Nhớ soạn giả Viễn Châu

Thứ Ba, 18/12/2018, 11:16
Trong Hội thảo quốc tế "Hội nhập quốc tế về Bảo tồn - cơ hội và thách thức cho những giá trị văn hóa" diễn ra cuối tháng 11 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, âm nhạc đờn ca tài tử và những biến thể của nó đã được đánh giá rất cao, được xem như một giá trị văn hóa - nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam và có đóng góp lớn cũng như sức cuốn hút mạnh mẽ đối với văn hóa - nghệ thuật thế giới.


Trong số những báu vật con người trong lĩnh vực này, tên tuổi của cố NSND - soạn giả Viễn Châu được nhắc đến, tôn vinh nhiều lần. Tên tuổi, sự nghiệp, tài năng, đóng góp của ông cũng là một tâm điểm được ca ngợi trong Chương trình "100 năm cải lương" sẽ được tổ chức vào ngày 19-12 sắp tới.

Ông là người góp phần làm thăng hoa điệu “Vọng cổ nhịp 32” thành “Tân cổ giao duyên” và “Vọng cổ hài”, là hai sáng tạo độc đáo, đóng góp có ý nghĩa rất quan trọng cho loại hình Cải lương Nam Bộ, cũng là cho di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam.

Cha đẻ của “Tân cổ giao duyên”

Sinh thời, cố Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê khẳng định: “Anh Bảy Bá (tên thường gọi của soạn giả Viễn Châu) là một trong những đại thụ của giới soạn giả sân khấu Cải lương miền Nam, đã khai sinh ra thể loại “Tân cổ giao duyên”cách đây hơn 50 năm”.

Một góc sân khấu biểu diễn đờn ca tài tử ngày xưa.

Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, soạn giả Viễn Châu mạnh dạn làm một cuộc cách tân điệu “Vọng cổ nhịp 32” thành “Tân cổ giao duyên”  bằng việc lồng ghép bài tân nhạc vào bản vọng cổ nhịp 32 thật độc đáo, tài tình. Sau khi bản “Tân cổ giao duyên” đầu tiên có tên gọi “Chàng là ai” do cố nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết viết nhạc, qua phần thể hiện của NSND Lệ Thủy, được Hãng đĩa Hồng Hoa thu âm và phát hành, lập tức dư luận xã hội lúc bấy giờ có những phản ứng gay gắt với tác giả của điệu cổ nhạc này.

Một vài nhà báo, một số nhạc sĩ nổi tiếng đương thời cho rằng, soạn giả Viễn Châu là người làm hư hại bản “Vọng cổ nhịp 32”, vốn được xem là “quốc hồn, quốc túy” của âm nhạc dân tộc, kêu gọi dân chúng tẩy chay. Mặc dù vậy, soạn giả Viễn Châu vẫn an nhiên thu thập, lắng nghe tất cả các ý kiến khen chê, để rồi suy ngẫm và quyết định tiếp tục sáng tác “Tân cổ giao duyên” với hàm ý làm phong phú thêm sắc màu cho làn điệu “Vọng cổ nhịp 32”.

Nhờ sự kiên trì, nhẫn nại, cuối cùng ông cũng chinh phục được mọi người. Sau thành công ngoài mong đợi của đĩa hát “Tân cổ giao duyên” với chủ đề “Cô hàng chè tươi - Chàng là ai”, soạn giả Viễn Châu tiếp tục chọn những bản tân nhạc có giai điệu trữ tình của các nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, Nguyễn Văn Đông, Trần Thiện Thanh… để biên soạn lời vọng cổ và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Kể từ đó,“Tân cổ giao duyên” thịnh hành và được mọi người ái mộ ưa chuộng cho đến ngày hôm nay.

Thời kỳ hưng thịnh nhất của “Tân cổ giao duyên” là thập niên 1960 -1970. Nhiều soạn giả tuồng cải lương đã chuyển sang viết “Tân cổ giao duyên”. Các hãng băng đĩa, các nhà xuất bản thời đó tranh nhau ghi âm, xuất bản nhiều album và tập bài ca “Tân cổ giao duyên” thu lợi nhuận khá cao.

