Nhọc nhằn nghiệp rối

Thứ Năm, 17/04/2014, 09:20

Xác định dấn thân vào nghề, là xác định chấp nhận đặt mình vào muôn nỗi thiệt thòi. Cũng là diễn trên sân khấu… nhưng khoảnh khắc diễn viên được tỏa sáng dưới ánh đèn hào quang chỉ được tính bằng phút. Đó là lúc các diễn viên ra cúi chào khi vở diễn kết thúc. Thay vào đó là những ngày tháng triền miên lao động liên tục trong bóng tối, trong những góc khuất, trong làn nước giá lạnh, dưới đám khói mịt mờ. Vâng, đó là những nghệ sĩ múa rối!

Chỉ cần vén bức màn sân khấu lộng lẫy kia. Đằng sau những con rối sặc sỡ, lúc nào cũng tươi vui ấy, là những mảnh đời nghệ sĩ vẫn âm thầm vật lộn với muôn ngàn nỗi đắng cay, thua thiệt. Cái giá phải trả cho cái nghiệp lắm lúc đắt đỏ, chua xót biết mấy…

Họa sĩ Ngô Quỳnh Giao: Hạnh phúc kiệt cùng trong đau đớn

Họa sĩ - Đạo diễn - Biên kịch Ngô Quỳnh Giao, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương, người đã gắn bó 55 năm với nghiệp rối. Khi nói về rối, người đàn ông tuổi thất thập ấy ánh lên vẻ cương quyết, giọng nói trở nên hào sảng hơn, ông nói say sưa, liên tục. Dường như nghệ thuật rối đã trở thành một phần máu thịt trong ông, đến tận giờ, khi ông đã tạm lui về phía sau, không còn trực tiếp phụ trách công việc của nhà hát nữa. Nhưng những lo toan về nghề vẫn ngày đêm trăn trở trong ông, như một nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Họa sĩ Ngô Quỳnh Giao sinh năm 1942, là con trai của họa sĩ nổi tiếng Ngô Mạnh Quỳnh, một người đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho hội họa và tạo hình con rối. Ngay từ năm lên 5 tuổi, cậu bé Ngô Quỳnh Giao đã được người cha họa sĩ của mình cho mặc sức tiếp xúc với những nguyên liệu như sơn dầu, sơn ta (thứ sơn khá độc làm từ nhựa cây sơn từ Phú Thọ). Loại sơn này có thể gây dị ứng, lở loét hoặc phù nề cho người sử dụng, nhưng lại có chức năng giữ màu lâu, ngăn các loại mốc, mọt. Riết rồi cậu bé Quỳnh Giao dường như nghiện hẳn cái mùi hăng hăng ấy.

Họa sĩ Quỳnh Giao kể, thật ra, hồi còn thanh niên, ước mơ của ông là được đi bộ đội, trực tiếp tham gia kháng chiến bảo vệ đất nước với quyết tâm hừng hực: "Thứ nhất xanh cỏ, thứ nhì đỏ ngực!". Nhưng rồi bao háo hức hy vọng của tuổi trai tráng bị dập tắt vì "không đủ sức khỏe". Cực chẳng đã, chàng thư sinh buộc phải theo cái nghề đã ăn vào máu từ thời thơ ấu. Được sự ủng hộ của gia đình, anh khăn gói sang Tiệp Khắc để học về chuyên ngành tạo hình rối.

Trong những năm tháng học hành gian khổ, nỗi ám ảnh nhất của chàng sinh viên xa nhà gần nửa vòng trái đất là những kỳ thi chọn lọc. Thi một lần không đạt thì phải học lại. Học lại mà thi không qua thì lập tức nhận quyết định đuổi học. Nhờ sự cố gắng, lòng đam mê, cuối cùng Quỳnh Giao cũng vinh quang tốt nghiệp trở về.

