Nhật Bản sẽ soán ngôi “chúa chổm” của Hy Lạp?

Thứ Ba, 07/05/2013, 19:15

Những con mắt của thế giới tài chính đang hướng tới Hy Lạp và các nước khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung Euro. Tuy nhiên, một “con nợ” rất lớn và đang tăng đến mức 1/4 ngân sách nhà nước phải chi trả cho nợ đó chính là Nhật Bản. Cần biết rằng, Hy Lạp chỉ nợ 165% GDP trong khi Nhật Bản là 230%, tương đương 11.000 tỉ USD.

Lượng tiền vô tận

Ngày nay, Tokyo đã trở thành một địa điểm hấp dẫn du khách, những tín đồ của mua sắm, các quận, huyện của Tokyo dường như được phân chia theo các thị trường mục tiêu khác nhau. Ví dụ, ở quận Sugamo, ta thấy chủ yếu là những người lớn tuổi. Thang cuốn trong ga tàu điện ngầm di chuyển đặc biệt chậm, trong khi các cửa hàng dọc theo khu phố mua sắm Dori Jizo cung cấp các mặt hàng như gậy, kem chống lão hóa và trà cho người bị đau khớp xương. Khu phố Hurajuku, lại đầy ắp các kiểu thời trang để giúp bạn trông giống như những nhân vật Manga.

Thế giới này long lanh, tuy nhiên, chỉ là một ảo tưởng. Trong nhiều năm qua, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã không ngần ngại sống trên đống tiền đi vay, nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Những thập niên gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã chất đống khoản nợ trị giá khoảng  11.000 tỉ USD (14, 6 ngàn tỉ yên). Điều này tương ứng với 230% tổng sản phẩm quốc nội hằng năm, một mức nợ cao hơn so với 165% của Hy Lạp.

Thật vậy, đất nước Nhật Bản đã bị mắc kẹt trong một cái bẫy hình xoắn ốc không thể thoát ra được bởi thâm hụt chi tiêu. Trái ngược với các nền kinh tế nợ nần trong khu vực đồng euro, Nhật Bản tiếp tục nặng tay trong chi tiêu và hầu như không có bất kỳ mối quan tâm nào về những gì mà nước này vay mượn. Trong khi Hy Lạp gần đây tăng gấp đôi lãi suất thì Nhật Bản chỉ tăng khoảng 0,75%. Ngay cả Đức, nền kinh tế đầu tàu của khu vực đồng euro, cũng có mức lãi suất cao hơn.

Nợ công Nhật tăng lên mỗi năm.

Lý do rất đơn giản: Không giống như các quốc gia trong khu vực đồng euro, Nhật Bản hầu hết vay mượn tiền từ người dân của họ. Các ngân hàng và công ty bảo hiểm trong nước đã mua 95% nợ có chủ quyền của đất nước bằng cách sử dụng các khoản tiền gửi tiết kiệm của người dân nói chung. Hơn nữa, người Nhật dường như tin rằng, đất nước của họ có thể trả hết các khoản nợ của mình và một ngày nào đó họ sẽ tiếp tục cho chính phủ vay tiền.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, hệ thống trên không thể duy trì lâu hơn nữa. Takatoshi Ito, giáo sư kinh tế tại Trường đại học Tokyo, nói rằng, Nhật Bản có thể trở thành một "Hy Lạp ở châu Á" nếu chính phủ không thay đổi đường lối, tiền bạc cuối cùng sẽ cạn kiệt. Giáo sư Ito và một đồng nghiệp đã tính toán rằng, ngay cả khi người dân Nhật Bản đầu tư tất cả tài sản của họ vào trái phiếu, điều đó cũng chỉ đủ để trang trải cho 12 năm chi tiêu của nhà nước.

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản  63 tuổi, Masaaki Shirakawa - một người đàn ông với mái tóc mỏng, rẽ ngôi gọn gàng mới nghỉ hưu tháng 3/2013 - không tuân thủ các chính sách tiền tệ của các lãnh đạo đương nhiệm phương Tây. Thay vào đó, Shirakawa giữ các máy in tiền để kích thích nền kinh tế. Từ năm 2011, ngân hàng của ông đã đưa ra các chương trình khẩn cấp với tổng khối lượng tiền khoảng  900 tỉ USD. Trong khi đó, tổng số tiền các quỹ cứu trợ đồng tiền chung châu Âu đồng tài trợ bởi 17 thành viên trong khu vực đồng euro chỉ là 700 tỉ USD.

Nợ công luôn làm nóng nghị trường Nhật Bản.