Nhớ lại thời hoàng kim, NSƯT Mỹ Châu chia sẻ: “Nghệ sĩ chúng tôi được các hãng băng đĩa mời thu âm liên tục. Ban ngày đi tập tuồng, rồi thu âm, tối đến đi diễn tuồng, diễn xong lại vào phòng thu để thu âm tiếp, gần sáng mới về nhà ngủ. Hễ đi diễn tỉnh thì ban ngày phải xin ông bầu quay về Sài Gòn thu, chiều quay lại đoàn để diễn tiếp. Cứ thế, nghệ sĩ chúng tôi không có thời gian rảnh để nghỉ ngơi”.

Ở thể loại “Tân cổ giao duyên”, soạn giả Viễn Châu sáng tác trên dưới 1.000 bài, được nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh của cải lương như: Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Minh Cảnh, Phượng Liên, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Nga, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Ngọc Giàu, Hồng Nga… thể hiện thành công. Có rất nhiều tác giả sáng tác “Tân cổ giao duyên”, nhưng soạn giả Viễn Châu là người nổi trội nhất. Nét độc đáo được thể hiện ở bút pháp và ca từ.

Những tình huống rất đơn giản ở đời thường, khi được Viễn Châu đưa vào tác phẩm, qua ngòi bút trau chuốt của ông, trở thành những ngôn từ văn chương bóng bẩy, hàm súc. Ông viết lời vọng cổ cho “Tân cổ giao duyên” luôn quyện chặt giữa nhạc tân và vọng cổ. Nói cách khác, những tác phẩm của soạn giả Viễn Châu không có lời tân nhạc một nơi, lời vọng cổ một nẻo, mà cả hai cùng hòa quyện vào nhau như một chỉnh thể thống nhất. Nội dung bài ca luôn bám sát trạng thái tâm lý của nhân vật, ngôn từ vừa mộc mạc, vừa trữ tình, lại vừa có tính triết lí nhân sinh sâu sắc.

Vọng cổ hài - Sáng tạo độc đáo

Những bài nhạc tài tử - cải lương Nam Bộ có ngôn từ vui tươi, khôi hài, dí dỏm đã xuất hiện từ những thập niên 1920 - 1930 của thế kỷ 20. Cụ thể là tác phẩm cổ nhạc của nghệ thuật đờn ca tài tử theo lối Ca ra bộ với tựa bài Bùi Kiệm thi rớt trở về, lấy từ cốt truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu là “Lục Vân Tiên”. Đầu thập niên 1930, Hãng đĩa Péka và đĩa hát Pathé của thầy Năm Tú có tuồng San Hậu. Nghệ sĩ hài Tư Xe trong vai Lôi Nhược, ca bài vọng cổ với giọng cà lăm (nói lắp), nhõng nhẽo rất có duyên, được cho là một trong những bài ca hài đầu tiên được ưa thích ở thập niên 1930.

Soạn giả Viễn Châu và nghệ sĩ Lệ Thủy.

Ngoài ra, các nghệ sĩ Tám Bằng, Hồng Châu, Hề Lập… cũng ca vọng cổ hài trong một số tuồng cải lương được các hãng đĩa ở Sài Gòn thời bấy giờ phổ biến. Năm 1956, Hề Minh nổi tiếng với các bài ca hài như: Pháp sư giải nghệ, Vợ tôi nhảy Mambô… trên sân khấu Hương Mùa Thu của ông bầu Thu An. Tuy nhiên, cho đến khi soạn giả Viễn Châu biên soạn những bài ca vọng cổ có tính chất hài hước thì mọi người mới thừa nhận: trong điệu nhạc “Vọng cổ nhịp 32”, không chỉ có những bài ca mùi mẫn với những chuyện tình lâm ly bi đát làm rơi lệ biết bao người, mà có khi cười ra nước mắt với những bản vọng cổ vui tươi, dí dỏm. Từ đó, nó được giới nghề và công chúng công nhận là “Vọng cổ hài”, một trường phái riêng biệt.