Về Việt Nam, ông được bổ nhiệm về Nhà hát Múa rối Trung ương. Trong khuôn viên nhà hát, phòng làm việc của họa sĩ tạo hình nằm lọt thỏm ở một góc, xập xệ, ẩm mốc. Rêu trơn bám dọc lối đi. Trong căn phòng thảm hại ấy, họa sĩ Quỳnh Giao đã vắt kiệt sức mình tạo nên gần 4.000 con rối chỉ bằng phương pháp thủ công…

Sợ nhất là mùa mưa, nước từ ngoài đường lớn tràn vào ngập đến nửa bắp chân. Ông vội vã lo sơ tán mấy con rối lên chỗ khô ráo, còn mình, cứ đứng ngâm chân trong nước lạnh say mê sáng tạo, đục đẽo, sơn phết cho kịp tiến độ. Trong 6 tháng liền, trước khi ra mắt vở diễn "Anđecxen", ông làm việc cật lực 13 tiếng một ngày trong điều kiện như vậy.

Có lần mải làm việc quá, thấy lành lạnh ở chân, ông cứ mặc kệ. Một lúc thấy buồn buồn, ông mới cúi xuống nhìn. Một con rắn đã bò cuốn lên cổ chân ông lúc nào không biết! May không phải rắn độc. Kèm thêm nữa là chứng bệnh dị ứng chưa một lần xuất hiện lại tấn công ông đúng thời điểm công việc bề bộn nhất. Tự mãn rằng mình là người "suốt đời ăn ngủ với sơn", họa sĩ vẫn mải miết làm việc. Kết quả là sau một ngày nhúng xong bộ rối của vở "Anđecxen" vào thùng sơn ta 15 lít, cơ thể ông bị ngứa ngáy, lở loét hơn chục ngày mới lành.

Sau 6 tháng trời làm việc lao tâm khổ tứ, họa sĩ Quỳnh Giao lên một cơn đau tim nguy kịch. Ông đã đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, chỉ chậm chút nữa là không thể cứu vãn. Bác sĩ nói bệnh ông đến từ nhiều nguyên nhân: do lao lực, do áp lực công việc, rồi do khí lạnh chạy lên tim phổi... Sau cuộc phẫu thuật, ông được cấy một thiết bị thẳng vào tim nhằm hỗ trợ sự co bóp. Sau này, nhân viên nhà hát vẫn thân mật trêu ông là: "Ngài tim sắt".

Các diễn viên phải tập trung sử dụng toàn bộ cơ thể trong vở diễn.

Cái nghiệp ăn sâu vào máu ông đến độ ông không thể dứt nổi nó. Vẫn biết rằng bác sĩ khuyên không nên làm việc quá sức… nhưng ông không làm được điều đó. Có lần ông đã toan gác lại những công việc để tạm nghỉ ngơi một thời gian. Nhưng chỉ vài ngày không động vào cái đục, cái cọ vẽ, ông được nhìn ngắm nàng tiên cá, chú lính chì... là ông đã không chịu nổi. Vậy là ông lập tức chạy đến xưởng.

Mỗi con rối ra đời, lại rút đi của ông một phần lớn sức lực. Hệt như con tằm cần mẫn rút ruột tơ. Ông tâm sự: "Đối với tôi, nghề rối linh thiêng như một thứ tôn giáo. Mà tôn giáo thì phải có cái tâm để tin tưởng tôn thờ. Tôi có một lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ kế cận: Nếu ai đến với nghề rối để tìm kiếm phù hoa, để tìm kiếm mức thu nhập cao, để tìm kiếm sự nổi tiếng mà thiếu sự say mê, tình yêu nghề thì nên dừng lại. Nghệ thuật thì không thể dùng sự giả dối mà che đậy được, chúng ta là những nghệ sĩ điều khiển rối. Đừng để những con rối điều khiển lại chúng ta biến chúng ta thành những con người vô giác, vô tri…".

NSƯT Đặng Thu Dung - Trưởng đoàn múa rối "Con cua vàng": "Hào quang rất xa lạ với chúng tôi…"

Trong một chiều lâm thâm rét, chúng tôi gặp NSƯT Thu Dung khi cô đang loay hoay chỉ đạo cho đoàn diễn viên diễn tập một vở rối. Trời lạnh mà gương mặt cô vẫn lấm tấm mồ hôi. Vừa nói chuyện với chúng tôi, thi thoảng cô lại nhíu mày khi thoáng thấy một chi tiết các bạn diễn chưa ăn khớp với nhau. Cô kể rằng mình đã gắn bó với Nhà hát Múa rối Trung ương tính đến nay gần 30 năm với tư cách là diễn viên.

