Nhật Bản trước nguy cơ vỡ nợ

Thứ Tư, 05/01/2011, 21:35
Trong năm 2010, nợ công trái của Nhật đã tăng vọt, khiến Thủ tướng Naoto Kan đã phải cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ. Trong khi chính trường nước này vẫn chưa thật sự ổn định và quan hệ đối ngoại của Nhật cũng chịu nhiều biến động.

Nhìn chung so với năm trước, nền kinh tế Nhật trong năm nay có đỡ hơn nhưng chưa khởi sắc. Ngân sách dự trù cho năm 2011 đang được Chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan bàn tính vào khoảng 92 nghìn tỉ yen (1.150 tỉ USD) và cũng giống như năm trước, ngân sách này phải dựa trên tiền bán công trái rất nhiều, chiếm 45%, trong khi nợ công trái của Nhật đã lên đến 11 nghìn tỉ yen, gấp đôi GDP của nước này. Chính ông Kan đã từng cảnh báo, nếu không khéo, Nhật Bản sẽ bị vỡ nợ như trường hợp của Hy Lạp.

Theo các chuyên gia, có 3 nhân tố có thể châm ngòi khủng hoảng nợ công tại Nhật: trái phiếu chính phủ, giảm phát và xuất khẩu tăng trưởng ì ạch cả khi kinh tế toàn cầu phục hồi. Việc phát hành trái phiếu chính phủ tại Nhật cho tới nay chủ yếu hướng tới người mua là dân chúng trong nước, nhưng người dân lại càng ngày càng có xu hướng giảm tiết kiệm. Thiểu phát là vấn đề thứ hai cần giải quyết cấp bách tại Nhật hiện nay. Tình trạng giá cả hàng hóa sụt giảm giúp Nhật bán trái phiếu với mệnh giá cao hơn, nhưng lại gây ra giảm phát và đẩy tỉ lệ nợ công trên GDP tăng cao.

Chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật được hầu hết các chuyên gia kinh tế tin rằng, còn tiếp tục giảm hơn nữa trong vòng 5 năm tới. Lý do cuối cùng buộc chặt Nhật vào vũng lầy khủng hoảng là tăng trưởng sau suy thoái vẫn trì trệ, ngay cả khi kinh tế toàn cầu phục hồi. Sự cải thiện trong nhu cầu nước ngoài vẫn không đủ để Nhật lấy lại mức tăng trưởng xuất khẩu ổn định như trước đây.

Nếu như Chính phủ Nhật không tìm được biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế hiệu quả, thì nguồn thu ngân sách từ thuế sẽ không đủ để bù đắp thâm hụt nợ công. Có một vấn đề được đặt ra đó là rất có thể bối cảnh giảm phát kéo dài, kinh tế trì trệ và tỉ lệ nợ công trên GDP cao có thể khiến Nhật rơi vào vết xe đổ của Hy Lạp và rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công không lối thoát. Điểm khác biệt tích cực duy nhất hiện nay mà giới chức Chính phủ Nhật có thể vin vào là lợi tức trái phiếu Nhật chỉ chạm mức cao nhất là 1,4%, trong khi đó Hy Lạp đã tiến cận ngưỡng 8%, cho thấy Nhật vẫn có thể đảo ngược tình thế để tránh nguy cơ vỡ nợ.

2010 - năm có nhiều biến động với Nhật Bản.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chưa tìm ra giải pháp để có được một tỉ lệ tăng trưởng xứng đáng với tiềm năng kinh tế. Thủ tướng Naoto Kan, ngày 30/8/2010 đã tiết lộ kế hoạch kích thích kinh tế mới trị giá 920 tỉ yen, tương đương với 11 tỉ USD. Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Nhật cũng công bố một loạt các biện pháp tài chính nhằm hạ nhiệt đồng yen đang tăng giá ở mức kỷ lục so với USD. Đồng yen ở mức cao kỷ lục là trở lực cho ngành xuất khẩu, một trong những động cơ chính của cỗ xe kinh tế Nhật Bản.

Giới tài chính ban đầu tỏ ra hồ hởi trước các biện pháp của Ngân hàng Trung ương Nhật. Tuy nhiên, đồng yen vẫn tăng giá. Các chuyên gia không ngần ngại coi nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là "những biện pháp nửa vời".

Thứ nhất, nếu thực tâm muốn hạ nhiệt đồng yen so với USD, Ngân hàng Trung ương Nhật lẽ ra phải tung tiền mua USD, khiến USD tăng giá so với đồng yen. Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản hiện đang trong giai đoạn trì trệ, lãi suất đã xuống đến mức thấp hiếm có từ cuối năm 2008 đến nay, mà vẫn không đủ hấp dẫn để khuyến khích đầu tư và tiêu thụ. Do vậy, bơm thêm tiền vào mạng lưới tài chính để khuyến khích các ngân hàng mạnh dạn cấp tín dụng cho tư nhân không phải là một giải pháp thích hợp. Thứ ba, do nước Nhật đang phải đối phó với hiện tượng giảm phát nghiêm trọng. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng và doanh nhân chờ đợi để mua sắm và đầu tư vào các trang thiết bị. Hiện tượng giảm phát làm tăng lãi suất thực xóa đi phần nào lợi thế mà Ngân hàng Trung ương tạo ra để khuyến khích tư nhân vay mượn tiền.

