Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng: Gom bao đau đớn hát về yêu thương

Thứ Ba, 25/07/2017, 08:56
Nắng chiều đã tắt. Chiếc lá vàng khẽ đậu bên song cửa. Người nhạc sĩ ra đi trong giấc ngủ thiên thu, chẳng còn đau đớn, chẳng còn nỗi cô độc nào vây quanh. Vẫy tay cõi tạm, ông đi, thanh thản và âm thầm như giai điệu bài hát cuối cùng viết cho đời mình... Đại lộ hiu hắt buồn.


Nhạc sĩ của miệt vườn Nam Bộ

Hồi mới bị căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt hành hạ, người thân, sơ đến thăm, ông cười hề hề: “Nhìn tui vầy ai biểu là bịnh hen”. Nhìn ông, người ta chẳng nghĩ tay này là nhạc sĩ. Tướng ông to lớn, đôi tay thô kệch như lão nông tri điền sông nước Nam Bộ. Giọng nói của ông cứ sang sảng như gió bạt trên sông, ngay cả lúc đang nằm trên giường bệnh, chân nhấc không nổi nữa. Phút cuối đời mình, ông muốn về lại quê hương. Để rồi ngày 19-7, đất mẹ Hồng Ngự, Đồng Tháp ôm ấp di hài người con thân yêu vào lòng.

Nơi ấy, ông đã viết nên bài ca đầu đời tuổi đôi mươi: “Hồng Ngự mang tên em”. “Tôi có người yêu mang tên Hồng Ngự/ Giờ đây cách trở xa xôi mịt mờ/ Lòng còn tràn bao nhung nhớ/ Hình dáng của người em thơ/ Tôi sẽ về thăm quê hương Hồng Ngự/ Nhìn lúa Tháp Mười vươn lên đầy đồng...”. Bài hát mượn hình bóng của một cô gái để gửi gắm tấm lòng của người con với cố hương.

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng vui thú điền viên ở nhà vườn Bến Cát, Bình Dương.

Chẳng được học hành âm nhạc bài bản nhưng Tô Thanh Tùng có đến ngót nghét 200 tác phẩm và rất nhiều trong số đó được công chúng mộ điệu thuộc nằm lòng. Đến tận lúc nằm xuống, ông vẫn không ngờ mình có được phước phần to lớn đó. Chẳng vào Hội Nhạc sĩ, chẳng giải thưởng nọ kia, với ông, được nghe “Giã từ”, “Tình cây và đất”, “Xót xa”, “Về miền Tây”, “Tiễn biệt”, “Sao anh nỡ đành quên”, “Thăm Huế”... ra rả khắp hang cùng ngõ hẻm là đã vinh danh, đã sướng ti tỉ rồi. Hồi còn học tú tài ở quê nhà, ông mày mò tự học nhạc lý từ đàn anh đi trước. Đưa các sáng tác đầu tay cho mấy ông nhạc sĩ xem, Tô Thanh Tùng khoái chí khi được khen: “Hơi của anh dài thiệt à nghen”.

Khoái chí đến lần thứ ba thì ông phát hiện, hóa ra mấy ổng nói xỏ mình viết nhạc mà không có chỗ ngắt hơi, ngưng nghỉ. Nhục muốn độn thổ. Lên học trường Văn khoa, ông bắt đầu biết cách chắt lọc ngôn ngữ giản dị nhưng pha chút thi phú để lời ca trở nên sâu lắng, mượt mà, man mác buồn với điệu bolero đang thịnh hành ở miền Nam lúc bấy giờ.

Năm 1970, ông mê như điếu đổ cô thiếu nữ tên Diễm làm thu ngân ở quán cà phê khu Đa Kao, quận 1. Cô Diễm này nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng mê tợn nhưng không phải là Diễm trong bài hát nổi tiếng “Diễm xưa”. Diễm có rèm mi nhung phảng phất một trời sầu. Đôi mắt ấy đốn rụng tim bao tao nhân mặc khách qua đây. Ngày nhớ đêm mong, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng có ngay bài “Mắt Diễm buồn” để lấy le với nàng. Hai người yêu nhau, đưa nhau về ra mắt họ hàng đôi bên. Đang trên đỉnh hạnh phúc, ông như rơi xuống đáy vực.

