Một cuộc hội thảo quốc tế bổ ích tại Hà Nội:

Nhận diện giá trị của Hoàng thành Thăng Long

Thứ Sáu, 05/12/2008, 10:30
Thăng Long 1.000 năm tuổi. Đó là phát hiện có tính quyết định để Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, bao gồm khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và khu thành cổ Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới vào đúng dịp Hà Nội tròn 1000 năm.

Cuộc hội thảo quốc tế lần này đã nhận được sự đồng thuận của những người trong giới khoa học khi các nhà khảo cổ học và sử học Việt Nam đưa ra đầy đủ bằng chứng để khẳng định một vấn đề quan trọng, rất rõ ràng: Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu không chỉ nằm trong khu trung tâm của Hoàng thành mà còn nằm trong khu trung tâm của cấm thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.

Đồng thời vị trí của khu này còn nằm ngay trong khu vực vốn là lị sở của An Nam đô hộ phủ thuộc thời Đường (thế kỷ VII - IX). Cuộc khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu đã phát lộ một quần thể bao gồm nhiều loại hình di tích kiến trúc dưới lòng đất, minh chứng sự hiện hữu lịch sử lâu dài của kinh đô Thăng Long qua gần 1.300 năm, từ thời Tiền Thăng Long (thế kỷ VII-IX), qua thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X) đến thời kỳ Thăng Long - Hà Nội, dưới sự trị vì của các vương triều Lý - Trần - Lê - Nguyễn (từ năm 1010 đến đầu thế kỷ XX). GS, TS Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Giá trị nổi bật và tính độc đáo của khu di tích này là có nhiều tầng văn hóa của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau, tiếp nối nhau liên tục không đứt đoạn, gồm: Các kiến trúc thời Đại La (thế kỷ VII - XI), các di tích kiến trúc thời Lý và thời Trần (thế kỷ XI -XIV), các di tích kiến trúc thời Lê (thế kỷ XV-XVIII) cùng các dấu tích cảnh quan sông, ngòi, ao, hồ...

Các di tích đó có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp, nhưng rất phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long.

Bên cạnh đó, khu di tích này còn tìm được hàng vài triệu di vật khảo cổ, trong số đó có nhiều gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á minh chứng rõ mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa của Thăng Long trong lịch sử”.

Trong những năm qua, việc tiến hành khai quật và nghiên cứu khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu với tổng diện tích khoảng trên 19.000m2, mặc dù các dấu tích qua hơn 1.000 năm chồng chéo, phức tạp, nhưng Viện Khảo cổ học đã phát lộ được nhiều di tích, di vật vô giá dưới lòng đất, đồng thời đã tiến được một bước rất dài trong việc nhận diện  mặt bằng các di tích kiến trúc nơi đây.

Cụ thể, PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, Chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long đã công bố hệ thống các di vật đã xác định được niên đại tương đối và tuyệt đối tìm được trong khu di tích. Việc này có ý nghĩa to lớn trong việc xác định niên đại cho các di tích kiến trúc.

Như gạch Giang Tây Quân là loại gạch được cố GS Trần Quốc Vượng xác định thời điểm sản xuất thế kỷ IX. Gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên là loại gạch tìm thấy trong các di tích nửa cuối thế kỷ X - đầu thế kỷ XI ở kinh đô Hoa Lư (Ninh Binh) thời Đinh - Lê.

Hai loại gạch Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo sản xuất năm 1065  và  Lý gia đệ tam đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo sản xuất năm 1065 năm thứ ba thời Lý Thánh Tông. Gạch Vĩnh Ninh trường được sản xuất dưới thời Trần (thế kỷ XIII-XIV).

