Nhật Bản: Về đâu những võ sĩ sumo?

Thứ Tư, 30/07/2014, 22:35

Sumo có gốc rễ từ Thần Đạo (Shinto) và những trận đấu vật nghi thức đã diễn ra trong triều đình Nhật Bản từ cách đây 2.000 năm. Nhưng môn sumo chuyên nghiệp chỉ tồn tại trong khoảng 300 năm nay. Vào đầu thập niên 90, có trên 200 thiếu niên gia nhập cộng đồng với xấp xỉ 50 lò đào tạo chuyên nghiệp ở Nhật Bản.

Nhưng trong vài năm qua, hàng năm con số tân binh của môn thể thao này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 50 người. Một số phận hẩm hiu cho môn thể thao truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản.

Môn thể thao đấu vật Sumo là biểu tượng của Nhật Bản cũng như núi Phú Sĩ (ngọn núi cao nhất ở Nhật Bản trên đảo Honshu, phía tây nam Tokyo) và Lễ hội Hoa Anh Đào, nhưng môn thể thao truyền thống của xứ sở Mặt trời mọc này đang đối mặt với nhiều vấn đề. Thoái chí với chương trình tập luyện khắc khổ và cuộc sống bị tước đoạt nhiều thứ khi gia nhập lò đào tạo sumo, nhiều cậu bé Nhật Bản không còn mấy mong muốn trở thành nhà đấu vật nổi tiếng của nước nhà nữa.

Takahiro Chino chỉ là võ sĩ hạng ruồi - anh cân nặng 88kg và cao 1,75m - trong khi võ sĩ cùng tập luyện với anh trông như một núi thịt khổng lồ với vòng bụng to bè và hai bắp đùi như hai cây cột cẩm thạch! Khối thịt nặng 130kg co gối, cúi người về phía trước, dễ dàng ngăn cản mọi nỗ lực tấn công vật ngã của Takahiro Chino.

Sato, người thầy huấn luyện đã 52 tuổi, đang ngồi trên tấm đệm uống trà xanh và ông là người duy nhất lên tiếng nói trong phòng tập sumo. Một khối thịt nặng 150kg khác đang mải mê với những động tác khởi động làm nóng người chờ đến lượt tập của mình. Cuối cùng, sau 3 giờ tập luyện như cực hình, Sato ra hiệu kết thúc. Các võ sĩ cúi chào nhau theo nghi thức.

Một ngày như mọi ngày. Kế tiếp sẽ là 90 phút cử tạ. Takahino Chino, 20 tuổi, là tân  binh trẻ tuổi nhất trong lò sumo Otake của Sato nằm trong tòa nhà không có gì nổi bật trong quận Koto thành phố Tokyo. Tất cả 7 võ sĩ sumo cùng ăn ngủ trong căn phòng nằm cạnh võ đài tập luyện gọi là dohyo. Không chỉ là tân binh, Chino còn được coi như là người phục dịch công việc nấu ăn cho các võ sĩ mỗi ngày, lau sàn  nhà, giặt giũ quần áo và thậm chí giúp họ chăm sóc vệ sinh cá nhân nơi... phần bụng quá khổ. Mùa hè năm 2012, Chino gia nhập lò sumo này do một võ sĩ sumo hàng đầu Nhật Bản thành lập sau Thế chiến II.

Lúc mới vào lò của Sato, Chino chỉ cân nặng 67kg. Anh bỏ học lúc 14 tuổi nơi quê nhà Nagano và sống nhờ vào cha mẹ suốt 5 năm mà chẳng thấy tương lai gì sáng sủa. Chino cho biết anh trở nên cứng cáp hơn nhiều nhờ cuộc sống khắc khổ, trật tự và kỷ luật nghiêm khắc của lò đào tạo sumo. Chino hy vọng trong 3 năm nữa anh sẽ trở thành một sekitori, tức võ sĩ được nhận lương tháng cùng với một số đặc quyền - một trong 70 võ sĩ sumo ở Nhật Bản sống được nhờ môn thể thao này. 

Môn thể thao đấu vật sumo có thời hoàng kim cách đây 20 năm. Lúc đó, hai anh em Takanohana và Wakanohana tranh ngôi thứ với Akebono ở Hawaii. Trận đấu giữa người khổng lồ Akebono - cao 2m và cân nặng trên 230kg - với Takanohana tương đối nhanh nhẹn được coi là thử nghiệm sức mạnh giữa Nhật Bản với Hawaii, Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới. Trở lại thời gian đó, môn đấu vật sumo được phát sóng trên truyền hình và chương trình Eurosport giới thiệu các trận đấu diễn ra ở nước Đức. Nhưng môn sumo bắt đầu đi xuống sau khi 3 nhà đấu vật Akebono, Takanohana và Wakanohana về hưu.

