Nhập nhằng xe khách giường nằm

Thứ Tư, 31/12/2014, 15:15
Phải nói rằng, loại hình xe khách vận tải giường nằm chạy ban đêm, mặc dù còn tồn tại không ít những lo ngại song nó thực sự đã đáp ứng bộ phận không nhỏ của người có nhu cầu. Đó là sự hợp lý về mặt thời gian và đem lại cảm giác dễ chịu đối với hành khách bởi cạnh tranh dịch vụ. Tuy nhiên, lại đang có vấn đề đặt ra với công tác quản lý bến bãi và quyền lợi của khách hàng mà mới nghe qua có vẻ như đơn giản nhưng sẽ là không hề kém nghiêm trọng một khi có bất trắc xảy ra.

Tiền mặt trả ngay, vé xé tùy hứng

Câu chuyện bắt đầu từ quầy bán vé. Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), quầy số 6 bán vé đi Điện Biên. Trái với mật độ 30 phút một chuyến bắt đầu từ 18 giờ đến 21 giờ lúc nào cũng đầy khách, quầy bán vé lại vắng hoe? Người phụ nữ mặc áo đồng phục trắng, sau khi trả lời các câu hỏi liên quan đến giờ xe chạy, giờ xe đến, đã bán cho tôi một vé Hà Nội – Điện Biên với giá 375 nghìn đồng. Tuy nhiên, trên vé chỉ ghi 350 nghìn!

Trước giờ xe chạy nửa tiếng, đã có một nửa số hành khách ở trên xe. Tôi trình ra chiếc vé vừa mua trong bến ban sáng. Người soát vé reo lên một tiếng nghe chừng có vẻ khá ngạc nhiên: “A, ông này có vé bến!”. Một phụ xe khác gần như giật chiếc vé từ tay tôi, chạy biến về phía nhà điều hành của bến xe. Tưởng họ thu mất vé, tôi bình tĩnh nói với người soát vé ban nãy, rằng tôi cần cuống vé về để thanh toán. Người soát vé, cũng bình tĩnh không kém, lập tức rút ra một quyển vé: Soạt! Anh ta đưa tôi liền 5 vé, trong đó có 4 chiếc nguyên cả phần cuống và phần vé. 2 vé chiều Hà Nội – Điện Biên và 2 vé chiều ngược lại, bỏ trống tất cả các phần nội dung cần điền kèm theo câu nói: Đây. Bác đem về tha hồ mà thanh toán! Chiếc vé duy nhất lại trả cho tôi có ghi rõ ngày, giờ song rõ ràng xe còn đang ở bến Mỹ Đình mà chiếc vé được xé lại là chiều Điện Biên – Hà Nội. Góc dưới bên trái chiếc vé có hai chữ được ghi bằng bút bi xanh: “Vé bến”. Giá trên vé ghi đúng 375 nghìn đồng như số tiền tôi đã phải bỏ ra.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh: “Mô hình HTX vận tải hành khách hiện đang có vấn đề”.

Người phụ nữ trung niên dáng vẻ tháo vát phía kế chéo hàng trên quay về phía tôi bắt chuyện: “Bác mua vé trong bến làm gì cho mất công? Tháng hơn chục lượt cả đi lẫn về, em là em cứ lên thẳng đây (xe), vừa tiện vừa rẻ!”. Tôi thắc mắc: “Tiện thì đúng rồi, nhưng giá ghi rõ ràng mà, rẻ thế nào?”. Người phụ nữ cười, không nói nữa. Đến lúc xe chạy được một quãng, phụ xe bắt đầu đi đến từng giường nằm thu tiền. Giá đồng hạng Hà Nội – Điện Biên 350 nghìn đồng. Tiền mặt hành khách thanh toán ngay, nhưng chẳng có chiếc vé nào được xé cả. Tôi chuẩn bị móc chiếc vé ban nãy nhà xe đưa cho thì phụ xe soát vé nhận ra, không kiểm tra nữa. Cả chuyến xe ấy, chỉ duy nhất tôi có vé. Giả sử có chuyện gì xảy ra, thì e rằng chiếc vé này cũng vô tác dụng, bởi nó lại là vé chuyến ngược lại với chuyến tôi đang đi, cùng ngày, cùng giờ. Một cách cụ thể hơn, bản “hợp đồng dân sự” giữa tôi và nhà xe đã bị vô tác dụng ngay từ khi khởi hành!