Gia đình ông không đồng ý vì nàng là người Bắc. Gia đình nàng càng chẳng ưng gì chàng rể tương lai là nhạc sĩ, lại người miền Tây. Bà cụ nhà nàng mời nước, chàng bưng lên làm một hớp ngon lành. Chờ bạn trai quý hóa của cô cháu gái dắt xe ra khỏi cổng, bà vùng vằng: “Cái ngữ không biết lễ độ ấy thì bà không cho rước nhá!”. Vì một chén nước, mỗi tình vỡ tan tành. Thật lâu sau, ông đến quán Diễm. Tình đã tưởng quên, buồn đã tưởng nguôi bỗng tìm về tê tái. “Mắt Diễm buồn” bất giác bật ra trên môi. Có người ta nói nhỏ vào tai: “Anh đừng hát bài đó nữa, cổ đi lấy chồng rồi”.

Đêm Sài Gòn không ngủ, ông lang thang trên đại lộ Trần Hưng Đạo mà nghe bước chân trĩu nặng dưới ánh đèn mờ. Đêm ấy, người nhạc sĩ viết nên “Gia từ” như lời cuối cho một cuộc tình phôi pha. "Tuổi đời chân đơn côi/ Gót mòn đại lộ buồn/ Đèn đêm bóng mờ nhạt nhòa/ Hồn lắng tâm tư/ Đi vào dĩ vãng/ Đường tình không chung lối/ Mang nuối tiếc cho nhau... Em sang ngang rồi chôn kỷ niệm vào thương nhớ/ Hôn lên tóc mềm lệ sầu thắm ướt đôi mi/ Xin em một lời cho ước nguyện tình yêu cuối/ Thương yêu không trọn thôi giã từ đi em ơi...".

Mối tình với Diễm rồi cũng nguôi ngoai khi ông gặp nữ ca sĩ miệt vườn Thu Vân. Ông đưa cô lên đô thành, thu âm bài “Giã từ” phát trên đài phát thanh Sài Gòn. Nhưng chương trình ca nhạc của đài chỉ ưu ái những giọng ca có tên tuổi. Không biết Tô Thanh Tùng năn nỉ kiểu gì, cuối cùng nhạc sĩ Lê Dinh, trưởng phòng văn nghệ đài phát thanh Sài Gòn, cũng gật đầu cho Thu Vân hát. Giọng ca sầu bi của cô khiến mọi người trong đài sững sờ. Bài hát liên tục được thính giả khắp nơi yêu cầu phát đi phát lại.

Sau này, “Giã từ” được rất nhiều giọng hát nổi tiếng trong nước và hải ngoại thể hiện như: Giao Linh, Phương Dung, Quang Lê, Trường Vũ, Đan Nguyên, Mạnh Quỳnh, Bảo Yến, Ngọc Sơn, Quốc Đại...

Những bài ca ông chắt ra từ biến động cuộc đời mình. Nhạc sĩ đa tình với bao bóng hồng đi qua trong đời. Ngày đó, có cô yêu và nuôi mộng trở thành người nâng khăn sửa túi cho ông. Nhưng Tô Thanh Tùng lúc đó đang đi học, ông không muốn bỏ dở để cưới vợ. Nên mỗi lần về quê, ánh mắt hờn trách của người xưa lại xoáy vào tim. Và ông nghe lời trách ấy để viết nên bài “Sao anh nỡ đành quên” như cách mình hóa thân vào cô gái trách người yêu bội bạc.

Đời ông, những bóng hồng qua đời để lại buồn nhiều hơn vui hay như ngạn ngữ phương Tây vẫn triết lý: “Đàn bà nhớ những người đàn ông làm cho họ cười. Đàn ông nhớ những người đàn bà làm cho họ khóc”. Vết dằm nhức nhối ông rút ra thành nhạc, nghe mà ngậm ngùi. "Đôi khi lòng muốn yêu em thật nhiều/ Mà ân tình đó trả lại bao nhiêu/ Đời em là cả ước muốn tương lai/ Mà tôi giờ chỉ tay trắng đôi tay/ Làm sao chung đường chung bước...". (Xót xa). Tình yêu son sắt ngỡ thành đôi. Nhưng tham vọng cao sang, ước muốn xa vời đã cướp mất người yêu, cướp luôn mối tình đẹp.

