Dự án thành phố bên sông Hồng:

Nhìn từ cơn “đại hồng thủy” năm 1971

Thứ Bảy, 27/10/2007, 17:15
Đằng sau những hân hoan về một thành phố trong mơ bên bờ sông Hồng, một câu hỏi chung nhất của người dân là liệu hoạt động chỉnh trị dòng sông Hồng của Dự án quy hoạch có khả thi? Liệu có hay không một thảm họa như cơn lụt năm 1971 đối với Hà Nội nói riêng và đồng bằng sông Hồng nói chung?

Dự án quy hoạch sông Hồng do phía đối tác Seoul (Hàn Quốc) và Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chủ trì sau gần 17 tháng làm việc tích cực (từ tháng 5/2006 đến tháng 11/2007) đang đi vào giai đoạn cuối. Đã có các cuộc hội thảo, triển lãm lấy ý kiến của các chuyên gia và đông đảo nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn có những nỗi băn khoăn xung quanh dự án này.

Những câu hỏi chưa có lời đáp

Ông Phan Đình Đại, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách, Bộ Xây dựng, hiện là chuyên gia của Tổ Hợp tác hỗ trợ dự án của Hàn Quốc về lập quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội, cho biết: “Việc Hàn Quốc đã bỏ ra 5 triệu USD cùng gần 5 tỉ đồng của chúng ta dành cho việc lập dự án quy hoạch không phải là nhỏ, vì vậy, cần phải làm thật tốt, thật khoa học thì mới tránh lãng phí, thu được kết quả mỹ mãn cho người Hà Nội, người Việt Nam”.

Nhưng với cái nhìn trong cuộc và con mắt của một chuyên gia thủy lợi, từng là Phó tổng phụ trách kỹ thuật về thiết kế xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, ông Đại cho rằng, người dân hoàn toàn có lý do để không yên tâm và đặt dấu hỏi đối với chất lượng bản quy hoạch.

“Có hai điểm mấu chốt khiến bản quy hoạch chưa đạt yêu cầu là thời gian thực hiện và tính khoa học của nó. Với chỉ 17 tháng để hoàn thành quy hoạch một dự án tầm cỡ như thế thì có thể nói là không tưởng. Không đủ thời gian để nghiên cứu, tính toán, thử nghiệm, bởi chỉ riêng việc kiểm tra bằng mô hình thủy lực để kiểm chứng các mô hình toán cũng đã mất 470 ngày, tức là một năm rưỡi. Quan trọng nhất là trong phương án chỉnh trị sông Hồng đoạn qua Hà Nội không đưa ra được phương án kết cấu toàn bộ đê thích hợp, đảm bảo tính vĩnh cửu của bờ sông; không có phương án so sánh kết cấu cho các loại gia cố bờ đảm bảo an toàn lũ khi biên độ dao động mực nước sông lớn tạo ra do sự thay đổi bề mặt nước sông (từ khoảng cách giữa đôi bờ sông chỗ rộng nhất 3,5 km xuống còn 1,5 km - khu vực được quy hoạch)” - ông Đại nói.

Ông Phan Đình Đại còn cho rằng, bản quy hoạch chưa phân biệt được tính chất phức tạp của sông Hồng khi sử dụng kinh nghiệm chỉnh trị sông Hàn (Hàn Quốc) và không đưa ra lời giải cho các câu hỏi chỉnh trị như thế nào đối với sông Hồng.

Đặc trưng của sông Hồng khác hẳn đặc trưng của sông Hàn và các sông khác chảy qua thủ đô các nước là mực nước sông Hồng cao hơn mặt đất thành phố từ 6 đến 10 m, đặc biệt có điểm cao tới 12 m; có chế độ dòng chảy, thủy văn và thủy lực khác biệt; có biên độ dòng chảy thay đổi lớn trong tháng, trong năm, độ chênh lệch mực nước giữa mùa cạn và mùa lũ, vận tốc dòng chảy, độ đục bùn và phù sa tạo ra sự bồi đắp liên tục và thay đổi, xói lở xảy ra thường xuyên, địa hình đáy sông luôn biến đổi...

Chung nỗi băn khoăn về chất lượng của phương án chỉnh trị sông Hồng, ông Phạm Quang Nguyên, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết: “Theo tôi, muốn chỉnh trị được sông Hồng, cốt lõi nhất là phải giải quyết vấn đề trị thủy trên toàn tuyến sông. Không phải là cả 1.149 km, vì 649 km đầu nguồn nằm bên phía Trung Quốc, nhưng chúng ta phải chủ động trị thủy ở 500 km trên đất Việt Nam. Các giải pháp đưa ra hiện nay còn sơ sài và chưa ổn, nhưng tôi cho rằng trình độ khoa học kỹ thuật bây giờ hoàn toàn có thể giải quyết được. Miễn là chúng ta làm nghiêm túc và có sự đầu tư thỏa đáng về thời gian, công sức và tiền của”.

