Nhập nhèm dịch vụ tư vấn vay vốn ngân hàng

Thứ Sáu, 26/12/2008, 14:00
Nếu bạn cần vay một món tiền từ ngân hàng mà ngại đi làm một mớ các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật, sẽ có những người tự nguyện đến giúp bạn chỉ với một điều kiện: bạn phải đưa giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi nôm na là "sổ đỏ") cho họ và ký vào tất cả những giấy tờ do họ đưa đến. Nhưng hãy cẩn thận vì rất có thể bạn đã mắc bẫy lừa.

Tất nhiên, sau đó bạn sẽ được vay một món tiền theo yêu cầu và những người này có thể sẽ không lấy phí hoặc chỉ lấy một khoản chi phí rất thấp cho việc đã "giao dịch với ngân hàng" giúp bạn. Bạn sẽ hỉ hả vì vẫn vay được tiền mà chả mất thời gian công sức gì và có thể còn thầm cảm ơn lòng tốt của những người đã giúp bạn.

Nhưng hãy cẩn thận vì rất có thể bạn đã mắc bẫy lừa. Thông tin từ Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội cho thấy những vụ án kiểu như vậy tăng đột biến trong thời gian gần đây...

Chỉ còn nước mắt...

Sáng 5/2/008, vợ chồng bà Bùi Thị Anh và ông Nguyễn Văn Thanh ở khu Chợ, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì đến TAND TP Hà Nội cùng với những giọt nước mắt chứa chan trên khuôn mặt lam lũ, khắc khổ. Hôm nay, Tòa kinh tế TAND TP Hà Nội xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là Ngân hàng H và bị đơn là Công ty Cổ phần dịch vụ Vận tải và Thương mại tổng hợp Thành Đạt (từ đây gọi tắt là H và Công ty Thành Đạt).

HĐXX tuyên buộc Công ty Thành Đạt phải trả nợ Ngân hàng.

Số là Công ty Thành Đạt có ký 2 hợp đồng tín dụng vay tiền Ngân hàng H để phục vụ việc kinh doanh: một hợp đồng vay 800 triệu đồng và một hợp đồng vay 200 triệu đồng. Đến hạn thanh toán, Công ty Thành Đạt còn dư nợ cả gốc lẫn lãi khoảng gần 900 triệu đồng và đề nghị ngân hàng cho lộ trình trả hết số nợ này là... 5 năm. Ngân hàng, tất nhiên là không chấp nhận bởi vì thời hạn cho vay trong cả 2 hợp đồng trên chỉ có 14 tháng.

Một năm sau, ngân hàng này khởi kiện ra Tòa kinh tế TAND TP Hà Nội. Tòa án đã nhiều lần tiến hành hòa giải nhưng không thành bởi trước sau ông Chu Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty Thành Đạt vẫn khăng khăng: "Tài sản tôi đã bán hết rồi, không còn gì để bán nữa nên tôi không thể trả nợ ngân hàng ngay được mà phải cho tôi một khoảng thời gian là 5 năm".

Ông Thủy thậm chí còn viện dẫn cả lời của cổ nhân: "Cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần" để bao biện cho lý do trả chậm của mình mà quên mất rằng đây là quan hệ tín dụng chứ không phải quan hệ mua bán ở chợ quê nơi góc làng.

Vợ chồng bà Anh - ông Thanh không phải là nguyên đơn, cũng không phải là bị đơn, cũng chẳng vay tiền của ngân hàng. Hai ông bà cả đời sống chật vật ở thị trấn Văn Điển chưa từng biết đến những thứ gọi là vay vốn, đáo hạn, giải chấp... là cái mô tê gì.

Nhưng hôm nay họ phải đến Tòa tham dự phiên xét xử này bởi vì cả hai ông bà đã trót ký một hợp đồng bảo lãnh đảm bảo dư nợ tối đa 500 triệu đồng cho Công ty Thành Đạt với Habubank mà tài sản bảo lãnh là chính ngôi nhà gia đình ông bà đang ở.