Mảnh đất Hồng Ngự cho ông tài hoa để viết nên những bài ca rặt chất Nam Bộ, phóng khoáng theo con nước Chín Rồng. Ở những bài tình ca, chất oán Nam Bộ phảng phất thì ở các bài đề tài quê hương lại là chất vui tươi, hồn nhiên của tâm tình người dân miệt vườn. “Giăng câu”, “Về miền Tây”, “Chiếc xuồng”, “Tình em Tháp Mười”... là các ca khúc tiêu biểu. Trong đó, “Giăng câu” khác lạ với kiểu đối đáp hóm hỉnh, trêu ghẹo của người dân lao động trên kênh rạch, sông nước miền Tây.

Ông kể hồi đó đi nhậu say về khuya, bà xã chống nạnh đứng ngay ở cửa: “Ông đi đâu khuya lơ khuya lắc mới dìa?”. Ông gật gà gãi đầu gãi tai. Chẳng lẽ kêu đi chăn trâu, bả hổng có tin. Nói đại đi giăng câu cho rồi. Vợ tức mình vặn vẹo: “Câu con cá gì?”. Ông tỉnh bơ: “Con cá rồi đời chứ con cá nào nữa”. Vợ tính làm tới thì ông đã ngáy khò khò.

Bài “Giăng câu” ra đời từ tình huống ngộ nghĩnh như thế. “Em hỏi anh đêm nay đi đâu?/ Anh nói rằng anh đi giăng câu/ Anh đi giăng câu trên chiếc xuồng câu/ Anh có cây sào anh chống ào ào, chống ào ào...". Lúc mới viết xong, đem cho mấy ông bạn nhạc sĩ, ai cũng trố mắt: “Bộ mày khùng hả? Viết cái bài gì mà lạ đời vậy nè”. Khác với các bài tình ca, bài này ông chào mời hoài mà không có hãng băng nào chịu mua. Cuối cùng ông nhét đại nó vào cuối tuyển tập ca khúc “Mưa bụi” của nhạc sĩ Vinh Sử. Ai ngờ bài hát do Tài Linh và Đình Văn thể hiện nhanh chóng gây sốt, đặc biệt là ở hải ngoại vì nó gợi lại một miền ký ức với cảnh đi giăng câu bình dị cho người xa cố hương.

Yêu miệt vườn nên mảnh đất của ông ở Bình Dương cũng mang dáng dấp quê nhà với hồ sen, ao cá, bờ tre, kênh rạch... Ngày ngày vác cuốc ra vườn, nhấm chén trà, nghe chim hót, với ông, sao bình yên đến lạ. Chỉ tiếc, giấc bình yên ấy sao quá ngắn ngủi.

Mải miết đi tìm khúc hoan ca

“Thiên thu” là ca khúc cuối cùng trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. Ông viết khi đang nằm trên giường bệnh, chịu đựng căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt hành hạ.

Ca khúc “Giăng câu” của Tô Thanh Tùng được ca sĩ Tài Linh và Đình Văn thể hiện rất thành công.

Cuối cùng rồi cũng phải ra đi không bao giờ trở lại/ Trả cho đời bài ca còn đó/ Trả cho người buồn vui thế gian/ Trả cho em tình yêu nồng nàn/ Không còn gì, không còn gì nữa/ Thôi cũng đành vẫy tay chào đi vào thiên thu.../ Cho tôi đi tìm khúc hoan ca...".

Dòng cuối, với ông thanh thản thế. Nhắm mắt là hết mọi nợ nần thế gian. Bóng đêm cô đơn chẳng là gì nữa. Chỉ có giấc ngàn thu nằm nghe lá hát... Ông viết cho mình, viết cho người.

Nhạc của Tô Thanh Tùng có nhiều bài buồn nhưng không hề ủy mị. Nếu để ý sẽ dễ dàng nhận thấy câu cuối của những bài như vắt từ nỗi đau bao giờ cũng nhìn về một tương lai tươi sáng. Chẳng hạn như “Người về trong thương nhớ/ Người đi nhớ thương người” (Giã từ) hay “Chúc em phương đó có nhiều tương lai/ Với bao mong nhớ đong đầy trên tay” (Tiễn biệt). Ông ví nỗi đau như ly trà, đắng chát đầu môi nhưng dư âm còn lại là vị ngọt.