Cùng đó tìm được những loại gạch có chữ được xác định khoảng niên đại nửa cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI như Tráng Phong quân, Trung Nghĩa quân, Huyền Qua quân, Tam Phụ quân, Võ Kỵ quân, Thần Hổ... TS Tống Trung Tín cũng cho biết móng trụ là các vết tích còn lại nhiều nhất và là đặc trưng cơ bản để nhận diện quy mô và cấu trúc của di tích kiến trúc, đó chính là những móng trụ được làm bằng các chất liệu vô cùng phong phú và đa dạng như sỏi, sành, gạch ngói vụn, thậm chí sỏi kết hợp với gạch ngói vụn, hay được làm bằng cả gạch vồ hoặc bằng gạch hoặc ván gỗ.

Mỗi móng trụ được đào một hố vuông sâu trung bình 1,20m, rộng 1,40m, trong hố vuông này các loại vật liệu được đưa xuống và lần lượt đầm nện rất chặt. Các móng trụ thường được đặt chân tảng đá lên trên để đỡ cột  kiến trúc.

Tuy nhiên, qua các giai đoạn biến thiên của lịch sử, hầu hết các móng trụ đều bị mất chân đá tảng, rất may tại các khu A20 và B16 người ta tìm thấy nhiều móng trụ vẫn còn các đá kê trang trí hoa sen thời Lý - Trần ở nguyên vị trí ban đầu trên các trụ móng sỏi.

Những bằng chứng sinh động này là minh chứng làm rõ thêm cho lập luận chắc chắn các móng trụ ở 18 Hoàng Diệu được làm để đỡ các loại cột, các công trình kiến trúc nơi đây.

Tại địa điểm Hậu Lâu có hàng loạt chân tảng đá hoa sen thời Lý được xếp lại để xây một công trình thời Lê sơ. Hiện nay, nếu du khách có dịp đến tham quan khu Hậu Lâu của Hoàng thành Thăng long sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chân đá tảng này.

Điện Kính Thiên xưa kia.

Đáng lưu ý, do có móng trụ và tảng đá kê cột khác nhau tùy theo cấu trúc bên trên của kiến trúc sẽ là khung nhà gỗ với nhiều hàng cột khác nhau tùy theo cấu trúc của vì kèo. Theo PGS.TS Tống Trung Tín  trong công tác khai quật Viện Khảo cổ đã tìm thấy nhiều cột gỗ thời Lê, và cũng đã tìm thấy một hệ thống cột gỗ nằm ở độ sâu 3,5m-4m đang đứng nguyên trên chân tảng đá.

Sự tồn tại các cột gỗ ở trên chân tảng đá, gạch, gỗ trong địa tầng là một hiện tượng hiếm thấy và hết sức thú vị, hấp dẫn ở khu di tích nổi tiếng này. Đáng lưu ý các kiến trúc ở đây đều có nền nhà và nền sân được lát bằng gạch vuông rất công phu, kiên cố, quy chỉnh.--PageBreak--

Rồi một hệ thống giếng nước cổ đã được tìm thấy và đặc biệt phát hiện một hồ nhỏ hình chữ nhật, xác định niên đại vào khoảng thời Trần. Lòng hồ được lấp bởi các vật liệu kiến trúc và gốm sứ thời Lý và thời Trần.

Từ trước tới nay, ở Thăng Long các nhà khảo cổ học đã thăm dò, khai quật nhiều vị trí nhưng không tìm thấy di tích kiến trúc Đại La. Cho đến giờ phút này, chỉ có riêng địa điểm 18 Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ mới tìm thấy các di tích kiến trúc Đại La, như cống thoát nước, giếng nước, bó nền nhà và đặc biệt lần đầu tiên thấy được các móng trụ kiến trúc thời Đại La dù rằng còn khiêm tốn nhưng đã rõ ràng hơn về chức năng và cấu trúc.

Qua những gì chúng ta  thu nhận được đã phản ánh phần nào diện mạo di tích văn hóa vật chất thời Đại La và thông qua đó có thể hiểu được đôi nét về sự hỗn dung và tiếp biến văn hóa giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Hán ở ngay tại khu vực trung tâm lớn nhất của đồng bằng Bắc Bộ (thế kỷ VII-IX) trước khi bước vào thời kỳ Thăng Long.