Theo kết quả cuộc điều tra do Viện Nghiên cứu điều tra trung ương (CRS) của Nhật Bản tiến hành, môn đánh golf hiện nay nhận được sự ủng hộ nhiệt tình ở Nhật Bản hơn sumo. Thậm chí, kể từ khi võ sĩ sumo huyền thoại Takanohana từ giã võ đài cách đây 10 năm, không có một người Nhật Bản nào đạt đến danh hiệu yokozuna - cấp bậc cao nhất của môn thể thao này.

Những cậu bé đang luyện tập trong Trung tâm Thể thao Ven sông ở Tokyo.

Harumafuji mô tả hành trình của anh đến đỉnh cao của môn thể thao sumo là "ăn, tập luyện, ăn, tập luyện" với sự hành xác diễn ra mỗi ngày có thể mất mạng như chơi! Harumafuji lớn lên trong cảnh nghèo khó ở thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ và ngay từ nhỏ đã phải kiếm tiền nuôi gia đình. Anh cho rằng, giới trẻ thành thị Nhật Bản thường yếu đuối. Những võ sĩ mạnh nhất ở Nhật Bản thường xuất thân từ những vùng quê nghèo và không có khả năng tài chính để học hành đến nơi đến chốn.

Do đó, "các lò võ sumo được coi là lựa chọn khả thi bởi vì những nơi đó có thực phẩm và chỗ ngủ", theo Lee Thompson - nhà xã hội học 60 tuổi nghiên cứu về môn thể thao sumo Đại học Waseda ở Tokyo. Nhưng cũng có những đứa trẻ thuộc tầng lớp trung lưu ở Nhật Bản mơ ước trở thành võ sĩ sumo chuyên nghiệp và một trong số đó là cậu học trò Seiya Kato.

Bạn học của Kato sùng bái ngôi sao bóng đá Shinji Kagawa của Manchester United và các ngôi sao bóng chày Yomiuri Giants. Nhưng cậu bé Kato 12 tuổi tôn sùng võ sĩ Harumafuji, một "yokozuna" thượng thặng! Kato chỉ cao 1,6m nhưng cân nặng đến trên 80kg - một thể trọng lý tưởng cho nghề nghiệp sumo. Kato ăn 6 tô cơm to với thịt và cá mỗi ngày! Hai lần trong tuần, Kato tập luyện với 20 cậu bé khác ở độ tuổi từ 5 đến 15.

Chúng được huấn luyện bởi Shinichi Taira, 38 tuổi, cựu võ sĩ sumo chuyên nghiệp làm việc trong Trung tâm Thể thao Ven sông nằm bên trong khu phố cổ của Tokyo. Seiya Kato được đánh giá là học trò kiểu mẫu. Nhưng hiện tại Kato còn dựa dẫm quá nhiều vào thể trọng của mình mà ít chú trọng đến kỹ thuật. Cậu bé vẫn còn chưa có kinh nghiệm.

Một tai nạn nghiêm trong nhất đã xảy ra cách đây 6 năm. Lúc đó, một học viên sumo mất mạng sau khi bị vài võ sĩ bạn - hành động theo lệnh của huấn luyện viên ở lò đào tạo sumo - đánh đập dã man bằng gậy bóng chày và châm đốt người bằng điếu thuốc lá đang cháy.

Vào đầu năm 2013, một trong những học viên nhỏ tuổi bạn của Takahiro Chino quyết định rời khỏi lò đào tạo Otake. "Cậu bé chưa đủ rắn rỏi, sumo không dành cho mọi người. Vào thời của tôi, mọi thứ khắc nghiệt hơn bây giờ rất nhiều!", huấn luyện viên Sato - người gia nhập hàng ngũ đấu vật sumo từ lúc lên 15 tuổi - nhận xét.

Trong nỗ lực lôi kéo những người trẻ tuổi hơn vào các lò đào tạo sumo, cách đây vài năm Hội Sumo Nhật Bản (JSA) đã hạ bớt tiêu chuẩn quy định về chiều cao và cân nặng đối với những đối tượng mới gia nhập - yêu cầu là ít nhất 15 tuổi, cao 1,67m và cân nặng 67kg. Nhờ sự thay đổi này mà Takahiro Chino được tuyển chọn vào lò đào tạo Otake.

Lúc đó, Chino cân nặng chỉ 63kg. Chino cho biết: "Trong thời gian 2 tuần trước khi hết hạn đăng ký, tôi bắt đầu ăn thật nhiều để mau chóng tăng cân". Món ăn đặc trưng của các võ sĩ sumo gọi là chankonabe - món hầm giàu đạm bao gồm rau, thịt, cá, gạo hay thịt viên.

Chino phụ trách nấu ăn cho anh và 6 võ sĩ khác. Mỗi người phải cố gắng hấp thu trên 10.000 calorie mỗi ngày. Do mê tín, nên trước mỗi trận tranh tài các võ sĩ sumo thường tránh ăn thịt heo hay thịt bò mà thay vào đó là thịt gà. Bởi vì, heo và bò có 4 chân còn gà chỉ 2 chân giống như võ sĩ!

Duy Ân (tổng hợp)
.
.