Ông áp dụng phương châm “ly trà” vào cả cuộc đời mình. Dẫu “Đời có là chiếc lá rụng bên song”, dẫu lắm thăng trầm thì ông vẫn là chiếc lá đã xanh hết mình với đời, yên ả buông mình trong gió nhẹ. Ông cười mọi lúc có thể, làm mọi việc có ích khi có thể để trả ơn cuộc đời. Những ngày cuối cùng của cuộc đời mình ông vẫn cười nói rổn rảng, vẫn rong ruổi theo các đoàn về miền Tây làm từ thiện dẫu phận mình nghèo túng, bịnh tật. Ông xách guitar lên đờn tưng bừng, ca những bản nhạc bolero buồn rầu ruột của mình để giao lưu với bà con.

Ca xong “Giã từ”, “Xót xa” thì quất luôn “Giăng câu”, “Tình cây và đất”, “Về miền Tây”, “Hồng Ngự mang tên em”, “Sao anh nỡ đành quên”... Bạn bè đối ẩm, khề khà chén tạc chén thù,  không uống được thì ông xin mần một bản đờn cho bạn bè ca hát om sòm.

Bịnh vậy, nhưng phóng viên hay ai xin gặp, ông cũng gật đầu cái rụp, lại sốt sắng hướng dẫn tỉ mỉ đường đi như sợ người ta lạc mất nhà, sợ phút chờ đợi dài thêm ra. Nhìn ông bước xuống cầu thang nhọc mệt, tôi tính chỉ ngồi với ông dăm phút rồi để ông nghỉ ngơi. Nhưng biết ý, ông biểu cứ ngồi nói chuyện khi nào chán thì về, có gì đâu mà ngại. Mệt thì nghỉ lấy hơi để chút nói tiếp.

Ông vẫn tập thể dục đều đặn, vẫn chẳng kiêng khem cái gì bởi: “Tâm lý mình nó quan trọng lắm cháu, cứ sợ bịnh, sợ chết thì chắc cú mình sắp chết tới nơi và đau yếu hơn thôi. Vui vầy thấy cơn đau cũng đỡ. Nó thấy mình vui nó quên mình hay sao á”. Cắt nghĩa xong ông lại cười khà khà.

Chiều ấy, con nắng đã chếch bên phố. Căn nhà của người bạn ở quận Bình Thạnh nằm trên góc đường yên tĩnh, bớt cộ xe. Từ ngày chia tay hai bà vợ, con cái ở xa, ông lủi thủi một mình giữa nhà vườn thênh thang dưới Bến Cát, Bình Dương. Ra vào với cái cây con cá cho vơi đi nỗi cô quạnh về chiều. Ông đổ bịnh. Vườn tược để mặc cho gió thốc. Khăn gói quả mướp lên TP Hồ Chí Minh, tá túc nhờ nhà bạn để trị bịnh. Mọi chi phí trông cả vào tiền tác quyền mỗi tháng. Bệnh tật vắt kiệt gia tài của ông. Người nhạc sĩ lâm vào cảnh túng quẫn. Nhưng ông chẳng nói gì, chẳng kêu than ai. Vì ông biết, đời vô thường, rồi ai cũng tới đoạn cuối đời mình.

Hồi được các nghệ sĩ quyên góp cho hơn 100 triệu, cầm mà ông rưng rưng: “Từ hồi đến giờ chú mới nhận được số tiền lớn như vậy”. Ông còn khoe, tháng 10-2016, các nghệ sĩ sẽ tổ chức cho ông đêm nhạc riêng để gây quỹ cho ông vào thuốc mấy đợt nữa. Chuẩn bị đâu vào đấy thì bịnh ông trở nặng. Giờ đây, ông vĩnh viễn không bao giờ được thưởng thức đêm nhạc như món quà cuối cùng dành cho mình nữa.

Cơn mưa chiều tiễn ông về lòng cố hương. Ở phương xa ấy, người nhạc sĩ 73 tuổi ngoái đầu mỉm cười. Ông thong dong đi tìm con nắng mới trên ngọn cỏ muôn đời vẫn rì rào khúc hoan ca đồng nội...

Mai Quỳnh Nga
.
.