Lượt về, tôi thử lên thẳng xe, không mua vé tại bến nữa. Chiều Điện Biên về Hà Nội bắt đầu có xe từ 4 giờ 30 phút đến 21 giờ từ bến xe Điện Biên, cũng 30 phút một chuyến. Vẫn nhiệt tình, chu đáo với giá tiền “thanh toán tại giường” đúng 350 nghìn đồng. Và cũng chẳng có chiếc vé nào được trao!

Chuyến hành trình may sao suôn sẻ. Nhưng tôi vẫn băn khoăn tại sao mua vé trong bến xe đúng quy định thì lại đắt hơn thanh toán thẳng với nhà xe? Khách lên xe không vé, mọi sự tốt lành thì không sao, nhưng nếu chẳng may có việc gì xảy ra, thì ai chịu trách nhiệm? Chiếc vé xe, về mặt pháp lý, chính là hợp đồng dân sự giữa người sử dụng dịch vụ, tức là hành khách, với người cung cấp dịch vụ là nhà xe, chủ xe. Hành khách bỏ qua nó tức là bỏ qua quyền lợi của mình, và nhà xe lờ đi cũng là lờ đi trách nhiệm của họ. Liệu có phải là bến xe, đơn vị được Nhà nước trao trách nhiệm điều phối hoạt động vận tải cũng như có trách nhiệm trung gian nhất định để bảo vệ quyền lợi của hành khách thông qua chiếc vé, lại gần như “chẳng liên quan gì” theo cung cách làm ăn kiểu này?

Hành khách phải tự bảo vệ quyền lợi

Chúng tôi đem những thắc mắc trên trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam. Ông Thanh cho biết đúng là có việc này, không chỉ đối với xe giường nằm mà hầu hết các loại xe vận tải hành khách khác và chủ yếu là các xe hoạt động dưới mô hình hợp tác xã (HTX) cung ứng dịch vụ. Theo ông Thanh, đó là biểu hiện của việc quản lý lỏng lẻo, khoán trắng cho lái xe. Nghĩa là hàng tháng lái xe nộp cho HTX một khoản tiền dịch vụ. HTX lo các thủ tục, đăng ký vào bến, đăng ký vào tuyến… còn mọi kinh doanh là do tài xế hết. Chính vì vậy nhà xe cần xuất vé cũng được. Không xuất vé cũng chẳng sao.

Nhà xe xuất vé cũng được, không xuất vé cũng chẳng sao. Còn quyền lợi hành khách thì sao?

Giải thích thêm về điều này, ông Thanh cho biết, hiện nay Luật cho phép 2 loại hình HTX. Loại thứ nhất là HTX sử dụng lao động, tức là quản lý tập trung. Loại hình thứ 2 là loại hình dịch vụ hỗ trợ. Xã viên ở đây có thể trực tiếp là người chủ xe, hoặc là người có tiền mua nhiều xe nhưng đưa xe vào HTX. HTX sẽ ký với những xã viên này một hợp đồng dạng quan hệ kinh tế, theo đó sẽ đứng ra lo phần dịch vụ cho các xe đấy. Còn kinh doanh thế nào xã viên tự lo lấy. Chẳng hạn như bán vé, xăng dầu, thuê phụ, thuê lái… Bất cập hiện nay chính là ở chỗ này, vì quản lý không được. Đứng danh về pháp luật là Nhà nước chỉ quản lý HTX này thôi. Còn xã viên, kể cả là những xã viên có tới 3 – 4 xe kia, trừ phi vi phạm pháp luật thì thôi, còn thì chẳng ai biết đấy là ai.

