Nữ nhiếp ảnh gia Anja Niedringhaus từng đoạt giải Pulitzer:

Nhánh lúa mì trong hành trang vào vùng lửa đạn

Thứ Năm, 23/06/2016, 15:20
Anja Niedringhaus là một nhiếp ảnh gia người Đức đã từng đoạt giải Pulitzer cho những cống hiến trong việc đưa tin từ chiến trường Iraq. Ở độ tuổi 48, bà đã bị một viên cảnh sát bắn chết vào ngày 4/4/2014 khi đang tác nghiệp tại Afganistan. Một đồng nghiệp khác của bà là Kathy Gannon cũng bị bắn nhưng may mắn thoát chết.

Bài viết này được nhiếp ảnh gia Kael Alford viết để tưởng nhớ sự nghiệp 25 năm làm báo của Anja Niedringhaus trong lĩnh vực tin tức và xung đột quốc tế.

Có những người biết về Anja rõ hơn tôi và họ cũng đã từng viết nhiều về sự ra đi của cô ấy. Đáng chú ý nhất có lẽ là bài viết của David Guttenfelder, một đồng nghiệp của Anja ở Hãng thông tấn AP và Carlotta Gall, phóng viên của tờ New York Times. Họ đã nhìn thấy cô ấy ở Kabul, chỉ một vài ngày trước khi cô bị bắn.

Bạn bè chung của chúng tôi, những người thường xuyên gặp gỡ cô ấy đều hết sức đau đớn vì cái chết của một người quá thân thiết với họ. Gần như tất cả mọi người biết Anja đều không quên được giọng cười khàn, sức làm việc bền bỉ và cả tính cách có phần cả tin của cô ấy.

Nữ phóng viên ảnh Anja Niedringhaus của hãng tin AP - người đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá.

Gutterfelder đã viết: “Rất nhiều người rùng mình không tin nổi tin này, trong đó có tôi. Tôi thậm chí còn tưởng tượng ra cảnh cô ấy trông thấy tôi nghẹn ngào trước cái chết của cô, cô ấy sẽ cười thật to bởi vì tôi quá yếu đuối”. Có lẽ nhiều người quen biết Anja cũng sẽ đồng tình với Gutterfelder.

Trong lúc thực hiện bài viết này, tôi lục lọi trí nhớ của mình để tìm lại những kỷ niệm về các cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và Anja ở Balkans đâu đó vào năm 1998 hay 1999. Trong tâm trí tôi, cô ấy thuộc thế hệ phụ nữ đầu tiên, chỉ vài năm trước tôi thôi, tự tin bước vào nghề báo như thể cô sinh ra là để làm công việc này.

Lúc đó không có nhiều nữ phóng viên ảnh nước ngoài, và trong lần gặp đầu tiên, Anja đã bảo vệ tôi khi tôi bị một nam đồng nghiệp to lớn và đầy tự mãn hất ngã trong một khoảnh khắc tranh giành góc chụp tốt. Anja giễu cợt, xỏ xiên anh ta, khiến anh ta bẽ mặt vì đã bắt nạt một phóng viên mới vào nghề như tôi.

Tôi quý mến Anja từ lúc đó. Cô ấy là phóng viên ảnh gai góc, quả quyết nhất mà tôi từng biết. Cô ấy dõi theo tôi từ lúc tôi mới vào nghề và chứng kiến từng bước trưởng thành của tôi. Tôi luôn xem cô ấy như tấm gương sáng để noi theo bởi những gì cô ấy làm đều xuất phát từ trái tim chứ không phải từ lý trí nên trong tâm trí tôi, dường như Anja vẫn luôn hiện diện ở đâu đó.

Nhánh hoa được cắm trên mũi súng AK47 của một cảnh sát quốc gia Afghanistan tại một trạm kiểm soát ở tỉnh Wardak (ảnh chụp của Anja Niedringhaus ngày 15-5-2013).

