Nhiều "sạn" trong "Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2009"

Thứ Ba, 21/04/2009, 09:45
Hai tuần qua, sách Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009 đã được phát hành rộng rãi, nhiều học sinh và thầy cô giáo đã tìm mua, trong đó có bộ môn Ngữ văn, do các tác giả Vũ Nho, Nguyễn Duy Kha và Trần Đăng Nghĩa biên soạn. Đọc cuốn tài liệu hướng dẫn ôn tập môn văn ấy, là các thầy giáo dạy văn, lại chuyên dạy lớp 12, chúng tôi không khỏi thất vọng về nhiều mặt sai sót, hạn chế của cuốn sách.

Bê nguyên xi tài liệu cũ, sách cũ

Khi viết bài về cuốn sách Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT Ngữ văn 2009 này, trên tay chúng tôi có cuốn Hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2008 cũng do chính các tác giả Vũ Nho - Nguyễn Duy Kha biên soạn. Sách ôn tập năm 2008, là thuộc về chương trình cải cách, sách cũ.

Đối chiếu giữa cuốn Tài liệu Hướng dẫn ôn tập cũ với cuốn sách Hướng dẫn ôn tập mới năm nay, chúng tôi thật sự bị "sốc" khi nhận ra phần lớn các bài soạn trong sách hướng dẫn ôn tập Ngữ văn, năm 2009 đều được cóp lại y chang, không chỉnh sửa một dấu chấm, dấu phẩy trong cuốn Hướng dẫn ôn tập cũ, thuộc chương trình, sách giáo khoa (SGK) cũ.

Chúng tôi xin liệt kê chi tiết ra đây để bạn đọc nắm:  Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập, Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước, Sóng, Người lái đò Sông Đà, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Rừng xà nu, Tiếng hát con tàu, Thuốc, Số phận con người, Ông già và biển cả, Tố Hữu, Nguyễn Tuân... Số lượng bài soạn bê nguyên xi sách ôn tập cũ là chiếm 70% lượng kiến thức môn văn 12. 30% bài, kiến thức còn lại, các tác giả không cóp được do đấy là những bài mới đưa vào.

"Râu ông nọ cắm cằm bà kia"

Vì "cóp" ào ào, không hề  đối chiếu sự khác biệt giữa sách mới với sách cũ, cải cách trước đây nên mới nảy sinh chuyện "râu ông nọ cắm cằm bà kia", "đầu Ngô mình Sở" trong cuốn Hướng dẫn ôn tập năm 2009. Chúng tôi chứng minh cụ thể:

-  Bài: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (trang 114) (dành riêng cho Bộ sách nâng cao), ở mục Kiến thức cơ bản, các nhà biên soạn bê nguyên xi nội dung, kiến thức của sách lớp 12 hệ cải cách trước đây vào.

Trong khi đó, bài học Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thuộc sách nâng cao (trang 31) lại viết khác hẳn so với sách cũ và sách chuẩn, nhất là mục Quan điểm sáng tác văn học và Phong cách nghệ thuật (do dung lượng trang báo có hạn, tôi không tiện nêu chi tiết).

- Bài: Thuốc (Lỗ Tấn), sách chuẩn và nâng cao năm nay, ở phần Tiểu dẫn không hề có nói về quá trình học các nghề của Lỗ Tấn, thế mà các tác giả lại vẫn cho vào (giống như ở SGK cũ).

- Bài Ông già và biển cả (Hê-minh-uây), SGK mới đâu có mục nào đề cập và hỏi về Nguyên lý tảng băng trôi của nhà văn. Trong khi đó, tài liệu ôn tập, ở mục câu hỏi và đề văn (trang 96) là có hỏi cái mà sách mới không dạy.

Với ba minh chứng nêu trên, xin hỏi các nhà viết cuốn Hướng dẫn ôn tập này, học sinh học sách nâng cao, sách chuẩn của cả nước nên theo ai? Sách Hướng dẫn ôn tập này hay SGK nhỉ?

Nguyên tắc rõ ràng, cái SGK không có thì  hướng dẫn ôn tập không được đưa vào. Trong phần mở đầu cuốn  Hướng dẫn ôn Ngữ văn năm 2009, các tác giả biên soạn có nêu đại thể rằng: “Sách ôn tập là hướng dẫn cho học sinh nắm những điều cơ bản, cốt lõi nhất của sách giáo khoa”.

Thực tế cho thấy, các người soạn sách đáng kính của chúng ta đã "nói một đằng, làm một nẻo". Bắt các em học những cái ở đâu đâu, không nằm trong SGK hiện hành. Thật là khó hiểu!

Năm nay, dạy - học theo chương trình phân ban, sách mới hoàn toàn, khác xa sách cũ, thì các nhà biên soạn hướng dẫn ôn tập phải biên soạn, thể hiện theo chương trình, sách mới mới đúng. Tại sao, các tác giả lại copy sách cũ vào cái mới này?