"Hợp đồng bảo lãnh" ấy là nói theo ngôn ngữ chuyên môn của ngân hàng chứ nói một cách nôm na dễ hiểu có nghĩa là: vợ chồng bà Anh - ông Thanh dùng ngôi nhà của mình để bảo lãnh cho Công ty Thành Đạt được nợ ngân hàng tối đa là 500 triệu đồng. Nếu Công ty Thành Đạt không trả thì ngân hàng sẽ thu nợ bằng cách... phát mại căn nhà của vợ chồng bà Anh - ông Thanh.

Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Phạm Tuấn Anh, Chánh Tòa kinh tế, TAND TP Hà Nội, hỏi: "Vợ chồng ông bà có mấy ngôi nhà?". Bà Anh đáp: "Dạ thưa chỉ duy nhất có một là nơi trú ngụ cho cả gia đình". "Vậy tại sao lại dám đem ngôi nhà duy nhất của cả gia đình ra bảo lãnh cho khoản dư nợ những 500 triệu đồng của Công ty Thành Đạt?", Tòa hỏi tiếp. Đáp lại, bà Anh chỉ khóc.

Nước mắt tuôn dài trên khuôn mặt héo hon. Phải trấn tĩnh một hồi lâu, bà Anh mới tức tưởi kể: "Nhà tôi có hai con trai: một đứa nghiện, một đứa đi tù. Khi con tôi mới bị bắt, cảnh nhà túng quẫn quá, tôi mới tới vay anh Thủy, Giám đốc Công ty Thành Đạt 50 triệu đồng. Anh Thủy yêu cầu tôi phải cầm cố sổ đỏ ngôi nhà của vợ chồng tôi để làm tin". Nhưng nếu mọi chuyện chỉ dừng ở đó thì chắc hôm nay vợ chồng bà Anh không phải đến phiên tòa này.

Sau đó, bà Anh kể tiếp, anh Thủy có nói rằng, số tiền 50 triệu đồng nói trên là của Công ty Thành Đạt chứ không phải của cá nhân anh Thủy. Bây giờ Công ty Thành Đạt không cho vay nữa nên anh Thủy phải vay hộ bà Anh ở ngân hàng.

Lúc đó, bà Anh rất cảm động trước lòng tốt của anh Thủy và  tin vào những gì anh ta nói nên đã ký vào tất cả các giấy tờ của ngân hàng do anh Thủy yêu cầu mà không hề biết rằng đó là hợp đồng bảo lãnh cho khoản dư nợ của Công ty Thành Đạt nhiều gấp 10 lần số tiền bà Anh vay (500 triệu đồng). Mãi sau  này, bà Anh mới tá hỏa tam tinh khi biết sự thật thì đã muộn: hợp đồng đã ký, giấy tờ nhà đất đã giao.

Trong tay bà Anh bây giờ chỉ còn lại những tờ giấy viết tay với nội dung là những lời hứa hẹn của anh Thủy rằng, sẽ không làm gì để tổn hại, thiệt thòi cho gia đình bà. Nhưng đó là lời hứa. Còn sự thật thì Công ty Thành Đạt bây giờ hiện còn nợ ngân hàng số tiền khoảng 900 triệu đồng mà thời hạn để trả nợ thì đã hết từ lâu.

Tòa hỏi: "Bà là người bảo lãnh cho khoản dư nợ 500 triệu đồng của Công ty Thành Đạt nên khi công ty không trả được nợ thì bà sẽ phải trả thay bằng tài sản bảo lãnh của mình, bà có biết điều đó không?". Đáp lại, bà Anh lấy tay gạt nước mắt lắc đầu. --PageBreak--

Nhưng vợ chồng bà Anh không phải là trường hợp duy nhất. Vợ chồng ông Kh. và bà Tr. ở Thanh Trì, Hà Nội cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Đang cần một khoản vốn để làm ăn nhưng ông bà lại ngại đến ngân hàng để làm thủ tục vay vốn nên mới đi cậy người làm hộ.