Trong chuỗi lễ nghi tưởng nhớ Anja – những buổi lễ nghi đã trở nên quen thuộc đến đáng sợ khi chúng tôi mất đi nửa tá đồng nghiệp, giữa những bài điếu văn, ảnh chụp, những dòng hồi ức, tôi cố gắng tìm cách giữ cho mình tỉnh táo. Tôi nhiều lần tự hỏi mình rằng, nếu đó là tôi, thì điều gì sẽ là điều tôi muốn mọi người nhớ về mình nhất?

Ngoài thời gian ở cùng nhau, tôi còn muốn người ta nhớ đến cả sự nghiệp của mình. Xem lại những bức ảnh Anja đã chụp, tôi muốn tìm hiểu xem cô ấy đã nhìn thế giới như thế nào, và đâu là động lực khiến cô ấy làm việc không biết mệt mỏi trong suốt 25 năm.

Những bức ảnh chụp của Anja đều toát lên tính trung thực, hầu như mỗi tấm ảnh là một câu chuyện. Trong khi có khá nhiều hình ảnh do Anja chụp đã bị chỉnh sửa trước khi xuất hiện trên các ấn phẩm trực tuyến, thì trang web cá nhân của cô lại là nơi trưng bày những tác phẩm thực thụ.

Hình ảnh con người qua ống kính của Anja hoàn toàn là những cá nhân khác biệt, hoàn chỉnh, có suy  nghĩ và cá tính riêng thể hiện qua từng cử chỉ; chứ không phải là những chân dung thường thấy trong các bộ ảnh chiến trường. Họ không còn bị “dán mác” trong những chú thích ảnh là người Afghanistan, binh lính, người Mỹ hay dân thường nữa, mà họ trở nên gần gũi hơn với người xem trong chính bối cảnh cuộc đời họ.

Một người đàn ông Afghanistan với 5 đứa con của mình trên một chiếc xe máy, đang trả tiền để vào một công viên ở Kandahar – phía Nam Afghanistan (ảnh chụp của Anja Niedrighaus vào ngày 1/11/2013).

Khi phải thường xuyên chứng kiến bạo lực xảy ra ở khoảng cách gần, con người bạn sẽ dần thay đổi. Anja là người chứng kiến nhiều cảnh tượng bạo lực nhất trong số những người làm việc ở đây. Thế nhưng trong những bức hình cô ấy chụp, không có ai là nạn nhân và máu me không phải là đề tài chính.

Chẳng hạn như trong một bức hình chụp quang cảnh sau một vụ đánh bom, một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề sải bước, ngẩng cao đầu với vẻ mặt đầy quyết tâm nắm tay những đứa trẻ đang hoảng loạn, dắt chúng ra xa khỏi mớ hỗn độn tàn tích của cuộc tàn sát. Hay bức ảnh chụp một kẻ đánh bom liều chết với toàn thân người đầy máu me, nhưng  trông vẫn rất ra dáng nam nhi.

Một người lính thủy quân lục chiến Mỹ khóc trong buổi lễ tưởng niệm 31 quân nhân đã thiệt mạng ở Iraq vào tháng 2-2005 (ảnh do Anja Niedringhaus chụp).

Một tấm khác ghi lại hình ảnh một bài thơ tình nguệch ngoạc trên một chiếc mũ giữa một biển lính đang hành quân. Hay hình ảnh một em gái vừa mỏng manh vừa mạnh mẽ nổi bật trên một chuyến xe chở toàn những nữ sinh Afghanistan đầy lo âu và sợ hãi. 

Bộ sưu tập những bức hình do chính Anja chụp và tuyển chọn cho chúng ta cơ hội chiêm ngưỡng những khoảnh khắc bình lặng, trần tục của cuộc sống qua một lăng kính hiển vi. Trong khi đó ảnh chụp thể thao của cô ấy lại mang nhiều kịch tính và ấn tượng hơn, dù chúng là ảnh chụp những biểu cảm cá nhân của các vận động viên, chứ không phải kiểu chụp lại những pha biểu diễn đỉnh cao thường thấy.