Cuối cùng, theo một số nhà phân tích thì bản thân hiện tượng đồng yen tăng giá cũng cần phải được xét lại: đành rằng, giá đồng yen/USD tăng cao nhất kể từ năm 1995 tới nay. Tuy nhiên, vật giá ở nhiều nước phương Tây như Mỹ hay châu Âu liên tục gia tăng, trong khi đó chỉ số giá cả ở Nhật lại giảm. Điều đó có nghĩa là tỉ giá hối đoái thực sự đã không hề tăng so với 15 năm trước đây mà ngược lại đồng yen còn giảm giá so với USD.

Nhật Bản vừa bị Trung Quốc qua mặt ở vị trí siêu cường kinh tế thứ hai thế giới, đà tăng trưởng của quốc gia này còn yếu kém trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa thực sự bình phục sau khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 đặc biệt là trước những tín hiệu không mấy khả quan bắn đi từ Mỹ càng gây lo ngại cho ngành xuất khẩu của nước Nhật.

Nhiều doanh nghiệp bị suy yếu làm tổn hại đến mạng lưới công nghiệp quốc gia và đe dọa trực tiếp đến việc làm của người dân. Một cuộc tham khảo ý kiến gần đây cho thấy có đến 40% doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng di dời cơ sở sản xuất để tránh tác động của đồng yen tăng giá. Thêm vào đó hiện tượng đồng yen Nhật Bản tăng giá quá cao so với USD và euro làm giảm giá nhu yếu phẩm và nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài vào Nhật. Điều này càng làm lộ rõ đe dọa giảm phát đối với Nhật Bản.

Chính quyền Tokyo đang lúng túng với hồ sơ kinh tế, chưa tìm được một chiếc đũa thần để tỉ lệ tăng trưởng èo uột được nhân lên gấp 5 hay 7 lần. Nội các của Thủ tướng Naoto Kan cùng lúc phải giải quyết những hồ sơ nóng bỏng như là ngăn chặn đà gia tăng của đơn vị tiền tệ quốc gia để hỗ trợ xuất khẩu, cải thiện thị trường lao động hay đối phó với giảm phát... Dù vậy, tỉ lệ thất nghiệp của Nhật Bản hiện chỉ bằng một nửa so với ở Mỹ hay nhiều nước trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Kinh tế ì ạch kèm theo nợ công cao đang khiến Nhật Bản có nguy cơ vỡ nợ.

Một số nhà phân tích cho rằng, tình trạng kinh tế tại Nhật Bản chưa thực sự bước vào giai đoạn hiểm nghèo nhất, cho nên cường quốc công nghiệp châu Á này chưa thực sự thoát khỏi những khó khăn dai dẳng, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng địa ốc đã kéo dài từ 20 năm qua.

Bên cạnh những giới hạn về phương diện kinh tế, Nhật Bản còn đang gặp một trở ngại không nhỏ đó là vấn đề ổn định trong ban lãnh đạo ở thượng tầng nhà nước. Trong 4 năm vừa qua, Nhật Bản đã 6 lần thay đổi thủ tướng. 2010 là năm đầy sóng gió với chính trường Nhật Bản. Đảng Tự do dân chủ (LDP) đã nắm quyền gần như liên tục trong hơn 50 năm nay đã bị đảng Dân chủ (DPJ) giành lấy chính quyền. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, đảng DPJ lại gần như đạp lên vết xe đổ của LDP.

Thủ tướng Hatoyama trước đây đã bị áp lực rất nhiều vì những phát biểu thất thố cũng như không vận hành nổi đường lối đã đưa ra. Do vậy chỉ sau 9 tháng cầm quyền, ông Hatoyama đã phải từ chức Thủ tướng. Sau đó ông Naoto Kan lên thay thế. Nhưng trong nội bộ đảng, Thủ tướng Kan lại có những mâu thuẫn với ông Ichiro Ozawa, cựu Chủ tịch đảng DPJ.

Về đối ngoại, khu vực Đông Bắc Á trong năm qua đã xảy ra nhiều tranh chấp và biến động. Vị thế của Nhật Bản hiện rơi vào tình thế phức tạp. Trước tình hình chính trị và quân sự tại khu vực, Nhật Bản vẫn phải dựa vào đồng minh thân cận là Mỹ. Nhưng quan hệ của Nhật với Mỹ trong năm qua đã gặp nhiều rắc rối liên quan tới việc di dời căn cứ quân sự trên đảo Okinawa.

Hồ sơ này đã được hai bên bàn thảo trong 12 năm để đi đến quyết định là dời lên khu vực đông bắc cũng của Okinawa. Nhưng đảng DPJ khi ra tranh cử nói rằng sẽ dời căn cứ quân sự của Mỹ ra khỏi Okinawa hoặc ra khỏi Nhật Bản. Vấn đề là ra khỏi nước Nhật thì không biết đi đâu, và dời ra khỏi Okinawa thì không nơi nào nhận. Thành ra chương trình nghiên cứu bấy lâu nay của Nhật bị bỏ lửng, không cách nào giải quyết được.

Có thể nói trong năm 2010, Nhật Bản khá vất vả trong đối ngoại, kể cả với đồng minh quen thuộc là Mỹ và Hàn Quốc, và với Trung Quốc là vụ tranh chấp hải đảo trong suốt mấy tháng gần đây

N.Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.