Một người bà con đã giới thiệu cho ông bà một người đàn ông trạc ngoài 30 tuổi, dáng vẻ sang trọng, giàu có tự giới thiệu là chuyên làm dịch vụ tư vấn vay vốn ngân hàng tên là T.A. Khi vợ chồng ông Kh. yêu cầu muốn vay ngân hàng 150 triệu đồng, T.A hứa sẽ vay giúp, chỉ khoảng 10 ngày là có tiền nhưng với điều kiện phải có sổ đỏ để thế chấp.

Ngay sau đó, ông bà đã chuyển cho T.A. sổ đỏ mang tên ông bà chứng nhận quyền sở hữu 700m2 đất ở Thanh Trì nơi gia đình đang ở và theo yêu cầu của T.A. ông bà đã ký một bản hợp đồng ủy quyền cho T.A. được thay mặt ông bà làm mọi thủ tục cần thiết để vay vốn.

Đúng như lời hứa, khoảng 10 ngày sau, T.A. mang đủ 150 triệu đồng về giao cho ông bà Kh., T.A. chỉ cầm lại 10 triệu đồng gọi là khoản "tiền thuốc nước".  Ông bà cầm tiền mà rưng rưng xúc động trước lòng tốt của người đàn ông mới quen này. Chỉ đến khi Tòa án gửi giấy mời lên để giải quyết công nợ thì mọi việc mới vỡ lở.

Hai ông bà phát hoảng khi được tận mắt nhìn thấy bản hợp đồng tín dụng của ngân hàng. Thì ra T.A. đã liên kết với Công ty tư nhân S dùng sổ đỏ của ông bà để thế chấp vay ngân hàng số tiền không phải 150 triệu đồng mà là... 1,6 tỉ đồng. Pháp nhân đứng tên vay ngân hàng là Công ty tư nhân S nhưng tài sản thế chấp cho khoản vay này lại là số đỏ lô đất 700m2 của gia đình ông Kh. - bà Tr.

Sau khi rút được số tiền này ra khỏi ngân hàng, T.A. lấy nhiều nhất 815 triệu đồng, Công ty S lấy phần ít hơn 660 triệu đồng, còn lại 150 triệu đồng T.A. đem đến cho ông Kh. và bà Tr.

Sau khi vụ việc vỡ lở, ông bà Kh đã nhiều lần gặp gỡ T.A. yêu cầu anh ta phải trả nợ ngân hàng để lấy lại sổ đỏ cho gia đình nhưng đáp lại chỉ là những lời hứa suông và những bức thư hứa hẹn. Đây là một trong những bức thư như thế được TA gửi cho ông bà vào ngày 30/10/2007:

"...Chúng cháu cam kết đến ngày 7/11/2007 bác cháu ta sẽ gặp nhau để thanh lý hợp đồng. Hai bác yên tâm những việc gì cháu nhận ở chỗ hai bác cháu sẽ có trách nhiệm đến cùng. Thôi, cháu kính chúc hai bác và toàn thể gia đình ta mạnh khỏe, may mắn".

Nhưng gia đình ông Kh. và bà Tr. làm sao mà "mạnh khỏe, may mắn" được khi nguy cơ mất nhà đang đến rất gần. Đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày T.A. viết thư hứa hẹn nhưng mọi việc vẫn y nguyên: Công ty S vẫn chưa trả nợ ngân hàng, sổ đỏ của ông Kh. - bà Tr. vì thế vẫn không thể lấy về được, còn T.A. .thì đã... mất tích.

Hiện nay, theo thông tin mà chúng tôi có được thì ngân hàng đã khởi kiện Công ty S ra tòa để đòi nợ và vụ án đang được thụ lý. Sau khi Tòa xét xử, bản án có hiệu lực pháp luật mà Công ty S vẫn không trả được nợ ngân hàng thì đương nhiên theo pháp luật, ngân hàng sẽ phát mại tài sản thế chấp là 700m2 đất của gia đình ông Kh. - bà Tr.

Vậy là, chỉ vì món vay 150 triệu đồng thông qua dịch vụ vay nợ mà gia đình ông bà Kh. có thể sẽ mất trắng mảnh đất có giá trị gấp hàng chục lần. Bộ mặt thật của cái gọi là "dịch vụ vay đảo nợ" đến đây đã rõ. Thẩm phán Phạm Tuấn Anh, cho biết, những vụ án kiểu "người có tài sản thế chấp vay 1 - dịch vụ vay 10" có chiều hướng tăng đột biến trong thời gian gần đây. Các thẩm phán Nguyễn Huyền Cường, Nguyễn Hoài Linh, Hoàng Nhật Tân - tất cả đều đã và đang thụ lý, xét xử khá nhiều những vụ án như vậy...