Những năm đầu của thập niên 1960, soạn giả Viễn Châu thường đến quán Lệ Liễu (do nữ danh ca Lệ Liễu làm chủ) ở Thị Nghè - Sài Gòn tham gia đờn ca. Lúc bấy giờ, ông đã được giới nhạc sỹ cổ nhạc phong tặng biệt danh “Đệ nhất thập lục huyền - Danh cầm Bảy Bá”. Tại đây, ông phát hiện nghệ sĩ Văn Hường sở hữu làn hơi, bộ nhịp, kỹ thuật luyến láy, cách phát âm, nhả chữ khá điêu luyện, rất phù hợp với vọng cổ hài. Vua sáng tác vọng cổ Viễn Châu nhã ý giới thiệu Văn Hường ký hợp đồng với hãng đĩa Asia của ông thầy Năm Mạnh.

Chỉ một đêm sau buổi đầu tri ngộ đó, ông viết xong bản vọng cổ “Đêm tân hôn” có nội dung diễn tả về sự hoan hỉ của đôi vợ chồng trẻ mới hợp hôn, với lời ca vui nhộn và đưa cho nghệ sĩ Văn Hường thể hiện. Soạn giả Viễn Châu chưa từng viết, danh ca Văn Hường cũng chưa từng ca vọng cổ hài, ấy vậy mà khi cả hai kết hợp lại rất thành công.Với giọng ca đặc biệt, cách xuống “hò” vọng cổ với chữ “ự, ự…” thay cho chữ “ơ, ơ…” không như các nghệ sĩ ca hài trước đây, Văn Hường được khán - thính giả nhiệt liệt hoan nghênh với sáng tác đầu tay của soạn giả Viễn Châu.

Bản vọng cổ hài “Đêm tân hôn” ra đời như pháo hiệu đầu tiên cho trường phái vọng cổ hài. Sau đó, soạn giả Viễn Châu và nghệ sĩ Văn Hường liên tiếp ghi dấu ấn vang dội ở lĩnh vực vọng cổ hài với một số bài ca như: “Tư Ếch đi Sài Gòn”; “Văn Hường đại chiến với Tư Ếch”; “Ba râu đi Chợ Lớn”; “Tôi đi làm rể”; “Tôi đi hớt tóc”; “Tôi làm thầy bói”; “Tư Ếch coi cải lương”; “Tư Ếch coi Hội chợ”; “Ông Địa núi Tà Lơn”; “Ông Trượng - Tiên Bửu”; “Năm con vơ”å; “Vợ tui tui sơ”å… mà cho đến nay vẫn được người mộ điệu nhắc đến.

Cũng nhờ sáng tác “Tân cổ giao duyên” và “Vọng cổ hài”, soạn giả, NSND Viễn Châu được báo giới và công chúng phong tặng cho biệt danh là “Vua vọng cổ” vì sở hữu trên dưới 2.000 bài ca vọng cổ đủ các thể loại.

Soạn giả Viễn Châu còn được ghi nhận là “người tạo danh cho nhiều nghệ sĩ”. Chỉ cần nghe nghệ sĩ cổ nhạc ngâm thơ hoặc nói lối ông đã biết làn hơi của họ thích hợp với loại bài bản nào và qua những sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ sau khi thể hiện được đông đảo công chúng yêu mến, chú ý nhiều hơn và mau chóng nổi danh.

Những nghệ sĩ may mắn được ông phát hiện và “đo ni đóng giày” có các danh ca như: NSND Út Trà Ôn với “Tình anh bán chiếu”; NSND Bạch Tuyết với “Hai sắc hoa Ti-gôn”; NSND Lệ Thủy với  “Chàng là ai?” và “Bạch Thu Hà”; Sầu nữ - NSƯT Út Bạch Lan với “Hoa lan trắng”; Nữ hoàng kiếm hiệp - NSƯT Mỹ Châu với bài “Hòn vọng phu”; Hoàng đế đĩa nhựa – nghệ sĩ Tấn Tài với “Mùa xuân của mẹ”; Đệ nhất đào võ - NSƯT Diệu Hiền với “Tần Quỳnh khóc bạn” và “Trụ Vương thiêu mình”; Nữ hoàng sân khấu - NSƯT Thanh Nga với “Nguyệt Kiều xuất gia” và “Hai lối mộng”... Bên cạnh đó, soạn giả Viễn Châu còn giúp cho Văn Hường, Hề Sa nổi tiếng ở đĩa hạt vọng cổ hài. Trong đó, Văn Hường được phong là “Vua vọng cổ hài” . Ông được người ái mộ đặt cho biệt danh “Tư Ếch”  nhờ thể hiện xuất sắc bài vọng cổ hài “Tư Ếch đi Sài Gòn” của soạn giả Viễn Châu.