PGS.TS Tống Trung Tín đưa ra hình ảnh, bằng chứng sống trong sự phân tích đánh giá của mình và các cộng sự tại Viện Khảo cổ học Việt Nam ví dụ: Cá sấu bơi trên sông nước được trang trí trên viên gạch lát dường như đã cho thấy tính chất phương Nam rất rõ ràng trên viên gạch vuông lát nền thời đó.

Hay, kỹ thuật nhồi móng trụ bằng gạch ngói, các loại hình trang trí trên gạch ngói đều phản ánh rõ nét tiếp biến văn hóa này trong việc tiếp thu kỹ thuật xây dựng phương Bắc ở trên địa hình đồng bằng châu thổ Bắc Bộ ven sông Hồng.

Ông Tín nhấn mạnh: “Các vết tích văn hóa thời Đại La còn chứng minh rõ thêm vị trí của kinh thành Thăng Long khi Vua Lý Thái Tổ dời đô. Chiếu dời đô ghi rõ Lý Thái Tổ xây dựng kinh đô Thăng Long ngay trên nền cũ của thành Đại La. Điều đó đã được hiển hiện khi ta thấy ở đây các dấu tích Hoàng thành Thăng Long thời Lý được xây dựng nằm chồng lên các di tích kiến trúc thời Đại La”.

Cũng trong cuộc hội thảo lần này, với kết quả của Viện Khảo cổ học cho thấy đây là lần đầu tiên Viện này phát hiện được các dấu tích kiến trúc cung điện thời Lý ở Thăng Long nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung.

Các cuộc khai quật khảo cổ học trước đây về thời Lý được tiến hành khá nhiều trong phạm vi lãnh thổ Đại Việt thời Lý, nhưng chung quy lại mới chỉ bộc lộ được một phần các dấu tích kiến trúc chùa hoặc tháp thời Lý mà thôi.

Ngay tại Thăng Long, các cuộc thám sát và khai quật thăm dò tại các khu di tích như: Đoan Môn, Bắc Môn, Hậu Lâu, Quần Ngựa... dù đã tìm được nhiều di vật thời Lý nhưng vẫn chưa tìm thấy dấu tích móng nền kiến trúc thời Lý.

Chính vì vậy, với hàng chục dấu tích kiến trúc thời Lý ở 18 Hoàng Diệu đã đưa ra được nhận định đây là lần đầu tiên các dấu tích cung điện được tìm thấy ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Cho đến thời điểm hiện nay, Viện Khảo cổ học có thêm một phát hiện mới, là đã xác định được hơn 60 dấu tích kiến trúc cung điện, nhà cửa, giếng, dấu tích móng, cống nước thuộc thời Lý.

Và khẳng định chắc chắn rằng các dấu tích kiến trúc thời Lý ở 18 Hoàng Diệu được tìm thấy nhiều nhất so với các dấu tích của các thời khác, như dấu tích kiến trúc thời Trần chỉ tìm thấy là 15, hay dấu tích kiến trúc thời Lê là 11.

Vì sao lại có hiện tượng đặc biệt thú vị đối với vương triều đầu tiên xây dựng kinh đô Thăng Long, PGS.TS Tống Trung Tín cùng các nhà tham gia nghiên cứu của Viện Khảo cổ đưa ra lý giải ban đầu: Lý do đơn giản đó chính là vì lớp văn hóa thời Lý ở độ sâu trung bình 2 mét trở xuống.

Do đó các cuộc xây dựng và san bạt của các thời sau đều chỉ phá hủy một phần các di tích thời Lý còn lại dưới lòng đất. Ngay cả dưới móng bê tông của thế kỷ XX, tưởng như không còn gì nữa nhưng rốt cuộc, vẫn tìm được dấu tích kiến trúc “bát giác” rất độc đáo của thời Lý.