Ban đầu, Thu Dung đến với nghề rối như một sự trải nghiệm, tò mò. Cô có đủ thanh, sắc, tài năng để tỏa sáng ở những lĩnh vực khác, đặc biệt là môn múa, bộ môn cô đã theo đuổi và tập luyện từ khi còn nhỏ xíu. Vượt qua hơn 3.000 thí sinh với 3 vòng tuyển chọn khắt khe, Thu Dung trở thành sinh viên của Trường Sân khấu Điện ảnh.

Trong 4 năm học, cô hoa khôi này liên tiếp đứng đầu lớp. Thời buổi khó khăn, sinh viên lớp cô cứ rơi rụng dần, phần vì mất đam mê với ngành học, phần vì lo bươn chải mưu sinh. Cô đã lựa chọn và đến với nghề múa rối như một thứ định mệnh khó lý giải. Thu Dung cũng chẳng hiểu sao, mình cứ bị những con rối tưởng chừng như vô tri vô giác kia cuốn hút đến lạ. Có lẽ bởi vì cô là một người phụ nữ ham phiêu lưu, mạo hiểm… và nghề múa rối với muôn ngàn nỗi khó khăn là một ẩn số cô quyết chinh phục bằng được.

NSƯT Thu Dung có gương mặt trẻ hơn độ tuổi gần 50 của mình rất nhiều. Với nước da trắng, đôi mắt biết nói, chất giọng trầm ấm. Nhìn cô giống một diễn viên truyền hình hơn là một diễn viên múa rối.

Kể về những thiệt thòi trong nghề, cô chỉ cười: "Nếu là một diễn viên, một ca sĩ, một MC, vũ công… người ta có thể nhớ mặt đặt tên cho bạn. Nhưng, diễn viên múa rối như chúng tôi. Có thể cả đời đứng sau cánh gà, người hâm mộ chỉ biết đến những chú Tễu, con rồng, con phượng, Tôn Ngộ Không… nhưng mấy ai quan tâm đến người điều khiển đằng sau nó? Cũng là diễn viên sân khấu, nhưng chúng tôi thiên về bóng tối, về sự thầm lặng, hào quang là thứ rất xa lạ với chúng tôi…".

Thu Dung kể, khi xem một vở rối nước để có những cử động vờn đuổi bắt tưởng chừng như hết sức đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự nhịp nhàng của cả một êkíp sau cánh gà. Mỗi con rối có thể rất nặng, lên tới 12-15 kg, trong suốt vở diễn, các diễn viên cả nam cả nữ phải nâng đỡ, điều khiển liên tiếp làm sao cho thật ăn khớp và uyển chuyển. Chưa kể việc ngâm chân dưới làn nước lạnh, chỉ cách một lớp quần áo mỏng bảo hộ vẫn ngấm buốt vào cơ thể. Khó chịu nhất là cảm giác phần trên hoạt động liên tục cả tiếng đồng hồ đến nóng ran, vã mồ hôi như tắm, mà nửa dưới thì lạnh thấu xương.

Nhiều diễn viên hay bị mắc nhiều bệnh về xương, khớp, hô hấp là vì thế. Chưa kể vô số lần bị bỏng  do lúc tia lửa phun ra từ miệng rồng bắn vào mặt, vào tay. Trình diễn rối cạn cũng có những nhọc nhằn riêng, ví dụ trong một vở diễn kéo dài 45 phút, các diễn viên phải nằm trong tư thế nằm ngửa, hai chân xỏ con rối, hai tay cầm quạt để tạo sóng. Kết thúc buổi diễn, chân tay rã rời không nhấc nổi.