Soạn giả Viễn Châu.

NSND Ngọc Giàu từng phát biểu trên báo: “Không có Viễn Châu sẽ không có Ngọc Giàu cũng như gần hết các tên tuổi nổi tiếng của sân khấu cải lương thời hoàng kim. Hồi mới 12-13 tuổi, ông đã viết cho tôi bài “Áo tình đắp mộ người yêu” để tôi thu đĩa và nổi tiếng từ đây. Nhiều nghệ sĩ khác thời còn con nít như tôi cũng được nổi tiếng nhờ những bài ca của chú Bảy Viễn Châu viết theo kiểu “đo ni đóng giày”…”

“Tân cổ giao duyên” và “Vọng cổ hài”, hai sáng tạo độc đáo của ông đã góp phần làm phong phú cho nhạc mục cải lương có thêm những điệu nhạc hấp dẫn. Những sáng tạo của soạn giả Viễn Châu tựa như những “kiệt tác” đích thực, chói sáng cho âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Đôi nét về một cây đại thụ

NSND – soạn giả Viễn Châu tên khai sinh là Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình nho học. Là con thứ sáu trong gia đình, nên ông thường được gọi là Bảy Bá.

Thuở nhỏ, cậu bé Huỳnh Trí Bá rất mê thích đờn ca. Sự hiểu biết về bài bản âm nhạc tài tử - cải lương là do ông học lỏm chương trình ca cổ nhạc ở các đĩa nhựa và đài phát thanh. Ngoài ra, ông học hỏi về kỹ năng đờn ca với các nghệ sĩ ở đoàn hát thời xưa như: Văn Võ hí ban, bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng… mỗi khi đến địa phương lưu diễn. Năm 15 tuổi, Bảy Bá được mến mộ bởi ngón đờn tranh điêu luyện. Đến năm 19 tuổi, ông đờn thành thạo các loại nhạc cụ khác như các cây đờn: violin, guitar phím lõm được mọi người hết lời ngợi khen.

Mê thích đờn ca, ông rời bỏ quê nhà lên Sài Gòn tìm đến các ban nhạc lừng danh để hòa đờn thỏa mãn niềm đam mê cổ nhạc. Nhờ khiếu đờn của mình, ông có mặt trong dàn nhạc với những bậc danh tài lúc bấy giờ như: Jean Tịnh (violin), Bảy Hàm (đàn cò), Hai Biểu (tranh), Chín Hòa (kìm)... Ban cổ nhạc này chuyên đệm đàn cho các danh ca: Năm Cần Thơ, Ngọc Nữ, Ba Vĩnh Long, Tư Bé…, những nghệ sĩ nổi tiếng của giới cổ nhạc miền Nam thời điểm đó. Cái tên Bảy Bá được ghi danh trong giới danh cầm cổ nhạc. 

Vào nghề, ông được nhạc sĩ Mười Còn giới thiệu vào đoàn đi lưu diễn khắp nơi. Nhưng chẳng được bao lâu thì anh ruột của ông là Huỳnh Thanh Tòng bắt ông về quê, không cho theo đoàn hát nữa.

 Sau khi cha mẹ mất, một lần nữa ông rời quê nhà bắt đầu cuộc phiêu lưu vào ca trường nhạc giới. Bảy Bá bắt đầu tập tành viết tuồng cải lương vào những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, với vở đầu tay có tựa đề “Nát cánh hoa rừng”, cảm tác từ chuyện đường rừng của nhà văn Khái Hưng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn với bút danh mới là Viễn Châu (Viễn: tức viễn xứ; Châu: chữ chót tên quê nhà Đôn Châu), với hàm ý mãi mãi nhớ về quê hương nguồn cội. Soạn phẩm này đã thành công trên sân khấu, mở đường cho những thành công liên tiếp sau đó của người con đất Trà Vinh trong sự nghiệp sáng tác cổ nhạc. 

Ông từng được tôn vinh là “Vua vọng cổ”, để lại dấu ấn khó phai trong đời sống văn hóa văn nghệ nước nhà gần một thế kỷ qua.

Phạm Thái Bình
.
.