“Căn cứ vào bước chuyển biến hoàn hảo trong kỹ thuật làm gạch ngói, với màu sắc hoàn toàn đỏ, chất liệu tốt, độ nung cao, trang trí công phu và tinh mỹ làm cho diện mạo kiến trúc cung điện thời Lý mang đậm dấu ấn kỹ thuật và bản sắc văn hóa Việt Nam trên cơ sở tiếp thu tinh hoa yếu tố kỹ thuật Trung Hoa ở phía Bắc, Chămpa ở phía Nam” - ông Tín đã đưa ra nhận định như vậy.

Bằng những chứng cứ xác thực đó đã thêm một lần nữa các nhà khoa học khẳng định giá trị nghệ thuật thời Lý thực sự siêu việt đạt đến đỉnh cao về sự hoàn hảo, tinh mỹ vào bậc nhất mà các thời kỳ sau nối tiếp và phát triển.

Ai cũng phải công nhận rằng: Kinh đô Thăng Long, Hoàng thành Thăng Long dưới thời Lý thực sự là một bước chuyển biến vĩ đại nhất trong lịch sử xây dựng kinh thành Việt Nam.

Để rồi dưới vương triều nhà Trần, đó là một sự tiếp biến văn hóa. Dấu tích cung điện thời Trần ở đây được tìm thấy nhiều nhất so với dấu tích cung điện thời Trần ở nơi khác và cũng là lần đầu tiên được phát lộ khá rõ ở Thăng Long đó là các bó vỉa hình hoa chanh, bó gạch, móng trụ sỏi, nền nhà đắp đất..

Viện Khảo cổ học đã hé lộ điều này khi cho biết ở khu khai quật các móng trụ thời Trần chủ yếu trộn sỏi với đất sét và dầm chặt. Đặc biệt dấu tích kiến trúc thời Trần còn có thêm các dạng đặc trưng không có ở thời Lý đó là kiểu trang trí nền kiến trúc bằng các dải xếp gạch ngói trong các ô vuông hình cánh chanh, hoặc xếp thành kiểu vòm cuốn với kích thước khá lớn tạo nên nét độc đáo hoàn toàn riêng có ở đời Trần.

Không chỉ dừng lại ở đấy, các kiến trúc thời Lê cũng được các nhà nghiên cứu ở Viện Khảo cổ đặc biệt quan tâm. Các di tích kiến trúc thời Lê ở 18 Hoàng Diệu cũng phản ánh diện mạo kinh đô Thăng Long thời Lê có sự thay đổi to lớn so với kinh đô Thăng Long thời Lý - Trần.

Dấu tích kiến trúc thời Lê tìm thấy là một con số khiêm tốn so với thời Lý và thời Trần. Chỉ còn lại một số móng trụ, sân nền lát gạch vồ... người ta thấy rằng tất cả đã bị san cào và phá hủy. Nhưng các nhà nghiên cứu đã khẳng định, tuy nhiên không phải vì thế mà nhận định rằng kiến trúc thời Lê ở đây ít.

Bằng cớ là số lượng gạch vồ tìm thấy ở đây là nhiều nhất và đã được các nhà nghiên cứu ở Viện Khảo cổ thu lượm và xếp lại với một khối lượng khổng lồ. Lý giải cho việc kiến trúc thời Lê tại sao lại còn lại ít như vậy, PGS.TS Tống Trung Tín kết luận: “Chính là vì tầng văn hóa thời Lê ở trên cao do đó đã bị đào phá hai lần một cách khốc liệt. Lần thứ nhất là việc dỡ toàn bộ Thăng Long xây thành Hà Nội thời Nguyễn năm 1805 (trừ khu vực Đoan Môn và điện Kính Thiên).

Ở lần thứ 2 này do việc đào móng xây dựng các công trình bằng gạch và bê tông cốt thép đã vừa phá thành Hà Nội, vừa phá tiếp thành thời Lê và thậm chí là của cả thời Trần nữa. Trong tầng văn hóa, nhiều vị trí dấu tích kiến trúc thời này đã xuyên phá đến gần tầng lớp văn hóa thời Lý”

Trần Mỹ Hiền
.
.