Ông Nguyên cho rằng, vấn đề đầu tiên cần đặt ra là nạo vét lòng sông, cải tạo dòng chảy. “Trận lũ tàn khốc năm 1971, tuy có nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm họa, nhưng theo tôi, phần nhiều là do phù sa sông Hồng bồi đắp quá nhiều, lòng sông từ lâu không được nạo vét, ảnh hưởng đến dòng chảy. Nay chúng ta đã có hồ thủy điện Hòa Bình, sắp tới sẽ là Sơn La, hoàn toàn có thể điều tiết được dòng chảy. Cho nên, cần đưa thêm những phương án để khống chế được mực nước sông Hồng cả trong mùa cạn lẫn mùa lũ. Khi nước lớn, cần khống chế ở mức quy hoạch yêu cầu. Vào mùa nước cạn, phải điều tiết ở mức độ khống chế, không để ảnh hưởng đến mỹ quan. Điều này, bản quy hoạch chưa làm được, cần tiếp tục nghiên cứu thêm”.

Ký ức về trận lũ

Những người đứng tuổi, từng sống ở đồng bằng sông Hồng vào thời điểm xảy ra trận lũ sông Hồng năm 1971 đều có những ấn tượng không thể quên về cơn lũ ấy. Ký ức chung của mọi người, đó là trận lụt khủng khiếp nhất mà họ từng biết, mưa to gió lớn, nước ngập mênh mông.

Chưa bao giờ nước sông Hồng lớn như thế, đúng là một tràng giang. Chỗ chân cầu Long Biên, nước dâng mấp mé mặt đê, chỉ cần gió mạnh là dập dềnh chảy qua.

Các nhà khoa học thủy lợi vẫn còn lưu giữ chi tiết những số liệu về trận lụt ấy.

Tháng 8/1971, do ảnh hưởng của dòng nước lạnh La Nina và một cơn bão từ miền Nam Trung Quốc, đã gây mưa lớn kéo dài, khiến mực nước trên các sông Lô, sông Thao và sông Đà vượt đỉnh. Nước từ các dòng sông này đổ dồn về sông Hồng, gây nên thảm họa "Thủy Tinh" lớn nhất được biết đến trong vòng 250 năm qua tại miền Bắc.

Ngày 20/8/1971, mực nước sông Hồng là 14,13 m, vượt mức báo động cấp III đến 2,63 m. Mực nước sông Hồng đo được 18,17 m ở Việt Trì và 16,29 m ở Sơn Tây (lần lượt cao hơn 2,32 m và 1,89 m so với mức báo động cấp III). Đồng thời mực nước ở các sông Cầu, sông Lô, sông Thái Bình ở mức cao hơn bao giờ hết.

Trận lụt đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của thủ đô và một số địa phương. Theo đánh giá của Cơ quan Quản trị hải dương và khí tượng Hoa Kỳ, đây là một trong những trận lụt lớn nhất thế kỷ XX của cả thế giới. Mức độ thảm khốc của cơn “đại hồng thủy” này đứng thứ hai sau trận lụt năm 1931 ở sông Dương Tử, Trung Quốc”.

Người Hà Nội và cả người xung quanh lưu vực sông Hồng lo lắng cũng phải. Tài liệu của ông Phạm Quang Sơn, Trung tâm Viễn thám và Geomatic, Viện Địa chất đánh giá, sông Hồng thuộc cỡ trung bình trên thế giới và lớn thứ hai ở Việt Nam, có diện tích lưu vực xấp xỉ 155.000 km2, diện tích đồng bằng hạ lưu gần 16.000 km2. Tổng lượng nước trung bình hàng năm là 136 tỉ m3, trong đó từ sông Hồng là 126,3 tỉ m3 và sông Thái Bình là 9,7 tỉ m3. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới ở đồng bằng sông Hồng có tần suất rất cao (chiếm 28% số bão ở Việt Nam).

Tổ hợp lũ ở đồng bằng sông Hồng diễn biến rất phức tạp. Trong thời gian 117 năm (1884-2001) đã có 166 trận bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đồng bằng sông Hồng (trung bình 1,4 trận/năm). Hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới thường đi kèm là lũ lớn, đã xuất hiện lũ rất lớn mà cơn lũ tháng 8/1971 là đặc biệt nhất.

Về giải pháp để có một phương án chỉnh trị sông Hồng an toàn tuyệt đối và bền vững, đa số các nhà khoa học đều cho rằng, nên tổ chức các cuộc thi theo từng đề tài, để các chuyên gia trong các lĩnh vực cùng vào cuộc, đưa ra các kiến giải và chấm lấy phương án tối ưu nhất. Có như vậy, nỗi ám ảnh về cơn “đại hồng thủy” năm 1971 trong lòng người dân Hà Nội nói riêng và đồng bằng Bắc Bộ nói chung, mới có thể chấm dứt

Lê Hồng
.
.