Nhật Bản: Một bộ phận thanh niên coi quán “Net” là nhà

Thứ Ba, 18/09/2007, 04:49
Trang bị tiện nghi tối thiểu nhất, thường là một máy tính kết nối Internet, tủ sách truyện manga hay đầu DVD, một ghế bành êm ái, có đồ uống, bánh sandwich hay mì ăn liền. Đó là hình ảnh các quán càphê Internet hoạt động 24/24 giờ ở Nhật Bản. Chúng được chia thành các phòng hộp nhỏ 2m2, cách ly với nhau bởi các vách ngăn. Nơi đây đang trở thành "thế giới" riêng dành cho một bộ phận thanh niên Nhật Bản.

Phần đông trong số họ đến đây để lướt web. Có người đến để giết thời gian, xem tivi hay nghỉ ngơi cách xa sự ồn ào, sôi động của các khu phố náo nhiệt bên ngoài. Có người lại biến nơi đây thành một chốn dung thân. Họ tạm lui mình vào thế giới của "Net".

Những thanh niên này có độ tuổi từ 20 đến 30, làm các công việc lặt vặt và không thể kiếm đủ tiền để trả tiền thuê nhà hay một phòng trong khách sạn. Họ vào các quán càphê Internet và có thể ngồi đó 6 tiếng đồng hồ chỉ với 1.500 yên (9 euro), thậm chí còn ít hơn nếu ở vùng ngoại ô. Ở Nhật, mỗi cơ sở có hàng chục, thậm chí hàng trăm phòng hộp nhỏ như vậy.

Đêm dần trôi qua. Một thanh niên đang đứng trước máy làm nóng đồ uống và chờ đợi cho đến khi đầy chiếc cốc của mình. Khoảng 30 tuổi, quần jean, áo sơmi màu xanh, tóc hung. Dễ gần như những người khác cùng cảnh ngộ đang có mặt trong một khu phố thuộc Shibuya, Tokyo.

Anh ta nói với những người xung quanh một cách chua chát: “30 tuổi với hàng tá công việc không tương lai. Từ 3 tháng nay, tôi sống ở đây. Chỉ có một túi xách nhỏ và quần áo lót. Tôi là lao động tự do. Tôi đã đăng ký với văn phòng giới thiệu việc làm và họ sẽ gọi cho tôi theo số di động bất cứ khi nào có việc. Kiếm được 1.000 yên/giờ và tiêu tốn 1.500 yên cho một đêm. Tôi ăn trong các cửa hiệu của McDonald”.

Anh ta nói tiếp: “Chính phủ đã nói về “cơ hội thứ hai” cho những người thất bại như tôi. Tôi không cầu xin một vận may, mà chỉ mong muốn có một cuộc sống khá hơn, đó là tất cả”. “Tên tôi là gì ư?  Một ai đó trong xã hội này thôi!”. Càphê trong cốc đã nguội đi, anh ta cầm nó, rồi đi về phía phòng của mình, sau khi để lại một câu: “Chào nhé!”.

Các quán càphê Internet là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Nhật Bản đương thời với sự thịnh vượng, giàu có bên ngoài, nhưng lại ẩn chứa những đợt sóng ngầm bên trong. Tại đây, nơi trú ngụ của những thanh niên nghèo khổ, không ai có thể phân biệt được họ qua dáng vẻ bề ngoài bởi mọi ranh giới đã bị xóa mờ.

Sau một thập kỷ suy thoái, nền kinh tế Nhật Bản đang dần phục hồi trở lại. Hậu quả để lại của một giai đoạn khó khăn đó là những thanh niên nghèo, những “freeter” (từ ghép của “free” tiếng Anh và “arbeiter” tiếng Đức, chỉ những người làm các công việc vặt, sống trong tình trạng bấp bênh). Họ là nạn nhân của “bong bóng tài chính” vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước.

Các doanh nghiệp Nhật Bản, vào cuối thời kỳ suy thoái, chỉ cung cấp cho thị trường lao động những công việc tạm thời nhằm giảm giá nhân công. Một “thế hệ mất phương hướng”, như lời nhật báo Ashai dành cho họ. Chính phủ Nhật Bản ước tính hiện có khoảng 1,8 triệu freeter, cả nam và nữ.

Ngoài những người với việc làm bấp bênh, những thanh niên nghèo đến từ các vùng nông thôn, không thể trả tiền nhà kể trên, còn có cả những người được các nhà xã hội học Anh gọi là “NEET” (Not in Education, Employment or Training).

Những thanh niên này không được học hành hay đào tạo nghề và sống buông thả. Đa số khi còn nhỏ họ là những người sống tự do và từ chối việc đi đến trường (đây là hiện tượng đáng lo ngại của Nhật Bản từ một thập kỷ qua). Đến khi trưởng thành, họ càng sống khép mình hơn.

Những người này là một minh chứng cho sự cạnh tranh khốc liệt trong xã hội Nhật Bản. Họ bị coi là những kẻ lười biếng. Số này hiện có khoảng 800.000 người, cũng như các “freeter” luôn có cảm giác như bị giam giữ trong lồng kín vậy. Và “NEET” chiếm một tỉ lệ lớn trong số các thanh niên phải tìm đến con đường tự sát.

Được biết, giá vào cửa của một phòng trong 2.000 quán càphê Internet ở Nhật còn rẻ hơn của một phòng tắm hơi mở cửa suốt đêm hay một phòng trong khách sạn. Và hơn nữa, đồ uống được miễn phí. Ban đêm, tất cả các quán từ nhỏ đến lớn đều chật kín khách hàng.

Ngoài những người lui tới thường xuyên, ở đó trong một vài tuần, thậm chí vài tháng, còn có những người làm công bị lỡ việc, phải ở lại qua đêm. Họ bước vào quán, cởi giày để ở ngoài và ngồi vào trong ghế bành, gác chân lên mặt bàn để máy tính.

Đó đây, trong các ô dành cho 2 người, một vài cặp lợi dụng cảnh tranh tối tranh sáng để ôm ấp nhau. Một số còn là học sinh trung học cũng qua đêm ở đây và nói với cha mẹ chúng rằng sẽ ngủ lại ở nhà bạn. Người ta cũng có thể nhìn thấy những đôi giày cao gót của các cô gái bao để ngoài cửa phòng.

Sáng sớm hôm sau, cả cái thế giới nhỏ này kéo nhau tới vòi hoa sen của quán. Ở một vài nơi còn có phòng tập thể thao dành cho khách.

Có thể thấy những kẻ lánh mình vào thế giới của "Net" này chỉ là một bộ phận nhỏ trong số những người nghèo mới của Nhật Bản. Đây là hậu quả của một sự tăng trưởng bất bình đẳng giữa những người có một công việc ổn định với những người khác.

Ở Tokyo, thanh niên không thể thuê nhà để ở, và phải vào các phòng hộp nhỏ trong các quán càphê Internet hoạt động 24/24 giờ với nhiều dịch vụ: cho thuê DVD, thư viện, phục vụ ăn uống...

Ngọc Hiệp - Anh Tiến (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.