Dẫu rằng, sách mới, có lấy lại nhiều tác phẩm, nội dung sách cũ, có những giá trị không thay đổi, song các nhà soạn chương trình, SGK đã có nhiều đổi mới, cải biến trong cách tiếp cận, thể hiện vấn đề, chiếm lĩnh tác phẩm, nhằm phù hợp với phương pháp dạy - học mới hiện nay.

Trước khi biên soạn sách này, xin hỏi là các tác giả Vũ Nho - Nguyễn Duy Kha - Trần Đăng Nghĩa có nắm bắt được những điểm mới SGK phân ban không? Tôi tin chắc rằng các ông chưa nắm được tinh thần của sách mới. Nếu nắm được cái mới, thì các ông không "làm ăn" cẩu thả, trời ơi như thế này. Các ông lấy cái cũ của chương trình, sách cũ áp cho cái mới, rồi "bắt" học sinh phải mua, phải học. Thật tội cho các em quá!

Sai sót, thiếu chuẩn xác

- Bài: Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), ở phần Luyện tập, câu 5 có hỏi: So sánh cách tiếp cận sông Đà của Nguyễn Tuân với cách tiếp cận sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Gợi ý cho câu này trong bảng so sánh, ở ô giống nhau, các tác giả viết: Cùng viết tùy bút về một dòng sông (trang 57).

Viết vậy là không chính xác, dễ "giết chết" học sinh như chơi. Vì tùy bút Người lái đò sông Đà  của Nguyễn Tuân viết về con sông Đà ở Tây Bắc. Còn tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về con sông Hương ở Huế. Sao lại hồ đồ cho là có một dòng sông thôi? Và trong phần nghệ thuật bài học trên còn thiếu ý rất cơ bản: là chất tài hoa, tinh tế, uyên bác của nhà văn.

Bìa sách hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn.

- Bài: Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), phần Luyện tập, câu 1: Phân tích ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh cây xà nu (trang 76). Hỏi về ý nghĩa biểu tượng nhưng đến phần gợi ý, ở ý thứ nhất, các nhà soạn sách lại trả lời sai hoàn toàn. Xin trích dẫn cụ thể: "Xà nu sinh sôi nảy nở rất nhanh, rất khỏe. Nó là loài cây ham ánh sáng, cứng cáp và vươn lên che chở cho làng Xô Man. Tất cả những phẩm chất ấy thể hiện rõ sức sống bất diệt của xà nu "(trang 76).

Cây xà nu phải biểu tượng cho đối tượng khác. Chứ không thể biểu tượng cho chính nó được. Sai nữa là các phẩm chất ấy không thể quy thành “sức sống bất diệt của xà nu”. Trong thực tế tác phẩm, cây xà nu vẫn bị đạn đại bác kẻ thù tiêu diệt, tàn phá đấy thôi. 

Ngoài ra, cách gợi ý còn thiếu ý: người dân Xô Man ham tự do. Hơn nữa, cách sắp xếp ý như thế thiếu chặt chẽ, lôgic, không phù hợp với diễn biến của hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng. Cái sai và cái thiếu ý, thiếu lôgic trên có phải là do  sự nhầm lẫn, cẩu thả của các nhà soạn sách?

- Bài: Thuốc (Lỗ Tấn), mục Nghệ thuật (trang 88), sách viết: “Thuốc có cốt truyện khá đơn giản mà sâu sắc giống như một bức tranh thủy mặc với những nét chấm phá tinh tế”.  Câu trên đưa ra lối so sánh khập khiễng, thiếu hợp lý (có ai lại so sánh “Thuốc” như một bức tranh thủy mặc với những nét chấm phá tinh tế đâu).

- Bài Ôn tập về văn học nước ngoài, câu thứ 6 có hỏi: Ý nghĩa phê phán và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn "Thuốc" của Lỗ Tấn. Để trả lời cho câu hỏi trên, các tác giả viết: Điều quan trọng hơn mà Lỗ Tấn muốn thể hiện là tư tưởng yêu nước. Ý này sao có thể gọi là “Ý nghĩa phê phán” được? Học theo kiểu viết đó, học sinh sẽ "chết chắc”.--PageBreak--

Lộn xộn, không thống nhất

- Cấu trúc đề thi và hướng dẫn ôn tập  môn Văn của Bộ  Giáo dục & Đào tạo đã ban hành, chỉ đề cập, hướng dẫn, giới hạn hình thức thi tự luận. Thế nhưng, trong phần Hướng dẫn những vấn đề chung về ôn tập, ở mục IV, các tác giả lại giới thiệu cả hai hình thức trắc nghiệm khách quan.

Tại trang 5 của phần thứ nhất này lại viết: a) Thi theo hình thức tự luận với các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. b) Thi theo hình thức trắc nghiệm đối với các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Đây là Sách Hướng dẫn ôn tập Ngữ văn mà ghi nhiều kiểu như thế, khiến các em phân tâm.

Vả lại, phần "Những vấn đề chung về ôn tập và thi tốt nghiệp THPT năm 2009", dài đến 12 trang, đều có, đều giống nhau ở tất cả các môn thi tốt nghiệp. Tại sao phần chung này không gom lại một chỗ, hoặc gửi về trường, phổ biến cho các em thì đỡ phần lãng phí, tốn kém cho phụ huynh, học sinh.