Quy định thì rất rõ ràng: Hành khách đến bến phải mua vé mới được lên xe. Nhưng dường như quy định này đã trở nên vô tác dụng với cách điều hành hiện nay. Ông Thanh phân tích: Anh là người có xe kinh doanh. Thì đúng giờ đó anh đánh xe đến. Bên bến xe vào sổ sách, cũng là có quản lý, nhưng chỉ quản lý đầu xe để thu tiền thôi. Sau đó họ tính tiền để thu dịch vụ của anh ra vào bến như là trông giữ xe này nọ, rồi vệ sinh, rồi an ninh… Cái này có giá hẳn hoi. Nếu nhà xe ủy nhiệm cho bến bán vé, bến sẽ thu phí hoa hồng tiền bán vé. Nghĩa là xảy ra cái gì trên bến thì bến mới chịu trách nhiệm. “Với hoạt động của các bến xe hiện nay, chỉ khi họ bán vé thì họ mới quan tâm đến xuất vé ra sao. Còn không bán vé là chẳng chịu trách nhiệm gì cả. Khi xe đã ra khỏi bến, anh có xé vé cho hành khách hay không… thì mặc kệ. Đấy, cách làm bây giờ nó thế!” - ông Thanh nói.

Bến xe khách Mỹ Đình mỗi ngày có cả trăm lượt xe khách ra, vào, vậy có bao nhiêu chiếc vé được bán?

Bàn về câu chuyện trách nhiệm ở đây, ông Thanh khẳng định có lỗi của cả bến xe lẫn nhà xe. Cả hai đều làm sai quy định. Cũng còn phải xem kỹ lại xem trường hợp này có ủy nhiệm bán vé hay không. Nếu ủy nhiệm bán vé thì về lý bến xe kiểm soát cái này rất kỹ. Là bởi nó liên quan đến quyền lợi của cả bến và nhà xe. Đó chính là hành động mang vé bến vào đổi và đưa thay bằng vé của nhà xe. Theo ông Thanh phân tích, họ làm vậy là để nhà xe xác nhận xem bến đã bán cho bao nhiêu vé? Xác nhận này là để trả tiền hoa hồng bán vé. Việc này lý giải tại sao mua vé trong bến là 375 nghìn đồng mà lên xe trực tiếp thì chỉ có 350 nghìn. Theo phân tích của ông Thanh, sự khuất tất ở đây không loại trừ khả năng nhà xe thông đồng với nhân viên của bến xe để đút túi ngoài giá vé. “Bến xe ở chỗ này là vừa vô trách nhiệm (với quyền lợi của hành khách) lại cũng vừa để thẩm lậu tiền”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, hiện nay rõ ràng là đang có sự lỏng lẻo trong quản lý vận tải hành khách về khía cạnh mối quan hệ giữa bến xe – nhà xe – quyền lợi hành khách. Cách quản lý bến bãi, nhà xe như hiện tại mới chỉ là quản lý tính hợp pháp của dịch vụ mà thôi. Nghe đâu bên ngành giao thông cũng đã có kiến nghị rồi, nhưng cũng chưa được sự đồng tình của các ngành khác. Bây giờ thử hỏi ông chủ nhiệm HTX xem cái xe của ông giờ đang hoạt động ra sao, thì ông này “ấm văn ớ” ngay. Bởi vì ông chỉ đứng ra “bao thầu” mấy cái dịch vụ hỗ trợ kia thôi. Nào có biết xe nó chạy ngang chạy dọc thế nào?

Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 86, Thông tư 63 vừa rồi bắt đầu đưa ra những hàng rào kỹ thuật. Ví như ông là HTX thì ông phải có ban quản lý an toàn, đủ khả năng kiểm soát hoạt động của xã viên. Chứ không phải chỉ có mỗi ông chủ nhiệm HTX với cái dấu củ khoai của ông là được… Rõ ràng là lung tung xòe thế này mãi là không được. Dăm ba xe cũng một doanh nghiệp. Xe chạy hàng nghìn cây số thế này mà chẳng ai kiểm soát không thể đảm bảo kết quả vận tải và đảm bảo an toàn được.

Thông qua những phân tích trên, ông Thanh khẳng định quan điểm hành khách lên xe là phải đòi vé. Đó là cách ứng xử văn minh nhất trong tình hình hiện nay. Đừng nghĩ rằng mình không cần vé để làm gì mà không lấy vé. Như thế tức là đã tự mình loại bỏ quyền lợi chính đáng của mình. Sự việc không may mắn chẳng ai muốn. Nhưng chính vì không mong muốn nên lại càng phải cẩn trọng bởi nếu xảy ra, căn cứ duy nhất để ràng buộc và chứng minh trách nhiệm giữa nhà xe và hành khách chính là tấm vé.

Mai Khuê
.
.