bê bối. Và mỗi khi đến những chỗ như thế, tôi cảm thấy mình rất hoang mang, thấy mình rất... kém.

PV: Thế là rõ rồi, anh là một nhạc sĩ chẳng có tham vọng gì?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Tôi chỉ có khát vọng. Khát vọng khác tham vọng. Tham vọng thì phải có sự cay cú, đi quá lên thì nó gần với sự đố kị nhiều hơn. Tôi không cho người tham vọng là xấu, mỗi người chọn cho mình cách sống của người ta. Người tham vọng là người phải biết chộp lấy cơ hội, tôi lại là người không phải vậy...

PV: Nghệ sĩ thường tính khí thất thường, anh thế nào?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Tôi tương đối là điều hòa. Không phải là người dễ xúc động hay ít khi nổi cáu.

PV: Chính vì sự bình tĩnh của anh nên nhiều người nói Quốc Trung ở trạng thái trung dung. Trong khi đó, nữ hoàng nhạc nhẹ Thanh Lam, một người đàn bà lúc nào cũng hừng hực như nham thạch núi lửa phun trào. Có phải hai người chia tay nhau cũng vì sự thiếu "điên" của anh không?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Người nghệ sĩ cứ hay cường điệu hóa cái sự "điên". Không phải ai, người nghệ sĩ nào cũng "điên". Bây giờ có những người nghệ sĩ hơi mang tính thương mại bắt buộc anh phải có sự tỉnh táo ở trong đấy. Người nghệ sĩ mà chỉ làm cho cá nhân mình thích thôi thì người ta sống riêng trong thế giới của người ta, không phụ thuộc vào thị trường hay nền công nghiệp nhiều lắm. Đấy là người nghệ sĩ độc lập, rất đáng quý. Tôi thì không thể làm người nghệ sĩ như thế bởi vì, thứ nhất là tôi không phù hợp, thứ hai là tôi còn nuôi hai con nữa nên không thể nào sống thái quá. Tất nhiên làm việc thì người ta đòi hỏi cái sự tỉnh táo nhiều hơn...

PV: Nhưng nghệ sĩ nếu có tí lửa thì dễ có cảm xúc và thăng hoa...

Nhạc sĩ Quốc Trung: Thăng hoa còn tùy thuộc vào bệ phóng. Tôi cũng thăng hoa chứ. Bạn thấy đấy, trong "Cánh đồng bất tận" thì cũng là một cái thăng hoa. Toàn bộ phim tôi làm nhạc chỉ trong vòng 2 ngày. Với tôi, làm việc phải có bệ phóng, phải có mục đích nhất định, không thể tùy tiện theo hứng mà chả có chủ định trước...

PV: Anh vừa nhắc đến con, các con anh giờ chắc lớn lắm rồi?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Cháu gái năm nay đã 15 tuổi, cháu trai 13 tuổi. Cả hai đều theo nghề truyền thống của gia đình, học piano ở Nhạc viện. Học nhạc thứ nhất là phải phụ thuộc vào có năng khiếu thì mới học được, thứ hai cho con học nhạc thì đấy là điều kiện tốt nhất để gia đình tạo điều kiện cho con cái, bởi trong lĩnh vực âm nhạc, gia đình mình có ông bà, bố mẹ có thể hướng dẫn cho các con được...

PV: Ở một khía cạnh nào đó, tính ích kỷ là bản chất của con người, kể cả về nghề hay tình cảm, nếu anh không ngại, tôi có thể hỏi điều này được không?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Được, bạn cứ hỏi...

PV: Khi anh và Thanh Lam chia tay, trong thời gian đó, Thanh Lam với nhạc sĩ Lê Minh Sơn kết hợp rất ăn ý. Và cả hai mau chóng trở nên rất đình đám, và có nhiều ca khúc khá ấn tượng, anh có ghen không? Anh đừng nói là anh không quan tâm tí gì đâu nhé?...

Nhạc sĩ Quốc Trung: Thật ra chuyện đấy đối với tôi rất bình thường vì do mình không có điều kiện, hay là mình không có cảm hứng để kết hợp với nhau nữa thì người ta tìm người khác là bình thường thôi mà. Nhiều khi mọi người cứ đề cập với tôi chuyện đấy, quả thực tôi không thích nói chuyện đấy với công chúng vì mình nhận xét tốt thì người ta nghĩ có gì đó không thật, thì càng không hay... Sự thật là mình không có sự cay cú gì ở trong đấy cả.

PV: Đổ vỡ trong hôn nhân đã lâu, giờ hai con cũng đã lớn, anh có ý định gì cho riêng mình chưa?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Điều đấy tôi không bao giờ nghĩ tới. Tôi cũng chưa khi nào cảm thấy mệt mỏi, hay buồn phiền vì không có phụ nữ ở bên cạnh. Trong cuộc sống, tôi tìm niềm vui ở chỗ khác, tôi có nhiều mối quan tâm và sở thích, như xe thể thao, tụ tập bạn bè đi picnic. Mỗi lần đi du lịch tôi thích lắm. Nhưng, trong cuộc sống thì cũng chả nói mạnh được cái gì, có thể bây giờ thì chưa, nhưng biết đâu đấy, duyên số nó đến cũng chả biết thế nào mà khẳng định trước được. Nhưng bảo mong ngóng với chờ đợi thì không, cuộc sống này, ông trời sắp đặt hết cả rồi. Cái gì đến sẽ tự đến thôi...

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.