Rượu sake Nhật Bản ế ẩm do thảm họa hạt nhân năm 2011

Thứ Ba, 31/10/2017, 16:59
Sau thảm họa hạt nhân ở nhà máy Fkushima Daiichi năm 2011, nhà làm rượu sake Hiroyuki Karahashi nhận được rất nhiều cuộc gọi điện thoại từ người tiêu dùng Nhật Bản bày tỏ mối lo lắng về ô nhiễm phóng xạ.

Karahashi, 41 tuổi- sở hữu Công ty Rượu Sake Homare ở Fukushima, khu vực đặt nhà máy điện hạt nhân bị sóng thần tấn công gây thiệt hại nặng nề và cũng là chủ tịch Hiệp hội Rượu Sake Fukushima- thú thật: "Một người đàn ông cho biết đã nhận được món quà rượu sake từ người bạn. Ông ta hỏi tôi có thể trả lại chai rượu được không. Tôi bảo cứ việc vứt bỏ nó nếu không muốn uống, nhưng ông ta còn nói như thế sẽ làm ô nhiễm nơi ở của ông ta".

Ông Hiroyuki Karahashi.

Rượu sake Nhật Bản được nấu từ gạo hữu cơ và ít sử dụng thuốc trừ sâu, trải qua nhiều công đoạn lên men gọi là nihonshu hay seishu. Rượu sake nguyên chất có độ cồn vào khoảng 18% và 20%. Ở Nhật Bản, rượu sake trước khi dùng thường được hâm nóng trong chai sứ nhỏ gọi là tokkuri rồi sau đó rót ra những chiếc tách nhỏ cũng bằng sứ gọi là sakazuki. Sau thảm họa Fukushima, người dân không dám mua uống nữa vì lo sợ phóng xạ. Hiroyuki Karahashi giải thích: "Mặc dù không nói công khai rằng không mua bất kỳ sản phẩm nào của vùng Fukushima nhưng người tiêu dùng không bao giờ bỏ tiền ra mua chúng nữa. Trong trường hợp này, chúng tôi không có cơ hội để giải thích về mức độ an toàn của sản phẩm".

Đối với 62 nhà máy rượu thành viên của Hiệp hội Fukushima, rượu sake cũng gặp khó khăn trên các thị trường xuất khẩu. Trung Quốc vẫn tiếp tục cấm nhập khẩu rượu sake sản xuất tại Fukushima và 9 khu vực khác của Nhật Bản do lo sợ phóng xạ. Hàn Quốc - thị trường hải ngoại lớn hàng thứ 2 của Nhật Bản - cũng ngưng mua rượu sake có xuất xứ từ Fukushima.

Cơn sóng thần do động đất ngoài khơi xảy ra ngày 11-3-2011 đã gây thảm họa hạt nhân cho Fukushima Daiichi, phá hủy các hệ thống làm lạnh của 3 trong số 6 lò phản ứng của nhà máy điện nằm ở bờ biển phía đông Nhật Bản. Trước khi tình huống nguy hiểm được kiểm soát, một lượng đáng kể phóng xạ đã kịp rò rỉ ra môi trường.

Vấn đề của các nhà sản xuất rượu sake ở Fukushima là người tiêu dùng lo sợ những cánh đồng địa phương cung cấp gạo để làm rượu và cả nguồn nước có thể bị ô nhiễm phóng xạ cho dù những cánh đồng này nằm bên ngoài vùng cấm bao quanh nhà máy điện Fukushima.

Hiroyuki Karahashi cho biết, giới chức chính quyền Nhật Bản vẫn tiếp tục xét nghiệm mọi nguyên liệu thô và các sản phẩm của Hiệp Hội Rượu Sake Fukushima và các nhà máy thành viên đều được cấp giấy chứng nhận không ô nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, giấy chứng nhận của chính quyền Nhật Bản vẫn không làm người tiêu dùng trong nước lẫn nước  ngoài  an tâm.

Yuichi Hashiba trên cánh đồng lúa tự trồng của mình.

Thảm họa hạt nhân Fukushima cho đến nay vẫn tiếp tục gây thiệt hại không nhỏ đến ngành công nghiệp sản xuất rượu sake của Nhật Bản, với tổng cộng 1.250 nhà máy rượu. Cũng do ảnh hưởng từ thảm họa Fukushima, các nhà làm rượu bắt đầu chuyển sang tự trồng lúa để bảo đảm an toàn. Mặc dù sake là thức uống có cồn truyền thống của người Nhật Bản, nhưng hiện nay số lượng người tiêu thụ rượu ở thị trường nội địa, đặc biệt là giới trẻ, đã giảm sút thê thảm.

Theo số liệu chính thức, rượu sake chỉ chiếm 6,5% trong tổng số các loại rượu tiêu thụ tại Nhật Bản vào năm 2013, giảm 10,3% so với năm trước đó. Mặc dù rượu sake hiện nay được sản xuất bằng loại gạo chất lượng tốt hơn và không chứa chất phụ gia, song người tiêu dùng Nhật Bản vẫn chuyển sang uống bia, rượu vang và whisky - với mức tăng 14,8% năm 2013.

Yuichi Hashiba, chủ sở hữu Nhà máy Rượu Izumibashi ở vùng Kanagawa gần Tokyo, là một trong những nhà là làm rượu từ loại gạo do chính mình trồng và thu hoạch. Để gia tăng độ tin cậy cho sản phẩm rượu của mình, Yuichi Hashiba, đề nghị người dân địa phương giúp nhà máy thu hoạch lúa gạo.

Để cảm ơn họ, Hashiba cho mở tiệc thết đãi mọi người món cá nướng và rượu sake sản xuất từ các vụ thu hoạch đầu tiên. Rượu sake của Hashiba bán với giá 5.000 yen (khoảng 43 USD) một chai và ông xuất khẩu chỉ 2,5% số sản phẩm của mình ra nước ngoài, chủ yếu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với các nhà sản xuất sake khác, xuất khẩu chiếm phần đáng kể với Mỹ là thị trường hải ngoại lớn nhất của họ. Trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc rất e dè đối với sản phẩm sake của Nhật Bản sau thảm họa hạt nhân, Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục tiêu thụ mạnh loại rượu này và lượng hàng xuất khẩu cứ tăng theo mỗi năm. Hiện nay, người Anh vẫn thích mua rượu sake Nhật Bản, trong đó bao gồm cả sản phẩm xuất xứ từ Fukushima. Nguyên do là người tiêu dùng Anh thường tin tưởng vào chính quyền nước mình và Nhật Bản.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.