Hé lộ một đường dây

Trong khi tìm hiểu tư liệu cho bài viết này, chúng tôi thấy sự xuất hiện của người đàn ông tên là T.A. và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại A.B trong khá nhiều vụ việc. Không chỉ là nhân vật chính trong vụ việc của gia đình ông Kh. - bà Tr. Như đã nêu trên, T.A .và Công ty A.B còn lấy sổ đỏ của gia đình chị PhạmThị Thanh H. ở quận Long Biên cũng bằng thủ đoạn làm dịch vụ vay vốn ngân hàng.

Đầu năm 2008, chị H. do cần tiền để kinh doanh đã đến một số ngân hàng để thế chấp mảnh đất 50m2 vay vốn. Tuy nhiên, chị H. đã không vay được. Vì thế, thông qua một người quen chị đã được đưa đến gặp một phụ nữ tên là Th. và một người đàn ông tên là T.A., tự giới thiệu là làm tại Công ty A.B có trụ sở ở đường Thái Hà, Hà Nội.

Những người này hứa sẽ lo vay giúp chị H. số tiền nói trên ở ngân hàng với điều kiện chị  H. phải giao sổ đỏ mảnh đất 50m2 cho họ. Sau đó, Th. và T.A. đã yêu cầu chị H. đưa thêm một số giấy tờ khác như hộ khẩu, đăng ký kết hôn... và đưa chị đến phòng công chứng để ký một bản hợp đồng do T.A. đã soạn thảo trước.

Lúc ký, chị H. không để ý nhưng sau này chị mới hoảng hốt khi được biết đó là bản hợp đồng ủy quyền cho T.A. được thay mặt chị thực hiện mọi giao dịch liên quan đến mảnh đất nói trên. Sau khi có được sổ đỏ của chị H. và giấy ủy quyền hợp pháp, T.A. đã chào bán mảnh đất của chị H. cho một người khác với giá 1,2 tỉ đồng và đã nhận 700 triệu đồng tiền đặt cọc.

Chưa hết, người đàn ông tên là T.A. này còn xuất hiện trong vụ việc cầm sổ đỏ của anh Lê Tiến N. ở Gia Lâm. Anh N. có nhu cầu vay 800 triệu tiền vốn thế chấp bằng mảnh đất của gia đình tại ngân hàng nhưng do không làm được thủ tục nên đã phải nhờ một công ty tư vấn vay vốn ở phố Nguyễn Trung Trực làm giúp.

Công ty này đã nhận của anh N. toàn bộ các giấy tờ cần thiết bao gồm sổ đỏ, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu... rồi chuyển cho Công ty A.B và người đàn ông tên là T.A. Sau đó, do sớm nhận ra những dấu hiệu bất bình thường của dịch vụ này, anh N. đã đến Công ty A.B đòi lại sổ đỏ, không nhờ vay tiền nữa và được người đàn ông tên là T.A. làm giấy hứa hẹn sẽ trả trong vòng 3 ngày.

Nhưng rồi, nhiều ngày sau T.A. vẫn không chịu trả. Trong khi đó, anh N. được biết sổ đỏ của gia đình anh đã bị nhóm người này cầm cố cho một tiệm vàng để lấy 300 triệu đồng. Quá lo lắng, anh N. đã phải dùng mọi biện pháp quyết liệt, cuối cùng sau nhiều ngày, cuốn sổ đỏ mới được trở về với chủ nhân đích thực của nó.

Sự xuất hiện của T.A. và Công ty A.B trong hàng loạt vụ việc như đã nêu trên đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: phải chăng đã có một đường dây được hình thành bao gồm một nhóm người lập ra cả một công ty tư nhân để chuyên làm trò xiếc này và không biết có bao nhiêu người đã sập bẫy?

.
.