- Trong Mục 3 Chuẩn bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng là quan trọng nhất, có câu: "Khi đã chuẩn bị tốt kiến thức, các em học sinh có thể tự thử sức, rèn luyện, nâng cao kỹ thuật làm bài theo các hình thức và cấu trúc đề thi, nhưng cũng cần lưu ý là không cần thử sức quá nhiều, không nên quá sa đà vào nhiều đề trắc nghiệm, vào cấu trúc đề thi vì kiến thức trong đó, mặc dù đã khá nhiều nội dung, song thường tản mạn, vụn vặt, không  hệ thống, do vậy hiệu quả tăng cường kiến thức không cao”. Câu văn gì mà dài lê thê và tối nghĩa đến thế. Đọc vào, người lớn, người có trình độ chưa chắc hiểu được điều tác giả muốn nói gì, huống chi là các em học sinh.

- Bài: Một người Hà Nội (Nguyễn Khải), phần Kiến thức cơ bản, ở đoạn đầu, mục 3 (trình bày về nghệ thuật tác phẩm), các tác giả lại lộn đầu lộn đuôi, không phân biệt được ý đó là nội dung hay là nghệ thuật, trong trường hợp: Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là bà Hiền, một người Hà Nội càng ngày càng thể hiện vẻ đẹp văn hóa và bản lĩnh của một người bình thường, một công dân của Thủ đô” (trang 135). Viết thế mà đưa vào mục nghệ thuật. Đúng là hết biết.

- Mục: Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 có 3 đặc điểm  cơ bản, giữa bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỷ XX (trang 13) với bài Ôn tập (trang 58) lại trình bày không thống nhất, mỗi bài một có “vẻ riêng”. Gây khó khăn cho học sinh. Nên theo cái nào đây?

Nhận xét chung

Sách hướng dẫn ôn tập môn Ngữ văn lớp 12, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, chỉ có tổng cộng 160 trang nhưng giá bán lên đến 16.000 đồng. Cao gấp đôi so với SGK. Vậy cái tính phục vụ, quan tâm thiết thực đến học sinh, nhất là các em vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, ở chỗ nào?

Ngoài những "hạt sạn" đã nêu trên, chúng tôi còn nhận thấy, chất lượng biên soạn ở từng bài cụ thể chưa tốt. Nhiều gợi ý cho các câu hỏi, đề văn ý tứ lộn xộn, thiếu tính hệ thống, khoa học, câu từ lủng củng, nghiêng về kể lể dông dài....

Nhiều bài như Tây Tiến, Thông điệp nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS, 1/12/2003,  Ai đã đặt tên cho dòng sông, Vợ nhặt, Hồn Trương Ba da hàng thịt... biên soạn rất sơ sài. Hai bài về  Nghị luận xã hội sẽ có mặt trong đề thi (gồm 3 điểm) theo cấu trúc đề thi của Bộ, rất cần thiết hướng dẫn cụ thể cho học sinh thì lại bỏ qua, chẳng thấy đâu.

Hỏi rất nhiều giáo viên dạy văn cho biết ý kiến về cuốn Hướng dẫn ôn tập môn Ngữ văn năm 2009 của các tác giả Vũ Nho - Nguyễn Duy Kha - Trần Đăng Nghĩa, tôi đều nhận được những cái lắc đầu, chặc lưỡi, viết quá ẩu, sai sót nhiều, học sinh- thầy cô giáo không thể học hỏi được gì, không chỉ mất tiền mà còn có thể làm thui chột năng lực học và viết văn của các học sinh nữa.

Chất lượng biên soạn như thế, toàn cóp cái cũ gán vào, sai sót tùm lum như thế, chúng tôi không hiểu tại sao Bộ Giáo dục lại cho phát hành trên toàn quốc?

Để  tạo công bằng, khách quan, tránh gây thiệt thòi cho học sinh, chúng tôi đề nghị, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần  lấy ý kiến rộng rãi các thầy cô trường phổ thông và có ban, người thẩm định lại một cách nghiêm túc chất lượng sách hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2009, cũng như tài liệu ôn tập các môn khác. Nếu thấy không được, đề nghị thu hồi, dừng ngay việc phát hành và quy rõ trách nhiệm.

Chúng tôi được biết, 2 năm trước đây, Bộ Giáo dục đã từng cấm  biên soạn cuốn Hướng dẫn ôn tập thi THPT các môn. Thực tế, kết quả thi tốt nghiệp các năm đó không hề giảm sút. Tại sao, hai năm nay lại cho phép trở lại?

Thiết nghĩ, hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp là không cần thiết, nó vừa làm rối loạn việc ôn tập vừa gây tốn kém, lãng phí vô ích đối với học sinh. Theo chúng tôi về phía Bộ chỉ đưa ra hướng dẫn, cấu trúc đề thi chung, nên để tự giáo viên, nhà trường định hướng cho các em, là đủ

Bùi Tấn Nam - Nguyễn Viết Hòa - Đỗ Tấn Ngọc
.
.