Nhiều vở diễn thì diễn viên trực tiếp cõng con rối khá nặng lên cổ, vừa hát, vừa múa, vừa phối hợp với bạn diễn, vô cùng mất sức. Thế nên, chuyện đau nhức xương khớp, những vết bỏng hay bầm tím chỉ là chuyện "vặt" đối với các diễn viên.

Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ và cũng "đáng sợ" nhất đối với cô là lần đoàn múa rối sang Pháp lưu diễn. Lúc đó, Pháp đang vào đông, nước dưới dòng sông Sein xuống còn vài độ, lạnh như nước đá. Những diễn viên của đoàn vừa diễn vừa rét run cầm cập, mặt mày tím tái, máu như đông cứng trong huyết quản, thở không ra hơi. Thế nhưng, diễn viên vẫn cố gắng hoàn thành vở diễn.

Khi vở diễn kết thúc, khán giả đồng loạt đứng dậy hoan hô, diễn viên run rẩy ra chào, vẫn cố gắng nở nụ cười thật tươi. Sau khi vào cánh gà thì tất cả đều ngã quị vì rét quá! Sau lần ấy, cả đoàn lần lượt lăn ra ốm. Cô bảo kỷ niệm "tắm trong hố băng" ấy là một trải nghiệm không thể nào quên…

NSƯT Thu Dung cười buồn tâm sự: "Nghĩ cũng buồn, cả một chương trình múa rối dài hơn 1 giờ, cần tới 15 diễn viên, nửa ôtô đạo cụ, nhưng chỉ thu về cho nhà hát 3 triệu đồng. Thật quá rẻ so với sức lao động nghệ thuật của các diễn viên! Vào những dịp như ngày Tết thiếu nhi, Trung thu, lễ khai giảng, nhà hát phục vụ gần như miễn phí… Vẫn biết rằng đã là nghệ thuật thì không nên đem ra cân đo đong đếm, nhưng khi nghĩ tới một buổi biểu diễn của ca sĩ trẻ thị trường, dẫu chưa nổi tiếng lắm cũng gấp ba bốn lần cátsê của chúng tôi. Tránh sao khỏi chạnh lòng đây?".

Câu hỏi không lời giải đáp, và nụ cười buồn của cô chiều hôm ấy, sao cứ mãi day dứt trong tâm trí tôi...

"Chẳng mong gì hơn là các nghệ sĩ sống được bằng nghề"

“Bản thân tôi luôn trăn trở tại sao nghệ thuật rối lại trở nên chìm nghỉm giữa các ngành nghệ thuật khác. Mà rõ ràng gần đây doanh thu của nhà hát đã cải thiện rất nhiều, một năm có 365 ngày thì cũng chừng ấy ngày rạp đỏ đèn, mỗi ngày diễn đến 5-6 vở. Thế nhưng tại sao lại không thể mở rộng đối tượng khán giả hơn nữa. Ngoài khách du lịch, trẻ em, hộ gia đình, chúng tôi còn muốn hướng tới một nhóm đối tượng nữa là giới thanh thiếu niên. Họ thông minh, họ tân tiến, họ được tiếp cận với nền văn minh hoàn thiện hơn thế hệ chúng tôi ngày xưa. Cái khó chính là làm thế nào để kéo họ đến rạp. Có lẽ trong những năm tới đây, chúng tôi sẽ phải tăng cường hoạt động quảng bá cho nhà hát nhiều hơn nữa.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch công diễn thể nghiệm một vài vở diễn tại nơi công cộng để thu hút khán giả. Trong tương lai, hy vọng cách nhìn về nghệ thuật múa rối nói chung, Nhà hát Múa rối Trung ương nói riêng sẽ tích cực hơn. Đó là điều nhà hát đang nỗ lực hướng tới. Bởi đơn giản một điều, khi khán giả có sự quan tâm nhất định với nghệ thuật múa rối, doanh thu tăng lên, chúng tôi mới có thể phần nào  bồi dưỡng cho các anh em một cách xứng đáng. “Có thực mới vực được đạo”.

Những người quản lý như chúng tôi, chẳng mong gì hơn là các nghệ sĩ sống được bằng nghề”.

(NSƯT - Đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương)

Huyền Vũ
.
.