Nhiều nhà đầu tư cổ phiếu bán tháo tài sản để trả nợ ngân hàng

Thứ Ba, 17/07/2007, 16:35

Từ ngày 1/7, Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước (ban hành ngày 27/6) có hiệu lực, theo đó, các ngân hàng đã cho vay chơi chứng khoán vượt quá 3% tổng dư nợ cho vay thì phải thu nợ về và giảm tỉ lệ về mức an toàn theo quy định cho tới thời hạn cuối là ngày 31/12/2007.

Sáng 2/7, gặp tôi tại Công ty Chứng khoán Đông Á nhìn nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm, mặt chị Hà buồn buồn. Hỏi ra mới biết, chị đã âm thầm giấu chồng, người thân trong gia đình đi rút tiền gửi ngân hàng và  còn vay thêm một lượng tiền khác ở đây để chơi chứng khoán.

Một nửa số tiền 300 triệu đồng chị đã mua cổ phiếu niêm yết trên sàn, một nửa còn lại chị mua cổ phiếu ở thị trường phi tập trung OTC. Cả hai thị trường cổ phiếu đều ảm đạm trong thời gian gần đây, tính tới thời điểm những ngày cuối tháng 6 thì chị đã  thua ngót nghét 100 triệu đồng, khoản tiền không nhỏ so với số tiền mà hai vợ chồng  chị đã dành dụm từ lương  nhiều năm để gửi tiết kiệm.

Cuối năm 2006, đầu năm 2007, khi thị trường chứng khoán nóng lên thì dường như ai bước chân vào lĩnh vực chứng khoán không nhiều thì ít đều thắng. Theo đà của những người thắng, một lớp những nhà đầu tư mới xuất hiện, họ lao vào mua cổ phiếu bằng mọi giá, vì nhiều người tin tưởng rằng, các quỹ đầu tư nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam khiến thị trường chứng khoán nóng liên tục trong thời gian tới.

Trong nhiều tháng nay, khi thị trường điều chỉnh giảm và đứng đã khiến cho không ít nhà đầu tư phải bán nhà và các tài sản khác để trả tiền ngân hàng, nhất là trong hoàn cảnh Ngân hàng Nhà nước vừa có Chỉ thị 03, yêu cầu khống chế lượng tiền cho vay chơi chứng khoán tại các ngân hàng cổ phần thương mại chỉ ở mức 3% tổng dư nợ đã khiến cho nhiều ngân hàng đã bắt đầu thu hồi những khoản nợ vượt quá khoản khống chế trên mà họ đã cho các nhà đầu tư vay chơi chứng khoán vào thời điểm nóng trước khi có Chỉ thị này.

Tuy việc thu hồi nợ của các ngân hàng chỉ xảy ra từ từ nhưng những người đã trót vay ngân hàng chơi chứng khoán cũng phải đôn đáo khắp nơi để chạy tiền, kẻ thì bán nhà, người thì bán nhiều của cải khác và còn nhiều bi kịch khác nữa, vì họ bán cổ phiếu lúc này chỉ đủ trả nợ một phần.

Có thể nói, thị trường chứng khoán không tăng và giảm nhiều trong những ngày qua đã khiến cho nhiều người sinh ra nợ nần, nhất là những người xem chứng khoán là một cuộc chơi “lướt sóng”, một đêm mơ làm tỉ phú. Tuy nhiên, khi Chỉ thị 03 có hiệu lực càng khiến cho số nhà đầu tư này gặp nhiều khó khăn hơn, vì thời gian xiết nợ của ngân hàng đã tới gần, khả năng đảo vốn, kéo giãn thời gian trả nợ của họ ngày càng khó khăn hơn.

Một nhà đầu tư (giấu tên) tại Công ty Chứng khoán Tràng An tâm sự, hoàn cảnh hiện nay thực sự khó khăn khi khoản vay của anh đang dần phải trả trong khi giá cổ phiếu anh mua đang găm không được, bán không xong do nợ thúc ép. Thời gian trước, kinh doanh cổ phiếu lỗ một vài tháng thì vẫn còn có đường chạy là vay ngân hàng, nhưng nay, nhiều ngân hàng xiết nợ thì chỉ còn cách là bán đứt tài sản.

Tâm trạng trên là của không ít trong số các nhà đầu tư, đặc biệt trong hoàn cảnh chứng khoán ảm đạm như hiện nay. Sa lầy nặng nhất là những ai bước chân vào thị trường chứng khoán phi tập trung OTC. Tại thị trường này, thời chứng khoán sốt giá, những ai chuộng cổ phiếu ngân hàng đều có thể tới các ngân hàng phát hành cổ phiếu hoặc ngân hàng khác đóng chút tiền mua cổ phiếu.

Khi có cổ phiếu OTC của ngành ngân hàng rồi thì họ lại mang số cổ phiếu này đi thế chấp để lấy tiền, rồi số tiền  này lại được dùng để mua cổ phiếu trên sàn. Kinh doanh kiểu “bắt cá 2 tay này” nếu cả 2 thị trường chứng khoán lên cùng một lúc thì nhà đầu tư  thắng to, nếu cả 2 thị trường điều chỉnh giảm thì nhà đầu tư bị “hạ gục” đầu tiên.

Anh Thọ, nhà đầu tư vào Công ty Chứng khoán Agriseco, người đã kiếm rất nhiều tiền nhờ kiểu kinh doanh trên và hiện chỉ lên sàn “giao du bạn bè” cho rằng, số lượng nhà đầu tư vay tiền ngân hàng mua cổ phiếu trên sàn niêm yết không nhiều, mà chủ yếu là ở thị trường OTC. Khác với thị trường niêm yết,  đầu tư vào thị trường OTC nhà đầu tư được vay dài hạn, có thể là từ  6 tháng tới 1 năm, tuy nhiên khi đã tới thời điểm đáo hạn thì bắt buộc nhà đầu tư phải trả nợ.

Được biết, tuy Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị 03 buộc các ngân hàng cổ phần thương mại cho vay dư nợ chơi chứng khoán không vượt quá 3%. Nhưng nhiều ngân hàng cổ phần thương mại đã vượt quá khoản cho vay này thì buộc phải thu hồi vốn đã cho vay. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng khác vẫn chưa cho vay vượt con số trên, kể cả những ngân hàng cổ phần hoặc chưa cổ phần.

Đây vẫn còn là cơ hội để nhà đầu tư gặp khó khăn khai thác, tránh tình trạng ép mình phải đi bán tài sản gấp gáp. Nhưng vay rồi lấy gì để trả nếu tiếp tục thua lỗ?

Văn Hùng
.
.