Trên trang Facebook của mình, Anja bày tỏ sự đồng tình khi trích lại lời của nhiếp ảnh gia Don McCullin: “Nhiếp ảnh gia chiến trường, tôi ghét cái danh hiệu đó”. Cô ấy đã thể hiện góc nhìn bao quát về tính nhân văn trong các tác phẩm nhiếp ảnh của mình, chứ không giới hạn sự sáng tạo ở mức độ chỉ khai thác nỗi đau buồn do mất mát hay bạo lực.

Dẫn chứng cụ thể nhất cho phương pháp tiếp cận và đưa tin của Anja chính là một bài viết được đăng vào năm 2011 về một người lính hải quân bị thương trong một vụ nổ trên cánh đồng lúa mì ở Afghanistan. Cách cô nhìn nhận sự kiện tại thời điểm và không gian đó đã khuấy động khả năng sáng tạo của một nhà báo để vượt qua được khoảnh khắc đau thương của sự kiện. Sự dũng cảm của người lính đã làm cô rất xúc động.

Một trong những tấm ảnh chụp cuối cùng của Anja Niedringhaus vào 12-3-2014 ở trung tâm Kandahar, Afghanistan. Trong ảnh là một kẻ đánh bom tự sát với những tờ tiền Pakistan dính đầy máu được cảnh sát tìm thấy sau khi người này được cho là cố tình tấn công vào sở chỉ huy tình báo Afghanistan.

Cô viết: “Bằng một tay tôi lấy máy ảnh ra và chụp vài tấm. Tay kia tôi nắm lấy tay của Britt, anh siết lấy bàn tay tôi mỗi lúc một chặt hơn cho đến lúc hoàn toàn bất tỉnh. Áo của anh ta đã bị rách hết, nhưng tôi thấy có một nhánh lúa mì còn mắc kẹt trên ấy. Tôi đã gỡ nó ra và cho vào túi áo chống đạn của mình. Tôi nhớ như in nụ cười và lòng can đảm của anh ấy. Anh đã nhoẻn miệng mỉm cười khi được đưa lên trực thăng như để trấn an chúng tôi rằng anh sẽ ổn”.

Trong chuỗi ngày căng thẳng, bận rộn với những chuyến đi và vô số lần soạn hành lý, Anja vẫn giữ nhánh lúa mì trong một chiếc hộp đựng nữ trang nhỏ với hy vọng có thể gặp lại người lính can trường năm xưa và tận tay trao lại cho anh món quà mà cô đã gìn giữ. Nữ phóng viên sau đó đã tìm thấy nhân vật can đảm của mình sau nhiều tháng trời lần theo dấu vết của anh.

Vận động viên Oscar Pistorius của Nam Phi bắt đầu trong cuộc đua bán kết 400 mét nam trong môn điền kinh tại sân vận động Olympic của Thế vận hội mùa hè 2012 tại London. (Ảnh chụp của Anja Niedrighaus vào ngày 5-8-2012).

Cái chết Anja là một cú sốc khủng khiếp đối với rất nhiều người biết cô bởi vì cô là một người từng trải, dày dạn kinh nghiệm. Cuộc tấn công xảy ra ở một khoảng cách rất gần. Một đường đạn bạo động không bao giờ nhắm vào một mục tiêu cụ thể và Anja hiểu rõ điều này.

Tuy nhiên, tôi không thể không nghĩ rằng nếu sát thủ ám hại cô biết về người phụ nữ này, về động cơ, thiện chí và tình cảm của cô dành cho Afghanistan thì chắc hẳn y sẽ cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Điều này nghe có vẻ quá đơn giản nhưng những người đã bỏ cả đời mình để kể những câu chuyện nhân văn có thể khiến bạn tin rằng, những câu chuyện của họ thừa khả năng lay chuyển mọi trái tim vô cảm.

Hiếu Thảo (lược dịch theo Dart Center)
.
.