Chiếc xe lao đến bức tường và… phanh gấp

Vào một số thời điểm, các ngân hàng Nhật Bản đã có thể vay tiền từ ngân hàng trung ương với lãi suất gần bằng 0. Bằng cách làm theo chính sách này, Shirakawa đang thực hiện chính xác những gì một số chính trị gia châu Âu từng làm. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cấp tiền cho các quốc gia nợ nần Nam Âu, Shirakawa cũng từng cấp tiền cho Chính phủ Nhật Bản. Nhưng hiện  ông từ chối làm như trên, và phương pháp mà ông đang sử dụng là quay vòng đồng tiền.

Đến nay, chiến lược của ông đã không mấy hiệu quả. "Tại thời điểm này, Shirakawa thừa nhận: Tác động từ chính sách tiền tệ của chúng tôi trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế là rất hạn chế". Ngân hàng Trung ương hiện đang chịu những áp lực rất lớn. Chính phủ mới được bầu, Thủ tướng Shinzo Abe, một người bảo thủ, gần đây đã kỳ vọng Ngân hàng Trung ương in nhiều tiền hơn, điều này khiến cho Shirakawa chịu nhiều áp lực, phải ra đi và thay vào đó là một thống đốc mới.

Thủ tướng muốn khởi động một chương trình kích thích kinh tế lớn với khoảng 91 tỉ USD, nhằm tiếp nhiên liệu cho nền kinh tế Nhật Bản với các khoản đầu tư công trong ngành xây dựng. Đồng thời, Thủ tướng Abe muốn để Shirakawa bơm tiền không giới hạn vào nền kinh tế. Nếu các ngân hàng trung ương không đồng ý với những kế hoạch trên, ông Abe cảnh báo rằng, ông sẵn sàng thay đổi luật và đặt các ngân hàng trung ương dưới sự kiểm soát của chính phủ.

Đó là loại ý tưởng mà các nhà kinh tế học ít quan tâm. "Việc làm trên của tân chính quyền chẳng khác với quá trình điều khiển chiếc xe lao về phía một bức tường và thắng gấp một lần nữa trước khi gây hậu quả" - nhà kinh tế học Kramer, Trưởng ban cố vấn của Ngân hàng Commerz, ngân hàng lớn thứ hai ở Đức nói khô khốc.

Thời gian qua, nhiều chính trị gia đã nỗ lực cải cách để kích hoạt nền kinh tế, nhưng đã không thành công. Ví như trong lĩnh vực bán lẻ, nhiều thủ tục trở nên lỗi thời. Ngành công nghiệp đã ngủ trước  nhiều cuộc cách mạng công nghệ do đất nước tìm cách "đảm bảo công ăn việc làm càng nhiều càng tốt thông qua các quy định cực đoan của nhà nước" - ông Martin Schulz, người đã làm việc từ năm 2000 tại Viện Nghiên cứu Fujitsu trụ sở tại Tokyo, cho biết.

Một điều chắc chắn cảnh báo người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nhật: "Nếu không đưa ra những cải cách tài chính thì lãi suất trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng". Khi điều trên xảy ra, 1/4 tổng ngân sách của chính phủ phải dành cho việc trả nợ. Điều này buộc Tokyo phải trả lãi suất cao hơn, món nợ khi ấy sẽ tăng trưởng nhanh hơn.

Thêm một "nguy cơ tiềm ẩn" khác  là "các khoản nắm giữ trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản trong lĩnh vực ngân hàng" - nguyên Thống đốc Ngân hàng Trung ương Shirakawa cảnh báo. Nếu lãi suất dài hạn đã tăng đáng kể, nó có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Schulz tin rằng, sẽ không có bất kỳ "sụp đổ lớn" nào. Ông cho hay, thật khó chắc chắn là các chủ sở hữu lớn trái phiếu của Nhật Bản như: ngân hàng trong nước, sẽ bán tống, bán tháo các trái phiếu một cách nhanh chóng. Một động thái như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin vào số nợ của Nhật Bản và lâu dài, các ngân hàng sẽ mắc nợ. Thay vào đó, ông dự đoán sẽ có "nhiều cuộc khủng hoảng nhỏ" trong những năm tới. Nhật Bản vẫn là một trong những quốc gia công nghiệp lớn nhất thế giới, và đồng yên là một loại tiền tệ quan trọng cho các giao dịch tiền tệ quốc tế "- chuyên gia châu Á Gern nói. "Nếu tất cả mọi thứ đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát, thì thế giới sẽ có một vấn đề thực sự"

Nguyễn Hưng - Tiến Sang (theo Spiegel)
.
.